...

Tọa đàm cùng Hiệp hội: NHÌN NHẬN THÁCH THỨC VÀ ĐỊNH HƯỚNG HỖ TRỢ

31 Tháng 12, 2019

Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết với việc mở ra bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế đầy biến động thì các Doanh nghiệp Việt đang đứng trước những cơ hội ngàn vàng, nhất là khi Hiệp định EVFTA chuẩn bị có hiệu lực. Tuy nhiên bên cạnh đó là những thách thức không nhỏ đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam còn non trẻ, buộc các Doanh nghiệp phải tự thay đổi, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô để vươn mình ra biển lớn. Và chính các Hiệp hội phải là chỗ dựa, là cầu nối giúp các Doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn. Điều này đòi hỏi các Hiệp hội phải chủ động hơn, đặc biệt là trong công tác phối hợp với các tổ chức chuyên môn, cơ quan Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động triển khai.

Tiếp nối là phần trình bày của ông Trần Hữu Hậu - Uỷ viên thường trực Hội đồng Hòa giải và Hội đồng thông tin Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) và ông Võ Hùng Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) với góc nhìn thực tiễn từ phía các Doanh nghiệp là Hội viên Hiệp hội cũng như từ những số liệu cụ thể được thống kê từ báo cáo Hiệp hội, ông đã làm rõ thực trạng hoạt động của các Hội viên trong thời gian qua và chỉ ra những điểm nổi bật cũng như các hạn chế còn tồn đọng. Có thể thấy, trong quá trình kinh doanh, Hội viên Hiệp hội gặp phải không ít các khó khăn không chỉ trong vấn đề sản xuất, phân phối mà quan trọng hơn là trong vấn đề về chính sách, pháp lý. Chính bởi vậy, để có thể khắc phục các điểm yếu này, tạo nền tảng tốt cho sự hội nhập sâu rộng trong tương lai, việc phối hợp với các tổ chức chuyên môn như Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) là rất cần thiết để đưa ra các cơ chế phối hợp mang tính hiệu quả, kịp thời, góp phần nâng cao hoạt động của các Hiệp hội trong tương lai.

Cụ thể hóa vai trò của đơn vị phối hợp, ông Trần Ngọc Liêm - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (VCCI) đã có phần trình bày ngắn nhận diện các thách thức và thúc đẩy sự phát triển của Hiệp hội. Với góc nhìn từ cơ quan mang sứ mệnh là kênh kết nối giữa các Doanh nghiệp trên địa bàn với Cơ quan nhà nước, ông đã nêu ra những thuận lợi cùng khó khăn, khúc mắc còn tồn đọng của VCCI trong việc Hỗ trợ tối đa nhất các Doanh nghiệp nói riêng và các Hiệp hội nói chung. Đặt trong bối cảnh nền kinh tế đang có sự chuyển mình đáng kể, ông tin rằng VCCI sẽ là đơn vị cùng đồng hành, lắng nghe và phối hợp với Hiệp hội giải quyết các vấn đề từ phía Hội viên, đồng thời đưa ra các phương án, định hướng phù hợp, lâu dài.

Tiếp sau đó, ông Trần Thoang - Phó Giám đốc Dự án TFP về phối hợp triển khai thuận lợi hóa thương mại cũng đã có phần cung cấp thông tin về Dự án cũng như những bước đi cụ thể trong thời gian tới dành cho các Hiệp hội. Với mục tiêu đảm bảo sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, sự phối kết hợp giữa các cơ quan cấp trung ương, địa phương với các Hiệp hội, Dự án sẽ được tiến hành với nhiều hình thức khác nhau dựa trên nhu cầu thiết yếu của Hiệp hội và đề xuất từ phía các cơ quan đồng phối hợp. Có thể nói, sự hợp tác trong Dự án sẽ là bước tiến đầy tiềm năng trong quá trình nâng cao năng lực Hội viên và đảm bảo quá trình phát triển lớn mạnh của Hiệp hội.

Sau cùng, với góc tiếp cận về vấn đề pháp lý, quản trị rủi ro trong hoạt động của Hiệp hội, LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) có phần tham luận về những kết nối cả VIAC với Hiệp hội và những định hướng tiếp theo về cơ chế phối hợp giữa VCCI, VIAC và các Hiệp hội. Với vai trò là tổ chức chuyên môn chính về pháp lý và giải quyết tranh chấp, VIAC đã có sự đồng hành với rất nhiều Hiệp hội từ hình thức diện rộng là diễn đàn mở đến các lớp tập huấn đào tạo. Ông đưa ra con số cụ thể về tình hình sử dụng đội ngũ chuyên trách pháp luật trong khối các Hiệp hội đạt tỷ lệ chưa cao, chỉ khoảng 35%. Chính vì vậy, khi gặp vấn đề thì 45% Hiệp hội tự “mày mò” tìm hiểu, 25% tham vấn ý kiến của luật sư và phần còn lại xin hỗ trợ từ cơ quan nhà nước. Với hiện trạng trên, luật sư đưa ra những định hướng, phương pháp cho cơ chế phối hợp trong tường lại nhằm góp phần hỗ trợ tốt nhất cho Hiệp hội, Hội viên trong quá trình xử lý các vấn đề pháp lý và giải quyết tranh chấp trong quá trình kinh doanh.

Tiếp nối phần tham luận của các Báo cáo viên là Lễ kí Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (VCCI); Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS)Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA). Việc kí kết này sẽ góp phần kết nối, thúc đẩy các hoạt động của Hiệp hội trở nên có hiệu quả hơn thông qua sự hợp tác chặt chẽ từ phía VCCI và VIAC. Các bên đều tin tưởng rằng Biên bản thỏa thuận này sẽ mở ra một chương mới cho sự hợp tác lâu dài và có hiệu quả trong những năm tiếp theo.

Trên cơ sở khái quát thông tin từ các diễn giả, buổi thảo luận trực tiếp tại Tọa đàm được tiến hành với sự trao đổi cởi mở, thiện chí từ phía Hiệp hội cũng như những giải đáp, chia sẻ từ phía các đại biểu như: TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế Chính phủ; Ông Trương Trọng Nghĩa - Đại biểu Quốc hội, TTV Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); ông Trần Ngọc Liêm - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (VCCI). Thông qua việc chia sẻ những khó khăn gặp phải trong quá trình làm việc với Hội viên, đại diện các Hiệp hội không chỉ cung cấp nhiều thông tin bổ ích, mà còn học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các Hiệp hội khác. Từ đó, các đơn vị đưa ra được nhiều ý kiến đóng góp cho cơ chế phối hợp trong thời gian sau này, chi tiết hóa hơn vai trò của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) ở từng giai đoạn triển khai cụ thể.

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI