...

EVFTA: Cần quan tâm hơn đến các rào cản cần phải vượt qua

12 Tháng 10, 2020

Chuyên gia khuyên rằng hãy như một vận động viên điền kinh, đừng quan tâm đến giải thưởng trước mắt, mà hãy chú ý đến những rào cản ở dưới chân, vì một khi vượt qua các rào cản thì việc đoạt huy chương là điều đương nhiên. Với EVFTA, chúng ta đang có thái độ ngược lại là quá vui mừng về cái sẽ đạt được mà quên đi cách thức để đạt được nó.

Đừng quá hồ hởi rồi phải hụt hẫng

Ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đề cập về các hiệp định FTA, trước khi ký kết hiệp định thì không khí rất hồ hởi, hồi hộp nhưng sau đó thì chỉ một số ít người tìm được cơ hội, còn phần lớn rơi vào tâm trạng hụt hẫng.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế, đánh giá: Khi tham gia các FTA, nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng mình sẽ thành công lớn nhưng sau đó bị hụt hẫng vì trái ngọt không như mình tưởng, do không đủ sức để đi theo con đường đòi hỏi nhiều cố gắng, bền bỉ lâu dài.

Cụ thể hơn, Ô.Nguyễn Xuân Dương - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), thông tin: Hiệp định EVFTA đem tới cho doanh nghiệp Việt Nam chỉ 40% cơ hội, 60% còn lại là thách thức, nếu không chuẩn bị sẽ không hái được trái ngọt, trong khi áp lực là cụ thể. So với những nước trong khu vực EVFTA và CPTPP, ngành chăn nuôi của Việt Nam có trình độ kém hơn nhiều nước từ giống, chế biến, nguyên liệu thức ăn… tới quy mô chỉ là chăn nuôi nông hộ, làm sao để hội nhập.

Xuất khẩu thủy sản chỉ vướng một chút thôi sẽ bị cảnh báo, hậu quả không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp mà còn đe dọa tới nguy cơ của cả quốc gia.

Ô.Nguyễn Hoài Nam – Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng: EVFTA có 17 chương, chương thuế chỉ là một chương, 16 chương còn lại nêu ra nhiều yêu cầu khác mà doanh nghiệp phải đáp ứng. Để xuất khẩu được một lô hàng vào thị trường EU, đó là một hành trình không hề đơn giản.

Việc đầu tiên là doanh nghiệp phải xin được một mã số xuất khẩu của châu Âu, nhà máy phải đạt tiêu chuẩn… tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thủy sản phải xem EVFTA là động lực mới để đưa hàng vào châu Âu nhưng không được quá vui mà ngủ quên. Xuất khẩu thủy sản chỉ vướng một chút thôi sẽ bị cảnh báo, hậu quả không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp mà còn đe dọa tới nguy cơ của cả quốc gia.

Trong khi đó, Ô.Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, cho biết khi thực thi EVFTA, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ gặp muôn vàn vấn đề đòi hỏi sự nỗ lực kiên trì và bền bỉ. Cơ quan Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ chứ không thể trả lời giúp cho doanh nghiệp làm thế nào để vượt qua.

Để cơ hội tăng lên, thách thức nhỏ lại

Chuyên gia Phạm Chi Lan chỉ ra điều sai lầm trước đây: Thời gian qua, tham gia FTA, Việt Nam vẫn đang mải miết chạy theo chỉ tiêu xuất khẩu và thu hút FDI mà quên tăng nội lực cho mình. Trước khi vào WTO, doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu nhưng sau đó đã vươn lên gần 70%, kéo theo đó là tình trạng nhập siêu cũng tăng lên. Nhập siêu chủ yếu là hàng tiêu dùng nội địa cạnh tranh với doanh nghiệp, nông dân, chứ không có nhiều máy móc, thiết bị để tái cơ cấu sản xuất.

Với EVFTA, bà Lan kỳ vọng bài học từ 12 hiệp định FTA trước đây là kinh nghiệm để Việt Nam làm khác đi, tận dụng được thời cơ từ EVFTA đem lại. Giờ là lúc doanh nghiệp không được làm theo cách cũ, muốn sống sót và phát triển không có cách gì khác là phải thay đổi.

Cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê của Việt Nam nhất, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhận định: Các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cần nhìn nhận lại cách quản trị doanh nghiệp và phải thay đổi để thúc đẩy phát triển. Như Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM-HAWA đã phát triển thương mại điện tử và tiếp thị số với các gian hàng trực tuyến. Từ đó, khách hàng có thể tìm hiểu hàng hóa và các giao dịch thương mại đều diễn ra trên hệ thống mạng.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt khoảng 8,97 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Dự kiến cả năm 2020, xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ đạt con số kỷ lục 12,5 tỷ USD, tăng 18%.

EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Mỹ và Nhật Bản, thị trường này luôn chiếm trên 17-18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Với EVFTA, những thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam là các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.

Từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD/năm. Cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê của Việt Nam nhất, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, EVFTA cho thấy những kết quả tích cực. Tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam vào thị trường EU ước đạt gần 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020.

Thực thi EVFTA, sản phẩm cà phê phải đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có truy xuất nguồn gốc, chất lượng cao, có chỉ dẫn địa lý, thực thi các quy trình được kiểm soát từ nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu. Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương áp dụng các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế bảo quản các sản phẩm cà phê, xây dựng thương hiệu, đổi mới công nghệ-mẫu mã sản phẩm, đặc biệt là công nghệ chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm.

Doanh nghiệp cần gì từ cơ quan quản lý?

Ô.Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, đối với doanh nghiệp, những hỗ trợ của Chính phủ một chút cũng rất quý giá, tiếp thêm một niềm tin, một sức khỏe bền bỉ cho doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu. Vào sân chơi này không có sức khoẻ sẽ không lấy được cơ hội vì cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia là rất lớn.

Đại diện VASEP kỳ vọng môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ được cải thiện hơn nữa, tránh phát sinh các thủ tục phiền hà không đáng có như quy định mã số mã vạch hay nước thải… đang làm khó doanh nghiệp xuất khẩu. Về phía Bộ Công Thương, Ô.Lương Hoàng Thái cho biết sẽ trình Chính phủ để có một đầu mối duy nhất thông tin về EVFTA, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận, giải đáp các khó khăn, vướng mắc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Việt Nam đang huy động toàn bộ hệ thống chính trị, nỗ lực ở mức cao nhất để tháo gỡ thẻ vàng đối với hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (IUU) để đảm bảo phát triển bền vững và giữ uy tín cho ngành thủy sản Việt Nam. Đồng thời cũng đặc biệt lưu ý đến việc cấm sử dụng chất chống oxy hóa để bảo quản thủy sản, đảm bảo sản phẩm đạt yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn.

Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cung cấp thông tin kịp thời cho các thành viên về cơ chế, chính sách ưu đãi, hàng rào về kỹ thuật, thông tin thị trường để các doanh nghiệp sớm nắm bắt và có điều chỉnh kịp thời.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa ban hành Quyết định về Kế hoạch thực hiện EVFTA. Bộ này sẽ tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc triển khai cam kết lao động trong EVFTA. Hệ thống thanh tra lao động cũng được tăng cường năng lực để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật lao động, bao gồm việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi phân biệt đối xử và can thiệp, thao túng đối với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo Phạm Phú Cát, Tạp chí Thời trang Vàng

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI