...

Thị trường chứng khoán: Sẽ có thêm luồng gió mới từ các sản phẩm mới

29 Tháng 10, 2019

Theo kế hoạch dự kiến, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (HĐTL TPCP) và chứng quyền có bảo đảm (CW- Covered Warrants) sẽ sớm được đưa vào giao dịch chính thức trong thời gian cuối quý II/2019 hoặc đầu quý III/2019.

Kỳ vọng các sản phẩm mới trên TTCK sẽ được NĐT đón nhận tích cực.
 
Kỳ vọng các sản phẩm mới trên TTCK sẽ được NĐT đón nhận tích cực. Ảnh: D.M

Đây là các sản phẩm mới, được kỳ vọng sẽ tạo ra “luồng gió mới” cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong thời gian tới. Để làm rõ hơn về các sản phẩm mới này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với TS. Tạ Thanh Bình - Trọng tài viên VIAC, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

PV: Thưa bà, theo kế hoạch dự kiến, hai sản phẩm mới đang được thị trường đón đợi là HĐTL TPCP và CW sẽ triển khai trong quý II này. Bà có thể cho biết cụ thể hơn về kế hoạch triển khai hai sản phẩm này?

 TS. Tạ Thanh Bình

 TS. Tạ Thanh Bình

TS. Tạ Thanh Bình: Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm trên TTCK luôn là một trong những mục tiêu quan trọng trong nhóm giải pháp nhằm phát triển TTCK Việt Nam. Đối với hai sản phẩm HĐTL TPCP và CW, UBCKNN và các sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) đã có thời gian chuẩn bị tương đối dài và đến nay đã cơ bản được hoàn tất. Dự kiến sẽ sớm đưa 2 sản phẩm này vào giao dịch chính thức trong thời gian cuối quý II/2019 hoặc đầu quý III/2019.

Cụ thể, CW được kỳ vọng sẽ tạo động lực và điểm nhấn cho sự phát triển của thị trường cơ sở. Đến nay, công tác chuẩn bị cho triển khai sản phẩm CW đã hoàn tất. Hiện đã có 7 công ty chứng khoán (CTCK) đăng ký chào bán CW và cũng đã hoàn tất việc xây dựng hệ thống, kiểm thử thành công. UBCKNN, SGDCK và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cũng đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các chương trình đào tạo. Dự kiến trong giai đoạn đầu sẽ triển khai sản phẩm chứng quyền mua kiểu châu Âu, dựa trên cổ phiếu và được thanh toán bằng tiền.

Đối với HĐTL TPCP, tại thời điểm ra mắt TTCK phái sinh (TTCKPS) vào thời điểm tháng 8/2017, UBCKNN đã báo cáo Bộ Tài chính và trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch triển khai cả hai sản phẩm là: HĐTL VN30 và HĐTL TPCP kỳ hạn 5 năm. Tuy nhiên, HĐTL VN30 được lựa chọn triển khai trước, còn HĐTL TPCP sẽ được triển khai sau một thời gian nhất định. Do đó, về mặt khung pháp lý và hệ thống công nghệ cho giao dịch sản phẩm này đã sẵn sàng.

PV: Việc ra đời sản phẩm mới luôn được thị trường trông đợi. Bà nhận định thế nào về sự đón nhận của thị trường và nhà đầu tư đối với hai sản phẩm này?

TS. Tạ Thanh Bình: Trước tiên phải khẳng định rằng, kế hoạch triển khai hai sản phẩm mới này xuất phát từ chính nhu cầu có thực của các nhà đầu tư (NĐT). Đối với TTCK cơ sở, đến nay đã hình thành và phát triển được gần 20 năm, số lượng sản phẩm còn đơn giản (cổ phiếu, TPCP và chứng chỉ quỹ) nên việc ra đời sản phẩm CW được kỳ vọng đem lại một “luồng gió mới” cho TTCK và sẽ được NĐT đón nhận tích cực. Đây là một sản phẩm hỗ trợ NĐT phòng ngừa rủi ro biến động trên thị trường cổ phiếu, có tác dụng ổn định và hạn chế sự biến động trên TTCK.

Ngoài ra, CW còn góp phần thu hút NĐT nước ngoài khi khối ngoại không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu, giá trị đầu tư thấp và hiệu suất quay vòng vốn nhanh… Thực tế, CW được phát triển mạnh mẽ và thu hút được sự quan tâm lớn của NĐT tại các TTCK khu vực như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan… Đối với Việt Nam, tôi tin tưởng sản phẩm CW ra đời là phù hợp với nhu cầu thị trường và được đón nhận.    

Đối với TTCKPS dù mới vận hành được gần 2 năm nhưng có bước phát triển khá nhanh và tích cực. Tuy nhiên, TTCKPS hiện mới chỉ có một sản phẩm nên nhu cầu có thêm các sản phẩm mới như HĐTL TPCP là cấp thiết. Đối với Việt Nam, việc ra đời HĐTL TPCP đem đến một công cụ quan trọng để phòng vệ rủi ro biến động lãi suất dài hạn khi đầu tư  vào TPCP. Do đó, cá nhân tôi cũng lạc quan về sự đón nhận của thị trường dành cho sản phẩm này.

PV: Một số ý kiến bày tỏ sự lo ngại trong khâu giám sát khi các sản phẩm mới ra đời. Đâu là giải pháp để hoạt động quản lý giám sát hiệu quả, nhằm đảm bảo sản phẩm mới được triển khai thành công?

TS. Tạ Thanh Bình: Để đảm bảo công tác quản lý giám sát cũng như đảm bảo an toàn, trật tự của thị trường khi triển khai một sản phẩm mới, về phía cơ quan quản lý trước tiên cần rà soát và đánh giá hệ thống khung pháp lý hiện có cho phép việc triển khai các sản phẩm mới này hay không. Điều này đồng nghĩa với việc xem xét hệ thống pháp lý đã có các quy định về quản lý giám sát hay chưa, cũng như đã có các phương án và chế tài xử lý khi các đối tượng không tuân thủ quy định. Trên cơ sở đó, việc xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho vận hành một sản phẩm mới là yếu tố quan trọng được thực hiện đầu tiên.

Cùng với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, UBCKNN sẽ phối hợp với SGDCK, VSD kiểm tra và đánh giá năng lực hệ thống công nghệ cả về mặt vận hành giao dịch, thanh toán, lẫn khả năng giám sát, quản lý các hoạt động của NĐT, CTCK.

Đối với sản phẩm là HĐTL TPCP và CW, quyết định đưa vào giao dịch các sản phẩm được đưa ra trên cơ sở đã chuẩn bị xong các điều kiện cần thiết như: quy định pháp lý hoàn chỉnh; hệ thống công nghệ đã sẵn sàng; NĐT được trang bị kiến thức và những hiểu biết cần thiết… Như đã trình bày ở trên, công tác chuẩn bị cho triển khai các sản phẩm trên đã hoàn thiện, bao gồm cả giải pháp về quản lý và giám sát sản phẩm, đảm bảo việc vận hành an toàn, minh bạch.

PV: Ngoài hai sản phẩm này, trong thời gian tới, UBCKNN có kế hoạch gì trong việc phát triển thêm các sản phẩm hoặc nghiệp vụ mới để tăng tính hấp dẫn cho thị trường hay không, thưa bà?

TS. Tạ Thanh Bình: UBCKNN đã xây dựng lộ trình triển khai các sản phẩm trên TTCK cho giai đoạn 2019 – 2025 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các sản phẩm mới trong lộ trình được xây dựng cho cả 3 khu vực thị trường là: cổ phiếu; trái phiếu và phái sinh, trên nguyên tắc từ đơn giản đến phức tạp, từ đáp ứng nhu cầu phổ thông đến phục vụ những nhu cầu đầu tư chuyên biệt.

Trong thời gian tới, đối với thị trường cổ phiếu, sau khi sản phẩm chứng quyền mua có bảo đảm được ra mắt, sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai thêm các sản phẩm chứng quyền bán trên các tài sản khác nhau như chứng chỉ ETF, cổ phiếu…; nghiên cứu triển khai chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDRs); chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR); các loại chứng chỉ quỹ mới…. Đối với thị trường phái sinh, tiếp tục giới thiệu các sản phẩm HĐTL trên chỉ số mới; hợp đồng quyền chọn chỉ số; HĐTL, hợp đồng quyền chọn trên cổ phiếu đơn lẻ… Thị trường trái phiếu sẽ tập trung cho phát triển trái phiếu doanh nghiệp nhằm đảm bảo sự phát triển cân đối và hoàn chỉnh cấu trúc thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn tốt hơn.

PV: Xin cảm ơn bà!

Theo Duy Thái/ Thời báo Tài chính Việt Nam/ 27-04-2019.

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI