...

TỌA ĐÀM "ĐỂ KINH TẾ TƯ NHÂN BỨT PHÁ THEO NGHỊ QUYẾT 68 - NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY"

09 Tháng 5, 2025

Chiều ngày 9/5, Cổng TTĐT Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay" với sự tham dự của ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Hòa giải viên, Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC, lãnh đạo bộ, đại diện doanh nghiệp

Toàn cảnh buổi Tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 -Những việc cần làm ngay"

Lùi lại vài thập kỷ trước khi chúng ta bước vào thời kỳ đổi mới, một loạt thông điệp như "mệnh lệnh được phát ra từ trái tim và khối óc": "Cởi trói", "Đổi mới hay là chết" đã quy tụ được sức mạnh toàn dân, giải phóng sức sản xuất, tạo nên sự hứng khởi, để tất cả các thành phần kinh tế đều được "bung ra", chung sức đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng KTXH sâu sắc và đến bây giờ chúng ta đã có được cơ đồ rất đỗi tự hào.

Thực tiễn gần 40 năm đổi mới cho thấy khu vực kinh tế tư nhân đã đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, từ công việc hằng ngày của những tiểu thương cung cấp hàng hóa dịch vụ thiết yếu cho mỗi người dân đến những tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã và đang đưa thương hiệu Việt vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

Với hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, sử dụng khoảng 82% tổng số lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh những bước tiến rất đáng tự hào, kinh tế tư nhân vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản, kìm hãm sự phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng là lực lượng kinh tế nòng cốt của đất nước.

TỔNG THUẬT: TỌA ĐÀM 'ĐỂ KINH TẾ TƯ NHÂN BỨT PHÁ THEO NGHỊ QUYẾT 68 - NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY'

Vậy chúng ta phải làm gì để kinh tế tư nhân cất cánh?

Trong thời gian gần đây, dư luận liên tiếp được đón nhận một loạt thông điệp hết sức quan trọng từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước về kinh tế tư nhân như: "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia"; "tháo chốt", loại bỏ những điểm nghẽn để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình; muốn tăng trưởng 2 con số, phải dựa vào kinh tế tư nhân…

Đặc biệt, trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã khái quát "một bức tranh toàn cảnh" của khu vực kinh tế tư nhân. Bên cạnh những gam màu tươi sáng, những nốt nhạc vui, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những vấn đề còn trăn trở. Qua đó, đồng chí Tô Lâm đã đưa ra những định hướng hết sức quan trọng, "phát pháo lệnh" cho toàn bộ hệ thống chính trị tập trung nghiên cứu các giải pháp nhằm "phá tan những điểm nghẽn" để kinh tế tư nhân bứt phá.

Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân do đích thân ông làm Trưởng ban và Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng làm Phó Trưởng Ban Thường trực. Ban Chỉ đạo đã tập trung toàn bộ sức lực, thời gian, trí tuệ làm việc với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, chuyên nghiệp, hoàn thành dự thảo với chất lượng cao trong thời gian ngắn. Ngày 04/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư nhân.

Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì liên tiếp 2 cuộc họp vào ngày 7/5 và 8/5 về xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân, để trình Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.

Vui mừng đón nhận Nghị quyết 68, giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, nghị quyết này đã thể hiện bước tiến đột phá về tư duy phát triển; là "cuộc cách mạng về tư duy và thể chế"; là "bước ngoặt lịch sử" trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá với những mục tiêu truyền cảm hứng, đầy khát vọng; đi vào tận gốc rễ của vấn đề là "cải cách thể chế", khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mở rộng không gian phát triển, hỗ trợ thực chất; tạo lập và củng cố niềm tin,… để đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên của sáng tạo, hội nhập và thịnh vượng, trong đó kinh tế tư nhân "là một động lực quan trọng nhất; là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng" với tinh thần chủ động, tự cường, đầy khát vọng.

Vậy, đâu là những tư tưởng lớn, những điểm mới, điểm đột phá trong Nghị quyết 68? Và quan trọng nhất là cần phải làm gì để đưa nghị quyết sớm đi vào cuộc sống? Những nội dung này sẽ được bàn thảo, phân tích, hiến kế tại Tọa đàm: "ĐỂ KINH TẾ TƯ NHÂN BỨT PHÁ THEO NGHỊ QUYẾT 68 – NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức vào lúc 14.00, ngày 9/5 với sự tham dự của các vị khách mời:

- Ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

- Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính

- Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB.

Điều phối cuộc tọa đàm: TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Hòa giải viên, Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC

Nguyễn Sĩ Dũng trao đổi với ông Phan Đức Hiếu

Đột phá thứ ba trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân

Nguyễn Sĩ Dũng:Với tư cách là một chuyên gia kinh tế, cũng là người đại biểu nhân dân, ông cảm nhận thế nào về những thông điệp rất chiến lược được nêu trong Nghị quyết 68?

Ông Phan Đức Hiếu: Tôi cho rằng sự ra đời của Nghị quyết 68 là rất cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Những thông điệp trong nghị quyết rất rõ ràng và mạnh mẽ, đã đi thẳng vào những vấn đề của khu vực kinh tế tư nhân, giải quyết những trở ngại tồn tại lâu nay.

Chúng ta thử nhìn lại lịch sử để thấy được vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế tư nhân và tại sao nó lại có một vị trí như vậy. Ở đây, tôi cho rằng có hai mốc rất quan trọng.

Mốc thứ nhất là vào giai đoạn 1978-1990, chúng ta chuyển từ quan điểm kinh tế tư nhân là thành phần cải tạo, nghĩa là không được thừa nhận, chuyển sang là được thừa nhận, và bắt đầu cho phép được hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực nhất định theo quy định của pháp luật. Tôi cho rằng đây là một sự thay đổi, là một bước ngoặt đầu tiên đối với khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn này vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Dù chúng ta đều biết, doanh nghiệp tư nhân đóng góp rất tích cực cho các hoạt động kinh tế xã hội, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ.

Mốc thứ hai là sự ra đời của Luật Doanh nghiệp. Đó là năm 1999-2000. Đây là một mốc lớn, thay đổi một bước nữa về quan điểm của Việt Nam đối với khu vực tư nhân.
 
Nguyễn Sĩ Dũng điều phối cuộc tọa đàm

Quan điểm thứ nhất là thay đổi từ việc kinh tế tư nhân được làm trong một số lĩnh vực hạn chế, chỉ được làm trong một số lĩnh vực mà nhà nước cho phép chuyển sang tư duy kinh tế tư nhân được làm, được kinh doanh trong những ngành nghề mà nhà nước không cấm. Tôi cho rằng đây là một bước thay đổi đột phá về quyền kinh doanh của kinh tế khu vực tư nhân. Và kèm theo đó là sự thay đổi về thể chế rất mạnh mẽ (nhấn mạnh là thủ tục).

Từ năm 2000, chúng ta hiểu rằng đó là chuyển từ việc thành lập doanh nghiệp để đi kinh doanh (năm 1990 là Luật Công ty, cho phép cấp phép thành lập) thì từ năm 2000 chuyển sang thành đăng ký kinh doanh để thành lập. Đây là quyền chủ doanh nghiệp mà nhà nước ghi nhận điều đó. Lúc này, thủ tục đơn giản hơn rất nhiều. Trước năm 2000, chúng ta mất rất nhiều thời gian, có thể từ 1 năm đến vài năm với điều kiện rất ngặt nghèo để thành lập công ty, thì sau này thì việc thành lập này rất dễ dàng, có thể tính bằng ngày, bằng giờ.

Trong suốt từ thời gian đó đến nay, chúng ta vẫn liên tục cải cách. Tuy nhiên, việc ra đời Nghị quyết 68 ở thời điểm này, cá nhân tôi cho rằng nếu triển khai thực hiện tốt thì đây có thể là bước ngoặt, đột phá thứ ba trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Và tôi so sánh sự đột phá lần này khác với hai lần đột phá trước.

Đột phá thứ nhất là việc thừa nhận khu vực kinh tế tư nhân. Đột phá thứ hai là trao quyền kinh doanh và có sự cải cách thủ tục hành chính, chủ yếu ở mức gia nhập thị trường. Nhưng nếu chúng ta nhìn sâu vào Nghị quyết 68 thì đã tiến thêm một bước, sẽ giúp thay đổi khu vực kinh tế tư nhân về chất. Bởi vì chúng ta nhìn lại tất cả các giải pháp trong nghị quyết này cho thấy ba nhóm mục tiêu và Bộ Chính trị mong muốn.

Thứ nhất là tiếp tục tạo thuận lợi hơn cho việc gia nhập thị trường. Thông điệp ở đây rất rõ là xóa bỏ các rào cản hành chính trong quá trình hoạt động. Đó là cách giảm 30% thủ tục quy định chi phí tuân thủ. Đây là một sự tiến lên rất lớn so với thời điểm những năm 2000.

Thứ hai là tăng mức độ bảo vệ. Chúng ta có thể nhìn thấy xử lý trách nhiệm của khu vực kinh tế tư nhân theo hướng không hình sự hoá, như vậy là đã giảm thiểu rất nhiều rủi ro cho khu vực này.

Ông Phan Đức Hiếu: Nếu triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 68 thì có thể là bước ngoặt, đột phá thứ ba trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân

Thứ ba là khơi thông nguồn lực. Đó là giúp khu vực này tiếp cận nguồn lực với đất đai, nguồn lực về mặt bằng sản xuất kinh doanh, về vốn, nhân sự. Trong này, có một nhóm giải pháp ẩn, mang tính chất khơi thông nguồn lực rất lớn, đó là thúc đẩy nhanh và hiệu quả cơ chế giải quyết tranh chấp. Tôi lấy ví dụ, một hợp đồng thương mại dân sự hay là một hợp đồng tín dụng, mà trước đây giải quyết mất hai năm, thì đó là không hiệu quả. Hay là những nguồn lực mà trước đây doanh nghiệp rất sợ nhà nước chiếm dụng của doanh nghiệp (đó là phải trả cho doanh nghiệp nhưng không trả hoặc trả chậm) thì hiện nay sẽ được giải quyết trong nghị quyết.

Như vậy, so sánh trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân thì chúng ta đã có hai dấu mốc, đó là 1988-1990 và 1999-2000, mà lần này với 3 cải cách mà tôi vừa nói sẽ xóa bỏ sự phiền hà, tăng mức bảo vệ và khơi thông nguồn lực thì đây sẽ là dấu mốc thứ ba giúp thay đổi chất lượng khu vực kinh tế tư nhân, để đáp ứng nhu cầu mục tiêu phát triển kinh tế đất nước 2030-2045.

Nguyễn Sĩ Dũng: Như vậy chúng ta đã thấy ông Phan Đức Hiếu đã phân tích rất sâu về lịch sử hình thành của khu vực kinh tế tư nhân. Tôi xin bổ sung thêm một ý, đó là trong thời điểm khu vực kinh tế tư nhân bị cấm thì vẫn phát triển, vẫn cung cấp nhiều thứ mà khu vực kinh tế khác không làm được, để chúng ta thấy sức sống mãnh liệt của kinh tế tư nhân. Còn hiện nay, đối với khu vực kinh tế tư nhân chính là tạo niềm tin, tạo sự an toàn. Tôi ví dụ như, vấn đề xử lý vi phạm thì chúng ta lựa chọn không áp dụng hồi tố, giúp cho môi trường kinh doanh trở nên an toàn hơn. Điều này giúp khu vực kinh tế phát triển hơn, đồng thời cũng hạn chế được sự nhũng nhiễu.

Theo Báo Chính phủ đăng ngày 9/5/2025

 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI