...

Lớp đào tạo "Kỹ năng Luật sư trong xử lý hậu phán quyết trọng tài và hỗ trợ doanh nghiệp trong thi hành phán quyết trọng tài"

07 Tháng 4, 2021

Ngày 27 tháng 3 năm 2021 vừa qua, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã phối hợp với Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh tổ chức lớp đào tạo kỹ năng Luật sư với chủ đề “Kỹ năng Luật sư trong xử lý hậu phán quyết trọng tài và hỗ trợ doanh nghiệp trong thi hành phán quyết trọng tài”. Lớp đào tạo diễn ra thành công với sự tham gia của các báo cáo viên là chuyên gia của VIAC, đại diện các cơ quan có thẩm quyền liên quan và đặc biệt là với sự tham gia của hơn 200 Luật sư.

 

Ông Nguyễn Văn Đức - Trưởng Ban Đào tạo Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc

Ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu chào mừng

Luật sư Lê Thành Kính - Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, Trọng tài viên VIAC chia sẻ về chủ đề Những vấn đề đặt ra cho Luật sư sau khi có phán quyết trọng tài; kinh nghiệm, kỹ năng Luật sư trong hỗ trợ khách hàng xử lý vấn đề hậu phán quyết trọng tài

Mở đầu phần trình bày, Luật sư Lê Thành Kính - Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã chia sẻ với các luật sư về chủ đề Những vấn đề đặt ra cho Luật sư sau khi có phán quyết trọng tài; kinh nghiệm, kỹ năng Luật sư trong hỗ trợ khách hàng xử lý vấn đề hậu phán quyết trọng tài. Từ kinh nghiệm làm việc và giải quyết tranh chấp trên thực tế, báo cáo viên đã có những nhận định rất thực tiễn về vấn đề thi hành phán quyết trọng tài trong nước và công nhận phán quyết trọng tài nước ngoài. Đối với phán quyết trọng tài Việt Nam, việc thi hành phán quyết trước nhất là tự nguyện; sau đó, nếu hết thời hạn, bên thi hành vẫn không thi hành phán quyết, bên còn lại có quyền yêu cầu cơ quan THADS thụ lý và yêu cầu thi hành phán quyết. Đối với phán quyết trọng tài nước ngoài, báo cáo viên đã nêu ra một số điểm đáng lưu ý cho luật sư. Theo đó, Luật sư Kính nhận định tại Việt Nam, phán quyết trọng tài nước ngoài thường khó công nhận thi hành hơn so với phán quyết trọng tài trong nước do quy định pháp luật. Tuy vậy, ở chiều ngược lại, phán quyết trọng tài của Việt Nam lại được công nhận thi hành tương đối thuận lợi ở các quốc gia khác. Cụ thể, với hiệu lực của Công ước New York, nhiều phán quyết trọng tài của VIAC đã được thuận lợi thi hành ở một số quốc gia. Đây là tín hiệu tốt phản ánh chất lượng của phán quyết trọng tài cũng như ưu điểm của trọng tài so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác. Tuy nhiên, báo cáo viên cũng lưu ý các luật sư về việc phân biệt thẩm quyền của trọng tài trong nước, quốc tế và Tòa án với một số loại tranh chấp đặc thù. Chẳng hạn, theo quy định tại Điều 470 BLTTDS, tranh chấp về bất động sản thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án quốc gia có bất động sản; do đó, việc lựa chọn trọng tài quốc tế giải quyết vấn đề này căn cứ trên yếu tố nước ngoài giữa các bên là không phù hợp. Theo đó, phán quyết của trọng tài quốc tế về các tranh chấp này cũng sẽ không được công nhận thi hành.

Ông Nguyễn Công Phú - Nguyên Phó Chánh Tòa Kinh tế TAND TP. Hồ Chí Minh, Trọng tài viên VIAC, đã có phần trình bày sâu hơn về thực trạng hủy phán quyết trọng tài

Tiếp nối phần trình bày của Luật sư Kính, ông Nguyễn Công Phú - Nguyên Phó Chánh Tòa Kinh tế TAND TP. Hồ Chí Minh, Trọng tài viên VIAC, đã có phần trình bày sâu hơn về thực trạng hủy phán quyết trọng tài. Theo báo cáo viên, yêu cầu hủy phán quyết trọng tài sẽ chi phối nhiều đến quá trình thi hành phán quyết trọng tài; kể cả trong trường hợp Tòa án hủy hay không hủy phán quyết. Trong nhiều vụ kiện, nhất là các vụ kiện có giá trị lớn, bên thua kiện thường có xu hướng yêu cầu hủy PQTT, một phần là để phản ánh các bức xúc do phải chịu phần thua, nhưng phần lớn hơn là để làm chậm quá trình thi hành án. Từ thực tiễn thấy rằng, hiện nay, việc áp dụng Điều 68 LTTTM trong hủy phán quyết trọng tài có nhiều điểm chưa thống nhất, đặc biệt là với quy định về “vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Bình luận về điều khoản này, báo cáo viên cho rằng, căn cứ để xác định thế nào là vi phạm nguyên tắc cơ bản chưa thực sự rõ ràng; khi yêu cầu hủy phán quyết trên cơ sở này, các chứng cứ chứng minh từ bên yêu cầu cũng không thuyết phục. Mặc dù điểm đ, khoản 2 Điều 14 Nghị quyết 01/2014 đã đưa ra lý giải về cách hiểu điều khoản trên, nhưng vì cách giải thích còn tương đối khái quát, nên khi áp dụng trong thực tế với từng tình huống khác nhau, không ít mâu thuẫn về quan điểm đã phát sinh. Từ đây, trừ khi các bên cung cấp được bằng chứng xác thực về việc yếu tố vi phạm này có tồn tại trong quá trình giải quyết tranh chấp, đa phần yêu cầu hủy phán quyết do vi phạm nguyên tắc cơ bản thường khó được chấp nhận. Xét những hệ quả của việc hủy PQTT, ông Phú khuyến nghị các Luật sư cần có tư vấn toàn diện, đầy đủ cho doanh nghiệp về điều kiện, tính đúng sai, khách quan của phán quyết trọng tài trước khi đưa ra yêu cầu hủy để đảm bảo về mặt lợi ích, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc.

LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký VIAC đã có phần chia sẻ chi tiết về các thực tiễn thi hành phán quyết trọng tài

Tại phần trình bày buổi chiều, LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký VIAC đã có phần chia sẻ chi tiết về các thực tiễn thi hành phán quyết trọng tài. Trong bài trình bày của mình, ông Bắc nhận định, từ thực tiễn thi hành PQTT, có thể thấy, thời gian gần đây, việc thi hành PQTT được ban hành bởi Hội đồng Trọng tài VIAC có chiều hướng thuận lợi hơn so với các PQTT nước ngoài. Rõ ràng, với việc thừa nhận giá trị của phán quyết trọng tài như bản án, quyết định của Tòa án đã tạo một nền tảng tốt giúp việc thi hành dễ dàng và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, sự cải thiện trong thi hành PQTT cũng bắt nguồn từ việc số lượng PQTT bị tuyên hủy ngày càng thấp. Việc Tòa án ít hủy phán quyết trọng tài là cơ sở giúp bên thắng kiện thi hành phán quyết trọng tài nhanh chóng và có căn cứ. So với thởi gian trước đây, Tòa án đã ngày càng chú tâm và phát huy vai trò hỗ trợ, giám sát hoạt động trọng tài; điều này góp phần thúc đẩy việc thi hành phán quyết trọng tài hiệu quả hơn và xa hơn là củng cố thêm niềm tin cho doanh nghiệp khi áp dụng phương thức trọng tài để giải quyết tranh chấp. Cùng với các điểm thuận lợi, báo cáo viên cũng đi vào cụ thể những thực trạng dẫn đến khó khăn trong quá trình thi hành phán quyết trọng tài. Nhìn chung, việc thi hành phán quyết trọng tài gặp khó khăn phát sinh từ nhiều nguyên nhân, bên cạnh các khó khăn khách quan về quy định pháp luật hay về thủ tục của cơ quan có thẩm quyền thi hành án, một phần khó khăn đến từ chính doanh nghiệp khi đưa ra những yêu cầu khởi kiện có tính thi hành thấp hay không có khả năng thi hành. Theo quy định của Luật TTTM, Hội đồng Trọng tài chỉ xem xét giải quyết trong phạm vi yêu cầu của các bên, do đó Hội đồng Trọng tài buộc phải xem xét tất cả các yêu cầu, kể cả các yêu cầu “bất khả thi” như đã đề cập. Dẫn chứng từ thực tế, ông Bắc nhận định, VIAC đã từng giải quyết không ít các tranh chấp chứa đựng các yêu cầu không rõ ràng từ các bên và khi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết, vì yêu cầu mơ hồ nên cơ quan THADS rất khó trong việc xử lý để yêu cầu bên còn lại thi hành. Chính vì nguyên nhân này, nhiều phán quyết bị kéo dài thời gian thi hành dẫn đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

PGS.TS Đỗ Văn Đại - Trưởng Khoa Luật Dân sự Đại học Luật TP.HCM, Trọng tài viên VIAC trình bày về quy định liên quan đến thi hành phán quyết trọng tài

Từ góc độ đánh giá quy định pháp luật, PGS.TS Đỗ Văn Đại - Trưởng Khoa Luật Dân sự Đại học Luật TP.HCM, Trọng tài viên VIAC đã có phần trình bày về quy định liên quan đến thi hành phán quyết trọng tài: Một số thuận lợi và khó khăn. Đồng tình với nhận định của các báo cáo viên đã trình bày trước đó, ông Đại cho rằng, thi hành phán quyết trọng tài khó khăn trên thực tế là do sự điều chỉnh còn nhiều bất cập của pháp luật. Theo quy định của Điều 61 và Điều 66 LTTTM, để được cưỡng chế thi hành, bên yêu cầu thi hành phải đáp ứng hai điều kiện lớn: (i) Bên phải thi hành không có yêu cầu hủy phán quyết trọng tài và (ii) Yêu cầu phải có xác nhận của Tòa án về thực trạng yêu cầu hủy PQTT. Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện, bên được thi hành luôn gặp khó khăn trong việc nộp tài liệu chứng minh bên phải thi hành không có yêu cầu hủy PQTT. Đồng thời, pháp luật hiện cũng không quy định rõ ràng về việc xác nhận không có yêu cầu hủy phán quyết trọng tài dẫn đến kéo dài thời gian thi hành án hoặc không thể nộp đơn yêu cầu thi hành. Với vấn đề hủy phán quyết trọng tài, theo báo cáo viên, cơ chế hủy PQTT hiện nay theo Luật TTTM gây ra nhiều tranh cãi bởi đối với nhiều trường hợp, đây được xem là “quân cờ” giúp bên thua kiện kéo dài thời hạn thi hành phán quyết trọng tài. Xuất phát từ các quy định không chặt chẽ của LTTTM, dù không có căn cứ nhưng nhiều bên vẫn yêu cầu hủy, điều này phản ánh tình trạng lạm dụng quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, gây ảnh hưởng đến quá trình thi hành án nói riêng và hiệu quả của phương thức trọng tài nói chung. Đối chiếu với thực tiễn pháp luật nước ngoài, có thể thấy, nhiều quốc gia đã đặt ra các giải pháp nhằm chống lại các yêu cầu hủy phán quyết để tránh hoãn thi hành án; nhưng tại Việt Nam, quy định này lại bộc lộ nhiều kẽ hở, tạo cơ hội cho bên thua kiện trì hoãn việc thi hành PQTT. Với những nội dung được đưa ra, ông Đại cho rằng cần thiết phải có sự điều chỉnh quy định của Luật TTTM, không chỉ vậy, để thi hành phán quyết trọng tài thuận lợi, cơ quan thi hành án cần phải có sự điều chỉnh phù hợp hơn về thủ tục nhằm ngăn chặn tình trạng kéo dài thời hạn thi hành án cũng như lợi dụng kẽ hở pháp luật để cản trở việc thi hành.

Bà Lê Thị Lệ Duyên - Trưởng phòng nghiệp vụ Cục THADS TP. Hồ Chí Minh chia sẻ về hoạt động thi hành án của Cục THADS TP. HCM

Cuối cùng, với vai trò của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án, bà Lê Thị Lệ Duyên - Trưởng phòng nghiệp vụ Cục THADS TP. Hồ Chí Minh đã có phần chia sẻ về hoạt động thi hành án của Cục THADS TP. HCM. Đánh giá khách quan, bà Duyên nhận định, thời gian qua, việc thi hành PQTT có nhiều điểm thuận lợi hơn so với trước đây do sự cải tiến trong quy định pháp luật. Đối với quy định liên quan đến việc xác nhận hủy PQTT, nhằm khắc phục một số khó khăn trong yêu cầu thi hành PQTT, các cơ quan có thẩm quyền trong THADS đã xây dựng cơ chế phối hợp rất chặt chẽ. Theo đó, quy chế số 15210/QC-LN nêu rõ sự phối hợp giữa Cục THADS, TAND TP, VKSND TP và Công an TP như sau:”Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Cục Thi hành án dân sự Thành phố về việc đề nghị xác nhận Phán quyết Trọng tài có bị hủy hay không, Tòa án nhân dân Thành phố có trách nhiệm trả lời bằng văn bản gửi cho Cục Thi hành án Dân sự Thành phố”. Quy định này đã giúp giải quyết được một phần quan ngại trong thủ tục về yêu cầu thi hành PQTT cũng như cho thấy được sự ủng hộ của các cơ quan có thẩm quyền đối với phương thức trọng tài. Tuy nhiên, song song với những thuận lợi đó, bà Duyên cũng nhận định rằng, sở dĩ việc thi hành PQTT có nhiều vướng mắc là do sự chưa tương thích trong Luật Thi hành án dân sự và Luật Trọng tài thương mại; cùng với đó là khoảng cách và sự phân biệt còn khá rõ ràng giữa bản án, quyết định của Tòa án và quyết định, phán quyết của Hội đồng Trọng tài. Chẳng hạn, điều 131 đến điều 133 Luật THADS chỉ quy định thi hành QĐ ADBPKCTT của Tòa án, chưa quy định thi hành QĐ ADBPKCTT của Hội đồng Trọng tài. Để trọng tài phát triển hơn trong tương lại, theo bà Duyên, không riêng cơ quan nhà nước, về lâu dài, các tổ chức trọng tài, các trọng tài viên cần phải được thông tin, đào tạo về các khó khăn hiện hữu mà cơ quan thi hành án đối mặt khi cưỡng chế thi hành để nhận diện được các vướng mắc, từ đó khi xét xử và tuyên PQTT, các trọng tài viên sẽ có hướng tuyên phù hợp, đảm bảo được tính thi hành hơn.

Sau phần tham luận của các báo cáo viên, các Luật sư tham gia lớp đào tạo cũng có các đóng góp về thực tiễn và đưa ra các kiến nghị thiết thực, cấp bách đối với VIAC, cơ quan thi hành án. Các câu hỏi của các Luật sư đã được báo cáo viên lắng nghe, tiếp thu và giải đáp cụ thể. Thông qua lớp đào tạo với chia sẻ từ nhiều góc độ và những góp ý từ kinh nghiệm làm việc của luật sư, Hội thảo đã khai thác được nhiều vấn đề nổi cộm trong việc thi hành phán quyết trọng tài, từ đó hướng đến việc đề xuất sửa đổi Luật TTTM và Luật THA theo hướng phù hợp hơn nhằm góp phần giúp thuận lợi hơn quá trình thi hành án, thúc đẩy việc áp dụng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài một cách hiệu quả hơn trong tương lai.

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI