...

Hội thảo Giao dịch thương mại trên sàn thương mại điện tử và các vấn đề pháp lý quan trọng

11 Tháng 11, 2020

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, LS. Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định chúng ta đang nỗ lực để thích ứng với cuộc CMCN 4.0 do đó việc xây dựng nền tảng thương mại điện tử tốt, an toàn là điều vô cùng cần thiết. So với khoảng thời gian trước đây, có thể thấy, không chỉ người dân thay đổi mà doanh nghiệp cũng đang ngày càng có nhiều cải tiến hơn trong công nghệ điện tử. Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp trong mô hình B2C xây dựng website những năm gần đây tuy thay đổi không nhiều, nhưng đa số những doanh nghiệp này đã chú trọng nhiều hơn tới việc chăm sóc, cập nhật thông tin trên hệ thống website của mình. Cụ thể 47% doanh nghiệp cho biết thường xuyên cập nhật thông tin hàng ngày, 23% doanh nghiệp có cập nhật thông tin hàng tuần. Sự thay đổi thói quen này của doanh nghiệp đã phản ánh một thực trạng khả quan về hoạt động thương mại điện tử, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của thương mại điện tử, công nghệ trực tuyến trong tương lai. Tuy vậy, để các giao dịch qua công cụ điện tử được thực hiện an toàn, đảm bảo quyền lợi của người cung cấp, người tiêu dùng, sàn giao dịch, các quy định pháp luật cần được xây dựng và được hướng dẫn để áp dụng sao cho chặt chẽ, hiệu quả.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết ông đánh giá cao các bước tiến vượt bậc của ngành thương mại điện tử. Nhờ sự hỗ trợ từ thương mại điện tử, doanh nghiệp được thuận lợi hóa, linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh, tăng khối lượng khách hàng và trên hết là các doanh nghiệp được tiếp cận gần hơn với công nghệ số 4.0. Thay vì kinh doanh theo phương pháp truyền thống, doanh nghiệp đã dần chuyển hướng, chú trọng xây dựng website, vận hành hệ thống kinh doanh qua các công cụ trực tuyến như email, mạng xã hội,...để tiết kiệm thời gian, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đây là tín hiệu rất tốt, nhất là khi chúng ta đang ở trong giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19.

Nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa các bên, tăng cường kết nối để phổ biến các kiến thức pháp lý trong giao dịch trực tuyến đến cộng đồng doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ thúc đẩy hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Sau phần phát biểu khai mạc và chào mừng hội thảo của các đại diện ITPC và VIAC, đã diễn ra Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa ITPC và VECOM và Lễ ký kết MOU giữa VIAC và VECOM. Thông qua các thỏa thuận hợp tác này, các bên mong muốn sẽ chung tay đồng hành nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt và tránh các rủi ro pháp lý khi kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, đồng thời, góp phần phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Mở đầu Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) đã có phần trình bày về Thương mại điện tử - Xu hướng trong hoạt động kinh doanh. Thông qua số liệu thống kê cụ thể, ông Dũng đánh giá cao và nhận định đầy tích cực về sự phát triển của ngành thương mại điện tử thời gian vừa qua cũng như sắp tới. Việc hàng loạt các sàn giao dịch điện tử hình thành đã tạo động lực cho doanh nghiệp, người tiêu dùng mua sắm và giao dịch nhiều hơn, bằng chứng là lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng khách hàng truy cập các sàn cũng tăng trưởng ấn tượng với con số 3.500.000 lượt khách/ngày. Song song với những ưu điểm, ông Dũng cũng chỉ ra một số rào cản cần tháo bỏ khi tiến hành các giao dịch. Từ việc đánh giá thực tiễn cũng như phản hồi của doanh nghiệp, người tiêu dùng, diễn giả nhấn mạnh để có một môi trường giao dịch văn minh, trung thực, hiệu quả, cần thiết phải có cơ chế xử lý, khắc phục các khiếu nại, tranh chấp phát sinh khi thực hiện giao dịch. Theo đó, bên cạnh các phương thức thương lượng, giải quyết khiếu nại, hòa giải, trọng tài thương mại là những phương thức các sàn có thể cân nhắc sử dụng để giải quyết dứt điểm các sự cố, đảm bảo quá trình lưu thông hàng hóa, giao dịch.

Tiếp nối phần trình bày của ông Dũng, ông Nguyễn Chánh Phương – Chủ tịch Hội mỹ nghệ chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), ông Nguyễn Thanh Tuấn – Quản lý cấp cao Amazon Global Selling VietNamông Nguyễn Chí Thọ - Giám đốc kinh doanh sàn Tiki lần lượt có các phần chia sẻ từ góc nhìn của nhà cung cấp và sàn giao dịch. Theo đó, các diễn giả đều có những nhận định tích cực và kỳ vọng vào sự phát triển của thương mại điện tử. Rõ ràng, thương mại điện tử đã mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới khi giúp doanh nghiệp kết nối với đa dạng khách hàng, đối tác, tăng doanh thu, tỷ lệ tiêu thụ mặt hàng một cách đáng kể.

Những thông tin được cập nhật liên tục cùng việc áp dụng công nghệ hiện đại từ các sàn cho phép các giao dịch giữa nhà cung cấp đến sàn, từ sàn đến người tiêu dùng được đảm bảo hơn, không tạo nên sự khác biệt quá nhiều về chất lượng, số lượng hàng hóa so với giao dịch truyền thống. Tuy vậy, với tư cách nhà cung cấp và đại diện sàn, các diễn giả cũng nhận định rằng mặc dù đã có nhiều cải tiến nhưng việc xảy ra các tranh chấp, mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa nhà cung cấp – sàn giao dịch – người tiêu dùng vẫn không thể tránh khỏi. Theo nhận định của đại diện từ Tiki, Covid-19 đã tạo nên làn sóng mạnh mẽ với nền kinh tế số, hàng loạt các doanh nghiệp đồng thời chuyển sang hình thức giao dịch mới, điều này vô tình đẩy số lượng các tranh chấp tăng lên và đòi hỏi cần có quy định pháp luật rõ ràng và lựa chọn hình thức giải quyết sao cho phù hợp, dứt điểm. Mặc dù các sàn đều xây dựng bộ phận chăm sóc, giải quyết khiếu nại nhưng phương án này chưa thực sự triệt để, nhất là khi cách thức này chỉ có hiệu quả và khả dụng đối với các tranh chấp, mâu thuẫn không quá phức tạp. Các diễn giả cho rằng, để thương mại điện tử phát triển đúng hướng, các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động này cần chặt chẽ và hoàn thiện hơn, đặc biệt việc thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp trong quá trình giao dịch cũng là yếu tố cần được chú trọng.

Sau phần trình bày về thực tiễn các giao dịch trên sàn thương mại và những khúc mắc tồn tại từ đại diện Hiệp hội và các sàn, Luật sư Hoàng Nguyễn Hạ Quyên – Luật sư điều hành Công ty Luật LNT&Partners, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) từ góc nhìn pháp lý đã đưa ra những đánh giá vấn đề giao dịch giữa nhà cung cấp/ người bán đối với các sàn thương mại điện tử. Khảo sát từ thực tiễn cho thấy, hầu hết các sàn thương mại điện tử chỉ yêu cầu nhà cung cấp/ người bán cung cấp những thông tin cơ bản khi giao kết và thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử; từ đó gây ra việc nhà cung cấp không xem trọng các nghĩa vụ đối với hàng hóa, dịch vụ và các vi phạm thường xuyên xảy ra, trong khi các sàn chưa có cơ chế thực tiễn để kiểm soát việc tuân thủ quy định của nhà cung cấp đối với sàn. Thực tế trong hệ thống pháp luật có những điều luật điều chỉnh về việc xử phạt các hành vi cung cấp thông tin hoặc buôn bán hàng giả, tuy nhiên lại chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn là chính xác, đầy đủ. Với sự phát triển của thương mại điện tử và các giao dịch trên mạng lưới trực tuyến ngày càng khó kiểm soát, bà cho rằng nhà nước buộc phải nhanh chóng thiết lập hệ thống pháp luật chặt chẽ hơn trong môi trường điện tử. Ngoài ra, Luật sư cũng cung cấp thêm các thông tin về dự thảo điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. Nổi bật là các quy định đối với tổ chức nước ngoài thực hiện giao dịch trên các sàn thương mại điện tử nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa khi nhập khẩu vào Việt Nam, cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước cũng như quản lý việc hoạt động, giao dịch của các đối tượng này trên lãnh thổ Việt Nam.

Tiếp nối các vấn đề pháp lý trong môi trường thương mại điện tử, Luật sư Nguyễn Trung Nam – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), Luật sư sáng lâp EP Legal nhấn mạnh điều kiện giao dịch chung từ sàn giao dịch tới người tiêu dùng và lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả. Ông đưa ra những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp và rủi ro khi thực hiện giao dịch trên các sàn thương mại điện tử. Đáng chú ý là cách thức xử lý của các sàn thương mại điện tử hiện nay khi có tranh chấp phát sinh chủ yếu dưới hình thức giải quyết khiếu nại, điều này không thể giải quyết triệt để vấn đề của khách hàng cũng như không đảm bảo tính “răn đe” cao. Với kinh nghiệm quốc tế, Luật sư giới thiệu cụ thể về nền tảng giải quyết tranh chấp ODR, được hiểu là phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án sử dụng trên nền tảng trực tuyến, áp dụng công nghệ thông tin. Phương thức này đã được sử dụng khá rộng rãi tại một số quốc gia trên thế giới như Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) tại Pháp, Ủy ban Trọng tài Quảng Châu (GZAC) tại Trung Quốc,… Và với sự phát triển của công nghệ 4.0, ODR dần trở thành sự lựa chọn tối ưu trong tương lai. Dự kiến sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2020, GO ADR tại Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) sẽ là bước tiến mới trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp, đảm bảo hỗ trợ tối ưu cho người dùng trực tuyến, hạn chế tối đa những rủi ro còn hiện hữu khi thực hiện các phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống.

Sau phần trình bày của các diễn giả là phần giao lưu và giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp. Ông Trịnh Hoàng Linh, Giám đốc điều hành iExport đã có những chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn khi tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử hiện nay. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi thông tin, đưa ra các vấn đề khó khăn, thắc mắc và các chuyên gia sẽ đưa ra giải đáp về các vấn đề doanh nghiệp chưa rõ trong chương trình hội thảo.

* TÀI LIỆU HỘI THẢO: Tại đây

* XEM LẠI GHI HÌNH SỰ KIỆN: Tại đây

* HÌNH ẢNH HỘI THẢO: Tại đây

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI