...

DIỄN ĐÀN "NÂNG CAO NĂNG LỰC TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG LIÊN MINH CHÂU ÂU QUA HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM - EU"

23 Tháng 12, 2019

Diễn đàn với các nội dung về kinh tế vĩ mô và rủi ro pháp lý đã thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, cùng với hơn 50 đơn vị báo chí truyền thông đến ghi hình, đưa tin sự kiện.

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, ông Vũ Xuân Phong - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đã mở ra một kỷ nguyên mới cho việc hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU trong thời gian tới. Là Hiệp định thương mại tự do có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất, EVFTA đặt ra những ưu đãi vô cùng thuận lợi về thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, mở ra một cánh cửa thông thoáng, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất nhập khẩu trên hai thị trường Việt Nam - châu Âu. Tuy vậy, được biết đến như một thị trường đầy “quy củ” với những quy định chặt chẽ về chất lượng sản phẩm, EU cũng đặt ra với Việt Nam không ít những nguyên tắc, yêu cầu doanh nghiệp Việt phải chuẩn bị thật kỹ về năng lực để có thể thâm nhập sâu hơn.

Mở đầu Diễn đàn, ông Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng CIEM, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), với những nghiên cứu nhiều năm trong lĩnh vực Kinh tế, đã chỉ ra những thành tựu đạt được đến nay và mục tiêu đầy thách thức đến năm 2030 mà Việt Nam cần thực hiện. Nhằm giúp doanh nghiệp nắm rõ các thông tin về lợi ích doanh nghiệp nhận được khi Hiệp định này có hiệu lực, ông đưa ra các số liệu cụ thể về dòng FDI vào Việt Nam có xu hướng tăng lên cùng với đó là những tác động tích cực đối với phân khúc về xuất nhập khẩu. Chuyên gia nhấn mạnh, Hiệp định thương mại tự do EVFTA là một trong những bước tiến nổi trội của Việt Nam; những ưu thế mà Hiệp định này mang lại chỉ đứng sau TPP, chính bởi vậy, việc tận dụng tốt Hiệp định chắc chắn sẽ mang đến cho doanh nghiệp Việt nhiều cơ hội vàng. Bên cạnh đó, từ góc độ thị trường, ông Võ Trí Thành cũng đưa ra nhiều bài học cho doanh nghiệp, định hướng Việt Nam phải tăng cường mở rộng xuất nhập khẩu ở các sản phẩm khác, không nên chỉ tập trung ở những mặt hàng đã quá cũ.

Bổ sung thêm thông tin, về phía Cơ quan nhà nước, bà Nguyễn Thảo Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ Bộ Công thương cụ thể hóa những nội dung chính Hiệp định EVFTA, khái quát chung về thị trường EU bao gồm quy mô, đặc điểm văn hóa, tình hình kinh tế, chính trị,… Đồng thời, bà nêu bật sự khác biệt giữa hàng hóa Việt Nam và EU, cung cấp thông tin cụ thể về các ngành hàng tạo lợi nhuận lớn khi xuất khẩu sang thị trường EU. Để doanh nghiệp có thể quảng bá thương hiệu Việt Nam ra thế giới thì công cụ mạng điện tử cũng vô cùng quan trọng, bà Thảo Hiền đã giới thiệu các kênh phân phối hàng hóa phổ biến hiện nay và các tiếp cận các kênh này một cách hiệu quả.

Đại diện cho góc nhìn của doanh nghiệp, Hiệp hội, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cũng mang đến Diễn đàn những chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn khi tiếp cận thị trường EU. Ông Hòe đánh giá cao về tác dụng của Hiệp định thương mại tự do EVFTA cùng nhiều ưu điểm mà doanh nghiệp nhận được khi tiếp cận với Hiệp định. Đồng thời, với tinh thần trao đổi trực tiếp giữa Doanh nghiệp và Cơ quan nhà nước, ông Hòe đã đưa ra nhiều kiến nghị mang tính đổi mới về cơ chế hỗ trợ của Cơ quan nhà nước với doanh nghiệp trong việc áp dụng Hiệp định, từ đó, đảm bảo hoạt động thuận lợi hóa thương mại diễn ra hiệu quả, chất lượng hơn.

Tiếp nối phiên một, phiên hai mở đầu với phần trình bày của LS. Đặng Ngọc Hương – Luật sư thành viên Công ty Luật DS Avocats về những rủi ro pháp lý trong quá trình giao thương tại thị trường châu Âu của doanh nghiệp. Với những kinh nghiệm thực tiễn tại thị trường và tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, diễn giả đã đưa ra một số lưu ý nổi bật đối với quy tắc xuất xứ cũng như vấn đề về xác định trị giá hải quan. Diễn giả nhấn mạnh, đa phần các rủi ro pháp lý phát sinh khi doanh nghiệp Việt bắt tay với đối tác thị trường châu Âu đều xuất phát từ việc chưa tuân thủ quy tắc, nguồn gốc hàng hóa, hoặc chưa nắm rõ cách tính toán về trị giá. Hiện nay, khung pháp luật Việt nam đã có sự phát triển hơn về các nguyên tắc này, tuy vậy, doanh nghiệp vẫn phải chú ý quy định từ Hiệp định để tránh nhầm lẫn và áp dụng hiệu quả.

Bổ sung phần trình bày về rủi ro pháp lý, ông Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã mang đến thực tiễn các tranh chấp phát sinh từ hoạt động đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do EVFTA và lưu ý cho doanh nghiệp. Đánh giá từ Hiệp định EVFTA có thể thấy, hỏa giải và trọng tài thương mại là các phương thức được khuyến khích sử dụng nhằm giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp của các quốc gia trong Hiệp định. Ứng chiếu với thực tế tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Luật sư cho biết, hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước lựa chọn trọng tài, hòa giải để giải quyết tranh chấp trên cơ sở các đặc tính ưu việt vốn có, trong đó có nhiều doanh nghiệp tại thị trường Châu Âu. Như vậy, để có thể phòng tránh rủi ro cũng như giải quyết các mâu thuẫn được nhanh chóng, đảm bảo, doanh nghiêp cần chú ý đến việc xây dựng điều khoản về giải quyết tranh chấp ngay từ khi bước vào bàn đàm phán; tránh để điều khoản này trở thành “điều khoản nửa đêm” khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi gặp phải mâu thuẫn.

Bước vào phần Tọa đàm “Cách thức giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận thị trường EU” với sự điều phối của ông Phạm Bình An – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế (CIIS) và nhiều câu hỏi từ phía doanh nghiệp đã mang lại những hiệu quả nhất định. Từ đó xác định vai trò, nhiệm vụ cụ thể của cơ quan Nhà nước, Hiệp hội/ Tổ chức hỗ trợ và Doanh nghiệp  trong thực thi Hiệp định EVFTA.

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI