Quy tắc xuất xứ “dễ thở”
Theo Hiệp định RCEP, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng một trong ba trường hợp sau: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên; hàng hóa được sản xuất chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ từ một hay nhiều nước thành viên; hàng hóa sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ nhưng đáp ứng quy định tại Quy tắc cụ thể mặt hàng.
Trong Quy tắc cụ thể mặt hàng, ngoài việc áp dụng quy tắc hàm lượng giá trị khu vực (RVC) hoặc quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC), một số dòng hàng hóa chất (thuộc các Chương 29 và 38) được áp dụng Quy tắc phản ứng hóa học tương đương với quy tắc RVC hoặc CTC.
Đối với Quy trình cấp và kiểm tra chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa bao gồm: Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), chứng từ tự khai báo xuất xứ hàng hóa của nhà xuất khẩu đủ điều kiện, chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của nhà xuất khẩu. Việt Nam cùng với các nước thành viên RCEP (trừ Campuchia, Lào, Myanmar) bắt đầu triển khai thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của nhà xuất khẩu không quá 10 năm sau ngày thực thi hiệp định. Trường hợp chưa thể triển khai trong 10 năm, các nước được phép gia hạn tối đa 10 năm nữa để thực hiện cơ chế này.
Ông Trần Ngọc Bình - Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực TP. Hồ Chí Minh - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, hiện, tất cả thành viên RCEP đều đã có hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương với Việt Nam, do đó, RCEP không có vai trò mở rộng thị trường xuất khẩu như một số hiệp định thương mại tự do (FTA) khác. Tuy nhiên, Hiệp định RCEP mang lại lợi ích cho nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhất là dệt may và nông - thủy sản, khi xuất khẩu đến một số thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.
Cụ thể, với hàng dệt may, trong khi các FTA trước đó giữa Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) đều yêu cầu quy tắc xuất xứ hai công đoạn, nghĩa là vải phải được sản xuất trong khu vực ASEAN hoặc Nhật Bản mới được ưu đãi thuế quan. Với Hiệp định RCEP, Việt Nam có thể nhập vải bất cứ đâu, chỉ cần cắt may tại Việt Nam (chuyển đổi chương sản phẩm) là có thể được hưởng ưu đãi thuế khi xuất vào Nhật Bản.
Tương tự, với hàng thủy sản, các hiệp định như VJFTA, AJCEP đều yêu cầu xuất xứ thuần túy tại Việt Nam, nhưng Hiệp định RCEP cho phép nhập khẩu con giống từ bất cứ đâu, hoặc con giống được nuôi trồng tại Việt Nam và xuất khẩu mà vẫn được hưởng ưu đãi.
Tránh gian lận xuất xứ hàng hóa
Những quy định về xuất xứ hàng hóa khá cởi mở khiến mặt trái của việc thực thi RCEP là đặt ra những khó khăn về chống gian lận xuất xứ hàng hóa. Luật sư Bùi Văn Thành - Trưởng phòng Luật sư Mặt Trời Mới, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Hòa giải viên VMC - cho biết, việc gian lận xuất xứ hàng hóa trong RCEP phổ biến, tập trung ở các dạng thức: Nhóm hành vi gian lận, giả mạo C/O từ nước xuất khẩu vào Việt Nam; nhóm hành vi gian lận, giả mạo C/O của Việt Nam, ghi nhãn xuất xứ Việt Nam trước khi nhập khẩu vào Việt Nam để tiêu thụ; nhóm hành vi gian lận, giả mạo C/O của Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu hàng hóa; các tranh chấp cụ thể về chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với hợp đồng mua bán hàng hóa cụ thể.
Ông Thành cũng lưu ý, tổ chức cấp C/O là cơ quan được chỉ định hoặc ủy quyền bởi một nước thành viên để phát hành C/O và phải thông báo cho các nước thành viên khác. Doanh nghiệp được khuyến cáo tìm các đối tác tin cậy, tham gia vào chuỗi cung ứng để hạn chế những rủi ro về gian lận xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, hiệp định khuyến khích việc giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, tham vấn, hòa giải và sự thỏa thuận của các bên sẽ hoàn toàn được tôn trọng.
Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu rào cản thương mại, Hiệp định RCEP được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại có quy mô lớn nhất thế giới, phát triển những chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và đối tác.
Theo Báo Công Thương