...

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nhận định về vấn đề khôi phục kinh tế sau đại dịch

24 Tháng 4, 2020

 

Ông đánh giá như thế nào về chính sách tài khóa, tiền tệ mà Nhà nước đang áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm Covid-19 này?

Chính sách tài khóa mà Chính phủ đưa ra nhằm mục đích miễn giảm thuế, phí, đặc biệt là giãn thời gian nộp thuế cho các doanh nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng trong thời điểm này, bởi doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực lớn về tài chính. Đối với nhân dân - thành phần yếu thế hơn, thu nhập thấp, mất việc thì hiện nay Chính phủ đang cho áp dụng gói chính sách 62.000 tỷ, bên cạnh đó, Chính phủ cũng tạo điều kiện để thực hiện hoạt động của các tổ chức nhằm giảm khó khăn cho người dân trong vấn đề việc làm, lương bổng.

Nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn đặt dấu chấm hỏi lớn về các gói hỗ trợ cũng như cách thức phân bổ các gói hỗ trợ này. Một số doanh nghiệp bày tỏ nhiều ngân hàng từ chối không cho doanh nghiệp vay vì lý do doanh nghiệp hiện nay không có khả năng chi trả, rủi ro cao. Liệu có phải doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định mới được hưởng gói hỗ trợ từ Chính phủ, thưa ông?

Như chúng ta thấy, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực đang chịu ảnh hưởng bởi bệnh dịch trong đó có thể kể đến những ngành chịu tác động lớn nhất như ngành du lịch, hàng không, vận tải, ăn uống, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến chuỗi phân phối, chuỗi sản xuất. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị tác động nhiều hơn cả.

Rõ ràng, những gói giải pháp của Chính phủ không thể đáp ứng tất cả nhu cầu cầu, tất cả khó khăn của doanh nghiệp; nhưng tôi cho rằng sự hỗ trợ phải đi đôi với sự vươn lên của doanh nghiệp, như vậy mới có thể trụ lại, giảm tối đa các đổ vỡ có thể phát sinh sau dịch. Doanh nghiệp nếu biết tận dụng hỗ trợ tự Nhà nước kết hợp với sự vận động tự thân sẽ sớm phục hồi, hoặc sau khi lệnh cách ly được giãn ra, nới lỏng sự phát triển sẽ dần trở lại.

Đối với các thắc mắc của doanh nghiệp về lý do ngân hàng từ chối, cần hiểu rằng, chủ trương Chính phủ là chung, nhưng việc thực thi là của từng ngân hàng thương mại nên không tránh khỏi những hiện tượng trên, vì rõ ràng, cuối cùng, trách nhiệm về các khoản nợ là ngân hàng gánh chịu, thành ra những trường hợp này có thể có các trục trặc. Mặt khác, trên tổng thể, tôi muốn nhấn mạnh là hoạt động tín dụng gồm cho vay, tăng nợ, giảm nợ, đấy là chủ trương xuyên suốt, do đó, còn quá sớm để cho là chính sách này là tác dụng hay không tác dụng với doanh nghiệp.

Với một số điểm sáng trong quá trình khắc phục các thiệt hại từ dịch bệnh, chúng ta có thể dự đoán một cách tích cực về tốc độ khôi phục của các ngành nghề sau dịch không, thưa ông?

Trước hết, để nói việc sau dịch chúng ta có thể khôi phục ở mức độ nào thì còn quá sớm. Nước ta hiện nay có thể giải quyết vấn đề dịch bệnh ở mức độ cơ bản, sớm và kịp thời; nhưng một số nước trên thế giới việc khắc phục này còn chậm và các tín hiệu cho thấy tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt hơn cũng chưa thật sự rõ ràng. Trong khi đó nền kinh tế hiện thời là nền kinh tế toàn cầu hóa, giao thương mở rộng, hội nhập mạnh mẽ, sự không tương đồng trong quá trình khống chế ảnh hưởng của dịch bệnh của các quốc gia sẽ khiến việc dự đoán mức độ phục hồi kinh tế không chuẩn xác. Chính bởi vậy, theo tôi, còn quá sớm để chúng ta có thể đưa ra nhận định về mức độ phục hồi hay đánh giá ngành nào phục hồi tốt hơn ngành nào.

Vậy theo ông doanh nghiệp hiện nay có nên lập chiến lược phục hồi hoạt động kinh doanh sau dịch chưa?

Tôi cho rằng, điểm chính yếu hiện nay là tìm cách, lên chiến lược làm sao đó để các doanh nghiệp vẫn có thể duy trì hoạt động, bảo toàn việc kinh doanh một cách tạm thời; họ cần trụ lại được, tồn tại được trong mùa dịch để có thể tái phát triển sau khi hết dịch.

Chúng ta có thể hình dung nôm na hoạt động doanh nghiệp hiện tại như cái cây, vì tác động xấu của “tiết trời” (dịch Covid-19) nên không thể phát triển được, nhưng nó vẫn còn rễ, do đó, khi mưa xuống vẫn còn phát triển được. Việc chúng ta cấp tín dụng, đưa ra các chính sách tài khóa là việc chúng ta giữ lại bộ rễ, khi mưa xuống (bệnh dịch qua đi), nó có thể phát triển lại được.

Còn đối với những ngành phát triển sớm, tôi cho rằng tất cả các ngành đều nằm trong một chuỗi giá trị, tham gia chuỗi giá trị đó có nhiều ngành nghề; giống như ngành du lịch, bản thân ngành du lịch không chỉ là dịch vụ lưu trú, vận chuyển, mà là tổng hợp nhiều dịch vụ khác. Ngành xuất khẩu cũng như vậy, ngành xuất khẩu là sự tổng hợp của nhiều ngành khác, liên quan mật thiết đến thị trường. Các ngành này không thể phát triển cùng lúc sau mùa dịch, tuy nhiên tùy vào công đoạn, nếu các doanh nghiệp xử lý và đầu tư được thì các khâu đó sẽ phát triển nhiều hơn.

Như Chính phủ có đề cập, khi bệnh dịch chấm dứt thì những ức chế trong quá trình sản xuất lưu thông không còn nữa. Lúc này, kinh tế sẽ bật lên như lò xo. Thời điểm này, mỗi doanh nghiệp đều đang tính toán, dự định chiến lược để làm sao khi bật dậy họ là người bật tốt nhất, cao nhất so với các doanh nghiệp khác.

Theo Câu chuyện kinh doanh HTV9 ngày 24/04/2020

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI