Theo Luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), để khu vực tư nhân thực sự phát triển, cần có một tư duy thể chế mới, thay vì chỉ dừng ở chính sách ưu đãi một chiều.
Kinh tế tư nhân đang dần khẳng định vị thế là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, để khu vực này thực sự phát triển bền vững, cần một tư duy thể chế mới: minh bạch, công bằng và tôn trọng quyền tự chủ của doanh nghiệp thay vì chỉ dừng ở chính sách ưu đãi một chiều. Với kinh nghiệm nhiều năm đồng hành cùng giới đầu tư, Luật sư Bùi Văn Thành - Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - đưa ra loạt khuyến nghị đáng chú ý, đặc biệt trong bối cảnh Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đang mở ra một trạng thái phát triển mới cho khu vực tư nhân.
Môi trường pháp lý quan trọng hơn chính sách ưu đãi
Trong nhiều năm làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, Luật sư Bùi Văn Thành chứng kiến rõ nét một thực tế: "Các nhà đầu tư không chỉ tìm kiếm những chính sách ưu đãi, mà quan trọng hơn là một môi trường pháp lý ổn định, minh bạch và công bằng để họ có thể phát triển lâu dài".
Đó cũng là tinh thần nhất quán được ông nhấn mạnh tại Tọa đàm “Kinh tế tư nhân động lực vươn mình từ Nghị quyết 68” do Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance tổ chức vào ngày 13/5.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia pháp lý đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong nhiều thương vụ đầu tư và tái cấu trúc kinh doanh, Trọng tài viên Thành cho rằng: Khu vực kinh tế tư nhân không chỉ cần được khẳng định về mặt chính trị, mà cần một hành lang thể chế rõ ràng để thực sự phát triển vững chắc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Theo Trọng tài viên Thành, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã mở ra một “trạng thái mới” cho kinh tế tư nhân – không chỉ là sự ghi nhận vai trò, mà còn là sự trao quyền thực chất để doanh nghiệp tư nhân trở thành một động lực phát triển quốc gia.
"Khi được tin tưởng, người ta sẽ dám làm, dám bỏ tiền, công sức và trí tuệ để theo đuổi mục tiêu kinh doanh dài hạn", ông chia sẻ. Niềm tin chính là chìa khóa để kích hoạt năng lực nội tại và thu hút dòng vốn xã hội vào khu vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế cần thêm nhiều động lực tăng trưởng mới.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý: "Niềm tin không đến từ khẩu hiệu. Nó cần được thể hiện bằng một thể chế linh hoạt, minh bạch và thực thi công bằng, nơi doanh nghiệp tư nhân được tôn trọng như một chủ thể bình đẳng".
Đóng góp thực chất của khu vực tư nhân
Không thể phủ nhận rằng, trong hơn ba thập kỷ đổi mới, kinh tế tư nhân đã đóng góp một cách thiết thực và hiệu quả cho nền kinh tế quốc dân. Khu vực này hiện chiếm khoảng 42% GDP, tạo việc làm cho phần lớn lao động trong nước và dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực như thương mại, dịch vụ, bất động sản, công nghiệp chế biến – chế tạo.
Đặc biệt, những năm gần đây, các tập đoàn tư nhân lớn đã vươn tầm khu vực, góp phần xây dựng chuỗi giá trị nội địa và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Ở cấp độ địa phương, hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa đang giúp kích hoạt tiềm năng phát triển vùng, tạo nên làn sóng khởi nghiệp sôi động và đổi mới sáng tạo trên nhiều lĩnh vực.
Luật sư Bùi Văn Thành phát biểu tại Tọa đàm “Kinh tế tư nhân động lực vươn mình từ Nghị quyết 68” do Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance tổ chức vào ngày 13/5.
Với kinh nghiệm nhiều năm tư vấn cho các nhà đầu tư FDI, Luật sư Thành cho rằng cách tiếp cận hỗ trợ doanh nghiệp cần thay đổi, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu với các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Mỹ và Liên minh châu Âu.
"Các đối tác lớn ngày càng yêu cầu chúng ta loại bỏ những hình thức trợ cấp không phù hợp. Nhưng điều đó không có nghĩa là cắt bỏ toàn bộ hỗ trợ – mà là hỗ trợ theo hướng tạo dựng môi trường để doanh nghiệp có thể tự đứng vững, tự vươn lên", ông phân tích. Chính vì vậy, theo ông, điều quan trọng không phải là "cho" doanh nghiệp đất đai hay vốn vay, mà là trao quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo và tự do huy động vốn hợp pháp – trong khuôn khổ pháp luật rõ ràng và ổn định.
Một doanh nghiệp công nghệ cao, theo ông, sẽ không chọn Việt Nam chỉ vì có khu công nghiệp công nghệ cao, mà vì họ được tạo điều kiện để phát triển tự do, minh bạch và an toàn trong môi trường pháp lý nhất quán.
Doanh nghiệp không chỉ là đối tượng thụ hưởng
Trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, ông Thành nhấn mạnh rằng doanh nghiệp Việt không thể mãi chờ đợi Nhà nước “ứng phó giúp” với các rào cản bên ngoài như thuế quan, kiểm soát phi thuế hay yêu cầu về minh bạch. Thay vào đó, chính doanh nghiệp – đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng – cần mạnh dạn đề xuất các kiến nghị chính sách phù hợp với thực tiễn.
"Nếu thấy điều gì hợp lý, đúng với quy luật thị trường và thúc đẩy phát triển bền vững, thì chính doanh nghiệp phải kiến tạo. Đồng thời, những quy định, rào cản hay thể chế phi thị trường – như cơ chế xin-cho, ưu đãi ngầm, hay các hình thức phân bổ nguồn lực thiếu cạnh tranh – cần được dũng cảm loại bỏ ngay lập tức để khơi thông sức sống thật sự của khu vực tư nhân. Đừng chờ thể chế hoàn hảo từ trên xuống – vì xây dựng môi trường kinh doanh là việc hai chiều", ông nói.
Đó là lời cảnh báo và đồng thời là kỳ vọng – rằng khu vực tư nhân Việt Nam không chỉ là đối tượng được hỗ trợ, mà là chủ thể đồng hành cùng Nhà nước trong việc xây dựng một nền kinh tế minh bạch, hiện đại và hội nhập.
Theo Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đăng tải ngày 13/05/2025