...

Đề xuất câu trả lời cho thách thức để nước ta trở thành nước công nghiệp tiên tiến sau 25 năm (Phần 1)

09 Tháng 6, 2021

ĐỀ XUẤT LỜI GIẢI

Đứng trước thách chức nêu trên chỉ có 2 khả năng: Một là chấp nhận không đạt mục tiêu đề ra vì duy ý chí và hai là thay đổi cách làm để đạt được mục tiêu bằng tất cả sự khát vọng quật cường của cả dân tộc.

Chỉ có thể chọn lời giải theo cách thứ 2. Như vậy, chúng ta cần thay đổi cái gì, cần thực hiện việc gì để có thể đạt tới mục tiêu mà Đại Hội Đảng 13 đã đề ra?

Xin được đề cập đến những giải pháp cụ thể như sau.

  • Cần chuyển đổi phát triển kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn

Nước ta duy trì phát triển kinh tế truyền thống (thế giới gọi là kinh tế tuyến tính – linear economy) trong nhiều chục năm qua. Đó là nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ rồi thải chất thải ra môi trường. Nền kinh tế này có năng suất lao động rất thấp, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên hiên và gây ô nhiễm môi trường nặng nề.

Ô nhiễm môi trường chủ yếu do kinh tế tuyến tính gây ra

Theo Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), hàng năm khoảng 1/3 lượng nông sản của thế giới mất đi hoặc trở thành rác thải, làm lãng phí và tiêu tốn trung bình 260 USD/người/năm. Theo tính toán của FAO, Việt Nam thất thoát, lãng phí trong chế biến và tiêu dùng nông sản cao gấp 7 lần so với Hà Lan. Thịt, cá, rau quả là những mặt hàng bị mất đi trong chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ lớn nhất, trên thế giới trung bình là 45% nhưng đối với Việt Nam lên đến 60%. Sản xuất theo mô hình kinh tế truyền thống dẫn đến nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường. 

Kinh tế tuyến tính không những yếu kém mà còn kìm hãm sự phát triển. Theo World Bank, chỉ riêng ô nhiễm không khí đã khiến Việt Nam mất đi 5,18% GDP của năm 2013. Ô nhiễm nước cũng gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP cùng năm đó. Bên cạnh đó, tình trạng suy giảm tài nguyên, tiêu thụ năng lượng tăng nhanh, ô nhiễm và suy thoái đất, đặc biệt là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế của Việt Nam. 

Nhận thức rõ những yếu kém của kinh tế tuyến tính, trong khoảng hơn 20 năm gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới chuyển sang mô hình "kinh tế tuần hoàn” (circular economy). Đó là mô hình kinh tế chú trọng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các phương thức sáng tạo nhằm tối đa hóa vòng đời của tất cả tài nguyên đã sử dụng.

Kinh tế tuần hoàn tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và nhất là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây chính là điểm khác biệt lớn với nền kinh tế truyền thống chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên nhằm tối đa hóa sản lượng, giá trị gia tăng, tạo ra một lượng phế thải khổng lồ gây ô nhiễm môi trường. Phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ đạt được cả 2 mục tiêu ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra. Theo đó, toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất được thiết kế sao cho chất thải được giảm thiểu tối đa, tái sử dụng và tái chế.

Trên thế giới, khi triển khai kinh tế tuần hoàn, mô hình nguyên lý được tham khảo nhiều nhất là “Hệ thống thu hồi chủ động” của tổ chức Ellen MacArthur Foundation (hình dưới đây). Theo mộ hình này, nguyên liệu đầu vào tham gia quá trình sản xuất được chia làm 2 loại vô cơ và hữu cơ, Các nguyên liệu vô cơ (mạch in, kim loại, nhựa, thủy tinh,...) được xác định theo chu kỳ kỹ thuật còn các nguyên liệu hữu cơ được xác định theo chu kỳ sinh học. Theo các chu kỳ đó, người ta xây dựng các vòng lặp để tái chế, tái sử dụng chúng theo tiêu chuẩn hiệu quả (chi phí bỏ ra phải nhỏ hơn giá trị mang lại). Bằng cách này, ngươi ta tận khai đươc mọi tài nguyên tham gia quá trình sản xuất và giảm thiểu được việc thải chất thải ra môi trường.

Hệ thống thu hồi chủ động tạo ra các vòng lặp, giúp hạn chế sử dụng tài nguyên mới 
và hạn chế tác động môi trường. Nguồn: Ellen MacArthur Foundation

Theo báo cáo của Ủy ban Châu Âu, kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích 600 tỷ Euro mỗi năm, 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính. Tổ chức Ellen MacArthur Foundation và Hội nghị Phát triển và Thương mại Liên Hợp Quốc (UNCTAD) cũng nhận định rằng Ấn Độ sẽ tạo ra 218 tỷ USD giá trị kinh tế gia tăng đến năm 2030 và đạt gần gấp ba con số này đến năm 2050 nếu họ chỉ cần áp dụng các nguyên tắc tuần hoàn trong ba lĩnh vực: thành phố và xây dựng, thực phẩm và nông nghiệp, sản xuất xe và di chuyển. Báo cáo tương tự với Trung Quốc cũng chỉ ra áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn ở quy mô đô thị có thể khiến hàng hóa, dịch vụ trở nên rẻ hơn, giảm 50% phát thải bụi mịn, 23% phát thải khí nhà kính và 47% tắc nghẽn giao thông vào năm 2040.

Tất cả các căn cứ trên khẳng định chắc chắn Việt Nam phải chuyển sang phát triển kinh tế tuần hoàn và chỉ phát triển kinh tế tuần hoàn thì mới đạt được các mục tiêu mà Đại hội 13 đã chỉ ra.

TS Nguyễn Tuấn Hoa, Trọng tài viên VIAC

*Bài viết này chỉ thể hiện những ý kiến và quan điểm của chuyên gia độc lập và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của VIAC hay cơ quan, tổ chức nào.

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI