...

Về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm

14 Tháng 2, 2020

1. Án lệ 08/2016/AL

Được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 07/10/2016 và được công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17/10 /2016 của Chánh án TANDTC.

Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 12/2013/KDTM-GĐT ngày 16-5-2013 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án kinh doanh, thương mại “Tranh chấp về hợp đồng tín dụng” tại TP Hà Nội giữa nguyên đơn là Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam với bị đơn là CTCP dược Kaoli; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm các ông, bà Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Đăng Duyên, Đỗ Thị Loan.

Vị trí nội dung án lệ: Đoạn 16 phần “Xét thấy” của quyết định giám đốc thẩm nêu trên.

Khái quát nội dung của án lệ:

– Tình huống án lệ: Trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về lãi suất cho vay, gồm: lãi suất cho vay trong hạn, lãi suất nợ quá hạn, việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay mà đến thời điểm xét xử sơ thẩm khách hàng vay chưa thanh toán, hoặc thanh toán không đủ số tiền nợ gốc, lãi theo hợp đồng tín dụng.

– Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng, tổ chức tín dụng khoản tiền nợ gốc chưa thanh toán, tiền lãi trên nợ gốc trong hạn (nếu có), lãi nợ quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ: – Các điều 471, 474 và Điều 476 BLDS năm 2005; – Khoản 2 Điều 91 Luật Tổ chức tín dụng năm 2010; – Điều 1 Thông tư số 12/2010/TT-NHNN ngày 14-4-2010 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn tổ chức tín dụng cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận; – Khoản 2 Điều 11 Quy chế cho vay của Tổ chức tín dụng đối với khách hàng được ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31-12-2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được sửa đổi, bổ sung bằng Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03-02-2005.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 20-7-2010 và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì thấy: Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Thăng Long (sau đây viết tắt là Vietcombank) và CTCP dược Kaoli (sau đây viết tắt là Công ty Kaoli) có ký kết 04 hợp đồng tín dụng, gồm: Hợp đồng tín dụng số 03/07/NHNT-TL ngày 25-12-2007; số 04/07/NHNT-TL ngày 28-12-2007; số 144/08/NHNT-TL ngày 28-3-2008 và số 234/08/NHNT-TL ngày 27-5-2008. Các hợp đồng tín dụng nêu trên được bảo đảm bằng tài sản là quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở tại:

– Số 122 Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội (thửa đất số 46B+39C+37C, tờ bản đồ số 19) thuộc quyền sở hữu và sử dụng của bà Nguyễn Thị Phượng (theo Hợp đồng thế chấp số 1678.2008/HĐTC ngày 25-6-2008; bảo đảm cho khoản vay và bảo lãnh cao nhất là 4.605.000.000 đồng; các điều kiện chi tiết về việc vay và cho vay khoản tiền nêu trên sẽ được ghi cụ thể trong các giấy tờ nghiệp vụ ngân hàng mà Vietcombank và Bên được bảo lãnh (Công ty Kaoli) sẽ ký tại trụ sở của Vietcombank (khoản 1.3 Điều 1); giá trị tài sản thế chấp là 4.605.000.000 đồng theo Biên bản định giá tài sản số 105/08/NHNT.TL; thời hạn thế chấp là 05 năm tính từ ngày Bên được bảo lãnh nhận tiền vay; hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký QSDĐ (khoản 10.1 Điều 10). Hợp đồng này được công chứng viên Phòng Công chứng số 3 TP Hà Nội công chứng ngày 25-6-2008 và Phòng TNMT quận Ba Đình chứng nhận đăng ký thế chấp bằng QSDĐ, tài sản gắn liền với đất ngày 10-7-2008). Trước đó, ngày 03-9-2007, bà Phượng vàVietcombank lập Biên bản giao nhận hồ sơ tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh với nội dung: “Hai bên tiến hành bàn giao các giấy tờ bản chính tài sản bảo đảm sau đây để đảm bảo cho các nghĩa vụ của CTCP dược Kaoli tại Ngân hàng ngoại thương Việt Nam-Chi nhánh Thăng Long; tên tài sản: Quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở tại 122 Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội” (BL 52).

– Tổ 13 cụm 2 phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội thuộc quyền sở hữu và sử dụng của ông Nguyễn Đăng Duyên và vợ là bà Đỗ Thị Loan (theo Hợp đồng thế chấp số 1677.2008/HĐTC ngày 25-6-2008, bảo đảm cho khoản vay và bảo lãnh cao nhất là 1.250.000.000 đồng; các điều kiện chi tiết về việc vay và cho vay khoản tiền nêu trên sẽ được ghi cụ thể trong các giấy tờ nghiệp vụ ngân hàng mà Vietcombank và Bên được bảo lãnh (Công ty Kaoli) sẽ ký tại trụ sở của Vietcombank (khoản 1.3 Điều 1); giá trị tài sản thế chấp là 1.250.000.000 đồng theo Biên bản định giá tài sản số 106/08/NHNT.TL ngày 03-9-2007 (khoản 3.1 Điều 3); thời hạn thế chấp là 05 năm tính từ ngày Bên được bảo lãnh nhận tiền vay; hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký QSDĐ (khoản 10.1 Điều 10); hợp đồng này được công chứng viên Phòng Công chứng số 3 TP Hà Nội công chứng ngày 25-6-2008 và Phòng TNMT quận Ba Đình chứng nhận đăng ký thế chấp bằng QSDĐ, tài sản gắn liền với đất ngày 01-7-2008). Trước đó, ngày 03-9-2007, ông Nguyễn Đăng Duyên và Vietcombank – Chi nhánh Thăng Long lập Biên bản giao nhận hồ sơ tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh với nội dung: “Hai bên tiến hành bàn giao các giấy tờ bản chính tài sản bảo đảm sau đây để đảm bảo cho các nghĩa vụ của CTCP dược Kaoli tại Ngân hàng ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Thăng Long; tên tài sản: Quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở tại tổ 13 cụm 2 phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội” (BL 58a).

Ngoài ra, các khoản vay của các hợp đồng tín dụng nêu trên còn được bảo đảm bằng tài sản là nhà, đất thuộc quyền sử dụng và sở hữu của ông Cao Ngọc Minh và vợ là bà Đoàn Thị Thanh Thủy; nhà, đất của ông Giang Cao Thắng và vợ là bà Dương Thị Sinh (đã được giải chấp); QSDĐ của ông Chu Quốc Khanh; nhà, đất của bà Chu Thị Hồng và ông Nguyễn Văn Minh.

Thực hiện hợp đồng, Vietcombank – Chi nhánh Thăng Long đã giải ngân cho Công ty Kaoli vay số tiền theo các hợp đồng tín dụng nói trên. Công ty Kaoli chỉ mới trả được một phần tiền nợ gốc và nợ lãi. Vietcombank khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty Kaoli phải thanh toán số tiền còn nợ của 04 hợp đồng tín dụng nêu trên là 8.197.957.837 đồng (trong đó: nợ gốc là 5.457.000.000 đồng, nợ lãi trong hạn là 397.149.467 đồng, nợ lãi quá hạn tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 2.343.808.370 đồng) và xử lý tài sản thế chấp của bà Nguyễn Thị Phượng; của ông Nguyễn Đăng Duyên và bà Đỗ Thị Loan để thu hồi nợ.

Đại diện bị đơn – ông Đỗ Văn Chính, giám đốc Công ty Kaoli trình bày: Ông thừa nhận Công ty Kaoli còn nợ Vietcombank số tiền gốc và lãi trong hạn, lãi quá hạn theo 04 Hợp đồng tín dụng như Vietcombank trình bày là đúng. Ông xác định trách nhiệm trả nợ theo 04 hợp đồng tín dụng nêu trên là của Công ty Kaoli và xin trả dần trong thời hạn 05 năm.

Trường hợp Công ty Kaoli không trả được nợ hoặc trả nợ không đầy đủ, Vietcombank yêu cầu phát mại tài sản đảm bảo của bà Nguyễn Thị Phượng, của ông Nguyễn Đăng Duyên và bà Đỗ Thị Loan thì đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Ông Chính xác nhận Vietcombank giải ngân trước khi ký kết Hợp đồng thế chấp số 1678.2008/HĐTC ngày 25-6-2008 và Hợp đồng thế chấp số 1677.2008/HĐTC ngày 25-6-2008. Từ ngày 25-6-2008 đến nay, Công ty Kaoli không vay thêm một khoản vay nào khác, không ký hợp đồng tín dụng nào khác với Vietcombank.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

– Ông Nguyễn Văn Nghi (đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị Phượng) trình bày: Vietcombank khởi kiện Công ty Kaoli và đề nghị Tòa án cho phát mại tài sản của bà Phượng trong trường hợp Công ty Kaoli không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, ông không đồng ý vì bà Phượng ký kết hợp đồng thế chấp vào ngày 25-6-2008 nên không phải chịu trách nhiệm bảo lãnh cho khoản vay của Công ty Kaoli tại Vietcombank theo 04 hợp đồng tín dụng mà Vietcombank đang khởi kiện. Đề nghị Tòa án buộc Vietcombank làm thủ tục giải chấp và trả lại Giấy chứng nhận QSDĐ và quyền sở hữu nhà ở cho bà Phượng.

– Ông Nguyễn Đăng Duyên và bà Đỗ Thị Loan cùng trình bày: Vợ chồng ông, bà có ký Hợp đồng thế chấp ngày 25-6-2008 nhưng hợp đồng này chỉ đảm bảo cho khoản vay của Công ty Kaoli tại Vietcombank và sẽ chịu mọi trách nhiệm phát sinh từ thời điểm sau ngày 25-6-2008 đến ngày 25-4-2009 còn toàn bộ những hợp đồng tín dụng đã ký trước thời điểm ngày 25-6-2008 giữa Vietcombank và Công ty Kaoli thì ông, bà không chịu trách nhiệm. Theo Vietcombank thì từ sau thời điểm ngày 25-6-2008 đến nay, Vietcombank không ký hợp đồng tín dụng nào với Công ty Kaoli. Do vậy, trách nhiệm pháp lý của ông, bà chưa phát sinh. Đề nghị Tòa án buộc Vietcombank phải giải chấp tài sản theo Hợp đồng thế chấp ngày 25-6-2008 cho ông, bà.

Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 32/2011/KDTM-ST ngày 24-3-2011, Tòa án nhân dân TP Hà Nội quyết định:

“1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam đối với Công ty Kaoli. Buộc Công ty Kaoli có trách nhiệm phải trả cho Ngân hàng tổng số tiền nợ gốc và lãi là 8.197.957.837 đồng.

2. Không chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam đòi phát mãi các tài sản là giá trị quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở tại thửa đất số 46B + 39C + 37C, tờ bản đồ số 19, địa chỉ số 122 Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở số 10101132587 do Uỷ ban nhân dân quận Ba Đình cấp ngày 27-4-2004 cho bà Nguyễn Thị Phượng và giá trị quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở tại địa chỉ số tổ 13, cụm 2, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở tại thửa đất số 13+64A (1 phần), tờ bản đồ số 04 tại địa chỉ số tổ 13 cụm 2, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở số 10103090899 do Ủy ban nhân dân TP Hà Nội cấp ngày 23-3-2004 cho ông Nguyễn Đăng Duyên và vợ là bà Đỗ Thị Loan.

Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam có trách nhiệm trả lại đầy đủ giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở và làm thủ tục giải tỏa tài sản thế chấp cho bà Nguyễn Thị Phượng và vợ, chồng ông Nguyễn Đăng Duyên, bà Đỗ Thị Loan”.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn có quyết định về án phí, quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 04-4-2011, Vietcombank có đơn kháng cáo.

Tại Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 148/2011/KDTM-PT ngày 17-8-2011, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội căn cứ khoản 2 Điều 275 và khoản 1 Điều 276 BLTTDS quyết định: “Sửa Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 32/2011/KDTM-ST ngày 23 và 24-3-2011 của Tòa án nhân dân TP Hà Nội về phần nghĩa vụ bảo lãnh đối với bà Nguyễn Thị Phượng và vợ, chồng ông Nguyễn Đăng Duyên, bà Đỗ Thị Loan, cụ thể như sau:

Xử: Các Biên bản bàn giao hồ sơ tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh ngày 03-9-2007 giữa Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Thăng Long với bà Nguyễn Thị Phượng và vợ chồng ông Nguyễn Đăng Duyên, bà Đỗ Thị Loan là hợp đồng bảo lãnh (các bút lục số 52, 58a).

Buộc CTCP dược Kaoli phải có trách nhiệm thanh toán trả cho Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam tổng số tiền nợ gốc và nợ lãi là 8.197.957.837 đồng…

Trong trường hợp CTCP dược Kaoli không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ trả nợ không đầy đủ cho Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam thì Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam có quyền yêu cầu Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội xử lý tài sản bảo lãnh theo quy định của Luật thi hành án dân sự để thu hồi nợ theo trách nhiệm bảo lãnh của người bảo lãnh.

…Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án còn phải trả lãi đối với số tiền chậm thi hành án theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm thi hành án”.

Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí, về việc thi hành án.

Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Nguyễn Thị Phượng; ông Nguyễn Đăng Duyên và bà Đỗ Thị Loan có nhiều đơn đề nghị xét lại bản án phúc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tại Quyết định kháng nghị số 34/2012/KDTM-KN ngày 15-10-2012, Chánh án TANDTC đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 148/2011/KDTM-PT ngày 17-8-2011 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án TANDTC.

Hội đồng Thẩm phán TANDTC nhận định:

Xét các Hợp đồng thế chấp QSDĐ và tài sản gắn liền với đất để bảo lãnh cho người thứ ba vay vốn ngân hàng (Số công chứng: 1677.2008/HĐTC và 1678.2008/HĐTC cùng ngày 25-6-2008) thấy: Cả hai hợp đồng thế chấp QSDĐ và tài sản gắn liền với đất để bảo lãnh cho người thứ ba vay vốn ngân hàng đều không nêu rõ bảo đảm cho khoản vay theo hợp đồng tín dụng nào và đều được ký kết sau khi 04 Hợp đồng tíndụng (số 03/07/NHNT-TL ngày 25-12-2007;số04/07/NHNT-TL ngày 28-12-2007; số 144/08/NHNT-TL ngày 28-3-2008 và số 234/08/NHNT-TL ngày 27-5-2008) đã được Vietcombank – Chi nhánh Thăng Long giải ngân. Theo quy định tại khoản 1.3 Điều 1 của hai Hợp đồng thế chấp nêu trên thì: “Các điều kiện chi tiết về việc vay và cho vay khoản tiền nêu trên (Nghĩa vụ được bảo đảm là khoản vay và bảo lãnh cao nhất là 4.605.000.000 đồng…; – khoản 1.2 Điều 1 Hợp đồng thế chấp) sẽ được ghi cụ thể trong giấy tờ nghiệp vụ Ngân hàng mà bên B (Vietcombank – Chi nhánh Thăng Long) và bên được bảo lãnh sẽ ký tại trụ sở của bên B (Vietcombank – Chi nhánh Thăng Long)” thì có thể hiểu bà Phượng, vợ chồng ông Duyên và bà Loan chỉ bảo lãnh cho Công ty Kaoli vay tiền theo các hợp đồng tín dụng sẽ được ký tại trụ sở của Vietcombank sau ngày ký hợp đồng thế chấp (ngày 25-6-2008) chứ không bảo lãnh cho các khoản vay của04 Hợp đồng tín dụng đã ký trước đó.

Vietcombank căn cứ vào khoản 6.2 Điều 6 của 04 Hợp đồng tín dụng nêu trên về biện pháp bảo đảm tiền vay có ghi (viết tay) nội dung: “Các thỏa thuận chi tiết về tài sản, quyền và nghĩa vụ của các bên được xác định cụ thể trong…Hợp đồng thế chấp số 1677.2008/HĐTC ngày 25-6-2008 và Hợp đồng thế chấp số 1678.2008/HĐTC ngày 25-6-2008” để yêu cầu Tòa án buộc bà Phượng, vợ chồng ông Duyên và bà Loan phải có trách nhiệm bảo lãnh đối với các khoản vay của Công ty Kaoli theo 04 Hợp đồng tín dụng nêu trên. Nhưng nội dung này, theo đại diện Vietcombank trình bày tại phiên tòa sơ thẩm là “do kế toán của Ngân hàng viết”. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Đỗ Văn Chính – Giám đốc Công ty Kaoli trình bày: “Công ty Kaoli không biết việc viết thêm này” và “Không đồng ý với yêu cầu phát mại của Ngân hàng. Các tài sản của bà Phượng và vợ chồng ông Duyên, bà Loan là do Ngân hàng ghi thêm trong các hợp đồng tín dụng”.

Mặt khác, tại phiên tòa phúc thẩm đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị Phượng cho biết bà Nguyễn Thị Phượng không nhận được hợp đồng tín dụng nào từ Vietcombank; còn ông Duyên, bà Loan thì có nhận được hợp đồng tín dụng từ Vietcombank. Như vậy, ông Chính, bà Phượng và vợ chồng ông Duyên, bà Loan không biết nội dung chữ viết tay do kế toán Ngân hàng ghi trong các hợp đồng tín dụng, không ký vào hợp đồng tín dụng cho nên chưa có căn cứ để xác định các hợp đồng tín dụng nêu trên được bảo đảm bằng các Hợp đồng thế chấp số 1677.2008/HĐTC và 1678.2008/HĐTC cùng ngày 25-6-2008. Bên cạnh hai hợp đồng thế chấp nêu trên thì trong hồ sơ vụ án có 02 bộ tài liệu liên quan đến việc thế chấp tài sản: 01 bộ của bà Phượng; 01 bộ của vợ chồng ông Duyên, bà Loan; trong mỗi bộ đều có: Biên bản định giá tài sản và Biên bản bàn giao tài sản cùng đề ngày 03-9-2007; Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp (ngày 29-01-2008 của bà Phượng; ngày 25-6-2008 của ông Duyên, bà Loan). Tuy nhiên, trong các Biên bản và Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp này cũng không nói rõ bảo đảm cho khoản vay của hợp đồng tín dụng nào.

Tòa án cấp phúc thẩm nhận định (tóm tắt): “Các Biên bản giao nhận hồ sơ tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh giữa Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Thăng Long với bà Phượng, vợ chồng ông Duyên, bà Loan lập ngày 03-9-2007 đều có nội dung thế chấp, cầm cố, bảo lãnh cho các nghĩa vụ của CTCP dược Kaoli tại Ngân hàng…nên xác định đây là một hợp đồng…”. Và Tòa án cấp phúc thẩm tuyên xử: “Các Biên bản bàn giao hồ sơ tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh ngày 03-9-2007 giữa Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Thăng Long với bà Nguyễn Thị Phượng và vợ chồng ông Nguyễn Đăng Duyên, bà Đỗ Thị Loan là hợp đồng bảo lãnh (các bút lục số 52, 58a)” và “Trong trường hợp CTCP dược Kaoli không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ trả nợ không đầy đủ cho Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam, thì Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam có quyền yêu cầu Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội xử lý tài sản bảo lãnh theo quy định của Luật Thi hành án dân sự để thu hồi nợ theo trách nhiệm bảo lãnh của người bảo lãnh”.

Nhận định và quyết định trên đây của Tòa án cấp phúc thẩm là không có căn cứ và không đúng pháp luật. Bởi lẽ:

– Biên bản giao nhận hồ sơ tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh ngày 03-9-2007 giữa bà Nguyễn Thị Phượng (cũng như giữa ông Duyên, bà Loan) với Vietcombank – Chi nhánh Thăng Long không phải là hợp đồng bảo lãnh như Tòa án cấp phúc thẩm xác định.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 17-8-2011 đại diện Vietcombank cũng chỉ xác định: “Biên bản bàn giao tài sản, biên bản định giá tài sản là một bộ phận không thể tách rời hợp đồng thế chấp tài sản”. – Theo Biên bản giao nhận hồ sơ tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, Biên bản định giá tài sản và trình bày của đại diện Vietcombank tại phiên tòa phúc thẩm thì ngày giao nhận hồ sơ và định giá tài sản là ngày 03-9-2007. Còn hợp đồng thế chấp giữa bà Phượng (cũng như giữa ông Duyên, bà Loan) với Vietcombank – Chi nhánh Thăng Long được ký vào ngày 25-6-2008 (sau ngày lập Biên bản giao nhận hồ sơ tài sản và Biên bản định giá tài sản) nên không thể coi các Biên bản này là một bộ phận không thể tách rời của Hợp đồng thế chấp nói trên. Tòa án cấp phúc thẩm cũng xác định:

“Hợp đồng thế chấp ngày 25-6-2008… không liên quan đến các biên bản giao nhận hồ sơ…”.

– Theo ngày ghi trong biên bản và trình bày của đại diện Vietcombank tại phiên tòa phúc thẩm thì ngày giao hồ sơ (bản chính Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở) và ngày định giá tài sản là ngày 03-9-2007, nhưng trong các Biên bản định giá tài sản này lại ghi: “Căn cứ Bảng giá đất tại các quận tại Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 150/2007/QĐUBND ngày 28-12-2007 của Uỷ ban nhân dân TP Hà Nội” và Biên bản này là bộ phận không thể tách rời của Hợp đồng thế chấp số 1678.2008/HĐTC và số 1677.2008/HĐTC ngày 25-6-2008. Riêng đối với trường hợp của bà Phượng, giá trị QSDĐ ở được xác định theo Biên bản xác định giá đất thực tế ngày 04-9-2007 và Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp của bà Phượng đề ngày 29-01-2008 ghi: “Hợp đồng thế chấp số 1678.2008/HĐTC ký ngày 25 tháng 6 năm 2008”. Mặt khác, theo trình bày và tài liệu do bà Phượng, vợ chồng ông Duyên, bà Loan xuất trình thì tại thời điểm ngày 03-9-2007 nhà, đất của bà Phượng đang được thế chấp tại Chi nhánh ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng An, quận Tây Hồ, đến ngày 11-01-2008 mới được giải chấp; còn nhà, đất của vợ, chồng ông Duyên, bà Loan đang được thế chấp tại Ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh Việt Nam – Chi nhánh Thăng Long, đến ngày 16-01-2008 mới được giải chấp.

Với các chứng cứ nêu trên có căn cứ để kết luận: Biên bản giao nhận hồ sơ tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh và Biên bản định giá tài sản không phải được lập vào ngày 03-9-2007, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở không phải được giao vào ngày03-9-2007, việc định giá không được thực hiện vào ngày 03-9-2007 như đại diện Vietcombank trình bày và được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận. Tại thời điểm ngày 03-9-2007, thì Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh tài sản bằng QSDĐ và tài sản gắn liền trên đất phải được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 130 Luật Đất đai 2003; tại điểm a mục 1 Điều 12 Nghị định 163/NĐ-CP ngày 29-12-2006 và tại tiểu mục 2.4 mục 2 Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTP-BTNMTngày 13-6-2006; chứ không phải công chứng và không phải đăng ký giao dịch bảo đảm như Tòa án cấp phúc thẩm nhận định.

Tòa án cấp phúc thẩm chưa làm rõ ngoài các tài liệu nêu trên còn có tài liệu, chứng cứ nào khác để chỉ dẫn các hợp đồng thế chấp do bà Phượng và vợ chồng ông Duyên, bà Loan ký là được bảo lãnh cho 04 hợp đồng tín dụng của Công ty Kaoli hay không mà lại cho rằng các biên bản bàn giao hồ sơ là hợp đồng bảo lãnh là không đúng, không chính xác. Vì Biên bản này không thể là hợp đồng bảo lãnh, khi xét cả về mặt hình thức và nội dung văn bản.

– Nếu có căn cứ cho rằng các Hợp đồng thế chấp ngày 25-6-2008 của bà Phượng và của vợ chồng ông Duyên, bà Loan bảo lãnh cho các hợp đồng tín dụng nêu trên thì hợp đồng bảo lãnh của bà Phượng chỉ bảo đảm cho khoản vay và bảo lãnh cao nhất là 4.605.000.000 đồng; hợp đồng bảo lãnh của vợ chồng ông Duyên, bà Loan bảo đảm cho khoản vay và bảo lãnh cao nhất là 1.250.000.000 đồng. Trong khi đó, Tòa án cấp phúc thẩm nhận định các Biên bản giao nhận hồ sơ tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh lập ngày 03-9-2007 là hợp đồng bảo lãnh và tuyên: “Trong trường hợp CTCP dược Kaoli không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ trả nợ không đầy đủ cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam, thì Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam có quyền yêu cầu Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội xử lý tài sản bảo lãnh theo quy định của Luật Thi hành án dân sự để thu hồi nợ theo trách nhiệm bảo lãnh của người bảo lãnh” có nghĩa là bà Phượng, ông Duyên, bà Loan phải chịu trách nhiệm bảo lãnh cho toàn bộ số nợ của Công ty Kaoli và không phân định rõ trách nhiệm bảo lãnh của bà Phượng, ông Duyên và bà Loan cũng là không đúng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: “Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án còn phải trả lãi đối với số tiền chậm thi hành án theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm thi hành án” cũng là không đúng. Đối với các khoản tiền vay củaNgân hàng, tổ chức tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay.

Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297, Điều 299 của BLTTDS (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011),

QUYẾT ĐỊNH:

1. Hủy Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 148/2011/KDTM-PT ngày 17-8-2011 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội xét xử vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam với bị đơn là CTCP dược Kaoli và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Phượng, ông Nguyễn Đăng Duyên, bà Đỗ Thị Loan.

2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: “Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án còn phải trả lãi đối với số tiền chậm thi hành án theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm thi hành án” cũng là không đúng. Đối với các khoản tiền vay của Ngân hàng, tổ chức tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay”.

2. Bình luận

1/ Các sai sót của cán bộ ngân hàng và sai lầm nghiêm trọng của tòa án cấp phúc thẩm liên quan đến hợp đồng bảo đảm.

1.1/ Sai sót của cán bộ ngân hàng.

Khi ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam-chi nhánh Thăng long (gọi tắt Ngân hàng) ký 4 hợp đồng tín dụng vào các ngày 25-12-2007, ngày 28-12-2007, ngày 28-3-2008, ngày 27-5-2008 cho CTCP dược Kaoli vay tiền và giải ngân theo hợp đồng tín dụng, thì trước và liền sau đó đều chưa yêu cầu phía bên vay có tài sản bảo đảm, mà 6 tháng sau đối với hợp đồng đầu tiên, 1 tháng sau tính từ thời điểm ký hợp đồng tín dụng sau cùng Ngân hàng mới ký 2 hợp đồng bảo đảm nhưng nội dung của hai hợp đồng bảo đảm đều không thể hiện bảo đảm cho các hợp đồng tín dụng nói trên, được thể hiện:

Hợp đồng thế chấp thứ nhất số 1678-2008/HĐTC ngày 25-6-2008 được ký giữa Ngân hàng với bà Nguyễn Thị Phượng. Tài sản bảo đảm là quyền sở hữu nhà và QSDĐ thửa đất số 46b+39c+37c, tờ bản đồ số 19 tại số 122 Đội cấn, phường Đội cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội bảo đảm cho khoản vay và bảo lãnh cao nhất là 4.605.000.000 đồng. Tại khoản 1.3 Điều 1 hợp đồng bảo bảo đảm ghi: các điều kiện chi tiết về việc vay và cho vay khoản tiền nêu trên sẽ được ghi cụ thể trong giấy tờ nghiệp vụ ngân hàng mà vietcombank và bên được bảo lãnh (Công ty Kaoli) sẽ ký tại trụ sở vietcombank; thời hạn thế chấp là 5 năm tính từ ngày bên được bảo lãnh nhận tiền vay; hợp đồng thế chấp có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký QSDĐ (khoản 10.1 Điều 10). Hợp đồng được công chứng ngày 25-6-2008, đăng ký thế chấp ngày 10-7-2008.

Hợp đồng thế chấp thứ hai số 1677-2008/H ĐTC ngày 25-6-2008 được ký giữa Ngân hàng với vợ chồng ông Nguyễn Đăng Duyên và vợ bà Đỗ Thị Loan. Tài sản bảo đảm là quyền sở hữu nhà và QSDĐ thửa đất tại tổ 13, cụm2 phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội bảo đảm cho khoản vay và bảo lãnh cao nhất là 1.250.000.000 đồng.Tại khoản 1.3 Điều 1 hợp đồng bảo bảo đảm ghi: các điều kiện chi tiết về việc vay và cho vay khoản tiền nêu trên sẽ được ghi cụ thể trong giấy tờ nghiệp vụ ngân hàng mà vietcombank và bên được bảo lãnh (Công ty Kaoli) sẽ ký tại trụ sở vietcombank; thời hạn thế chấp là 5 năm tính từ ngày bên được bảo lãnh nhận tiền vay; hợp đồng thế chấp có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký QSDĐ (khoản 10.1 Điều 10). Hợp đồng được công chứng ngày 25-6-2008, đăng ký thế chấp ngày 01-7-2008.

Với nội dung trong hai hợp đồng thế chấp nói trên có thể giải thích là việc thế chấp để bảo đảm cho khoản vay sau khi ký hợp đồng thế chấp, chứ không bảo đảm cho các khoản vay trước đó của CTCP được Kaoli, còn sau khi ký hợp đồng thế chấp các bên không ký hợp đồng tín dụng nào.

Tại khoản 6.2 Điều 6 của 4 hợp đồng tín dụng nêu trên về biện pháp bảo đảm tiền vay có chữ viết tay của cán bộ Ngân hàng với nội dung: “Các thỏa thuận chi tiết về tài sản, quyền và nghĩa vụ của các bên được xác định cụ thể trong…Hợp đồng thế chấp số 1677.2008/HĐTC ngày25-6-2008 và Hợp đồng thế chấp số 1678.2008/HĐTC ngày 25-6-2008”, nhưng bên thế chấp không ký vào hợp đồng tín dụng này, và cả bên vay và bên thế chấp không ký xác nhận nội dung viết tay này trong hợp đồng tín dụng.

Có thể xác định đây là cách làm tùy tiện, đối phó của cán bộ Ngân hàng nhằm ràng buộc các hợp đồng thế chấp với hợp đồng tín dụng, nhưng về mặt pháp lý cách làm đó không có giá trị, không bảo đảm cho 4 hợp đồng tín dụng đã ký trước đó.

Từ sai sót này cán bộ nghiệp vụ ngân hàng cần phải ý thức đày đủ hai khía cạnh cùng một vấn đề khi thực hiện giao dịch bảo đảm. Về khía cạnh thứ nhất là cần tuân thủ các yêu cầu của pháp luật để giao dịch bảo đảm có hiệu lực pháp lý dù rất quan trọng, nhưng điều đó là chưa đủ, mà quan trọng hơn phải chú ý đến vấn đề thứ hai, đó là làm cho giao dịch bảo đảm đó phải có giá trị trên thực tế. Để đáp ứng được hai khía cạnh đó đòi hỏi nội dung của giao dịch bảo đảm phải hướng tới bảo đảm cho các nghĩa vụ “cụ thể”, nghĩa vụ đó có thể là nghĩa vụ hiện tại hay nghĩa vụ trong tương lai trong những hợp đồng cụ thể. Khi cán bộ ngân hàng xác lập giao dịch bảo đảm phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch, đồng thời trong hợp đồng bảo đảm có những nội dung rõ ràng bảo đảm cho nghĩa vụ nào, trong những hợp đồng nào.

2/ Về phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm về hợp đồng bảo đảm

2.1/ Phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm

Với các sai sót của cán bộ ngân hàng nên hai hợp đồng thế chấp nói trên dù đã được công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm, dù có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn không có giá trị bảo đảm cho các khoản vay trong 4 hợp đồng tín dụng ký trước đó, nên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng đối với tài sản của gia đình bà Nguyễn Thị Phượng và gia đình ông Nguyên Đăng Duyên trong hai hợp đồng thế chấp số 1678.2008/HĐTC ngày25-6-2008 và Hợp đồng thế chấp số 1677.2008/HĐTC ngày 25-6-2008 nói trên là có căn cứ, đúng pháp luật.

2.2/ Phán quyết của Tòa án cấp phúc thẩm

Mặc dù bên cạnh hai hợp đồng thế chấp nêu trên trong hồ sơ có 02 bộ tài liệu liên quan đến việc thế chấp tài sản: 01 bộ của bà Phượng; 01 bộ của vợ chồng ông Duyên, bà Loan. Trong mỗi bộ đều có: Biên bản định giá tài sản và Biên bản bàn giao tài sản cùng đề ngày 03-9-2007; Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp (ngày 29-01-2008 của bà Phượng; ngày 25-6-2008 của ông Duyên, bà Loan). Tuy nhiên, trong các Biên bản và Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp này cũng không nói rõ bảo đảm cho khoản vay của hợp đồng tín dụng nào, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm vẫn đưa ra nhận định (tóm tắt): “Các Biên bản giao nhận hồ sơ tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh giữa Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Thăng Long với bà Phượng, vợ chồng ông Duyên, bà Loan lập ngày 03-9-2007 đều có nội dung thế chấp, cầm cố, bảo lãnh cho các nghĩa vụ của CTCP dược Kaoli tại Ngân hàng…nên xác định đây là một hợp đồng…”. Và Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: “Các Biên bản bàn giao hồ sơ tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh ngày 03-9-2007 giữa Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Thăng Long với bà Nguyễn Thị Phượng và vợ chồng ông Nguyễn Đăng Duyên, bà Đỗ Thị Loan là hợp đồng bảo lãnh (các bút lục số 52, 58a)”…; “Trong trường hợp CTCP dược Kaoli không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ trả nợ không đầy đủ cho Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam, thì Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam có quyền yêu cầu Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội xử lý tài sản bảo lãnh theo quy định của Luật Thi hành án dân sự để thu hồi nợ theo trách nhiệm bảo lãnh của người bảo lãnh”.

Nhận định và quyết định nói trên của tòa án cấp phúc thẩm vừa sai lầm trong nhận thức về khái niệm hợp đồng, vừa không phát hiện những mâu thuẫn trong biên bản, đánh giá sai về giá trị pháp lý của biên bản bàn giao hồ sơ thế chấp ngày 03-9-2007, thể hiện:

– Biên bản giao nhận hồ sơ tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh ngày 03-9-2007 giữa bà Nguyễn Thị Phượng (cũng như giữa ông Duyên, bà Loan) với Vietcombank – Chi nhánh Thăng Long, như chính tên gọi của nó, chỉ là văn bản thể hiện việc giao nhận 3 tài liệu trong mỗi bộ hồ sơ, không có nội dung thỏa thuận, cam kết nào về quyền, nghĩa vụ của việc bảo lãnh như một hợp đồng bảo đảm.

Trong vụ việc cụ thể này, nếu tên gọi của văn bản chưa phản ánh đúng nội dung của văn bản thì nó vẫn có giá trị pháp lý khi tuân thủ các điều kiện mà luật quy định cho loại quan hệ pháp luật đó, điều đó có nghĩa là tên gọi có thể không tương thích với nội dung văn bản không có nghĩa nó không có giá trị, nhưng khi tên gọi của văn bản hoàn toàn phù hợp với nội dung của văn bản thì không được tùy tiện giải thích khác. Do đó, trong thực tiễn phải xem xét, đánh giá đúng nội dung của văn bản để xác định tính chất pháp lý của văn bản, trên cơ sở đó xem xét sự tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của loại văn bản đó, nếu đó là quan hệ pháp luật thì xem xét các quy định liên quan đến quan hệ pháp luật đó để xác định giá trị pháp lý của văn bản.

Nghiên cứu kỹ nội dung của biên bản sẽ nhận thấy nó chứa đựng nhiều mâu thuẫn, không minh bạch, đó là biên bản lập ngày 03-9-2007 nhưng lại ghi về một quyết định ban hành sau (ngày lập biên bản) 3 tháng của Ủy ban nhân dân, và hai hợp đồng thế chấp được ký sau đó đến hơn 9 tháng, cụ thể: “Căn cứ Bảng giá đất tại các quận tại Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 150/2007/QĐUBND ngày 28-12-2007 của Uỷ ban nhân dân TP Hà Nội” và Biên bản này là bộ phận không thể tách rời của Hợp đồng thế chấp số 1678.2008/HĐTC và số 1677.2008/HĐTC ngày 25-6-2008. Riêng đối với trường hợp của bà Phượng, giá trị QSDĐ ở được xác định theo Biên bản xác định giá đất thực tế ngày 04-9-2007 và Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp của bà Phượng đề ngày 29-01-2008, (trong đơn này ghi về hợp đồng thế chấp số 1678, hợp đồng này ra đời sau đó 5 tháng tính từ ngày lập biên bản): “Hợp đồng thế chấp số 1678.2008/HĐTC ký ngày 25 tháng 6 năm 2008”, (người ghi biên bản cũng như đơn yêu cầu đăng ký thế chấp đã có khả năng “tiên tri” về các văn bản xuất hiện sau thời điểm lập biên bản).

Mặt khác, theo trình bày và tài liệu do bà Phượng, vợ chồng ông Duyên, bà Loan xuất trình thì tại thời điểm ngày 03-9-2007 nhà, đất của bà Phượng đang được thế chấp tại Chi nhánh ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng An, quận Tây Hồ đến ngày 11-01-2008 mới được giải chấp; còn nhà, đất của vợ, chồng ông Duyên, bà Loan đang được thế chấp tại Ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh Việt Nam – Chi nhánh Thăng Long đến ngày 16-01-2008 mới được giải chấp.

Chính Tòa án cấp phúc thẩm cũng phải xác định: “Hợp đồng thế chấp ngày 25-6-2008… không liên quan đến các biên bản giao nhận hồ sơ…”.

Với các chứng cứ nêu trên có căn cứ để kết luận: Biên bản giao nhận hồ sơ tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh và Biên bản định giá tài sản không phải được lập vào ngày 03-9-2007; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở không phải được giao vào ngày 03-9-2007; việc định giá không được thực hiện vào ngày 03-9-2007 như đại diện Vietcombank trình bày và được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận.

•Về giới hạn bảo đảm:

Các Hợp đồng thế chấp ngày 25-6-2008 của bà Phượng và của vợ chồng ông Duyên, bà Loan bảo lãnh cho các hợp đồng tín dụng nêu trên thì hợp đồng bảo lãnh của bà Phượng chỉ bảo đảm cho khoản vay và bảo lãnh cao nhất là 4.605.000.000 đồng; hợp đồng bảo lãnh của vợ chồng ông Duyên, bà Loan bảo đảm cho khoản vay và bảo lãnh cao nhất là 1.250.000.000 đồng. Trong khi đó, Tòa án cấp phúc thẩm nhận định các Biên bản giao nhận hồ sơ tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh lập ngày 03-9-2007 là hợp đồng bảo lãnh và quyết định: “Trong trường hợp CTCP dược Kaoli không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ trả nợ không đầy đủ cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam, thì Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam có quyền yêu cầu Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội xử lý tài sản bảo lãnh theo quy định của Luật Thi hành án dân sự để thu hồi nợ theo trách nhiệm bảo lãnh của người bảo lãnh”, có nghĩa là bà Phượng, ông Duyên, bà Loan phải chịu trách nhiệm bảo lãnh toàn bộ số nợ của Công ty Kaoli là vượt quá giới hạn bảo đảm được ghi trong mỗi hợp đồng thế chấp. Mặt khác, bà Phượng, vợ chồng ông Duyên có tỷ lệ bảo đảm nghĩa vụ khác nhau (bà Phượng 4.605.000.000 đồng, vợ chồng ông Duyên 1.250.000.000 đồng), nhưng lại buộc thực hiện nghĩa vụ bảo đảm như nhau, không phân định rõ giới hạn trách nhiệm bảo lãnh của mỗi người (bà Phượng, ông Duyên và bà Loan) được thể hiện trong hợp đồng thế chấp là không đúng.

Tòa phúc thẩm xác định mức lãi xuất sau khi có phán quyết cũng không đúng và nội dung này đã được chọn là án lệ, tác giả sẽ bình luận riêng ở mục án lệ dưới đây.

3/ Nội dung án lệ

Trong nội dung quyết định giám đốc thẩm có hai nội dung có thể chọn là án lệ đó là xác định phạm vi và giới hạn bảo lãnh của bên tham gia bảo lãnh (bà Phượng, vợ chồng ông Duyên) và vấn đề xác định lãi xuất mà bên có nghĩa vụ phải chịu sau khi có phán quyết. Do hai nội dung này trong thực tiễn xét xử vẫn còn sai sót, lúng túng khi xử lý. Tuy nhiên, chỉ có nội dung về xác định thời hạn tính lãi, mức lãi của bên phải thực hiện nghĩa vụ sau khi có phán quyết được lựa chọn. Do đó, tác giả chỉ tập trung bình luận nội dung này.

3.1/ Nội dung án lệ chỉ rõ sai lầm của Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm về thời hạn tính lãi, mức chịu lãi của bên có nghĩa vụ sau phán quyết

Án lệ đã khẳng định việc Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: “Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án còn phải trả lãi đối với số tiền chậm thi hành án theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm thi hành án” cũng là không đúng.

Hợp đồng tín dụng được xác lập khi BLDS năm 2005 có hiệu lực. Có một câu hỏi cần giải đáp là tại Điều 474 BLDS năm 2005 quy định: “1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

4. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.

5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.”

Như vậy, theo quy định trên bên vay không những phải trả đủ tiền gốc vay khi đến hạn mà còn phải trả lãi chậm trả theo lãi xuất cơ bản. Hợp đồng tín dụng là hợp đồng cho vay có lãi thì theo quy định tại khoản 5 Điều 474 bên vay ngoài việc trả nợ gốc, lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn “theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.” Vậy tại sao Phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm hình như đã quyết định theo tinh thần quy định trên của Bộ luật mà án lệ cho là sai? Trong khi Điều 476 BLDS năm 2005 đã khống chế trần lãi xuất thỏa thuận là:

“1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”, nhưng thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng vượt trần quy định này cũng không bị coi là phần thỏa thuận vượt trần lãi xuất trong hợp đồng tín dụng bị vô hiệu?

Để lý giải rõ vấn đề này sẽ có rất nhiều nội dung phải đề cập, tác giả đã có bài viết về vấn đề này [1] , nên trong phạm vi chủ đề tác giả chỉ có thể khẳng định là quan hệ tín dụng xác lập trong thời gian BLDS năm 2005 có hiệu lực không bị Điều chỉnh bởi chế định “hợp đồng vay tài sản” trong BLDS năm 2005, mà được điều chỉnh bởi pháp luật tín dụng.

Trong hợp đồng tín dụng nêu trên, hai bên thỏa thuận mức lãi trong thời hạn vay, nếu đến thời điểm kết thúc thời hạn vay mà bên vay không trả được thì phải trả lãi theo mức lãi xuất quá hạn là 150% lãi trong hạn.

Thỏa thuận của hai bên phù hợp với quy định tại Điều 91 Luật các tổ chứ tín dụng năm 2010 và Điều 11 Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31-12-2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được sửa đổi, bổ sung bằng Quyết định số 127/2005/Q Đ-NHNN ngày 03-2-2005 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 1627). Tại Điều 11 Quyết định nói trên quy định: “…2-Mức lãi xuất áp dụng đối với khoản nợ gốc quá hạn do tổ chức tín dụng ấn định và thảo thuận với khách hàng trong hợp đồng tín dụng nhưng không vượt quá 150% lãi xuất cho vay áp dụng trong thời hạn cho vay đã được ký kết hoặc điều chỉnh trong hợp đồng tín dụng”. Do đó, kết luận nói trên của án lệ là hoàn toàn có căn cứ, chính xác dựa trên thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và quy định của pháp luật tín dụng.

3.2/ Án lệ chỉ rõ việc xác định thời gian tính lãi, mức lãi mà bên có nghĩa vụ phải chịu sau khi có phán quyết.

3.2.1/ Về tính liên tục của việc tính lãi qúa hạn

Quy định cụ thể tại Điều 11 Quyết định số 1627 không đề cập đến thời điểm tính lãi cũng như lãi xuất sau phán quyết. Dựa trên cơ sở pháp lý nào mà nội dung án lệ lại thể hiện quan điểm tính lãi xuất quá hạn liên tục, trong khi các hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng thì các phán quyết đều ghi thời điểm tính lãi là khi “người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án” và mức lãi là “theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm thi hành án”?

Điểm khác nhau cơ bản ngoài yếu tố do luật quy định thì sự khác biệt còn ở chính nội dung thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Thực tiễn cho thấy hầu như các hợp đồng tín dụng đều có nội dung cơ bản tương tự nhau, đó là: thời hạn vay, lãi xuất trong thời hạn vay; lãi xuất nợ qúa hạn tối đa là150% lãi xuất trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

Các hợp đồng tín dụng không ghi thời điểm kết thúc, nếu nghĩa vụ trả nợ vẫn còn tồn tại. Nói khác đi khi bên có nghĩa vụ chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng thì nghĩa vụ trả nợ (gốc, nợ lãi trong hạn), lãi quá hạn trên nợ gốc sẽ được duy trì liên tục theo thỏa thuận không lúc nào ngắt quãng (nó chỉ khác ở mức chịu lãi-khi vi phạm bên vay chịu theo lãi phạt sẽ đề cập ở mục tiếp theo), nó chỉ chấm dứt khi bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ hoặc được bên có quyền dân sự là tổ chức tín dụng cho bên có nghĩa vụ miễn thực hiện nghĩa vụ. Do đó, Án lệ chỉ rõ lãi phải được tính liên tục: “kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm…”

3.2.2/Về mức lãi:

Theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng thì khi bên vay không trả nợ đúng hạn, thì từ thời điểm kết thúc thời hạn vay mà bên vay không trả được nợ thì phải trả lãi theo mức lãi xuất quá hạn. Do đó, hoàn toàn có cơ sở khi án lệ đưa ra hướng xử lý:“khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này…có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay…thì lãi suất …sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay”.

Đây là nội dung cốt lõi của án lệ. Trong nội dung này có hai vấn đề cần chú ý, một là bên vay phải chịu khoản tiền lãi quá hạn tương ứng với số tiền gốc chưa thanh toán cho đến khi thanh toán xong. Hai là trong hợp đồng có thỏa thuận về điều chỉnh lãi xuất cho vay theo từng thời kỳ, thì phải trên cơ sở mức lãi trong thời hạn vay mà ngân hàng đã điều chỉnh để tính lãi trong thời hạn vay từ thời điểm có điều chỉnh cho đến khi đến hạn. Đồng thời phải trên cơ sở lãi xuất điều chỉnh để xác định mức lãi phạt.

Ví dụ lãi trong hạn lúc đầu hai bên thỏa thuận lãi trong thời hạn vay là 18 % năm, nhưng sau đó ngân hàng (bên cho vay) đã điều chỉnh lãi cho vay trong hạn theo hướng hạ thấp lãi xuất, chỉ còn 10% năm thì từ thời điểm điều chỉnh mà thời hạn vay còn thì chỉ tính mức lãi 10% cho đến khi kết thúc thời hạn vay. Lãi quá hạn sẽ là 150% của mức lãi 10% năm chứ không phải 18% năm như lúc đầu. Nếu như ngân hàng (bên cho vay) điều chỉnh lãi cho vay nhiều lần thì phải căn cứ từng thời điểm điều chỉnh để xác định số tiền lãi bên vay phải chịu.

Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp có Hội đồng xét xử do không nghiên cứu kỹ đã “bỏ quên” phần thỏa thuận về điều chỉnh lãi xuất từng thời kỳ, chỉ dựa vào thỏa thuận về lãi thời điểm bắt đầu vay nên phán quyết thiếu chính xác. Do đó, ngoài việc Hội đồng xét xử tính lãi chính xác theo từng thời điểm điều chỉnh lãi, thì phần quyết định của phán quyết cần thể hiện sao cho sau khi phán quyết có hiệu lực mà ngân hàng có điều chỉnh lãi cũng không cản trở cơ quan thi hành án xác định (tính lãi) số tiền lãi sau khi có phán quyết.

4/ Tính ứng dụng của án lệ

Nội dung án lệ là về cách tính thời hạn, mức lãi sau khi có phán quyết sẽ được áp dụng cho việc giải quyết các hợp đồng vay tài sản của các tổ chức tín dụng mà trong hợp đồng hai bên có thảo thuận về tính lãi liên tục đối với phần nghĩa vụ chưa thực hiện. Khi giải quyết các tranh chấp về hợp đồng tín dụng cơ quan tài phán có quyền áp dụng tương tự án lệ này.

Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học tác giả cho rằng có thể mở rộng biên độ áp dụng tương tự nếu các hợp đồng vay tài sản của các chủ thể khác không phải là tổ chức tín dụng, nhưng nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật, đạo đức xã hội và trong hợp đồng không thỏa thuận có điểm dừng trong việc tính lãi thì cũng có thể được áp dụng tương tự án lệ này về tính liên tục của việc tính lãi quá hạn.

1.Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo bài “Những điểm khác biệt cơ bản về chế định Hợp đồng vay tài sản trong BLDS năm 2005 so với BLDS năm 2015” trang 29 Tạp chí Kiểm sát số 03-2019

Nguồn: Tạp chí tòa án.

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI