...

Hổ Việt Nam Đón vốn FDI 2.0

29 Tháng 10, 2019

“Hổ Việt Nam” Đón vốn FDI 2.0

Trở thành nền kinh tế tăng trưởng cao nhất châu Á giúp Việt Nam tiếp tục đón dòng vốn FDI rất lớn.

"Con hổ" mới ở châu Á

Báo cáo của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cho thấy với vai trò là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Việt Nam đang tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài, qua đó trở thành "con hổ" mới trong các nền kinh tế châu Á.

Dấu ấn của một số nhà đầu tư lớn đã xuất hiện trong các dự án đầu tư theo xu thế đón đầu dòng vốn FDI mới vào Việt Nam. Chẳng hạn, liên doanh giữa Tập đoàn Warburg Pincus và Tổng Công ty Becamex IDC được ra mắt với pháp nhân là Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Công nghiệp BW (BWID).

Là một trong những quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất toàn cầu, Warburg Pincus đã thấy trước tiềm năng lớn về nhu cầu cơ sở hạ tầng công nghiệp và hậu cần tại Việt Nam. Công ty liên doanh BW Industrial, có vốn đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu USD, dự kiến sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các kho vận hậu cần hiện đại, cũng như các nhà máy xây sẵn và xây theo yêu cầu.

Trong tình hình hiện tại phải chịu thuế cao từ Hoa Kỳ, Trung Quốc không còn là điểm đến cho nguồn cung ứng giá rẻ. Mức tiền lương ở Trung Quốc đang tăng với tốc độ cao nhất ở châu Á. Báo cáo gần đây về môi trường kinh doanh Việt Nam của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) cho thấy Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Có tới 36% các công ty Mỹ được khảo sát cho biết họ muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, so với Thái Lan là 21% và Malaysia là 19%.

Theo báo cáo của JLL Việt Nam, một công ty tư vấn bất động sản uy tín, vào quý 4/2018 tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp ở miền Nam là 72% bao gồm cả nguồn cung mới. Trong khi đó, các nhà máy xây sẵn đạt tỉ lệ lấp đầy lên tới 88%. Sự chuyển dịch của các nhà máy sản xuất đang rời khỏi Trung Quốc đến các quốc gia thay thế là hiện tượng rõ nét trong thời gian gần đây. Điều này được châm ngòi bởi chiến tranh thương mại Mỹ Trung diễn ra trước đó và vẫn có những diễn biến phức tạp cho đến thời điểm hiện tại, cũng như đã mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích với lượng nhu cầu tăng cao về nhà xưởng xây sẵn đáp ứng các tiêu chuẩn kĩ thuật cao.

Theo ông Michael Chan – Giám đốc Tiếp thị truyền thông & Dịch vụ khách hàng của Công ty BW Industrial: "Xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đang mang lại nhiều cơ hội cho các nhà phát triển bất động sản công nghiệp như chúng tôi. BW Industrial hiện có 200 ha dự án trên cả nước trong năm 2018 và sẽ mở rộng thêm 130 ha quỹ đất vào năm 2019 để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng từ khách hàng."

Dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong số 42 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư mới tại Việt Nam trong quý 1 năm 2019, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 723,2 triệu USD, chiếm 18, 9%. Chế biến và sản xuất là những ngành thu hút vốn FDI lớn nhất. Những nỗ lực của chính phủ Việt Nam đang dần thành hiện thực khi vốn FDI được giải ngân chạm mốc 19,1 tỷ USD vào năm ngoái. Trong khi đó, tổng khối lượng vốn cam kết, bao gồm cả vốn bổ sung, cổ phiếu và góp vốn, đã đạt mức kỷ lục 35,46 tỷ USD.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý I/2019, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký với hơn 10 tỷ USD so với cùng kỳ trong vòng 3 năm trở lại đây.

Bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại TP.HCM, cho biết, thuế nhập khẩu đặc biệt của Hoa Kỳ đối với hàng nhập khẩu trị giá 250 tỉ USD từ Trung Quốc cũng sẽ hỗ trợ dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, khi các công ty chuyển nguồn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất của châu Á trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, theo như Viện Nghiên cứu Mizuho ước tính hiệu ứng này sẽ giúp cho GDP của Việt Nam tăng 0,5 điểm %.

Trong khi đó, ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam), trọng tài viên tại VIAC, cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt hơn 7% trong năm 2018 - cao nhất trong hơn một thập kỷ. Một phần không nhỏ là nhờ vào các cải cách của Chính phủ để biến Việt Nam thành một môi trường cởi mở, cạnh tranh và thân thiện với doanh nghiệp hơn cho thương mại và đầu tư quốc tế.

“Hổ Việt Nam” Đón vốn FDI 2.0 - Ảnh 1.

Đón đầu xu hướng FDI, Tổng Công ty Becamex IDC và Tập đoàn Warburg Pincus (Hoa Kỳ) - Quỹ đầu tư hàng đầu thế giới đã thành lập Công ty Liên doanh BW Industrial – một trong những nhà cung ứng bất động sản công nghiệp cho thuê và kho vận hậu cần hàng đầu Việt Nam.

Hạ tầng cho dòng vốn FDI 2.0

Thu hút đầu tư của Việt Nam thời gian qua dựa chủ yếu vào lợi thế nguồn lao động giá rẻ và những ưu đãi đầu tư lớn. Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Lào, Campuchia cho biết trong bối cảnh mới, lợi thế về chi phí trong thu hút FDI sẽ dần bị mất đi nên Việt Nam cần có cơ chế thu hút FDI "thế hệ mới", với kỹ năng lao động, quản trị tốt hơn, mức lương tốt hơn, tiêu chuẩn chất lượng cao hơn.

Chuyên gia kinh tế Eugenia Victorino của Ngân hàng ANZ nhận định Chính phủ Việt Nam hiểu rằng việc có chi phí nhân công thấp là chưa đủ để cạnh tranh thu hút nguồn vốn nước ngoài. Việt Nam cần có một cơ sở hạ tầng tốt để các công ty có thể đặt nhà máy của họ tại đây và đây là lý do rất nhiều khoản đầu tư vào sân bay, đường xá được thực hiện trên toàn quốc.

Việt Nam đang sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, nhằm xây dựng định hướng chiến lược mới về thu hút FDI, thích ứng với diễn biến của dòng đầu tư trên thế giới. "Để duy trì mức tăng trưởng cao, Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực để trở thành một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư và kinh doanh thông qua việc hợp lý hóa môi trường pháp lý và tăng tính minh bạch cho các doanh nghiệp hoạt động tại đây, cho phép công nghệ phát triển và tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng", bà Amanda Rasmussen nhấn mạnh.

Samsung, LG và một số tập đoàn lớn khác của Nhật và Hàn Quốc đang tạo nên nhu cầu thuê lớn tại phía Bắc. Lực lượng lao động đồng bộ và sự thuận lợi tiếp cận các nhà cung ứng đã tạo ra nền tảng vững chắc cho hoạt động sản xuất tại khu vực. Trong khi đó, tranh chấp thương mại Mỹ-Trung cũng khuyến khích doanh nghiệp từ Đài Loan và Trung Quốc, phần lớn là SMEs, chuyển hoạt động sản xuất sang các khu công nghiệp phía Nam. 

Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI với nhiều lợi thế lớn, bao gồm vị trí chiến lược tại khu vực châu Á và đường biên giới đất liền với Trung Quốc - thuận lợi cho lưu thông đường bộ. Các khu công nghiệp được kết nối chặt chẽ với nhau khi các hệ thống đường lớn, đường cao tốc được đẩy mạnh đầu tư trong thời gian qua.

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI