...

Tọa đàm Đầu tư và Thương mại quốc tế trong thế giới đầy biến động: Doanh nghiệp cần làm gì?

19 Tháng 6, 2023

Chiều ngày 08/05/2023, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam – VAW 2023, tổ chức Tọa đàm Đầu tư và Thương mại Quốc tế trong thế giới đầy bến động – Doanh nghiệp cần làm gì?

Các diễn giả tại hội thảo

Tọa đàm này nằm trong chuỗi sự kiện Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2023 (VAW 2023) được khởi xướng tổ chức bởi VIAC lần đầu tiên vào năm 2020 và dự kiến sẽ trở thành sự kiện thường niên kết nối cộng đồng những người hành nghề trọng tài và hòa giải tại Việt Nam và quốc tế. Đây là sự kiện được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Câu lạc bộ luật sư Thương mại Quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 8/5/2023 đến hết ngày 12/05/2023 với gần 20 sự kiện hướng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Tọa đàm diễn ra với sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, các Luật sư đến từ các công ty/văn phòng luật sư lớn, các trọng tài viên, hòa giải viên cũng như các cơ quan truyền thông.
 
Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu tại Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định giai đoạn hiện tại là thời điểm đầy thách thức với nền kinh tế của Việt Nam và trên thế giới, sau gần ba năm chống chọi với đại dịch Covid-19. Nhìn lại thời gian qua, chứng kiến một loạt các doanh nghiệp lớn, doanh nhân vướng vào vòng lao lý, có thể thấy đó là hậu quả của một giai đoạn phát triển quá nhanh, quá nóng của nền kinh tế.

Vũ Tiến Lộc cũng chia sẻ thêm, tại nhiều nước trên thế giới, các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế như trọng tài, hòa giải thương mại đang ngày càng được ưa chuộng và ưu tiên lựa chọn khi phát sinh các tranh chấp kinh doanh thương mại. Tại VIAC, trong suốt ba mươi năm hoạt động của mình cũng đã đồng hành cùng các Hiệp hội doanh nghiệp để cung cấp thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên nâng cao năng lực pháp lý, tăng cường kỹ năng phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hiệu quả.

Lộc cũng đồng thời khẳng định vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng. “Bên cạnh chức năng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh, các Hiệp hội cần đẩy mạnh hơn nữa đầu mối để tập hợp những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, tham gia vào việc tư vấn chính sách, pháp luật và hỗ trợ giải quyết các tranh chấp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp, hội viên v.v.”.

VIAC ký kết thỏa thuận hợp tác với 19 Hiệp hội doanh nghiệp

Cũng trong khuôn khổ chương trình, VIAC đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với 19 Hiệp hội Doanh nghiệp tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, sự tham gia đông đảo các Hiệp hội cũng chính là thể hiện việc cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc hỗ trợ nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa rủi ro và hướng tới phát triển vững chắc trong tương lai. Nhiều Hiệp hội cũng mong muốn ký kết trong sự kiện này nhưng do điều kiện khách quan không thể tham dự, chúng tối sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện tương tự như thế này tại các khu vực như miền Trung, miền Nam hay Đồng bằng Sông Cửu Long trong thời gian tới. 

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam chia sẻ tại sự kiện

Về phía đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam chia sẻ, ngành dệt may đang đứng trước thách thức đó là lượng hàng hoá tồn kho lớn, sức mua giảm… Do đó, để đối phó với tình hình này, các doanh nghiệp dệt may đã phải chuyển hướng, không thể phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, cần phải đa dạng hoá thêm các thị trường mới.

“Doanh nghiệp dệt may đang phải tìm ra những phân khúc thị trường riêng, đặc biệt là thị trường của các nước khu vực các nước Mỹ Latinh và châu Phi, đã có sự tăng trưởng rất nhanh đó thị trường Trung Đông. Yêu cầu đặt ra cho doanh nghiệp lúc này là việc đa dạng hóa thị trường là mục tiêu mà doanh nghiệp phải tính đến và phải đi”, ông Giang bày tỏ.

Đồng quan điểm với Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường khó khăn, các đối tác quốc tế luôn gây áp lực, không còn đàm phán bình đẳng. Cùng đó, các thị trường thường dựng lên các hàng rào kỹ thuật một cách bất ngờ, ngay khi thấy lượng hàng xuất khẩu của nước ta tăng đột biến… Với những khó khăn này, các doanh nghiệp mong muốn cần được hỗ trợ các vấn đề về tư vấn pháp lý, tăng cường kỹ năng phòng ngừa và giải quyết tranh chấp có hiệu quả.

Ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin phát biểu tại sự kiện

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ, bên cạnh việc tìm ra các giải pháp vượt qua các thách thức hiện nay về vốn, tài chính, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, cần chuyên sâu và nâng chất lượng sản phẩm… Để hợp tác được với nước ngoài; cần chuẩn bị sẵn các dự án cụ thể, để mời gọi hợp tác đầu tư. Nếu chưa có các dự án cụ thể, cần nâng cấp các sản phẩm hiện có của mình để có thể cung cấp tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các doanh nghiệp có vốn FDI.

Bên cạnh những ý kiến đã nêu, Tọa đàm cũng lắng nghe những chia sẻ, những phân tích khác từ các chuyên gia, Hiệp hội doanh nghiệp xoay quanh vấn đề ứng phó với biến động của kinh tế thế giới.

   
 

Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam – VAW được khởi xướng tổ chức vào năm 2020 với kỳ vọng sẽ trở thành chuỗi hoạt động quy mô lớn, kết nối cộng đồng những người hành nghề trọng tài trong nước và quốc tế. Đồng thời đây cũng là diễn đàn để các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ADR trao đổi quan điểm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ giữa các tổ chức và cá nhân trong nước, giữa Việt Nam với nước ngoài.

Năm 2023, lần đầu tiên VAW được tổ chức bởi Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế (VBLC), hai tổ chức hàng đầu về thực hành ADR và hành nghề luật tại Việt Nam, cùng sự tham gia phối hợp trực tiếp từ các tổ chức ADR quy tín tại Châu Á và trên thế giới như Tòa Trọng tài Quốc tế Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Châu Á (AIAC), Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB), v.v. cũng như các tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư trong nước như Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC),

VAW 2023 tập trung thảo luận các vấn đề xoay quanh việc phòng ngừa rủi ro pháp lý và giải quyết tranh chấp cũng như thích ứng với một Châu Á năng động đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID. Với việc mở rộng quy mô hoạt động, cùng với sự đồng hành của các đối tác trong nước và quốc tế, VAW 2023 mong muốn tạo ra các kết nối trong hoạt động giải quyết cả ở phạm vi Việt Nam, trong khu vực và với thế giới; giúp nâng cao vị thế của nền tài phán trọng tài ở Việt Nam, từng bước đưa Việt Nam trở thành địa điểm trọng tài được các bên tranh chấp lựa chọn.

 
   

________________________

*Tệp đính kèm

🎦 Video record sự kiện

🖼  Một số hình ảnh

 

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI