...

Chuỗi hoạt động phát triển phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án tại tỉnh Đồng Nai

14 Tháng 9, 2022

Nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản đến chuyên sâu về phương thức hòa giải và trọng tài thương mại, cũng như đáp ứng nhu cầu về giải quyết tranh chấp trong giai đoạn hiện nay đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai tổ chức Chuỗi hoạt động phát triển phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án tại tỉnh Đồng Nai trong 2 ngày từ ngày 08/9 đến 09/9/2022.

LS. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên – Luật sư điều hành LNT&PartnersLS. Đặng Việt Anh – Giám đốc Công ty Luật ANHISA

Vào ngày 08/9/2022, chuyên đề 1 "Kỹ năng giải quyết tranh chấp bằng Hòa giải thương mại" đã được triển khai với sự hướng dẫn của các Hòa giải viên đến từ Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), bao gồm: LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký VIAC, LS. Đặng Việt Anh – Giám đốc Công ty Luật ANHISA LS. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên – Luật sư điều hành LNT&Partners. Thông qua ngày đào tạo này, các diễn giả đã làm rõ khuôn khổ quy định của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế về hòa giải thương mại, đồng thời nhấn mạnh đây là sự lựa chọn phù hợp cho doanh nghiệp nhằm tối ưu thời gian, chi phí và duy trì quan hệ hợp tác. Bên cạnh đó, với việc phần lớn các học viên thuộc khối luật sư, các diễn giả cũng đưa ra nhưng lưu ý và kinh nghiệm về vai trò của luật sư trước, trong và sau khi tham gia quy trình hòa giải.


Luật sư Lê Thành Kính - Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, Trọng tài viên VIAC

Sáng ngày 09/9/2022, tại buổi đào tạo chuyên đề 02 "Kỹ năng giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại", Luật sư Lê Thành Kính - Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của phương thức giải quyết tranh chấp trọng tài trong hoạt động kinh doanh thương mại. Bên cạnh đó, Ông cũng đưa ra một số vấn đề mà Luật sư cần lưu ý và kỹ năng cần có trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng phương thức tố tụng Trọng tài.

Chiều này 09/9/2022, Hội thảo "Phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án - Công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu" được tổ chức nhằm tổng kết Chuỗi hoạt động phát triển phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án tại tỉnh Đồng Nai. Hội thảo đã vinh dự đón tiếp nhiều đại diện của các cơ quan ban ngành tỉnh Đồng Nai; Văn phòng Luật, Luật sư; Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp, Khu chế xuất tại tỉnh Đồng Nai.

LS. Lê Quang Y – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng NaiLS. Châu Việt Bắc – Phó Giám đốc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Chi nhánh tại TP. HCM

Phát biểu khai mạc tại buổi Hội thảo, LS. Lê Quang Y – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai đánh giá cao sự hợp tác của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam với Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai trong thời gian vừa qua cũng như trong chuỗi đào tạo lần này. Với vai trò đại diện cho cộng đồng Luật sư trên địa bàn tỉnh, ông mong muốn đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giải quyết tranh chấp thông qua Hòa giải thương mại và Trọng tài thương mại. Tiếp nối phần chia sẻ của LS. Lê Quang Y, LS. Châu Việt Bắc – Phó Giám đốc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Chi nhánh tại TP. HCM dựa trên thực tiễn xét xử tại VIAC, đã nhận định rằng trong những năm qua, việc áp dụng phương thức trọng tài để giải quyết tranh chấp cũng đã dần quen thuộc hơn với doanh nghiệp và các luật sư. Các luật sư không còn dừng lại ở mức biết mà đã hiểu sâu hơn về quy trình tiến hành thủ tục tố tụng trọng tài. Tuy vậy, khi đi vào thực tế giải quyết, các luật sư và doanh nghiệp vẫn không tránh khỏi những hạn chế, lúng túng và thiếu sót, dẫn đến việc giải quyết không đạt hiệu quả như mong đợi. Ông cũng đánh giá Đồng Nai là tỉnh thành có sự phát triển mạnh trong những lĩnh vực trọng điểm như bất động sản, mua bán hàng hóa, logistics….  Theo thống kê của VIAC, Đồng Nai là một trong những tỉnh thành có tỷ lệ áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp thay thế cao. Hầu hết các năm ở tỉnh đều có các tranh chấp được nộp đến VIAC, với trị giá tranh chấp và tính phức tạp khác nhau. Đây là một tín hiệu tốt để việc phổ biến cũng như áp dụng phương thức này có thể được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Ông Phan Quang Tuấn – Phó Giám đốc Sở tư pháp tỉnh Đồng Nai

Mở đầu buổi Hội thảo, Ông Phan Quang Tuấn – Phó Giám đốc Sở tư pháp tỉnh Đồng Nai đã có bài tham luận với chủ đề "Nhận định sự phát triển của phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án và triển vọng tại địa phương". Theo ông đánh giá, Trọng tài thương mại và Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp được áp dụng phổ biến trên thế giới với nhiều ưu điểm nổi bật cho doanh nghiệp. Hiện nay, Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện khung pháp lý cho các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại. Cụ thể, việc ban hành Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại đã thể chế hóa Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách ngành tư pháp đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài. Ngoài ra, hoạt động của trọng tài thương mại và hòa giải thương mại góp phần giảm khối lượng công việc của các cơ quan Tòa án trong việc tiếp nhận và xét xử các vụ việc tranh chấp thương mại. Tòa án sẽ không phải tăng đội ngũ biên chế thẩm phán, giảm đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống. Qua đó, góp phần làm giảm gánh nặng ngân sách cho nhà nước; góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh về việc đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến pháp luật về Trọng tài thương mại và Hòa giải thương mại tại địa phương. Học tập từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai hứa hẹn sẽ xây dựng và thực hiện Đề án nâng cáo năng lực và hiệu quả hoạt động của Trọng tài thương mại và Hòa giải thương mại tại tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới. 

 

LS. Cao Thị Hà Giang - Đại diện Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

 Tiếp nối phần trình bày của ông Phan Quang Tuấn, LS. Cao Thị Hà Giang - Đại diện Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai đã đưa ra những chia sẻ về thực tiễn áp dụng các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án tại địa bàn tỉnh. Có thể thấy rằng, các phương thức này đã có từ rất lâu và được áp dụng phổ biến tại các tỉnh thành lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, tuy nhiên, tại địa bàn các địa phương nói chung và Đồng Nai nói riêng thì việc áp dụng còn khá mới mẻ. Điều đó dẫn đến thực trạng, các cá nhân, doanh nghiệp khi có tranh chấp sẽ nghĩ ngay đến việc kiện ra Tòa án. Nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương chưa đánh giá được tính ưu việt của phương thức Trọng tài và Hòa giải thương mại. Với vai trò là một luật sư, bà nhận thức được những ưu điểm mà các hình thức giải quyết tranh chấp này mang lại, tuy nhiên, có một số điểm cũng sẽ khiến doanh nghiệp băn khoăn khi lựa chọn đó là thực tiễn về mặt thời gian và chi phí kiện tụng. Đối với tiềm lực của doanh nghiệp địa phương, có chăng đây là các yếu tố khiến họ còn dè chừng. Đồng thời, với vai trò đại diện Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò của Luật sư trong việc áp dụng các phương thức nêu trên. Theo đó, Luật sư là những người hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng về cách thức, quy trình, thủ tục áp dụng các phương thức giải quyết tranh chấp. Vậy để doanh nghiệp hiểu và tin tưởng sử dụng trọng tài, hòa giải trong giải quyết tranh chấp, luật sư phải chủ động trong việc thu thập thông tin, nghiên cứu, cập nhật về các phương thức này một cách kịp thời hơn, hiệu quả hơn

Ông Nguyễn Tiến Chương - Chủ tịch CLB Hội xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai

Tiếp nối phần trình bày của LS. Cao Thị Hà Giang, từ góc nhìn từ doanh nghiệp, Ông Nguyễn Tiến Chương - Chủ tịch CLB Hội xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai cho biết, trong thực tiễn, tranh chấp trong kinh doanh thương mại là điều không thể tránh được, nhưng mục đích cuối cùng mà các doanh nghiệp hướng đến khi xảy ra tranh chấp là vụ việc được giải quyết nhanh chóng, hợp lý trên cơ sở đảm bảo quyền và lợi ích của các bên nằm trong phạm vi chấp nhận được. Đồng thời, cũng do thói quen ngại kiện tụng nên thông thường doanh nghiệp sẽ lựa chọn thương lượng sau đó mới cần đến tòa án, đối với các phương thức hòa giải thương mại hay trọng tài thương mại thì hầu như không được tiếp cận nhiều. Mặt bằng chung doanh nghiệp tại Đồng Nai thuộc loại hình vừa và nhỏ nên không có ban pháp chế riêng biệt, doanh nghiệp tiếp cận pháp lý chủ yếu theo thói quen kinh doanh sẵn có hoặc từ những hội thảo/hội nghị của địa phương và tập trung nhiều đến vấn đề kinh doanh hơn là giải quyết tranh chấp. Chính vì vậy, ông mong muốn địa phương có thể tạo điều kiện nhiều hơn cho doanh nghiệp có thể tiếp cận các phương thức này, từ đó lựa chọn và sử dụng hiệu quả.

LS. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên - Luật sư điều hành LNT&Partners, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC)LS. Lê Thành Kính – Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Cuối cùng, nhằm định hướng cách giải quyết tranh chấp hiệu quả và thúc đẩy việc áp dụng các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án, LS. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên - Luật sư điều hành LNT&Partners, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC)LS. Lê Thành Kính – Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã phân tích những khó khăn, vướng mắc mà phía địa phương còn băn khoăn và làm rõ các yếu tố khác biệt, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp từ các phương thức này. Từ góc độ các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm với nhiều vai trò, luật sư, hòa giải viên, trọng tài viên, bà Hoàng Nguyễn Hạ Quyên và ông Lê Thành Kính đưa đến cho hội thảo những chia sẻ thẳng thắn từ thực tiễn tham gia giải quyết tranh chấp và những khó khăn trong quá trình xét xử. Từ đó, các chuyên gia nhấn mạnh, trong xu thế phát triển toàn cầu hiện nay, bên cạnh chú trọng vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cũng cần có sự đầu tư đúng mực và quan tâm hơn đối với yếu tố giải quyết tranh chấp. Việc tìm kiếm và lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp, tương thích với xu hướng hội nhập quốc tế không chỉ mở ra cho các doanh nghiệp nhiều cơ hội mới trong đầu tư, kinh doanh mà hơn hết, còn bảo vệ doanh nghiệp khi phát sinh rủi ro, giúp tiết kiệm thời gian, giảm thiếu những thiệt hại không đáng có trong quá trình xử lý các tranh chấp.

 Bà Lai Thị Đài Trang - Trưởng Ban Chuyển đổi số - Tổng Công ty Phát triển Khu công nghiệpÔng Nguyễn Trung Thành - Trưởng Phòng Quản lý doanh nghiệp - Ban Quản lý Khu công nghiệp

Tiến đến phần thảo luận, hội thảo nhận được nhiều đóng góp từ đại diện các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trên địa bàn như: Viện Kiểm sát; Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất;… Trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu những góp ý nhằm hoàn thiện và thúc đẩy sự phát triển của các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai hy vọng vào việc hợp tác với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) sẽ đem đến những tín hiệu tích cực cho địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới.

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI