...

Sử dụng nhân chứng chuyên gia trong trọng tài quốc tế - Các bên cần cân nhắc để tránh bất lợi

15 Tháng 1, 2021

Dù lựa chọn đưa tranh chấp ra trọng tài hay Toà án để giải quyết, khi một bên trong tranh chấp có nghĩa vụ phải chứng minh cho các quan điểm, lập luận hay yêu cầu của mình thì nghĩa vụ chứng minh thường được thực hiện bằng việc trình ra trước Hội đồng trọng tài (HĐTT) hay Hội đồng xét xử các chứng cứ ở nhiều dạng thức khác nhau: chứng cứ văn bản, dạng dữ liệu điện tử, bản ghi âm, ghi hình, lời chứng của nhân chứng, vv..vv. Trong thực tiễn trọng tài quốc tế, đặc biệt là ở các vụ tranh chấp phức tạp, một loại chứng cứ thường xuyên được các bên sử dụng để thuyết phục HĐTT chấp nhận quan điểm/yêu cầu của họ đó là lời chứng/báo cáo của “nhân chứng chuyên gia” (expert witness).

Ví dụ: giao dịch nhập khẩu thép của DN Việt Nam và đối tác nước ngoài phát sinh tranh chấp về chất lượng hàng. Hai bên đưa tranh chấp ra xét xử tại một hội đồng trọng tài, có thể được thành lập trong nước (ví dụ tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam) hoặc nước ngoài (Ví dụ tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore).  

Do việc giải thích và thuyết phục HĐTT về chất lượng thép thường cần các chứng cứ là các báo cáo chứa đựng nhiều thông tin kỹ thuật chuyên ngành sâu[1] nên các bên sẽ hoặc (i) lựa chọn chính nhân viên phụ trách kỹ thuật của mình, đứng ra trình bày lời chứng là báo cáo khẳng định hoặc phủ định chất lượng thép; hoặc (ii) mời chuyên gia bên ngoài cung cấp báo cáo (thường là một công ty giám định hoặc một chuyên gia độc lập rất uy tín (thường là một giáo sư hay chuyên gia đầu ngành, uy tín trong ngành và đặc biệt là không có quan hệ gì trước đây với cả hai bên) để khẳng định thép giao đạt/không đạt chất lượng, hay còn gọi là expert witness.

Cách tiếp cận của phần đông các doanh nghiệp hoặc luật sư Việt Nam là cách đầu tiên, trong khi đối với các doanh nghiệp hoặc luật sư đã có nhiều kinh nghiệm tranh tụng quốc tế, thường họ lựa chọn phương án sau. Điều này là do trên thực tế, có nhiều khả năng một HĐTT quốc tế sẽ dễ bị thuyết phục hơn bởi chứng cứ đưa ra bởi một nhân chứng chuyên gia do một bên đưa ra và có thể sẽ xử cho bên đó thắng kiện. Tại sao?

Các vấn đề tranh chấp đôi khi không rõ rệt trắng đen, đúng sai, mà thường không rõ ràng, dẫn đến khả năng thắng thua có khi chỉ là 50/50, vì lời khai của hai bên có vẻ ngang nhau.  Khi đó, lời chứng của một chuyên gia độc lập thường được đánh giá “nặng ký” hơn, bởi:

Thứ nhất, tuy chuyên gia vẫn là do một bên thuê, nhưng chuyên gia chưa từng có quan hệ với bất cứ bên nào trước khi được mời làm nhân chứng chuyên gia của vụ tranh chấp, do đó, chuyên gia tiếp cận với các tài liệu tranh chấp hoàn toàn khách quan và hoạt động độc lập khỏi các bên và khỏi giao dịch đang có tranh chấp[2], do đó HĐTT có xu hướng đánh giá quan điểm của chuyên gia độc lập này đáng tin cậy và ít có khả năng chuyên gia thực hiện một báo cáo không đúng với hiểu biết của mình để phục vụ lợi ích của bên thuê mình. Trong khi đó, lời chứng của một nhân viên trong công ty hay lời khai của công ty giám định quan hệ lâu năm với một bên có thể bị đánh giá là thiếu tính độc lập, chưa thực sự khách quan và toàn diện hoặc thậm chí còn bị chi phối vì lợi ích của công ty họ.

Thứ hai, khi so sánh về khả năng chuyên môn và kinh nghiệm thì ít khi doanh nghiệp có nhân viên có trình độ chuyên môn và uy tín tương đương một chuyên gia độc lập đã có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu, viết sách, giảng dạy về chủ đề này[3]. Khi bị thẩm vấn chéo (cross-examination), việc ít kinh nghiệm, kiến thức của người nhân viên có thể bị luật sư bên kia khai thác và làm lộ ra những sự không hợp lý, khiến cho lời khai của nhân viên trở lên không đáng tin cậy trong con mắt của HĐTT.  Trong khi đó, vị chuyên gia có thể giải thích và bảo vệ quan điểm của mình dựa trên kiến thức thâm sâu hoặc kinh nghiệm đã làm nhân chứng chuyên gia cho những vụ tương tự.  

Với các số liệu về hơn 97% doanh nghiệp được khảo sát trả lời họ sử dụng trọng tài là phương thức giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ[4] và hơn 92% DN FDI tại Việt Nam từ chối dùng tòa án cho các tranh chấp thương mại của họ[5], cho thấy thị trường trọng tài đang có rất nhiều tiềm năng pháp triển. Luật sư Việt Nam, do đó, cần có sự hiểu biết về các thông lệ trong trọng tài quốc tế, chơi tốt trong luật chơi chung, để khi bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong vụ kiện trọng tài, Luật sư có thể xây dựng các chiến lược phù hợp để để nâng cao khả năng thắng kiện trong tranh tụng trọng tài quốc tế./.

 

[1] Thông thường việc đánh giá chất lượng hàng hoá sẽ ít phức tạp hơn đánh giá chất lượng một công việc (VD: xây dựng một công trình nhà xưởng); nhưng để đơn giản, người viết đã lấy ví dụ về một giao dịch mua bán hàng hoá

[2] Ở những nền tài phán phát triển, có những công ty tư vấn hoạt động chuyên nghiệp, cung cấp các chuyên gia uy tín trong nhiều lĩnh vực: xây dựng, tài chính, bảo hiểm, vv..v.

ICC thậm chí còn có hẳn một bộ phận chuyên cung cấp dịch vụ chỉ định các chuyên gia, trong có có chuyên gia thực hiện các báo cáo phục vụ các bên chứng minh trong trọng tài quốc tế tại ICC International Centre for Expertise

[3] Một ví dụ điển hình là: Đối với các vấn đề cần ý kiến của một chuyên gia pháp lý, i.e: cách hiểu và giải thích điều khoản trong luật của một quốc gia, thì các bên thường mời các giáo sư luật tại các trường đại học danh tiếng của quốc gia đó làm nhân chứng chuyên gia và đưa ra các ý kiến chuyên môn của họ trong các báo cáo chuyên gia. Khó có thể cho rằng một nhân viên bộ phận pháp lý của công ty có thể có hiểu biết và kinh nghiệm tương đương chuyên gia là giáo sư luật trong trường hợp này.

[4] Báo cáo của Trường Queen Mary – Đại học London 2018, trang 05, http://www.arbitration.qmul.ac.uk/research/2018/

[5] Báo cáo Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm

 

TS. Đặng Xuân Hợp

Chủ tịch Hop Dang’s Chambers

Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI