...

Hội thảo “Thương mại và Đầu tư giữa Hàn Quốc – Việt Nam: Tìm kiếm cơ hội trong nghịch cảnh”

09 Tháng 6, 2023

Trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2023 (VAW2023), sáng ngày 08/05/2023 tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) tổ chức Hội thảo “Thương mại và Đầu tư giữa Hàn Quốc – Việt Nam: Tìm kiếm cơ hội trong nghịch cảnh”.

Các diễn giả tại hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của gần 150 đại biểu đến từ các doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên có hoạt động hợp tác kinh doanh với đối tác Hàn Quốc, các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, luật sư, Trọng tài viên/Hòa giải viên, giảng viên v.v...

Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, nền kinh tế Việt Nam, Hàn Quốc và các doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc là những nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiên phong trong hội nhập và luôn có độ mở cao đang phải đối diện trực tiếp với những áp lực to lớn của một thế giới biến đổi khó lường.
Một thế giới với những tác động vô cùng lớn của biến đổi khí hậu, của dịch bệnh, của chiến tranh và những chuyển động về địa chính trị, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng, áp lực lạm phát gia tăng, kinh tế toàn cầu suy giảm… Các cuộc cách mạng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh bên cạnh những cơ hội cũng đặt trước các nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp nhất là những nước đang phát triển những áp lực vô cùng lớn, cạnh tranh ngày càng khốc liệt…

Toàn cảnh Hội thảo

“Thông thường trong một thế giới có nhiều biến động và cạnh tranh khốc liệt thì rủi ro và tranh chấp luôn có xu hướng gia tăng và quản trị rủi ro phòng ngừa và giải quyết tranh chấp có hiệu quả phải là một năng lực cạnh tranh cốt lõi của các doanh nghiệp và các nền kinh tế. Đây là điều mà doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm và cũng là một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá một môi trường đầu tư kinh doanh”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế Việt Nam cùng những thách thức và cơ hội trong một số ngành nghề nổi bật.

Ông Hong Sun – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) phát biểu tại Hội thảo

Còn về phía đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), ông Hong Sun - Chủ tịch KOCHAM, cũng chia sẻ về những mối quan tâm và xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cùng những quan sát nói chung trong hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước. Hội thảo cũng lắng nghe, các diễn giả thảo luận về xu hướng M&A trong giai đoạn kinh tế nhiều biến động – từ góc nhìn quản lý các giao dịch và tranh chấp.
 
Các diễn giả tham gia trình bày tại phiên 2

Phần thứ 2 của sự kiện, các diễn giả tập trung thảo luận về Xu hướng M&A trong giai đoạn kinh tế nhiều biến động – từ góc nhìn quản lý các giao dịch và tranh chấp. Trong đó, tình hình thị trường bất động sản Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức to lớn đến từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có thể kể đến như đại dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu hay những hạn chế trong việc tiếp cận vốn và tín dụng mà nhiều doanh nghiệp trong nước đang gặp phải. Hệ quả là các dự án ở Việt Nam hiện nay dù đang triển khai hay đã hoàn thành đều đang trong tình trạng bị đình trệ nghiêm trọng các giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ tại Việt Nam kể từ khi đại dịch bùng phát cũng đã có những thay đổi căn bản, đặt ra nhiều thách thức mới song cũng là cơ hội tiềm năng cho những nhân tố mới tham gia vào lĩnh vực này (ví dụ: việc tạm đóng cửa một loạt các cửa hàng thực phẩm thông thường đã gây ra sự thay đổi đáng kể trong hành vi của người tiêu dùng, dẫn đến sự chuyển dịch hoạt động tiêu dùng từ các kênh truyền thống sang nền tảng thương mại điện tử). Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực trong việc ứng phó với tình hình mới, trong đó tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và các nguồn lực khác từ nước ngoài. Dù bối cảnh hiện tại đang đặt ra nhiều thách thức và trở ngại, nhưng cũng có thể mang đến cơ hội cho hoạt động đầu tư kinh doanh.

Phiên thảo luận về Xu hướng M&A trong giai đoạn kinh tế nhiều biến động từ góc nhìn quản lý các giao dịch và tranh chấp

Phiên 2 được điều phối bởi Ls. Logan Leung, Phó Luật sư điều hành Công ty luật Rajah & Tann cùng sự tham gia của các diễn giả: Ls. Lee Myung Jae, Luật sư thành viên, Đại diện khu vực châu Á, Công ty Luật Yulchon; Ls. Doãn Nhật Minh, Luật sư Cộng sự cao cấp tại công ty luật VILAF; Bà Vũ Thị Hằng, Phó trưởng Ban thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); và, Ông Steve Kim, Tổng thư ký Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB).

 

   
 

Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam – VAW được khởi xướng tổ chức vào năm 2020 với kỳ vọng sẽ trở thành chuỗi hoạt động quy mô lớn, kết nối cộng đồng những người hành nghề trọng tài trong nước và quốc tế. Đồng thời đây cũng là diễn đàn để các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ADR trao đổi quan điểm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ giữa các tổ chức và cá nhân trong nước, giữa Việt Nam với nước ngoài.

Năm 2023, lần đầu tiên VAW được tổ chức bởi Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế (VBLC), hai tổ chức hàng đầu về thực hành ADR và hành nghề luật tại Việt Nam, cùng sự tham gia phối hợp trực tiếp từ các tổ chức ADR quy tín tại Châu Á và trên thế giới như Tòa Trọng tài Quốc tế Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Châu Á (AIAC), Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB), v.v. cũng như các tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư trong nước như Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC),

VAW 2023 tập trung thảo luận các vấn đề xoay quanh việc phòng ngừa rủi ro pháp lý và giải quyết tranh chấp cũng như thích ứng với một Châu Á năng động đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID. Với việc mở rộng quy mô hoạt động, cùng với sự đồng hành của các đối tác trong nước và quốc tế, VAW 2023 mong muốn tạo ra các kết nối trong hoạt động giải quyết cả ở phạm vi Việt Nam, trong khu vực và với thế giới; giúp nâng cao vị thế của nền tài phán trọng tài ở Việt Nam, từng bước đưa Việt Nam trở thành địa điểm trọng tài được các bên tranh chấp lựa chọn.
 
   

________________________

*Tệp đính kèm

🎦Video record sự kiện

🖼 Một số hình ảnh

📁Tài liệu sự kiện

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI