...

Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL)

08 Tháng 9, 2022
Sáng ngày 07/9/2022 tại phòng họp A.114, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, đã diễn ra lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL).
 
 
Tham dự lễ ký kết, về phía VIAC có sự hiện diện của TS Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Luật sư Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký VIAC, Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Phòng ADR Việt Nam (ADR Vietnam Chambers LLC), Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên VMC. Về phía UEL có sự tham dự của PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng, PGS.TS Dương Anh Sơn - Trưởng Khoa Luật kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng Khoa Luật, PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp - Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế, TS. Đào Gia Phúc - Viện trưởng Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh. Cùng một số lãnh đạo các đơn vị có liên quan, giảng viên và các sinh viên khối ngành luật cùng tham dự.
 
 
Mở đầu buổi ký kết, PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (UEL) đã có phần phát biểu giới thiệu về hoạt động của UEL cũng như đề cao sự phối hợp sắp tới của UEL và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Là một trong những trường đại học đào tạo chuyên ngành Luật hàng đầu tại khu vực phía Nam, ông mong muốn UEL có những bước tiến phát triển hơn nữa trong lĩnh vực trọng tài thương mại và hoà giải thương mại, bởi đây là xu thế trong giải quyết tranh chấp hiện nay. Ông cũng đánh giá cao sự hợp tác giữa 2 đơn vị, xác định VIAC là đối tác tiềm năng và mong rằng thỏa thuận hợp tác này sẽ tạo cơ hội tốt cho cả Trường Đại học Kinh tế - Luật và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả hai bên, góp phần phát triển nghề trọng tài nói riêng và lĩnh vực tư pháp Việt Nam nói chung. 
 
 
Tiếp nối phần trình bày của PGS.TS Lê Vũ Nam, TS Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bày tỏ sự vui mừng trước sự kiện quan trọng này giữa UEL và VIAC. Ông nhận định, bên cạnh hoạt động giải quyết tranh chấp, nhằm lan tỏa rộng rãi hơn thông tin về các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã thiết lập một hệ thống kết nối rộng lớn với nhiều đối tác trong và ngoài nước. Trong đó, khối viện, trường, các cơ sở đào tạo luật là một trong số những đối tác có nhiều tiềm năng và phối hợp rất tích cực, hiệu quả với VIAC. Đặc biệt, đối với sự kiện này, là động lực để hai đơn vị cùng nhau chung sức thúc đẩy hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, hợp tác trong lĩnh vực trọng tài thương mại và hòa giải thương mại.
 
 
Ngay sau buổi lễ là toạ đàm khoa học với chủ đề “Thực tiễn áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải và thủ tục hòa giải trong tố tụng trọng tài”. Mở đầu toạ đàm, Luật sư Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký VIAC đã có phần trình bày giới thiệu tổng quan về Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và các hoạt động của Trung tâm. Bên cạnh đó, Luật sư mang đến mô hình Hoà giải trực tuyến (MedUp) mà VMC thuộc VIAC cung cấp. Ông tin rằng với sản phẩm này cũng như định hướng phát triển nền tảng số mà UEL hướng tới sẽ mang đến những kết nối và phối hợp hiệu quả trong thời gian tới. Tiếp nối phần tham luận, Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Phòng ADR Việt Nam (ADR Vietnam Chambers LLC), Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên VMC đã có bài trình bày với chủ đề "Thực tiễn áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng Hoà giải thương mại và thủ tục hoà giải trong tố tụng trọng tài". Từ thực tiễn tham gia giải quyết tranh chấp ở nhiều vai trò, Trọng tài viên, Hoà giải viên, ông đã đưa ra những khác biệt giữa phương thức Hoà giải thương mại và thủ tục hoà giải trong tố tụng trọng tài. Trong đó, luật sư đánh giá, yếu tố thời điểm là sự khác biệt khá cơ bản, tuy nhiên gặp nhiều sự nhầm lẫn khi áp dụng giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, Luật sư cung cấp số liệu từ báo cáo về Trọng tài quốc tế do Trường Đại học Queen Mary và White & Case, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chiếm 48% và 49% là kết hợp giữa trọng tài với các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế khác. Có thể thấy, việc phối hợp nhiều phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (phương thức giải quyết tranh chấp ngoài toà án) là xu hướng mới hiện nay trong giải quyết tranh chấp.Tuy nhiên, để có thể phát triển và thực hiện hiệu quả vấn đề giải quyết tranh chấp ngoài toà án tại Việt Nam, Luật sư đưa ra những khuyến nghị về mặt văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cũng như cách hiểu, áp dụng của người dùng.
 
 
Phần giải đáp diễn ra sôi nổi và hiệu quả với nhiều câu hỏi từ các bạn sinh viên, học viên cao học và các giảng viên trong nhà trường. Thông qua buổi ký kết Thoả thuận hợp tác và Toạ đàm khoa học, hai đơn vị xác định đây là tiền đề cho sự phối hợp mạnh mẽ trong tương lai.
 

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI