...

Chuyên gia: Nên quy định thời hạn sử dụng thay vì sở hữu chung cư

04 Tháng 1, 2023

Bộ Xây dựng đề xuất phương án thời hạn sở hữu được xác định theo thời hạn sử dụng công trình. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6 ủng hộ quy định sở hữu chung cư có thời hạn và cho rằng cần tách thời hạn sử dụng chung cư với thời hạn sử dụng đất.

"Khi chúng tôi thực hiện cải tạo chung cư cũ ở quận Hai Bà Trưng, việc có sự đồng ý của 100% hộ gia đình rất khó khăn nên để thống nhất sửa rất khó. Ngoài ra, tòa chung cư từ bê tông cốt thép thì không thể bền mãi theo thời gian", ông nói.

Chỉ nên quy định thời hạn sử dụng

Lãnh đạo Tập đoàn G6 cho rằng việc thiết kế chung cư đã xác định được luôn thời hạn sử dụng 50-70 năm tùy chất lượng công trình. Việc xác định mức độ xuống cấp sẽ theo đánh giá của cơ quan Nhà nước.

"Ngoài ra, cần tách thời hạn sử dụng chung cư với thời hạn sử dụng đất. Thời hạn chung cư có thời hạn còn thời hạn sử dụng đất vẫn lâu dài. Khi chung cư xuống cấp thì cưỡng chế sửa chữa. Còn cơ quan nào đánh giá về niên hạn, việc xuống cấp, thời hạn bao lâu thì trách nhiệm thuộc Bộ Xây dựng", ông nêu quan điểm.

Ông Quê cũng cho rằng trong thời hạn sử dụng có hai thời điểm đánh giá: Thời điểm giao đất và trong quá trình sử dụng có vấn đề phát sinh như động đất, sóng thần... sẽ giảm tuổi thọ công trình sớm hơn so với quy định.

"Chúng ta đang có 1.557 chung cư cũ và hàng triệu tòa nhà sắp tới cần giải quyết, vậy nên việc quy định rõ ràng và hài hòa lợi ích trong vấn đề sở hữu chung cư có thời hạn là rất quan trọng", ông Quê nhấn mạnh.

thoi han chung cu anh 1

Đề xuất thời hạn sở hữu chung cư của Bộ Xây dựng đang gây nhiều tranh cãi cũng như lo lắng cho người dân đang và

có ý định sở hữu chung cư. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh chỉ nên quy định thời hạn sử dụng thay vì đi vào tranh luận quyền sở hữu.

"Tất cả các tài sản đều có thời hạn sử dụng và nhà chung cư cũng vậy, do đó khi tới thời hạn quy định thì các tổ chức có trách nhiệm sẽ đánh giá là nhà đó còn tiếp tục ở được không", ông nói.

Theo ông, nếu cần phải sửa chữa, thậm chí xây dựng lại thì người dân phải được đảm bảo quyền sở hữu tài sản, quyền được ở ngay tại chính chỗ đó, còn nếu có chính sách di dời thì phải đền bù thỏa đáng, đảm bảo chỗ ở của người dân.

"Quy định sở hữu chung cư là can thiệp vào quyền tài sản"

Góp ý tại tại hội nghị, TS Phạm Duy Nghĩa, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, giảng viên ĐH Fullbright cho rằng miếng đất, căn hộ là tài sản. Luật can thiệp đến tài sản nên người dân, doanh nghiệp đang rất quan tâm.

"Nếu đi vào càng chi tiết chúng ta sẽ càng gặp rất nhiều vấn đề. Nếu đi vào từng luật, chăm chú sửa từng luật thì nguy cơ không nhất quán, không hệ thống", ông nói và cho rằng sở hữu chung cư 50 hay 70 năm là can thiệp vào quyền tài sản.

"Nên có niên hạn sử dụng căn hộ chung cư, nhưng cần phân định rõ ràng hơn quy định 50-70 năm."TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Hồng Chung cho rằng có thể không dùng từ thời hạn sở hữu nhà chung cư và thay bằng thời hạn sử dụng nhà chung cư. Khách hàng bỏ tiền ra mua nhà chung cư nên họ có quyền sở hữu tài sản. Quyền này được pháp luật dân sự bảo vệ, chỉ khi tài sản không còn mới mất quyền sở hữu.

Ủng hộ quan điểm nên nhà chung cư nên có thời hạn nhưng TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng cần quy định rõ về thời hạn sử dụng cụ thể. "Nên có niên hạn sử dụng căn hộ chung cư, nhưng cần phân định rõ ràng hơn quy định 50-70 năm", ông Lực nhận định.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đã có văn bản kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng không nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư với tất cả dự án mới vì cần phải đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Nhà ở với Luật Đất đai.

HoREA đề xuất nên giữ nguyên quy định hiện hành của Luật Nhà ở 2014, trừ trường hợp cá biệt sở hữu có thời hạn như căn hộ dịch vụ, căn hộ xây để cho thuê...

Theo cơ quan này, nếu quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ tăng thêm gánh nặng công việc cho cơ quan quản lý Nhà nước; có sự phân biệt về quyền sở hữu nhà ở; nhiều người sẽ bỏ lựa chọn nhà chung cư để chuyển sang mua nhà ở riêng lẻ khiến giá biệt thự, nhà phố lại bị đẩy lên cao; tác động tiêu cực đến mục tiêu ưu tiên phát triển nhà chung cư tại đô thị đặc biệt, loại một và loại hai...

Hiện, cả 2 dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi đang được Bộ Xây dựng tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp, địa phương và các bộ, ngành trong vòng 2 tháng, dự kiến sẽ được báo cáo tại kỳ họp thứ 5 và thông qua vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Theo Zingnews 

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI