Quan điểm xuyên suốt
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4, chọn chủ đề: “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới” để có thêm căn cứ tham mưu Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế xã hội Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu chất chứa đầy biến động lúc hậu đại dịch.
Quan điểm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng đã được xác định rõ, là chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong Cương lĩnh xây dựng đất nước, Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp của Việt Nam. Và hơn bao giờ hết, lúc này khát vọng phát triển phải đi liền, gắn kết máu thịt với khát vọng độc lập.
Theo dự kiến, tại Phiên toàn thể và đối thoại chính sách cấp cao của Diễn đàn sẽ có sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên.
Dự kiến, các học giả, chuyên gia tham gia đối thoại tại phiên này, có thể kể đến như ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam; ông Andrew JEFFRIES, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam; PGS.TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM; PGS. TS. Trần Đình Thiên, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam,nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright; TS. Võ Trí Thành,Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam,nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương…
Các cuộc đối thoại sẽ tập trung vào những yêu cầu và đòi hỏi phải xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng. Nêu rõ thông điệp Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế đồng thời cần phải nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế để chống chịu tốt hơn trước các cú sốc từ bên ngoài. Nêu rõ những biến động của nền kinh tế thế giới và định vị lại Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Đánh giá, dự báo diễn biến kinh tế quốc tế, các xu hướng mới trên thế giới sau đại dịch Covid-19; những cơ hội, thách thức cho kinh tế Việt Nam…
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với kỳ vọng tạo nên bức tranh sắc nét về 3 trụ cột trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng. Đó là: Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. 3 trụ cột này được đặt trong tổng thể giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị - xã hội.
Nâng cao năng lực nội tại
Phát biểu tại Đại học Harvard ngày 14/5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu xu hướng chung và mong muốn của hầu hết các nước, nhất là những nước đang phát triển là hướng tới xây dựng nền tảng kinh tế độc lập, tự chủ vững mạnh, đẩy mạnh công nghiệp hóa gắn với hội nhập quốc tế nhằm vươn lên thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình", trở thành nước phát triển. Độc lập, tự chủ về kinh tế gắn liền với độc lập, tự chủ về chính trị, đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng cũng chia sẻ việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng là chủ trương nhất quán, kiên định, xuyên suốt của Việt Nam từ khi giành được độc lập dân tộc vào năm 1945, đặc biệt trong 35 năm đổi mới, nhất là từ đầu những năm 1990 khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Việt Nam vừa hội nhập sâu rộng, vừa nỗ lực vươn lên, nâng cao năng lực nội tại, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với các cú sốc từ bên ngoài như: khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu để góp phần giải quyết những vấn đề lớn đặt ra đối với Việt Nam; để bảo đảm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia; giúp nâng cao thực lực, tiềm lực cho hội nhập sâu rộng, hiệu quả trong hệ thống kinh tế toàn cầu và thực hiện tốt các cam kết quốc tế.
Việt Nam từ một nền kinh tế kém phát triển, sau hơn 35 năm đổi mới đã vươn lên mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn. Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, năm 2021 đạt trên 362 tỷ USD (so với 4,2 tỷ USD năm 1986); GDP bình quân đầu người đạt gần 3.700 USD, tăng khoảng 26 lần so với năm 1990 (142 USD).
Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN; một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; là nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản đứng đầu thế giới; có mạng lưới 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực. An sinh xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 2,2% năm 2021.
Trong bối cảnh cả thế giới đang đứng trước thời kỳ khó khăn nhất kể từ sau chiến tranh lạnh. Đại dịch Covid-19, xung đột ngay giữa lòng châu Âu gây ra những hệ lụy to lớn đối với tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu, rủi ro tài chính, tiền tệ quốc tế và đứt gãy chuỗi cung ứng gia tăng…
Cạnh tranh, đối đầu đang dẫn đến sự phân tách cả về chính trị, an ninh và kinh tế. Trong khi đó, những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh con người, an ninh mạng… tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia và những nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 của Liên hợp quốc.
Việt Nam đã và đang luôn ngẩng cao đầu với niềm tự hào từ một thuộc địa vươn lên giành độc lập, từ một quốc gia bị chia cắt bởi cuộc chiến tranh phi lý đã anh dũng đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước, từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu đã nỗ lực vươn lên trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và đang thực hiện mục tiêu phát triển đầy khát vọng.
Đó là: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Điều quan trọng là khát vọng phát triển của Việt Nam gắn liền với khát vọng độc lập tự cường, khát vọng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của cả khu vực và thế giới.
Đề cập tới những nội dung cấp bách
Cùng với Phiên toàn thể và đối thoại chính sách cấp cao, Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4 còn có 3 phiên chuyên đề nhằm hạ nhiệt âu lo cho những “vùng” đang được coi là nóng nhất của nền kinh tế.
Chuyên đề 1 về phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19, tập trung vào giải pháp phát triển thị trường lao động của Việt Nam trong hội nhập và những vấn đề đặt ra cần hoàn thiện chính sách quản trị quốc gia về lao động sau đại dịch Covid-19; hoàn thiện pháp luật có liên quan phù hợp với Bộ Luật lao động nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức sau đại dịch Covid-19; kinh nghiệm quốc tế trong quản trị quốc gia về lao động nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19; vai trò, vị trí, đóng góp của lao động phi chính thức trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam - những vấn đề đặt ra cần hoàn thiện chính sách an sinh xã hội nhằm phát triển đồng bộ thị trường lao động sau đại dịch Covid-19…
Chuyên đề 2 về phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản, tập trung phân tích xu hướng chính sách tài khóa và tiền tệ của các nước và khuyến nghị cho Việt Nam; các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành kênh huy động vốn hiệu lực và hiệu quả cho nền kinh tế; kiến nghị và đề xuất giải pháp những vấn đề của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay; giải pháp nguồn vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam…
Chuyên đề 3 về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng tập trung phân tích về sự điều chỉnh của chuỗi cung ứng toàn cầu - những thách thức, yêu cầu mới đặt ra và hàm ý cho Việt Nam; định hướng và giải pháp tăng cường khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng Việt Nam; đẩy mạnh số hóa chuỗi cung ứng trong tình hình mới: Yêu cầu, thực tiễn và vấn đề đặt ra cho Việt Nam; đối mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa trong sản xuất nông nghiệp…
Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ tư với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới là sự tiếp nối thành công của 3 Diễn đàn thường niên trước đây (lần thứ nhất vào tháng 6/2017; lần thứ hai vào tháng 01/2018; lần thứ ba vào tháng 01/2019). Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ tư do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Chính phủ (có sự tham gia của UBND TP. Hồ Chí Minh) tổ chức với sự đồng ý của Thường trực Ban Bí thư và Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ.