...

Chuỗi hội thảo "Những điểm mới và các lưu ý cho doanh nghiệp về Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2020"

24 Tháng 12, 2020

Ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu khai mạc

 

Ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo “Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020 – Doanh nghiệp cần làm gì?” ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tại đầu cầu Hà Nội và ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tại đầu cầu Bình Dương, Đồng Nai đã cho biết Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã được cập nhật và sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới tại Việt Nam. Doanh nghiệp vừa trải qua một giai đoạn khó khăn khi hoạt động kinh doanh gặp trục trặc, doanh thu sụt giảm do Covid-19, việc thay đổi chính sách nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển mình lúc này là điều rất cần thiết. Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020 được ban hành và có hiệu lực mang nhiều ý nghĩa thiết thực, tuy vậy, để thực sự có được những cơ hội, doanh nghiệp cần phải hiểu và biết cách áp dụng luật mới sao cho hiệu quả, đúng hướng. Có thể nói, Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020 hướng đến mục tiêu tổng thể là quản trị tốt doanh nghiệp, từ đó tạo dựng môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, an toàn, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.

Về Luật Doanh nghiệp 2020:

Luật sư Lê Thành Kính – Giám đốc Công ty Luật Lê Nguyễn, Trọng tài viên VIAC

Luật sư Lê Thành Kính – Giám đốc Công ty Luật Lê Nguyễn, Trọng tài viên VIAC trình bày về “Một số cập nhật và hướng dẫn về Luật Doanh nghiệp 2020”. Theo nhận định của ông, Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực vào tháng 1/2021 được kỳ vọng sẽ tạo nên những thay đổi lớn trên thị trường, ở cả góc độ doanh nghiệp và quản lý nhà nước. Những điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 cho phép doanh nghiệp được thuận lợi hơn không chỉ trong việc thành lập mà còn trong cả quá trình gia nhập thị trường và nhất là quản trị doanh nghiệp. Theo nhận định của ông, Luật Doanh nghiệp 2020 đã có bước ngoặt trong việc thực hiện mục tiêu mà Luật Doanh nghiệp 2014 đưa ra, cụ thể là việc cắt giảm thủ tục gia nhập thị trường và cải thiện niềm tin của Nhà đầu tư, từ đó đưa ra các giải pháp để gỡ khó cho doanh nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình doanh nghiệp. Trên tổng số hơn 50 điểm thay đổi, bổ sung trong Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực đầu năm 2021, Luật sư đưa ra 7 điểm thay đổi, bổ sung để bảo vệ quyền lợi của cổ đông và 8 sự thay đổi về quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đấy, ông cũng nhấn mạnh những nguy cơ mà donah nghiệp có thể gặp phải sau khi Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực.

Ls. Trương Thanh Đức - Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO

Ls. Trương Thanh Đức - Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO đưa ra những ví dụ cụ thể về các điều luật được thay đổi, bổ sung trong Luật Doanh nghiệp 2020. Quy định người đại diện pháp luật mặc dù vẫn giống năm 2015 ở điểm luôn phải có ít nhất 1 người cư trú tại Việt Nam, nhưng cũng đã có một số thay đổi nhất định quy định trong điều lệ công ty là nếu phân chia quyền, nghĩa vụ không rõ thì mỗi người đều là đại diện với đủ thẩm quyền và tất cả phải chịu trách nhiệm liên đới. Ngoài việc bổ sung thêm các điều khoản mới thì Luật Doanh nghiệp 2020 cũng đã bỏ đi một số điều khoản được cho là không cần thiết, ví dụ như tóm tắt thủ tục chuyển nhượng trong cổ phiếu, yêu cầu đăng báo việc mất cổ phiếu,… Qua những giới thiệu về sự thay đổi trong Luật Doanh nghiệp 2020, Luật sư Trương Thanh Đức cũng đã có những hướng dẫn cho doanh nghiệp về cách ứng xử phù hợp với Luật này khi có hiệu lực.

Về Luật Đầu tư 2020:

Ông Nguyễn Công Phú – Nguyên Phó Chánh Tòa Kinh tế TAND TP. Hồ Chí Minh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Ông Nguyễn Công Phú – Nguyên Phó Chánh Tòa Kinh tế TAND TP. Hồ Chí Minh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đưa ra các nhận định về triển vọng của Luật Đầu tư 2020 khi đi vào thực thi trong thời gian tới. Theo nhận định của ông Phú, Luật Đầu tư 2020 đã có nhiều cải thiện trong việc thực hiện dự án đầu tư, bảo đảm tính thống nhất trong thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Ông Phú nhấn mạnh nội dung liên quan đến việc xóa bỏ hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đây là một trong những điểm mới nổi bật của Luật Đầu tư 2020, định hướng doanh nghiệp đến những phương thức đòi nợ văn minh hơn qua kênh Tòa án, Trọng tài, hòa giải. Ngoài ra, ông Phú cũng đã chỉ ra những vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện và thực thi hiệu quả Luật Đầu tư 2020. Có thể nói, Luật Đầu tư 2020 sẽ tạo đà thúc đẩy các dòng vốn đầu tư, giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận gần hơn với các nguồn vốn đầu tư nước ngoài; doanh nghiệp nước ngoài cũng có cơ hội để phát triển nhiều hơn tại thị trường Việt Nam.

TS.LS. Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink, Trọng tài viên VIAC

Trình bày những điểm mới cơ bản của Luật Đầu tư năm 2020, TS.LS. Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink, Trọng tài viên VIAC cho biết: Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021, thay thế Luật Đầu tư 2014. Việc ban hành Luật Đầu tư 2020 nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài. Lấy thí dụ về nhóm các quy định về các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, LS Vinh cho biết Luật Đầu tư 2020 tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc những ngành nghề mà pháp luật quy định phải có điều kiện. Tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, đảm bảo môi trường đầu tư an toàn cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Sau phần trình bày của các diễn giả là phần giao lưu và giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp, đây là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi thông tin, đưa ra các vấn đề khó khăn, thắc mắc và các chuyên gia sẽ đưa ra giải đáp về các vấn đề doanh nghiệp chưa rõ trong chương trình hội thảo.

* Nhận tài liệu tại đây

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI