...

Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trường Kinh Tế Luật Và Quản Lý Nhà Nước, Đại học Kinh Tế TP.HCM

29 Tháng 11, 2022

Sáng ngày 25 tháng 11 năm 2022, tại Hội trường B.1001, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đã diễn ra lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trường Kinh Tế Luật Và Quản Lý Nhà Nước (CELG) - Đại học Kinh Tế TP.HCM (UEH).

Tham dự lễ ký kết, về phía VIAC có sự hiện diện của TS Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Luật sư Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký VIAC. Về phía UEH có sự tham dự của TS Đinh Quang Khải – Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh Tế TP.HCM (UEH), TS Dương Kim Thế Nguyên – Trưởng khoa Luật Trường Đại học Kinh Tế Luật Và Quản Lý Nhà Nước (CELG) – UEH, TS Nguyễn Thị Anh – Phó Trưởng Khoa Luật CELG. Cùng các luật sư, các cán bộ pháp chế đại diện từ các ngân hàng, giảng viên và các sinh viên khối ngành luật cùng tham dự.

Mở đầu buổi ký kết, TS Đinh Quang Khải – Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh Tế TP.HCM (UEH) đã có phần phát biểu giới thiệu về hoạt động của UEH thời gian vừa qua. Đặc biệt, ông đánh giá Trường Đại học Kinh Tế Luật Và Quản Lý Nhà Nước (CELG) thuộc UEH là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho việc nghiên cứu và thực hiện các công việc trong lĩnh vực luật, kinh tế và quản lý nhà nước. Nhà trường luôn chú trọng việc nâng cao chất lượng đào tạo cho ngành luật, và một trong những tiêu chí là tăng tính thực tiễn của chương trình đào tạo thông qua việc kết nối với khối luật sư, các đơn vị pháp lý. Ngoài việc tham dự chia sẻ tại các hội thảo, các chuyên gia có thể cùng hướng dẫn trong các học kỳ doanh nghiệp và đặc biệt tạo cơ hội để các em sinh viên có cơ hội học hỏi kinh nghiệm tại chính các tổ chức hành nghề luật,… Ông cũng đánh giá cao sự hợp tác giữa 2 đơn vị, xác định VIAC là đối tác tiềm năng và mong rằng thỏa thuận hợp tác này sẽ tạo cơ hội tốt cho cả Trường Đại học Kinh Tế Luật Và Quản Lý Nhà Nước (CELG) thuộc UEH và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả hai bên, góp phần phát triển nghề trọng tài nói riêng và lĩnh vực tư pháp Việt Nam nói chung.

Tiếp nối phần trình bày của TS Đinh Quang Khải, TS Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bày tỏ sự vui mừng trước sự kiện quan trọng này giữa UEH và VIAC. Đối với Đại học Kinh tế TP. HCM, VIAC và UEH đã có nhiều lần hợp tác, cử đại diện tham dự sự kiện của nhau và đến hôm nay, với sự thống nhất cao, hai đơn vị đã chính thức quyết định cùng ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác. Ông nhận định đây là dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để hai tổ chức đưa ra các ý tưởng, xây dựng các hoạt động, chương trình nhằm phát huy tốt thế mạnh hai bên, cùng với đó là đem đến những thông tin hữu ích, quý giá cho các giảng viên, sinh viên, doanh nghiệp, luật sư… Được biết, trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước là trường thành viên của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực liên quan đến tài chính công, quản lý nhà nước, pháp luật, môi trường, hoạch định chính sách… trong khi đó, VIAC là tổ chức có uy tín lâu đời trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp, hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp. Với những điểm chung, ông tin rằng, sự phối hợp giữa VIAC và trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước trong thời gian tới sẽ có nhiều điểm sáng, đóng góp được rất nhiều cho cộng đồng về phương diện pháp luật trên cơ sở nghiên cứu cũng như thực tiễn.

Ngay sau buổi lễ là tọa đàm với chủ đề “Tranh chấp tài chính – ngân hàng: Một số bàn luận và định hướng phương thức giải quyết hiệu quả”. Mở đầu tọa đàm, TS. Dương Kim Thế Nguyên – Trưởng Khoa Luật, Trường Kinh tế Luật và Quản lý Nhà nướcTS. Trần Huỳnh Thanh Nghị - Trưởng Bộ môn Luật Kinh tế kiêm Giám đốc chương trình đào tạo cử nhân luật Kinh tế đã có phần tham luận với chủ đề “Tổng quan về dịch vụ tài chính – ngân hàng và tranh chấp tài chính – ngân hàng”. Với mục tiêu đề dẫn để doanh nghiệp có góc nhìn khái quát về các tranh chấp tài chính – ngân hàng, TS Dương Kim Thế Nguyên đưa ra khái niệm chi tiết về dịch vụ tài chính – ngân hàng và các loại dịch vụ tài chính – ngân hàng (bao gồm dịch vụ ngân hàng, dịch vụ chứng khoán, dịch vụ bảo hiểm). Về khung pháp lý cho hợp đồng trong lĩnh vực tín dụng, TS Trần Huỳnh Thanh Nghị xác định tính đặc thù của hợp đồng tín dụng là việc tối đa có 1 bên là tổ chức tín dụng với mục đích đa dạng trong đa lĩnh vực. Bên cạnh những quy định tại Bộ luật dân sự hay luật thương mại, các luật liên quan như luật các tổ chức tín dụng, luật ngân hàng nhà nước,… doanh nghiệp cũng cần đặc biệt quan tâm đến các quy định về lãi, lãi suất và phạt vi phạm, được quy  định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN và Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP.

Tiếp nối, ông Nguyễn Công Phú – Nguyên Phó Chánh án Tòa Kinh tế TAND TP.HCM, Trọng tài viên VIAC nêu lên những bất cập, vướng mắc trong quy định pháp luật hiện hành và trong thủ tục giải quyết tranh chấp về tài chính – ngân hàng tại Tòa án. Trong thực tiễn, khi xét xử các tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng cho vay nhưng với các chủ thể là doanh nghiệp cho vay lẫn nhau. Một số người theo quan điểm thứ nhất thì xác định đây là hoạt động ngân hàng, 1 dạng cấp tín dụng nên hợp đồng vô hiệu vì trái với quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Nhưng với quan điểm thứ hai thì cho rằng để xác định hợp đồng vô hiệu cần làm rõ khái niệm “hoạt động ngân hàng”. Theo đó, hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ, và trên thực tiễn không có hướng dẫn về cụm từ “thường xuyên”, dẫn đến trường hợp hiểu chưa đủ, chưa chính xác về hoạt động ngân hàng và có thể gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh. Lãi cho vay của các tổ chức tín dụng có phải tuân theo bộ luật dân sự hay không? Đây là câu hỏi đã được đặt ra khá lâu nhưng vẫn chưa có quy định cụ thể và dẫn đến các bất cập trong áp dụng pháp luật. HIện nay, các thông tư, văn bản hướng dẫn của ngân hàng nhà nước vẫn hướng dẫn các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cho vay theo lãi suất thỏa thuận. Qua kinh nghiệm xét xử, ông cũng nhận định Tòa án tối cao trong những Án lệ, Quyết định giám đốc thẩm của ngân hàng nhà nước. Ngoài ra, một số bất cập của pháp luật tài chính ngân hàng như việc chấm dứt kiểm soát đặc biệt trước hay sau khi Tòa án thụ lý phá sản hay thế nào là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tín dụng đều được ông nêu ra một cách chi tiết và cụ thể.

Cuối cùng, LS. Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC có phần tham luận với chủ đề “Giải quyết tranh chấp tài chính – ngân hàng thông qua các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR)”. Sau thời điểm Covid-19, khá nhiều đơn kiện ngân hàng với các lý do như không xóa, giảm nợ gốc, không miễn, trừ lãi, phí, không tha phạt, yêu cầu bồi thường,… được gửi đến Tòa án, trọng tài. Vậy câu hỏi đặt ra, liệu rằng các doanh nghiệp có kiện ngân hàng được hay không? Ông nhận định, lĩnh vực tài chính ngân hàng nhiều điểm đặc thù và khi thực hiện việc xóa nợ, giảm nợ gốc,… thì bắt buộc áp dụng theo các quy định liên quan. Ngân hàng nhà nước ban hành Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 để quy định cụ thể vấn đề thẩm quyền của ngân hàng. Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra những đặc điểm của các phương thức giải quyết tranh chấp và một số lưu ý đối với từng phương thức. Từ thực tiễn tham gia giải quyết tranh chấp ở nhiều vai trò, Trọng tài viên, Hoà giải viên, ông đã đưa ra những khác biệt giữa phương thức Hoà giải thương mại và thủ tục hoà giải trong tố tụng trọng tài. Trong đó, luật sư đánh giá, yếu tố thời điểm là sự khác biệt khá cơ bản, tuy nhiên gặp nhiều sự nhầm lẫn khi áp dụng giải quyết tranh chấp.

Tại tọa đàm cũng đã nhận được nhiều chia sẻ, đóng góp từ phía đại biểu tham dự, các câu hỏi cũng được các chuyên gia giải đáp một cách thấu đáo, đa dạng thông tin từ nhiều góc độ.

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI