Ngày 12/6/2025, Luật sư Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó Giám đốc phụ trách VIAC – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã tham gia giảng dạy tại Khóa đào tạo “Hướng dẫn doanh nghiệp soạn thảo, đàm phán, ký kết, thực hiện và giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Khu vực TP. Hồ Chí Minh tổ chức.
Khóa đào tạo nằm trong khuôn khổ Đề án “Thúc đẩy xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2024–2030”, được thiết kế dành cho hai nhóm đối tượng chính là cộng đồng doanh nghiệp và cán bộ pháp chế. Chương trình tập trung trang bị kiến thức và kỹ năng nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và thực thi hợp đồng thương mại.
Tại khoá đào tạo, LS. Bắc làm rõ khái niệm hợp đồng và các nội dung liên quan như hình thức, cấu trúc, điều kiện có hiệu lực,... theo quy định pháp luật hiện hành, đồng thời nhấn mạnh vai trò của hợp đồng không chỉ là sự ghi nhận thỏa thuận, mà còn là công cụ pháp lý quan trọng để các bên trao đổi lợi ích trong hoạt động thương mại. Từ thực tiễn giải quyết tranh chấp tại VIAC, ông chỉ ra nhiều rủi ro phổ biến mà doanh nghiệp thường gặp do chưa chú trọng đúng mức đến việc soạn thảo, đàm phán và thực hiện hợp đồng.
Bên cạnh các nội dung nền tảng, bài giảng cũng dành thời lượng đáng kể để hướng dẫn cách tiếp cận trong soạn thảo hợp đồng thương mại – từ việc nhận diện cấu trúc cơ bản của một hợp đồng, các bước thực hiện đến những điểm doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý, nhằm bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ và hạn chế tranh chấp phát sinh. Đây là nội dung được đánh giá cao bởi tính thực tiễn và khả năng ứng dụng trực tiếp trong hoạt động giao kết hợp đồng của doanh nghiệp.

Về đàm phán hợp đồng, LS. Bắc giới thiệu hai khái niệm cốt lõi là BATNA (Best Alternative to a Negotiated Agreement) và ZOPA (Zone of Possible Agreement), đồng thời phân tích sự khác biệt giữa đàm phán theo lập trường và đàm phán dựa trên lợi ích. Ông cũng chia sẻ các kỹ thuật và chiến lược đàm phán hiệu quả, cùng quy trình lập kế hoạch thương lượng chặt chẽ – từ đánh giá tình huống, trao đổi thông tin cho đến giai đoạn thương lượng chính thức. Đối với phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng, hiện nay doanh nghiệp có thể cân nhắc các phương pháp thương lượng, hòa giải và trọng tài; trong đó, trọng tài được đánh giá là lựa chọn tối ưu cho các tranh chấp thương mại. Theo đó, doanh nghiệp cũng cần quy định rõ trong hợp đồng các điều khoản liên quan đến luật áp dụng, cơ quan giải quyết tranh chấp, ngôn ngữ, địa điểm,... nhằm giảm thiểu bất lợi khi tranh chấp phát sinh.
Khóa đào tạo khép lại với phần thảo luận sôi nổi xoay quanh các tình huống tranh chấp thực tế đã được giải quyết tại VIAC, nhằm minh họa nội dung lý thuyết và khơi gợi trao đổi chuyên sâu, mang lại nhiều giá trị thực tiễn cho học viên tham dự khóa học.
Toàn cảnh Khoá đào tạo