...

Một vụ lừa đảo liên quan đến Vận đơn chủ (Master Bill of Lading - MBL)

29 Tháng 5, 2020

Vận đơn chủ thể hiện mối quan hệ về việc nhận hàng, trả hàng giữa người vận chuyển thực tế (actual carier) - thường là hãng tàu (main line) - với những người giao nhận ở cảng nhận hàng và cảng trả hàng đứng tên trên vận đơn chủ là người giao hàng (shipper) và người nhận hàng (consignee) hoặc đứng tên trên vận đơn vận tải đa phương thức là người gửi hàng (consignor) và người nhận hàng trong trường hợp khá phổ biến khi hãng tàu là người kinh doanh vận tải đa phương thức để kết hợp với vận đơn thứ cấp (House Bill of Lading - HBL) thực hiện hợp đồng vận chuyển hàng hóa với chủ hàng. Vì vậy, mức độ tin cậy giữa những người giao nhận là rất quan trọng, quyết định thành công của dịch vụ giao nhận, vận chuyển.

Dưới đây là một vụ lừa đảo liên quan đến vận đơn chủ xảy ra gần đây, làm cho người giao nhận tại cảng trả hàng bị thiệt hại khá lớn để bạn đọc tham khảo.    

Tóm tắt sự việc

Một công ty giao nhận của Việt Nam (gọi tắt là "DN") thực hiện một lô hàng chỉ định, sử dụng một đại lý tại Trung Quốc (gọi tắt là "AS") để thu xếp vận chuyển hàng hóa đóng trong container từ cảng Xingang (Trung Quốc) về cảng Cát Lái (Tp Hồ Chí Minh). Đại lý này là hội viên thuộc hiêp hội "Freight Net". Hợp đồng đại lý giữa DN và AS nêu rõ tại điều khoản thanh toán rằng giá dịch vụ vận chuyển (cước vận chuyển) sẽ được trả chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày tàu rời cảng Xingang. Như vậy có nghĩa là DN có quyền trả cước vận chuyển trong vòng 30 ngày kể từ ngày tàu khởi hành từ cảng bốc hàng (loading) mà không bị coi là vi phạm hợp đồng. Mọi việc được tiến hành trôi chảy kể từ khi hai bên bắt đầu liên hệ với nhau cho đến khi tàu rời cảng bốc hàng ngày 10/3/2018 và tiếp tục không xảy ra vấn đề gì ngay cả đến tận khi tàu cập cảng Cát Lái ngày 20/3/2018. Nhưng thật bất ngờ, vào ngày 22/3/2018, AS tuyên bố rút lại điều khoản thỏa thuận cho thanh toán trong 30 ngày, thực chất là đã đơn phương vi phạm hợp đồng. Họ giữ bộ MBL gốc trong tay và yêu cầu DN thanh toán mới thả hàng. DN hiểu rằng, họ vi phạm thỏa thuận 30 ngày và yêu cầu thanh toán cước vận chuyển ngay. Do đó, ngày 23/3/2018, DN thanh toán cho AS tiền cước vận chuyển và AS xác nhận đã có số tiền này trong tài khoản của họ ngày 28/3/2018. 

Tuy vậy, sau khi nhận đủ tiền cước vận chuyển, họ cũng không làm thủ tục để thả hàng như thỏa thuận ban đầu mà vẫn tiếp tục giữ bộ MBL gốc và yêu cầu DN thanh toán  số tiền 7.700 USD với lý do DN thanh toán tiền cước chậm nên tiền phạt là 550 USD/ngày (tổng cộng 14 ngày = 7,700 USD). DN đã kiểm tra với hãng tàu và được biết rằng hãng tàu không thu khoản tiền phạt nào mà AS đã bịa đặt ra việc này, tự ý thu mà không thông báo từ ban đầu cho DN để lưu ý.  Ngày 2/4/2018, DN nhờ người bên Trung Quốc đến địa chỉ của AS nêu trong hợp đồng để gặp, thương lượng thì phát hiện không có doanh nghiệp nào là AS có trụ sở tại địa chỉ này. DN điện thoại cho AS nhưng không ai nghe máy. Họ chỉ sử dụng email, skype, tin nhắn qua điện thoại để giao dịch.   Vì số tiền quá lớn so với tiền cước vận chuyển, nên DN đã cố gắng thương lượng và sau rất nhiều lần thuyết phục, AS đồng ý giảm xuống còn 3.700 USD (ban đầu là 7.700 USD). Cuối cùng, DN buộc phải thanh toán tiền cho AS để lấy MBL gốc, trả  hàng cho khách hàng. 

Vì container hàng nằm lâu tại cảng (gần 1 tháng), dẫn đến phí lưu container và lưu bãi phát sinh hơn 1.000 USD. Không còn cách nào khác, DN cũng phải trả số tiền này để lấy hàng giao cho chủ hàng.

Thủ đoạn lừa đảo 

AS dùng "chiêu trò" muôn thuở là chào giá dịch vụ vận chuyển thấp hơn giá thị trường và cho thời hạn thanh toán dài, thậm chí là vượt xa thời gian tàu đến cảng trả hàng dù mới có quan hệ đối tác lần đầu mà không sợ mất tiền cước để tạo niềm tin. AS bịa đặt rằng hãng tàu đòi tiền phạt do chậm thanh toán tiền cước và giữ MBL để ép DN phải trả cái gọi là "tiền phạt" mới giao MBL hoặc làm thủ tục để DN có thể nhận hàng mà không cần có bản gốc MBL (nộp MBL cho đại lý của hãng tàu tại Xingang).  

Phòng tránh hoặc hạn chế bị lừa đảo  

Ý định lừa đảo có thể hình thành trước hoặc trong quá trình giao dịch dựa vào tình huống cụ thể, ví dụ như khi thấy đối tác tỏ ra thận trọng, kiểm tra kỹ mọi việc, kẻ xấu thường từ bỏ ý đồ, hoặc nếu đối tác tỏ ra quá dễ dãi, chúng sẽ “giở trò” ngay. Thực tế cho thấy, không thể hoàn toàn loại bỏ lừa đảo vì sự "thoái hóa, biến chất" có thể xảy ra ngay cả khi chúng ta đã rất cẩn thận nhưng tỷ lệ bị lừa là rất thấp. Vì vậy, môt số biện pháp dưới đây có thể hạn chế đến mức tối đa hành vi lừa đảo:    

  1. Nên thận trọng hơn với doanh nghiệp đối tác mới giao dịch lần đầu. Có thể kiểm tra nhanh qua bạn hàng cùng hiệp hội ngành nghề. Nên chủ động gửi đăng ký kinh doanh (bản mềm, có màu) của mình trước cho đối tác để có cơ sở đề nghị họ gửi đăng ký kinh doanh và coi đây là việc bình thường khi giao dịch để qua đó biết được thông tin của doanh nghiệp. Ngoài ra, có thể tìm hiểu đối tác qua sự giúp đỡ của đại sứ quán, thương vụ Việt Nam ở nước sở tại.
  1. Hãy cảnh giác khi thấy giá rẻ với điều kiện thanh toán ưu đãi vì việc này rất hiếm khi xảy với giao dịch lần đầu mà không ẩn chứa ý định gì.   
  1. Nên điện thoại để biết cụ thể tên người, số điện thoại bàn, số di động; sử dụng địa chỉ email của công ty (có thể kết hợp với địa chỉ thư điện tử công cộng) để dễ dàng hơn khi xác định người, công ty sau này vì họ phải đăng ký dịch vụ điện thoại, thư điện tử riêng (không phải công cộng) ở nước sở tại.  Nên đưa vào hợp đồng tên người liên hệ, số fax, địa chỉ email của công ty khi giao dịch chính thức.

Sau khi bị lừa đảo, nên thông báo cho bạn hàng, hiệp hội mà mình tham gia để phòng trách chung (có thể không nêu tên công ty bị lừa); gửi thông tin cho hiệp hội mà kẻ lừa đảo là hội viên để tố cáo; bảo lưu quyền đòi bồi thường với những tài liệu, chứng cứ đã có./.  

Theo Ngô Khắc Lễ | Trọng tài viên VIAC

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI