...

Khung pháp lý cho việc số hóa hoạt động tư pháp

27 Tháng 5, 2020

Xu thế chung trên thế giới

Không phải đến Covid-19, chuyển đổi số mới được “khai phá”. Vấn đề chuyển đổi số từ lâu đã được tiếp cận và thử nghiệm, tuy nhiên, chỉ đến khi đại dịch bùng phát, khi yếu tố “buộc thay đổi hoặc đổ vỡ” được đặt ra, tiến trình chuyển đổi số mới được đẩy nhanh và đa dạng hóa hơn.

Để thực sự hiệu quả, chuyển đổi số nên được thực hiện đồng loạt, tuy nhiên, với tính chất đặc thù, việc chuyển đổi số trong ngành luật gặp không ít khó khăn.

Đánh giá về việc hoàn thiện cơ chế trực tuyến trong hoạt động tố tụng, Luật sư Châu Huy Quang, Luật sư thành viên Rajah&Tann LCT Lawyers, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay và tương lai, nhu cầu “số hóa” mô hình tố tụng khó tránh khỏi tại Việt Nam.

Nhìn từ kinh nghiệm thế giới, nhiều quốc gia đã tiến hành áp dụng chuyển đổi số trong quy trình tố tụng. Tại Mỹ, cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến (Online Dispute Resolution - ODR) được triển khai trong việc giải quyết các tranh chấp đơn giản như vi phạm giao thông, các vụ kiện nhỏ, và các tranh chấp liên quan đến án hôn nhân gia đình. Cơ chế này cho phép các đương sự tiến hành nộp đơn và giải quyết tranh chấp trực tuyến toàn diện.

Tòa án Pháp sử dụng hệ thống E-Barreau, các bên liên quan có thể truy cập dữ liệu liên quan đến quá trình tố tụng xử lý các vụ kiện. Hội nghị truyền hình (video conferencing) đã được ứng dụng trong một số vụ việc hình sự, giúp giảm thiểu chi phí, nhân lực, hạn chế rủi ro trong quá trình di lý các bị can.

Phương thức này cũng được sử dụng phổ biến hơn trong các phiên giải quyết tranh chấp đầu tư, thương mại xuyên biên giới, thuận tiện khi phải tiến hành các phiên chất vấn nhân chứng, chuyên gia (expert and witness hearings) ở các quốc gia thành viên khác nhau trong khối Liên minh châu Âu.

Tại Đức, việc nộp đơn kiện có thể thực hiện qua hệ thống chính quyền điện tử của chính phủ, hộp thư điện tử bảo mật của tòa án hoặc thông qua bản fax.

Tòa án Singapore cũng cho phép các đương sự, luật sư của họ có quyền nộp hồ sơ đơn kiện qua hệ thống online, thông qua tài khoản đăng ký được cấp riêng cho các luật sư của các hãng luật hoạt động trong nước. Tòa án xem xét đơn kiện, án phí nộp online và phản hồi thông qua tài khoản điện tử này.

Đối với cá nhân, việc nộp đơn kiện và cập nhật theo dõi quá trình tố tụng sẽ được thực hiện thông qua tài khoản được chính phủ cấp cho công dân Singapore.

Bên cạnh tòa án, nhiều trung tâm trọng tài cũng đã ban hành bộ quy chế về thụ lý và giải quyết tranh chấp online để quá trình tố tụng trọng tài được nhanh chóng và chính xác hơn.

Tháng 4 vừa qua, Phòng Thương mại quốc tế (ICC) cũng ban hành hướng dẫn xử lý các vấn đề đối với trọng tài quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, trong đó đưa ra hướng dẫn cho trọng tài viên cũng như các bên đương sự về cách thức xử lý các tình huống phát sinh (bao gồm việc xem xét ưu tiên các vấn đề cần xét xử trước, điều chỉnh quy trình xem xét thẩm định chứng cứ trực tiếp, đưa ra các biểu mẫu thỏa thuận về xét xử online), và tạo điều kiện để thực hiện tố tụng qua các hình thức trực tuyến, tránh việc phân xử bị gián đoạn.

Khung pháp lý về “chuyển đổi số” trong quá trình tố tụng tại Việt Nam

Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã chỉ ra có cơ chế cho phép đương sự được thực hiện nộp đơn khởi kiện trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của tòa án. Điều 191 cũng quy định cách thức tiếp nhận, xử lý đơn và phản hồi kết quả xử lý cho người nộp đơn thông qua cổng thông tin điện tử.

Tuy nhiên đến nay, ngoài việc chấp thuận thụ lý đơn khởi kiện nộp qua bưu tín có bảo đảm, việc nộp đơn khởi kiện trực tuyến vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi trong hệ thống cơ quan tư pháp xét xử của Việt Nam.

Việc tống đạt văn bản tố tụng, triệu tập qua phương tiện điện tử cũng chưa được tòa án các cấp áp dụng, chấp nhận ngay cả khi có yêu cầu từ đương sự. Hiện việc nộp đơn trực tuyến được thực hiện tại trang web của Tòa án Nhân dân Tối cao (https://nopdonkhoikien.toaan.gov.vn/), và người nộp đơn phải có chữ ký điện tử, một hình thức giao dịch điện tử vẫn chưa được phổ biến trong ngành tư pháp.

Hiện việc nộp đơn trực tuyến được thực hiện tại trang web của Tòa án Nhân dân Tối cao (https://nopdonkhoikien.toaan.gov.vn/).

Trên thực tế, trong vài năm trở lại đây, một số tòa án và thẩm phán khi xử lý vụ việc, ngoài thực hiện thủ tục tống đạt trực tiếp hay qua bưu điện, cũng tiến hành gửi các văn bản tố tụng qua thư điện tử theo yêu cầu của đương sự, để đẩy nhanh quá trình giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, đây chỉ là cách xử lý linh hoạt, bổ sung cho từng vụ việc cụ thể, chưa chính thức cũng như chưa được thừa nhận, ứng dụng rộng rãi trong quá trình tố tụng tòa án hay trọng tài. Đa phần trong xuyên suốt quy trình tố tụng gồm thụ lý đơn kiện, hòa giải, chuẩn bị xét xử và xét xử, sự hiện diện của đương sự hay người ủy quyền hợp pháp luôn là yếu tố bắt buộc.

Cần đẩy nhanh quá trình “số hóa” của ngành luật

Để giảm tải áp lực trong quá trình xét xử, tạo điều kiện cho việc giải quyết vụ án được thuận tiện hơn, Việt Nam có thể áp dụng mô hình “tố tụng điện tử” tương tự Singapore hoặc Đức.

Theo đó các tổ chức hành nghề luật sư được cấp tài khoản trực tuyến để có thể nộp đơn kiện và theo dõi tình trạng xử lý vụ kiện. Việc áp dụng xét xử, làm việc trực tuyến cũng có thể góp phần giảm thời gian giải quyết vụ việc khi cung cấp cho đương sự và luật sư nhiều cách thức tham gia quá trình tố tụng mà không buộc phải luôn hiện diện theo triệu tập của tòa án như hiện nay.

Đối với việc nộp đơn trực tuyến, tòa án cũng có thể xem xét áp dụng cấp tài khoản thông qua bảo mật theo đầu số điện thoại, thay vì chỉ áp dụng hình thức chữ ký số công cộng. Điều này sẽ giúp cơ chế trực tuyến tiếp cận với nhiều người dùng hơn phương thức sử dụng chữ ký số như hiện nay.

Tương tự, các trung tâm trọng tài cũng có thể tự đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động phân xử trực tuyến, trong bối cảnh mà yêu cầu hạn chế tối thiểu việc hội họp trực tiếp, hay di chuyển nhiều như hiện nay.

Việc tổ chức các phiên họp và xét xử trực tuyến đối với ngành tòa án hay trọng tài cần chú trọng xây dựng cơ sở vật chất phù hợp. Cụ thể, hệ thống camera, thu phát sóng và đường truyền Internet ổn định. Ngoài ra, cũng cần có hệ thống phần mềm đặc thù của tòa án nói riêng và hoạt động tư pháp nói chung để đảm bảo việc bảo mật thông tin và tránh gián đoạn. Ngoài ra cũng cần có quy định cụ thể về cơ sở vật chất tối thiểu của các đương sự có yêu cầu tham gia xét xử online.

 

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 27/05/2020

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI