ESG là viết tắt của cụm từ Environment (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị). Đây là ba yếu tố cơ bản để tạo nên một mô hình kinh doanh bền vững và nếu xét trên bề rộng của xã hội, đây cũng là nhân yếu tố thiết yếu của nền kinh tế chung hướng tới sự phát triển bền vững.
Hiện nay, phát triển bền vững đang là xu thế mới đối với các doanh nghiệp trên toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, đi kèm với đó được nhắc tới với cụm từ ‘thực hành ESG’ đối với các doanh nghiệp. Vậy ESG là gì và tại sao các doanh nghiệp nên tham gia thực hành ESG sớm nhất có thể? Hiện nay khung pháp lý về ESG đang được quy định như thế nào tại Việt Nam? Vừa qua Ls. Nguyễn Trung Nam – Luật sư sáng lập EP Legal, Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) – đã có phần chia sẻ về vấn đề này tại Tòa đàm Pháp luật trực tuyến với chủ đề “ESG – Nhân tố mới dưới góc nhìn pháp luật tại Việt Nam”, chương trình do Báo Pháp luật Việt Nam thực hiện.
Ls. Nguyễn Trung Nam – Luật sư sáng lập Công ty Luật EP Legal, Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) trả lời phỏng vấn tại Tòa đàm pháp luật trực tuyến
Trong những năm gần đây, EGS đang ngày càng được doanh nghiệp chú trọng hơn và được cân nhắc như một hướng đi quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Yếu tố ESG tạo ra lợi thế lớn giữa các doanh nghiệp, Chính phủ, hay các tổ chức. Theo đó, những cá nhân, tổ chức giải quyết vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu có xu hướng vươn lên nhóm dẫn đầu trong cuộc đua kinh doanh. Hiện nay tại Việt Nam, một số doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán hay các ngân hàng thương mại đã bắt đầu những bước đầu tiên trong việc thực hành ESG để bắt kịp với xu thế toàn cầu. Hơn thế nữa, việc thực hành ESG giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn giá rẻ mà các tổ chức tài chính lớn trên thế giới hỗ trợ để thúc đẩy ESG.
Theo các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, thuật ngữ ESG được trải rộng từ các vấn đề liên quan đến lao động, môi trường cho đến quản trị doanh nghiệp. Mặc dù vậy, ở một số khía cạnh khác như trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp tại Việt Nam, yếu tố tự nguyện vẫn là tiên quyết mà chưa có chính sách hay hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó, kinh nghiệm thực tế tại các quốc gia lớn trên thế giới cho thấy các doanh nghiệp lớn đang có xu hướng thực hiện các trách nhiệm xã hội theo các chính sách khuyến khích mà Chính phủ các nước đưa ra. Như vậy, có hay không những cơ chế, chính sách hướng dẫn liên quan đến vấn đề này từ Chính phủ Việt Nam?
PV: Thưa ông, vậy tính đến thời điểm hiện nay thì các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam đã và đang quy định như thế nào khi liên quan đến các Yếu tố?
ESG là một cụm từ bao quát rất rộng, chúng ta thường nghĩ đến yếu tố đầu tiên là môi trường. Song thực tế cần phải hiểu theo khía cạnh rộng hơn, bao gồm cả các chiến lược, kế hoạch kinh doanh, mô hình kinh doanh, quản trị rủi ro, hướng đến việc đảm bảo tính bền vững trong khía cạnh về môi trường, về xã hội và về quản trị kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, các khung pháp lý hiện hành của Việt Nam và một số nền tài phán khác cũng như luật quốc tế đều có nhiều quy định trực tiếp hoặc có tác động ít nhiều đến các khía cạnh của hoạt động này.
Ví dụ, đối với các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện có các quy định về công bố thông tin, quy định về các yêu cầu về báo cáo tài chính. Hay trong Luật Chứng khoán hoặc Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Luật Chứng khoán cũng quy định rất chi tiết về việc công bố các chỉ số liên quan đến ESG; các quyết định của Chính phủ; các quy định về môi trường; các luật như Luật Bảo vệ môi trường; các quy định về Luật Lao động. Các quy định này cùng với các quy định liên quan tại các văn bản quy phạm pháp luật khác mà doanh nghiệp phải tuân thủ chính là một phần tạo nên môi trường ESG.
PV: Vậy đối với các doanh nghiệp thực hành ESG, những lợi ích lâu dài và những cơ hội mà các doanh nghiệp đã đạt được là gì trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thưa ông?
Sự quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam đến ESG thực tế chỉ mới được đề cập trong một vài năm gần đây. Điều này là bởi Việt Nam là cường quốc xuất khẩu và ngày càng gia nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Việc gia tăng hoạt động giao thương quốc tế cũng sẽ tỷ lệ thuận với gia tăng về yêu cầu của đối tác kinh doanh về khía cạnh đảm bảo tiêu chuẩn ESG. Do đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng yếu tố ESG sẽ khó để tham gia vào chuỗi kinh doanh thương mại toàn cầu. Chính vì vậy, lợi ích đầu tiên chúng ta có được khi thực hiện ESG chính là có thêm bước đệm tốt để bước ra thế giới. Trong bối cảnh ESG được quan tâm ở quy mô toàn cầu và là chủ đề nóng tại nhiều diễn đàn kinh tế, nếu doanh nghiệp Việt đứng ngoài xu thế trên, rất có thể các nhà đầu tư, đối tác kinh doanh sẽ dần chuyển hướng đến những thị trường, đối tác khác phù hợp hơn và có chung mục tiêu hướng tới phát triển bền vững. Như vậy, việc thúc đẩy thực hành ESG không chỉ là vấn đề lợi ích mà còn đang dần trở thành điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp Việt phát triển giao thương ra toàn cầu.
Một lợi ích quan trọng nữa là việc thực hành ESG đồng nghĩa với việc chúng ta có những cam kết cao hơn so với cả các quy định tối thiểu của pháp luật Việt Nam. ESG có rất nhiều các bộ tiêu chuẩn và việc chúng ta thực hiện tức là chúng ta có một chỉ số tín nhiệm về ESG cao, điều này sẽ giúp tạo dựng và nâng cao uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng, đối tác không chỉ trong nước mà còn trên quốc tế. Việc tạo dựng thương hiệu này có ý nghĩa tiên quyết và vô cùng quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp.
PV: Vậy thưa ông, hiện nay Việt Nam đã có những chính sách nào để thúc đẩy việc doanh nghiệp thực hành ESG nhằm tuân thủ COP26 về phát thải ròng bằng “0” (hay còn gọi là net-zero) mà chúng ta đã cam kết?
Tại Hội nghị COP26 năm 2021, Việt Nam đã có nhiều cam kết thể hiện mong muốn chuyển đổi xanh mạnh mẽ của một quốc gia đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Theo đó, Việt Nam đã đưa ra tuyên bố đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, cùng với đó là tham gia Tuyên bố Toàn cầu về chuyển điện than sang năng lượng sạch, tham gia liên minh thích ứng toàn cầu v.v. Hội nghị COP27, Việt Nam cũng tích cực đàm phán xây dựng Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các nước trong và ngoài G7. Để hiện thực hóa được các cam kết này, Việt Nam cần hành động nhanh chóng và mạnh mẽ, trong đó việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan là hành động cần thiết, dù hiện nay quy định về ESG trong pháp luật Việt Nam cũng tương đối nhiều.
Tôi có thể lấy ví dụ một loạt các quy định như là Quyết định số 942/QĐ-TTG về việc phê duyệt kế hoạch hành động giảm phát thải khí Mê-tan đến năm 2030, Quyết định số 876/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải, Quyết định số 888/QĐ-TTg về việc Phê đuyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, v.v. Trong suốt giai đoạn 2020 -2023, chúng ta thấy các Quyết định liên quan đến việc triển khai cam kết liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu liên tục được ban hành, cùng đó là các Nghị định, Thông tư hướng dẫn của nhiều bộ ngành liên quan, với mục tiêu chung là thực hiện chương trình giảm phát thải như thế nào để tuân thủ với cam kết của Việt Nam về net-zero.
PV: Thưa ông, theo các chuyên gia, trong thời gian tới Chính phủ Việt Nam cần đưa ra những chính sách pháp luật như thế nào nhằm khuyến khích hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam thực hành ESG để đạt được mục đích phát triển bền vững?
Việt Nam đã có cam kết và cũng đã có các bước đi ban đầu đối với mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta cũng nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức liên Chính phủ và phi chính phủ để từ đó định hình rõ hơn lộ trình để triển khai hiệu quả và khả thi các mục tiêu này. Song điều mà các tổ chức này còn lo ngại đó là số liệu về kết quả thực hiện trong những năm gần đây của Việt Nam chưa có nhiều để đánh giá được Việt Nam đang ở đâu trên lộ trình này và có thể thực hiện lộ trình này như thế nào để hoàn thành được cam kết vào năm 2050.
Như vậy, có lẽ điều quan trọng nhất trong thời gian tới trước khi chúng ta có các kế hoạch mang tính to lớn hơn thì việc đầu tiên là chúng ta phải có các số liệu. Chúng ta phải minh bạch hoá được các số liệu về ESG, về các chương trình mà chúng ta thực hiện để có thể lượng hoá được tất cả các vấn đề này. Tôi cho rằng đó là ưu tiên cơ bản trong những việc chính sách mà Chính phủ nên lưu ý và quan tâm.
Xin cảm ơn Luật sư vì những chia sẻ vừa rồi!
Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ Tọa đàm Pháp luật trực tuyến được phát sóng trên kênh TV Pháp luật do kênh Pháp luật Việt Nam với sự đồng hành của Công ty Acecook phối hợp thực hiện.
Chương trình được cập nhật tại Website: TV Pháp luật