...

Kinh doanh và pháp luật số 499 | Giải quyết tranh chấp xây dựng

25 Tháng 2, 2021

 

Trong hoạt động đầu tư kinh doanh xây dựng, nhà đầu tư khó tránh khỏi những tranh chấp phát sinh khi thực hiện dự án. Khi tranh chấp xảy ra, nhà đầu tư cần tìm cho mình một phương thức giải quyết tối ưu vừa giúp bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình vừa tránh được các rủi ro về mặt pháp lý. Hòa giải thương mại đang dần trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp được các nhà đầu tư trong lĩnh vực xây dựng lựa chọn vì thủ tục đơn giản, linh hoạt, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Vậy các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cần lưu ý những gì khi lựa chọn giải quyết tranh chấp theo phương thức hòa giải thương mại?

 

Th.S Phan Trọng Đạt

Phó Tổng Thư ký, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Phó Giám đốc thường trực, Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC

 

Ông có đánh giá như thế nào về các loại tranh chấp thường xảy ra trên thực tế khi thực hiện hợp đồng xây dựng?

Về tranh chấp thực tế, dựa trên một cuộc khảo sát mà Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tiến hành lấy ý kiến các doanh nghiệp Hội viên Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), có thể nói các tranh chấp thường gặp trong lĩnh vực xây dựng chủ yếu gồm: (i) các tranh chấp liên quan đến yêu cầu về thanh toán, thường xảy ra giữa tổng thầu hoặc các nhà thầu với chủ đầu tư. Theo đó, nhà thầu cho rằng chủ đầu tư đã thanh toán không đủ hoặc không đúng như đã thỏa thuận trước đó; và, (ii) các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng, khi mà chủ đầu tư cho rằng nhà thầu đã thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng không đúng tiến độ, không đúng quy cách về nguyên vật liệu, mẫu mã, không đảm bảo chất lượng công trình v.v..; hay (iii) các tranh chấp phát sinh do một hoặc một số bên đơn phương chất dứt hợp đồng.

Từ những nguyên nhân tranh chấp mà ta đã từng chứng kiến thì các doanh nghiệp khi hợp tác với nhau thì sẽ phải chú ý những gì?

Thực ra có rất nhiều điều cần phải lưu ý, và để tránh phát sinh cách tranh chấp ngoài mong muốn, các bên cần cẩn trọng từ những giai đoạn đầu tiên. Ví dụ như tại giai đoạn tìm hiểu, chủ đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn đơn vị thầu, tiến hành nghiên cứu đánh giá năng lực của nhà thầu xem có phù hợp và đáp ứng được nhu cầu từ phía chủ đầu tư đối với công trình hay không. Tiếp theo, khi đã xác định được nhà thầu, quá trình đàm phán soạn thảo hợp đồng cũng cần được tiến hành một cách chi tiết, các bên khi dự thảo hợp đồng phải làm rõ và thống nhất về cách hiểu của các điều khoản thỏa thuận đưa vào hợp đồng, dự liệu trước các tình huống dễ phát sinh gây hiểu nhầm, tranh chấp để bổ sung chi tiết quy định về nội dung đó trong hợp đồng.

Bên cạnh đó, điều khoản về giải quyết tranh chấp cũng phải được chú trọng. Đối với một hợp đồng thông thường, các bên có thể lựa chọn một hoặc nhiều (có sắp xếp thức tự ưu tiên) các cơ chế giải quyết tranh chấp như thương lượng, hòa giải, trọng tài hoặc tòa án. Chúng ta cũng có thể thường bắt gặp các hợp đồng xây dựng có yếu tố quốc tế được dự thảo dựa trên các hợp đồng mẫu (ví dụ: Bộ hợp đồng mẫu FIDIC), điều khoản giải quyết được quy định rất chi tiết, kèm theo các điều kiện cụ thể. Quả thực, các tranh chấp phát sinh luôn là điều không mong muốn, tuy nhiên khi thực tế xảy ra, việc giải quyết các tranh chấp này thông qua thương lượng hay hòa giải nên được cân nhắc và ưu tiên áp dụng, trước khi tính đến việc đưa tranh chấp ra khởi kiện tại tòa án hay trọng tài.

Liên quan đến những phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, đặc biệt ở đây là hòa giải thương mại, ông có thể phân tích cụ thể hơn về những lợi ích mà doanh nghiệp có thể có được khi lựa chọn phương thức này hay không?

Hòa giải thương mại có thể nói là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả bởi những đặc tính riêng của nó như sự linh hoạt hay tính mềm mại. Thêm vào đó, thời gian giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải chắc chắn nhanh hơn và chi phí cũng tiết kiệm hơn. Tại Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), chúng tôi đã tổ chức hòa giải thành công một số vụ, trong đó có những vụ tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực xây dựng. Theo đó, thời gian giải quyết tranh chấp khá ngắn, thông thường quá trình hòa giải được tiến hành trong hơn khoảng một tháng, đối với vụ phức tạp hơn thì thống kê hiện tại ghi nhận thời gian giải quyết dao động từ ba đến ba tháng rưỡi.

Một trong những ưu điểm khác của hòa giải thương mại là tính bảo mật, nội dung vụ tranh chấp được giữ bí mật, tránh những rủi ro không có về uy tín, danh tiếng của các bên tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, hợp tác với các đối tác khác cũng như trong các dự án xây dựng trong tương lai. Bên cạnh đó, hòa giải thương mại cũng giúp duy trì quan hệ hợp tác giữa chủ đầu tư và nhà thầu, thậm chí các bên sau hòa giải ngoài việc tiếp tục hoàn thành nghĩa vụ thỏa thuận tại hợp đồng đang triển khai vẫn có thể bắt tay hợp tác trong các dự án sau đó.

Mặc dù có nhiều điểm tích cực như vậy nhưng chúng ta cũng có thể nhìn thấy rằng đây chưa phải phương thức các doanh nghiệp đưa ra lựa chọn ưu tiên, lý do của điều này là gì ạ?

Chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp để lắng nghe quan điểm của họ đối với việc sử dụng phương thức hòa giải thương mại nói trên. Đáng lo ngại, các doanh nghiệp đang nhìn nhận phương thức hòa giải là phương thức mà các bên làm chủ, bản thân họ là những người hiểu rõ tranh chấp nhất mà còn không thương lượng được thì liệu rằng một người thứ ba liệu có khả thi để giúp giải quyết tranh chấp đó hay không, thậm chí phần nhiều doanh nghiệp vẫn còn quan ngại rằng hòa giải xong mà một bên không chịu thi hành thì có khác gì kết quả của thương lượng.

Về vấn đề này, tôi xin cung cấp thêm thông tin để doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về phương thức hòa giải. Thứ nhất, sự tham gia của một người thứ ba – cụ thể là Hòa giải viên, là một điểm khác biệt của hòa giải so với phương thức thương lượng. Hòa giải viên là người có kiến thức chuyên môn, là những chuyên gia có uy tín và kinh nghiệm, được đào tạo bài bản các kỹ năng hòa giải nhằm giúp các bên cùng nhau thỏa thuận, tìm ra điểm lợi ích chung. Thứ hai, nếu như khi thương lượng, các bên có sự dè chừng và không cung cấp cho nhau đầy đủ, toàn diện về thông tin cũng như khó mà đơn phương đề xuất một phương án giải quyết tranh chấp vì nhiều lo ngại rằng không đảm bảo được quyền và lợi ích của mình, mình có thể bị thiệt trong cuộc thương lượng; thì trong hòa giải, Hòa giải viên thông qua các phiên họp riêng sẽ là người lắng nghe riêng biệt quan điểm, thông tin và mức đề xuất nhất định từ các bên để từ đó hỗ trợ các bên cùng tiến tới một giải pháp chung phù hợp. Thứ ba, với tính chất phương thức hòa giải nếu hòa giải thành thì kết quả đó chính là giải pháp mà các bên chủ động đưa ra, việc thực thi văn bản kết quả hòa giải thành thường được tiến hành tự nguyện bởi các bên. Trong trường hợp khác đi, pháp luật Việt Nam hiện hành cũng đã có cơ chế công nhận và thi hành kết quả hòa giải thành ngoài tòa án, quy định tại chương XXXIII Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

  

Luật sư Lưu Tiến Dũng

Luật sư thành viên Công ty Luật hợp danh YKVN

Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC

Bởi sự phức tạp và thời gian thực hiện dài, các hợp đồng xây dựng luôn đứng trước rủi ro tiềm ẩn phát sinh các tranh chấp, ông vui lòng cho biết nguyên nhân của các tranh chấp này thường bắt nguồn từ đâu?      

Nguyên nhân của tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng, rất đa dạng, tôi xin tóm lược các nguyên nhân này trong một số nhóm như sau:

Thứ nhất, bản chất các hợp đồng xây dựng khi thực hiện gần như khó mà đảm bảo tuyệt đối theo những gì các bên thỏa thuận. Hợp đồng xây dựng dù có chặt chẽ đến đâu, áp dụng các mẫu hợp đồng quốc tế đi chăng nữa, thì trên thực tế khi triển khai vẫn luôn có những biến số không lường trước, đây cũng chính là các rủi ro tiềm ẩn bởi những biến số này không phải lúc nào cũng được dự đoán đầy đủ, chính xác để quy định hóa trong hợp đồng vào giai đoạn đàm phán ban đầu.

Thứ hai, việc thực thi hợp đồng xây dựng có thể dẫn đến nhiều viễn cảnh khác nhau. Ví như trong quá trình thực hiện hợp đồng, quan hệ giữa chủ đầu tư với nhà thầu, nhà tổng thầu về cơ bản là rất tốt, nhiều khi cũng bỏ qua những trình tự, thủ tục, yêu cầu nhất định. Tuy nhiên, đến khi mà kết thúc dự án, tiến hành quyết toán hợp đồng, có thể có sự thay đổi nhân sự, thường gặp đối với các dự án kéo dài, một trường hợp rất dễ gặp đó là nhân sự mới không nắm được quá trình thực thi nên quá trình quyết toán không đánh giá được toàn diên các vấn đề phát sinh ngoài hợp đồng, dẫn đến các tranh chấp không mong muốn, ảnh hưởng đến việc thanh quyết toán các chi phí theo hợp đồng.

Thứ ba, một nguyên nhân khá phổ biến khác là trong quá trình ký kết hợp đồng, các bên thường dự liệu đến những bối cảnh rất thuận lợi, không đặt ra các điều kiện cần ví dụ như vấn đề giải phóng mặt bằng hoặc các tiến độ. Điều này dẫn đến việc thực tế triển khai không thực hiện được những cam kết đó, dễ rơi vào trường hợp chậm bàn giao giải phóng mặt bằng. Như vậy là không đảm bảo được vấn đề cam kết về tài chính cho nên nhà thầu mới dừng thực hiện công trình.

Ông có những chia sẻ hay những lưu ý gì dành cho các doanh nghiệp không?

Tôi xin đưa ra một số lưu ý trong 2 giai đoạn (i) Giai đoạn thứ nhất là trong quá trình thương thảo và kí kết hợp đồng và (ii) giai đoạn thứ hai chính là giai đoạn thực thi hợp đồng.

Giai đoạn thứ nhất, các bên cần cố gắng làm sao lường trước được rủi ro hay những trường hợp mà nó không thuận. Ví dụ như trường hợp mà phải gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, kéo theo những trường hợp nào giá của hợp đồng cần phải thay đổi. Thông thường thì các bên có quy định là nếu khối lượng thay đổi thì giá có thể điều chỉnh, trong hợp đồng chìa khóa trao tay chẳng hạn. Thế nhưng mà có rất nhiều trường hợp mà khối lượng không thay đổi nhưng các yếu tố liên quan đến chất lượng của những thiết bị, máy móc, xuất xứ hàng hóa hoặc liên quan đến các mẫu mã, thông số kĩ thuật thì có phải là những điều kiện để có thể điều chỉnh giá hay không? Trường hợp nào thì có thể được gia hạn thời gian, ngừng thi công, trường hợp nào cần phải xin ý kiến phê duyệt của chủ đầu tư. Đây đều là những vấn đề mà ngay từ lúc đầu nhà thầu và chủ đầu tư cũng phải cân nhắc đưa vào trong hợp đồng.

Giai đoạn thứ hai, trong quá trình thực hiện hợp đồng thì như tôi đã nói thì chắc chắn sẽ xảy ra những sự thay đổi, những xử sự khác biệt giữa các bên. Ngoài việc các bên hiểu khác nhau về điều khoản hợp đồng, cái quan trọng nhất là có sự phát sinh hoặc thay đổi so với hợp đồng về số lượng công việc, thời gian, tiến độ, v.v. thì các bên cần phải lưu ý, thông báo cho nhau, chia sẻ cho nhau, bàn bạc những chuyện đó. Vấn đề hồ sơ rất quan trọng, làm sao để lưu giữ được các báo cáo ngày, các báo cáo tuần, biên bản cuộc họp, những vấn đề đã được thống nhất, chưa được thống nhất. Rõ ràng, với những mâu thuẫn như trên, việc tìm giải pháp cho những khúc mắc về sự khác biệt trong hợp đồng dễ dàng và hiệu quả hơn việc đẩy căng thẳng leo thang thành tranh chấp. Tuy vậy, các bên cần lưu ý phải nêu ngay và nhanh chóng tìm ra giải pháp hài hòa về cách hiểu đối với những khác biệt nêu trên, quá trình xử lý phát sinh này cũng cần được thể hiện rõ trên các văn bản và được lưu trữ nhằm tránh rủi ro về sau.

Vậy, ông đánh giá thế nào về phương thức hòa giải thương mại, nếu doanh nghiệp xây dựng muốn chọn hòa giải  thì cần lưu ý điều gì?

Hòa giải thương mại là phương thức mà các bên đươc tự quyết định về số phận tranh chấp của mình mà không bị lệ thuộc vào người khác, do vậy các bên tránh được rủi ro do tiên liệu được trước kết quả giải quyết tranh chấp. Vậy, tại sao doanh nghiệp lại không lựa chọn một phương án an toàn mà vẫn đảm bảo tính pháp lý đối với văn bản kết quả hòa giải thành, trước khi đi tới áp dụng các phương thức khác như trọng tài hay tòa án.

Với việc doanh nghiệp nhận thức rõ được cái giá trị gia tăng mà hòa giải thương mại mang lại, việc đầu tiên cần làm là đưa điều khoản giải quyết tranh chấp phát sinh bằng phương thức hòa giải vào hợp đồng. Bởi nếu không, nay mai tranh chấp phát sinh rồi thì khả năng đàm phán, thống nhất đưa tranh chấp ra hòa giải có thể gặp phải rào cản từ một/một số bên trong vụ tranh chấp.

Thứ hai, khi đã lựa chọn và bắt đầu quá trình hòa giải, doanh nghiệp cần phải bước vào cuộc chơi này với một tâm thế thiện chí, kể cả với các vấn đề pháp lý, phải gạt bỏ tư tưởng thắng – thua. Xin lưu ý thêm, nếu ta nhìn vào chi phí phải theo kiện thì hãy cân nhắc cả những rủi ro đối với các cơ hội hợp tác về sau nữa, có chăng việc các bên mở lòng ra để đối thoại và tìm ra được tiếng nói chung mang tính chất thương mại, là một kết quả lý tưởng bởi cả hai bên đều thắng, thắng đối với tranh chấp đó và có thể là thắng khi nhìn vào tương lai.

Về mặt tâm thế, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng này ta thấy rằng nhà thầu hoặc chủ đầu tư thường nghĩ rằng mình đúng hoàn toàn nhưng kết quả thì không phải lúc nào cũng như vậy, đôi khi nhà thầu đi kiện chủ đầu tư, lại bị chủ đầu tư kiện lại và ngược lại. Hay là khi mà hai bên có một bên đi kiện thì lại có bên kia nghĩ rằng mình đúng và kiện lại. Vậy nên đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng này, trong bối cảnh chưa biết bên nào đúng hoàn toàn được thì phương thức hòa giải này rất phù hợp. Chưa kể các yếu tố về thời gian, diễn biến thực hiện hợp đồng xây dựng thường kéo dài, khối lượng hồ sơ khá đồ sộ và việc lưu trữ nhiều khi không đầy đủ, thất lạc v.v. thì việc đưa tranh chấp ra hòa giải thay vì khởi kiện là giải pháp hiệu quả hơn hẳn. Thực tế cho thấy các vụ mà VMC đã tiếp nhận, sau khi các bên lựa chọn xong và hòa giải viên bắt đầu tiến hành hòa giải thì đều hòa giải thành. Với những vụ khác, thủ tục hòa giải bị chững lại và có thể không thực hiện được là bởi bên được yêu cầu/đề nghị hòa giải chưa đồng ý thực hiện hòa giải./.

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI