...

Tiếp sức doanh nghiệp: giảm tiền thuê đất hữu hiệu hơn giảm thuế GTGT

11 Tháng 5, 2020

Theo ý kiến chuyên gia, nếu giảm 50% thuế giá trị gia tăng thì doanh nghiệp có lợi nhưng ngân sách nhà nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: TTXVN.

- Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng việc phải đóng 10% thuế giá trị gia tăng (GTGT) dù được giãn, hoãn nhưng cuối năm vẫn phải nộp vẫn sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.  Vì vậy, Ban IV và các Hiệp hội doanh nghiệp đã tiến hành kiến nghị, mong muốn có thể giảm thuế suất GTGT từ 10% xuống 5% để kích cầu hoạt động của các ngành nghề trong và sau dịch. Bà nhận định như thế nào về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Giảm thuế là yêu cầu đương nhiên của doanh nghiệp khi gặp khó khăn để tạo thuận lợi cho mình. Tuy nhiên khi giảm thuế, chúng ta cần nhìn về hai góc độ: doanh nghiệp và ngân sách nhà nước.

Nếu như doanh nghiệp chỉ có cân đối thu chi trong chính doanh nghiệp của mình, thì Nhà nước càng phải đảm bảo việc cân đối thu chi cho “ngôi nhà lớn” của Việt Nam (thị trường Việt Nam).

Đặc biệt, tại thời điểm này, Nhà nước càng phải gồng gánh nhiều khoản chi hơn, trong đó có khoản chi lớn, đột xuất là chi cho Covid-19, bao gồm chi phòng chống, điều trị dịch bệnh: phục vụ công tác cách ly, mua sắm trang thiết bị y tế trong nước; chi trả trực tiếp bằng tiền cho người lao động khó khăn, mất việc làm vì dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Nhà nước còn thực hiện gói hỗ trợ trang thiết bị y tế cho bạn bè quốc tế…

Thực tế thì Nhà nước đang chịu “lỗ” vì các khoản chi rất lớn trong khi các khoản thu lại thụt giảm. Việc tung ra gói gia hạn thuế, tiền thuê đất hỗ trợ cho doanh nghiệp với quy mô khoảng 180 nghìn tỷ đồng, khiến Nhà nước thiếu hụt nguồn thu tại thời điểm gian hạn tương ứng số tiền trên.

Thêm vào đó, trong giai đoạn này, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đình trệ do dịch bênh, giảm doanh thu, thậm chí không tạo ra doanh thu, không có lợi nhuận lại càng khiến gánh nặng tăng thêm cho doanh nghiệp và cũng cho Ngân sách nhà nước (ngân sách nhà nước không có nguồn thu).

Vì vậy, để cân đối gói giải pháp về thuế, chúng ta cần cân nhắc, xem xét kỹ lợi ích giữa hai bên. Rõ ràng, với tình hình hiện tại cũng như các động thái trong thời gian qua, Nhà nước đang đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên, chấp nhận chịu khó khăn về phần mình để doanh nghiệp thuận lợi hơn.

Niên khóa tài chính 2020, Quốc hội đã thông qua: trong đó có tổng số thu, chi và tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, hiện nay Quốc hội chưa điều chỉnh tài khóa năm nay. Trong giai trước, khi nền kinh tế nước nhà gặp khó khăn, Quốc hội, Chính phủ cũng đã có những gói giải pháp kích cầu, thúc đẩy sản xuất kinh doanh…

Như giảm 50% thuế GTGT đối với hoạt động xây dựng cơ bản, một số sản phẩm thiết yếu gặp khó khăn khác trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên khi giảm xuống thì dễ, nhưng khôi phục lại thuế suất cũ để đảm bảo sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo thu chi thì cũng gặp khó khăn  về tính liên hoàn của thuế GTGT…

Về giảm thuế GTGT, theo quan điểm của tôi, nếu giảm từ 10% xuống 5% thì về nguyên tắc giá bán hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm theo tương ứng, giúp chi phí đầu vào của doanh nghiệp được giảm, người tiêu dùng cũng được giảm.

Tuy nhiên như phân tích ở trên chúng ta cần cân nhắc cả khó khăn của Nhà nước. Thuế GTGT của chúng ta hiện đang áp dụng  thuế suất 5% và 10 %, trong lúc Trung Quốc, gần ta nhất là 13 % và 17%. So với thế giới thì thuế  suất GTGT của Việt Nam ở mức trung bình thấp.

Nếu giảm thuế GTGT 50% thì doanh nghiệp có lợi nhưng Ngân sách nhà nước sẽ gặp khó khăn hơn. Khi Ngân sách nhà nước gặp khó khăn thì doanh nghiệp, nguời dân cùng chung tay gánh vác: minh chứng là ủng hộ của doanh nghiệp, nhân dân hỗ trợ Chính phủ về chi phí chống dịch Covid hiện nay.

Và nộp thuế cũng là biện pháp đôi bên chung tay cùng gánh vác. Tuy nhiên nếu trong trường hợp doanh nghiệp quá khó khăn, thì các cơ quan chức năng sẽ xem xét trình lên trình lên Chính phủ, để Chính phủ trình lên Quốc hội xem xét đưa ra các giải pháp phù hợp.

- Cùng với yêu cầu về giảm thuế GTGT, việc giảm 50% tiền thuê đất trong thời hạn 9 tháng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch (khách sạn, nghỉ dưỡng…) cũng là một trong các kiến nghị được đưa ra. Vậy đề xuất này có phù hợp không, thưa bà?

Tiền thuê đất hiện nay cơ cấu cũng rất lớn nhưng khác với tiền thuế GTGT, do tiền thuế GTGT nằm trong giá bán sản phẩm, người mua chịu thuế, còn tiền thuê đất sẽ tính trực tiếp vào chi phí của doanh nghiệp. Nếu tiền thuê đất cao thì giá thành sẽ cao.

Theo tôi, giảm 50% tiền thuê đất sẽ thể hợp lý và có lợi hơn giảm về thuế GTGT.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi một số nội dung liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp để khuyến khích doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ phát triển.

Theo đó, các đối tượng này được đề xuất giảm thuế suất từ 20% xuống 15-17%, giảm khoảng 5% so với các doanh nghiệp bình thường khác. Thêm nữa, đối với các doanh nghiệp chuyển đổi từ Hộ kinh doanh cá nhân sang Doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp này sẽ được xem xét miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vài năm.

Tôi nghĩ những biện pháp đó rất tốt để hỗ trợ và chung tay với doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chung tay, góp sức với Nhà nước để vượt qua giai đoạn thách thức này.

Cảm ơn bà.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 09/05/2020

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI