...

Kinh tế toàn cầu biến động, doanh nghiệp cần lấy thị trường nội địa làm bệ đỡ

30 Tháng 10, 2019

Doanh nghiệp cần quan tâm đến các chương trình Chính phủ đang xây dựng để phát triển thị trường trong nước nhằm tạo sức chống đỡ tốt hơn trước những biến động kinh tế toàn cầu.

Cả nước cần quan tâm đến quá trình sàng lọc doanh nghiệp sắp tới, nếu không có chiến lược chuyên nghiệp và cách làm bài bản thì doanh nghiệp sẽ khó tồn tại.

Đó là khuyến cáo của TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), tại Chương trình Cafe doanh nhân HUBA lần thứ 40 với chủ đề "Dự báo kinh tế trong nước và quốc tế năm 2019 - doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?" diễn ra cuối tuần rồi do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) tổ chức.

Doanh nghiệp chủ động hơn

Theo TS. Trần Du Lịch, mặc dù kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với những vấn đề phức tạp như tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, chiến tranh tiền tệ... nhưng dự báo kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt, dù mức tăng có thể thấp hơn năm 2018. "Kinh tế thế giới có những biến động nhưng về tổng thể sẽ không có cú sốc lớn hay quá bất lợi để chúng ta phải lo lắng trong quá trình xây dựng kế hoạch", ông Trần Du Lịch chia sẻ.

Đối với Chính phủ, điều quan trọng nhất trong năm 2019 là tập trung giải quyết có hiệu quả những tồn tại lớn nhất của nền kinh tế về thể chế, năng suất, những điểm nghẽn đã được nêu ra và sẽ thực thi theo Nghị quyết 01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2019. Nghị quyết đưa ra 9 nhóm giải pháp chủ yếu với 42 nhóm giải pháp cụ thể, xác định theo phương châm hành động của năm 2019 là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.

1-TS-7706-1546924573.jpg

TS. Trần Du Lịch cho rằng, năm 2019 mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp qua việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Cơ hội lớn nhất khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương là tạo ra nền tảng và động lực quan trọng để cải cách thể chế trong nước phù hợp với tiến trình hội nhập và là tiền đề thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Ông khuyến cáo: "Doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến các chương trình Chính phủ đang xây dựng để thúc đẩy phát triển thị trường trong nước nhằm tạo nội lực chống đỡ tốt hơn trước những biến động của tình hình thế giới".

Theo TS. Trần Du Lịch, Nghị quyết 01 Chính phủ của khẳng định mục tiêu lớn nhất trong điều hành của Chính phủ là chuẩn bị cho khả năng chống đỡ của nền kinh tế dựa vào nền tảng tăng năng suất, giải quyết các điểm nghẽn. Đặc biệt sẽ xem lại toàn bộ thể chế để giải quyết điểm nghẽn về phát triển công nghiệp phụ trợ, ưu tiên trình Quốc hội về luật công tư đối tác để nới rộng đầu tư công, luật về công nghiệp hỗ trợ, cùng với đó là chính sách tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông khuyến cáo doanh nghiệp cần theo dõi Nghị quyết 01, các thay đổi đều được minh bạch trong phụ lục. Doanh nghiệp theo đó có kế hoạch thích ứng, dự liệu công việc trên cơ sở Chính phủ đưa ra theo từng thời điểm. Đây là điểm cải cách rất mới về chính sách điều hành của Chính phủ để doanh nghiệp hoạch định chiến lược kinh doanh mà không bị động.

2019 là năm bứt phá

Về thể chế, năm 2019 Chính phủ đề ra thông điệp: kỷ cương - liêm chính - hành động - sáng tạo - bứt phá - hiệu quả. Theo đó tập trung tháo gỡ những vướng mắc để bứt phá và giải phóng nguồn lực cho tăng trưởng, dựa trên 3 yếu tố cốt lõi:

1. Tư duy thị trường hơn, Nhà nước tạo điều kiện cho thị trường thực thi.

2. Thay đổi nội dung quản lý nhà nước làm cơ sở cải cách hành chính, tổ chức lại bộ máy hành chính công.

3. Tháo gỡ các điểm nghẽn lớn về đầu tư công, mở rộng hội nhập thị trường quốc tế, huy động nguồn lực tư nhân, tháo điểm nghẽn về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

Về chính sách vĩ mô, năm 2019 thông điệp của Chính phủ là ổn định tỷ giá để ổn định lạm phát và lãi suất. Năm 2018, đồng Việt Nam mất giá khoảng 2,5%, năm 2019 giải pháp cân nhắc giữa khả năng chấp nhận đồng Việt Nam lên giá so với một số đồng tiền chủ chốt khác hay phải điều chỉnh linh hoạt theo thị trường sẽ tạo áp lực lớn lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI), trong khi chỉ số lạm phát được Quốc hội thông qua mức khống chế dưới 4%. Năm 2018, lạm phát cơ bản 1,8%, năm 2019 là cố gắng duy trì dưới 2% cũng là một chỉ số thách thức cho việc điều hành.

TS. Trần Du Lịch cho rằng, tình hình thế giới thay đổi liên tục, nhưng dự báo chung kinh tế Mỹ và Trung Quốc đều giảm so với năm 2018, khiến tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm mạnh hơn. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung phức tạp, đây lại là 2 thị trường lớn của Việt Nam, nhưng tác động không lớn đến Việt Nam do quy mô xuất khẩu của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu còn quá nhỏ.

Ông phân tích thêm, tại Việt Nam sau khi chịu bong bóng bất động sản 2007 với tăng trưởng tín dụng 53% đổ vào bất động sản thì hậu quả để lại rất lớn và nợ xấu kéo dài. Năm 2019 ưu tiên của Chính phủ là không để bong bóng đầu cơ, không kỳ vọng để đầu tư nước ngoài vào đẩy giá lên tạo nguồn lợi làm bất ổn thị trường. Đây là điểm lưu ý kể từ sau khủng hoảng năm 2007.

Năm 2018, đầu tư công sụt giảm đã ảnh hưởng đến nền kinh tế, dự báo năm 2019 khả năng tăng giải ngân cho các dự án đầu tư công trong tất cả các ngành và sẽ lan tỏa đến 2020. Chính phủ cũng tập trung xử lý hiệu quả hơn quá trình cổ phần hóa và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, giải quyết những vướng mắc và kiểm soát quy trình thoái vốn chặt chẽ hơn nhằm tiếp tục quá trình sàng lọc để doanh nghiệp mạnh lên. "Năm 2019 Chính phủ không chủ trương tăng trưởng bằng mọi giá, mà nhắm đến mục tiêu tăng trưởng bền vững để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình khi dân số Việt Nam đang già hóa rất nhanh", theo TS. Trần Du Lịch.

Theo Hoàng Duy Báo Doanh Nhân Saigon Online đăng ngày 8/1/2019

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI