...

Lớp bồi dưỡng "Kỹ năng luật sư trong giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ"

07 Tháng 12, 2022

Sáng ngày 24 tháng 11 năm 2022, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư Việt Nam (LTC) thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức lớp bồi dưỡng với chủ đề “Kỹ năng luật sư trong giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ”. Sự kiện đã thu hút hơn 300 luật sư qua hình thức trực tuyến.

Phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng, ông Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định thời gian vừa qua, thông qua nhiều vụ việc trên thực tiễn, có thể thấy, các tranh chấp xoay quanh hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ ngày càng phổ biến với sự đa dạng và phức tạp hơn về mặt tình tiết, diễn biến. Theo báo cáo thường niên năm 2021 của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, ghi nhận tỷ lệ tranh chấp liên quan đến bảo hiểm đứng thứ 4 trong số những lĩnh vực tranh chấp chủ yếu tại VIAC. Hầu hết các tranh chấp này đều là các tranh chấp có giá trị lớn, phức tạp về mặt tình tiết và phát sinh nhiều vấn đề pháp lý. Và để quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng cũng như giải quyết tranh chấp được thuận lợi, hiệu quả, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm luôn cần phải có sự trợ giúp, tư vấn từ các luật sư. Ở mỗi giai đoạn, luật sư được đòi hỏi phải trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm để bảo vệ và hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng. Bên cạnh các vấn đề pháp lý như hợp đồng, xác định các vi phạm, thủ tục khởi kiện,…, luật sư còn phải chú ý và chuẩn bị kỹ càng cho quá trình làm việc mềm với các bên, giúp khách hàng thống nhất, đạt được những lợi ích cần có và giảm thiểu tối đa các bất lợi. Ngoài ra, luật sư cũng cần được cung cấp các thông tin và những lưu ý cần thiết khi tham gia phiên họp giải quyết tranh chấp đối với các tranh chấp liên quan đến hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ. Ông hy vọng tại lớp bồi dưỡng, các chuyên gia và các luật sư sẽ có những trao đổi rất tích cực, giúp các luật sư vận dụng hiệu quả khi tham gia giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ trong thời gian tới. Đại diện từ phía Trung tâm đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư Việt Nam (LTC) thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, LS Lê Nết – Luật sư thành viên LNT & Thành viên cũng có đôi lời chia sẻ. Ông bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao đề xuất của VIAC trong việc tổ chức bồi dưỡng cho khối luật sư trong lĩnh vực bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm phi nhân thọ. Ông cũng hi vọng trong thời gian tới có thể kết nối và tiếp tục mở rộng mô hình đào tạo đến khối luật sư nhằm phát triển kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng trong hoạt động giải quyết tranh chấp, đặc biệt là phương thức trọng tài thương mại.

Mở đầu lớp bồi dưỡng, với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhận thọ, Bà Phạm Thanh Hải – Giám đốc nghiệp vụ bảo hiểm con người Tổng Công ty Bảo Minh đã có phần chia sẻ với chủ đề “Khái quát về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ”. Theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm 2022, hợp đồng bảo hiểm gồm hợp đồng bảo hiểm tài sản, bảo hiểm thiệt hại, bảo hiểm trách nhiệm và bảo hiểm sức khỏe. Bà cũng nêu ra những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp phổ biến phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm, như: tranh chấp liên quan đến hợp đồng bảo hiểm vô hiệu; liên quan đến hợp đồng bảo hiểm bị chấm dứt/ hủy bỏ; trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; tranh chấp trong việc xác định số tiền bồi thường; về việc xác định lỗi vô ý, cố ý của người được bảo hiểm; liên quan đến tính lãi trong việc yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc yêu cầu bồi hoàn; liên quan đến thời hiệu khởi kiện; liên quan đến việc đòi bồi hoàn; những hành vi trục lợi bảo hiểm; hợp đồng tái bảo hiểm hay liên quan đến hợp đồng đồng bảo hiểm. Từ những vấn đề trên, bà đánh giá hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ là loại tranh chấp phức tạp, có giá trị lớn, đây cũng là lĩnh vực khó, liên quan đến nhiều ngành luật khác nhau và mâu thuẫn cũng phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Qua các đánh giá của Bà Phạm Thanh Hải, có thể thấy, Luật sư đóng vai trò rất quan trọng trong xuyên suốt quá trình giao kết, thực hiện cũng như giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ. Nhằm giúp các luật sư có thêm thông tin, kinh nghiệm về kỹ năng cũng như chiến lược khi hỗ trợ khách hàng khi thực hiện, GQTC hợp đồng bảo hiểm, Ông Lê Văn Thành – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hùng Vương, Luật sư VPLS Việt An, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có những chia sẻ chi tiết với chủ đề “Kỹ năng luật sư trong giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ”. Ông lưu ý cho doanh nghiệp khi phân tích nội dung hợp đồng bảo hiểm để chứng minh rủi ro được hay bị loại trừ bảo hiểm. Cụ thể, luật sư cần xác định bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và hoặc người được thụ hưởng; trong đó, người bảo hiểm phải là doanh nghiệp bảo hiểm vì kinh doanh bảo hiểm là ngành nghề đặc thù, doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam phải có để điều kiện thành lập được cho phép. Luật sư cũng cần xác định đúng giá trị tài sản hoặc số tiền bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí và thời hạn đóng phí. Đây là vấn đề quan trọng đã nhiều tranh chấp xảy ra vì nguyên tắc khi tổn thất xảy ra thì phí bảo hiểm đã phải được đóng. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, luật sư cần có chiến lược làm việc hiệu quả, cần nghiên cứu và nếu cần thiết có thể tiếp cận làm việc với công ty giám định tính toán tổn thất hoặc các cơ quan chức năng chuyên ngành hay môi giới bảo hiểm để làm rõ về quyền lợi bảo hiểm, các ý kiến của họ về nguyên nhân tổn thất, trách nhiệm bồi thường và số tiền bồi thường hợp lý. Nhằm làm rõ những lưu ý nêu trên, luật sư cũng đưa ra những tình huống liên quan đến tranh chấp hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ như tranh chấp liên quan đến yếu tố thế quyền trong bảo hiểm; tranh chấp về việc không thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm do thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm và tranh chấp về việc đối tượng bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn theo hợp đồng và mức tổn thất được bảo hiểm.

Cuối cùng, ông Nguyễn Công Phú – Nguyên Phó Chánh Tòa Kinh tế TAND TP. HCM, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có chia sẻ từ góc độ thực tiễn, giúp Luật sư có thêm thông tin về một số tranh chấp nổi bật cũng như một số lưu ý cho luật sư khi tham gia vào phiên xét xử tại Tòa án, phiên họp giải quyết tranh chấp tại trọng tài. Từ thực tiễn tham gia giải quyết tranh chấp, ông đưa ra một số lưu ý về hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ luật sư cần quan tâm và vấn đề giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng này. Ngoài việc xác định hình thức của hợp đồng bảo hiểm, các trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu hay điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, luật sư cần quan tâm và xác định đúng thời hạn bồi thường, thời hạn khiếu nại, khởi kiện. Theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản, vậy thế nào là văn bản và nếu các hình thức khác mà các luật khác coi là có giá trị tương đương văn bản thì có được chấp nhận hay không? Bởi chưa được quy định rõ ràng nên đây được xem là một bất cập của luật. Tại Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì không quy định về hậu quả pháp lý của hợp đồng bảo hiểm không tuân thủ quy định về hình thức, tuy nhiên Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 thì hợp đồng có thể vô hiệu. Ngoài ra, Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định trường hợp vô hiệu do tại thời điểm ký hợp đồng bên mua biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra (đã được quy định trong luậ năm 2000), nhưng Luật hàng hải 2015 lại không quy định như vậy, mà cho rằng đây là trường hợp đương nhiên chấm dứt hợp đồng và không đề cập đến yếu tố biết hay không biết. Điều này có thể dẫn đến tranh cãi khi tham gia giải quyết tranh chấp tại Tòa hay Trọng tài, trường hợp như trên có thể sẽ dựa vào việc áp dụng luật nào, ví dụ nếu đối tượng là hợp đồng bảo hiểm hàng hải thì ưu tiên áp dụng Luật hàng hải, trường hợp Luật hàng hải không quy định thì áp dụng quy định chung trong Luật kinh doanh bảo hiểm. Bên cạnh những kỹ năng chung trong việc tham giải quyết tranh chấp, luật sư cần lưu ý những điểm đặc thù của hợp đồng bảo hiểm quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật hàng hải để có quan điểm tranh luận phù hợp và có căn cứ pháp lý.

Tại lớp bồi dưỡng cũng đã nhận được nhiều chia sẻ, đóng góp từ phía các luật sư tham dự, các câu hỏi cũng được các chuyên gia giải đáp một cách thấu đáo, đa dạng thông tin từ nhiều góc độ.

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI