Đó là chia sẻ của ông Peter Chang – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH phát triển nhà đất Xuân Pha (Đài Loan, Trung Quốc) với Diễn đàn Doanh nghiệp về yếu tố nào được doanh nghiệp quan tâm trước tiên khi quyết định tham gia đầu tư vào dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Ông Peter Chang – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH phát triển nhà đất Xuân Pha (Đài Loan, Trung Quốc).

Theo đó, doanh nghiệp chia sẻ, bên cạnh yếu tố đảm bảo giải phóng mặt bằng một cách đồng bộ thì việc hạ tầng giao thông thuận lợi, đáp ứng đầy đủ, thuận tiện cho công tác vận chuyển logistics cũng là điều cực kỳ quan trọng. Đặc biệt đối với những địa phương, dự án không giáp biển thì điều này càng quan trọng hơn.

Điều này đã chỉ ra một hiện trạng về tính liên kết giữa các loại hình vận tải của Việt Nam giữa đường thuỷ, đường bộ, đường sắt… vẫn chưa được kết nối một cách khăng khít. Do đó đã khiến chi phí logictisnói chung vẫn còn đang cao và ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Cũng chính điều này đã lý giải việc, mặc dù rất nhiều dự án đã được các nhà đầu tư, doanh nghiệp nghiên cứu khá kỹ, nhưng chưa được triển khai.

Trong đó có thể kể đến như đường cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu, đường vành đai 3 Hà Nội do Tập đoàn Daewoo và Unico Hoa Kỳ đề xuất, dự án liên doanh Sân bay quốc tế Nội Bài vào đầu những năm 90. Một số dự án được nhà đầu tư nước ngoài cam kết với sự giới thiệu của các tổ chức uy tín của các nước nhưng cũng chưa thành công.

Cũng liên quan đến hoạt động thu hút các nhà đầu tư vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, ông Nicolas Audier – Đồng chủ tịch EuroCham đã khuyến nghị: “Tiến hành nghiên cứu sâu về khả năng kết nối các phương thức vận tải khác nhau trong hệ thống cơ sở hạ tầng, quy trình lập kế hoạch và định vị các khu vực sản xuất và phân phối mới nhất thiết phải có sự hợp tác tiến bộ nhằm tối ưu hoá việc sử dụng cơ sở hạ tầng giao thông đa phương thức trong tương lai”.

Bên cạnh đó cũng cần có các giải pháp công nghệ cao đối với sơ cở hạ tầng giao thông, điển hình là Cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN cần được triển khai một cách đồng bộ với tât cả các Bộ ngành liên quan để đảm bảo các giải pháp tối ưu nhằm giảm chi phí logistics. Cần phải có một lộ trình và thời hạn rõ ràng lý tưởng nhất là đến cuối năm 2019, để tất cả các bộ ngành liên quan hoàn thành việc tích hợp các thủ tục vào hệ thống chung.

Trong tầm nhìn dài hạn, đồng chủ tịch EuroCham khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam nên xem áp dụng các công nghệ mới như blockchain, E-do lệnh giao hàng điện tủ cho các lô hàng lẻ, cảng điện tử, phí điện tử... để đơn giản hoá thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu và vận chuyển nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm này, TS Phan Hữu Thắng – Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một trong những yếu ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý nhà đầu tư, bên cạnh nguồn nhân lực có đảm bảo nhanh, mạnh, cả lao động giản đơn và lao động có tay nghề thì các khu vực chung quanh có liên kết được hay không cũng là điều quan trọng.

Sức hấp dẫn của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn bên cạnh việc đảm bảo các yếu tố rủi ro về lợi nhuận, giải phóng mặt bằng, tỷ giá… thì hệ thống kết nối hạ tầng giao thông phải đảm bảo thuận lợi. (Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet).

Nghĩa là có đủ kết cấu hạ tầng cứng như điện nước, phục vụ sản xuất kinh doanh và kết cấu hạ tầng mềm, có chiến lược và mục tiêu rõ ràng của từng khu, quan trọng hơn nữa muốn nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng thị trường.

“Từ đó mở hầu bao thì phải đầu tư hạ tầng giao thông điều này có ý nghĩa là Chính phủ phải có sự hỗ trợ về đầu tư ban đầu”, TS Phan Hữu Thắng nhấn mạnh.

Về phía Bộ Giao thông Vận tải, được biết, đến tháng 4/2019, Bộ Giao thông Vận tải sẽ hoàn thiện nội dung 6 đề án quan trọng phát triển kết nối hạ tầng giao thông quan trọng theo mức độ ưu tiên. Điều này được kỳ vọng về tính kết nối hạ tầng giữa các loại hình phương tiện vận tải tốt hơn trong thời gian tới và tạo được tâm lý tốt cho nhà đầu tư.