...

Tổng kết Chuỗi sự kiện “Xúc tiến đầu tư và phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài” năm 2022 – Investment Promotion Series 2022

15 Tháng 9, 2022

Chuỗi sự kiện “Xúc tiến đầu tư và phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài” năm 2022 – Investment Promotion Series 2022 là một trong những chuỗi sự kiện được triển khai với sự đầu tư nghiêm túc về mặt nội dung, chuyên gia cũng như quy mô của ITPC và VIAC. Chuỗi sự kiện Xúc tiến đầu tư 2022 được triển khai theo mô hình trực tiếp và trực tuyến xen kẽ, gồm 05 hội thảo, diễn đàn và 04 tọa đàm.

Hội thảo “Tháo gỡ các vướng mắc pháp lý và thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực bất động sản” là sự kiện mở đầu cho Chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư 2022. Hội thảo diễn ra vào sáng ngày 27 tháng 5 năm 2022, với sự tham dự của hơn 150 đại biểu. Với chủ đề nêu trên, hội thảo đưa đến những thông tin về khả năng triển khai các dự án kinh doanh bất động sản tại Việt Nam trong bối cảnh phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó là tình hình đầu tư, những điểm vướng mắc của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua khi thực hiện đầu tư vào dự án bất động sản tại Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Qua những chia sẻ của các chuyên gia, doanh nghiệp tham dự đã có góc tiếp cận mới, nhận diện các giá trị lâu dài đối với nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ Việt Nam khi đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Việc lựa chọn hình thức đầu tư an toàn cho nhà đầu tư cũng được các diễn giả nhắc đến, từ đó có các biện pháp phòng ngừa tranh chấp phát sinh khi nhà đầu tư tiến hành đầu tư dự án bất động sản tại Việt Nam.

 

Tiếp nối, ngày 09 tháng 6 năm 2022 đã diễn ra Hội thảo “Lộ trình và những lưu ý cho nhà đầu tư khi đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất”. Bên cạnh việc thông tin về quy định pháp luật liên quan đến khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các thay đổi trong cấu trúc khu công nghiệp, các chuyên gia cũng đưa ra những đánh giá về thực trạng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện nay. Hành trình của nhà đầu tư tại Việt Nam được cho là rất dài. Dài ở đây không phải bởi khó tìm kiếm môi trường, địa điểm đầu tư mà dài là bởi các chính sách, quy trình, quy định tại Việt Nam chưa thông suốt và có những điểm bất cập chưa khắc phục. Điều này đã gây nhiều trở ngại, khiến tiến trình đầu tư không được kịp thời, hiệu quả. Thông qua việc nhìn nhận được các khó khăn trên thực tiễn, các chuyên gia pháp lý đã đưa ra những lưu ý cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam. Ở từng giai đoạn sẽ có những rủi ro nhất định, ví dụ ở bước khởi đầu thành lập khu công nghiệp, ngoài việc quan tâm để những quy trình, thủ tục chuẩn bị hồ sơ thì cũng cần lưu tâm đến những câu chuyện pháp lý có thể phát sinh, từ đó đưa ra phương án phòng ngừa ngay từ ban đầu. Còn đối với các dự án đang triển khai, có rất nhiều tranh chấp có thể diễn ra như: tranh chấp về đền bù giải phóng mặt bằng giữa người sử dụng ban đầu khi bị thu hồi đất; tranh chấp giữa chủ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng với các nhà đầu tư thứ cấp; giữa các doanh nghiệp với các nhà thầu xây dựng phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng xây dựng;…

Ngày 15 tháng 7 năm 2022, chuỗi sự kiện được tiếp nối bởi Hội thảo “Thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao thông qua hình thức hợp đồng đối tác công – tư (PPP). Với những đánh giá sơ bộ về tình trạng đầu tư của các nguồn đầu tư chất lượng cao tại Việt Nam thời gian vừa qua, các chuyên gia đã chỉ ra những điểm tích cực trong việc thực hiện dự án thông qua hình thức hợp đồng đối tác công – tư. Nhà nướcluôn tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam thông qua những chính sách, những quy định pháp lý mở rộng, mang tính thuận lợi hóa cao. Có thể thấy, hệ thống văn bản pháp luật được ban hành đã phần nào điều chỉnh hiệu quả các lĩnh vực đầu tư và quy mô của các dự án PPP. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang còn khó khăn trong việc huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng, ngân sách nhà nước phải dành 5,7% GDP để đầu tư cơ sở hạ tầng. Chính vì vậy, Việt Nam cần có những giải pháp thu hút đầu tư tư nhân nhằm giúp thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng với các quốc gia khác. Bên cạnh các chia sẻ từ các chuyên gia trong nước, Hội thảo cũng có sự đóng góp quan điểm, nhận định của khối nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài Việt Nam nhận định Luật PPP hiện tại đã giải quyết được một số vấn đề giúp giảm thiểu được nhiều rủi ro, chi phí cho nhà đầu tư nước ngoài, từ đó đánh giá cao tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam khi tiến hành các dự án với hình thức này.

Hội thảo thứ 4 trong chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư 2022 được tổ chức vào ngày 21 tháng 7 năm 2022 với chủ đề “Giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư bằng phương thức trọng tài”. Đóng góp tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng M&A (mua bán và sáp nhập) đã trở thành hình thức đầu tư phổ biến tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Mặc dù có phần chậm lại vào đầu năm 2022, nhưng nhiều thương vụ với giá trị lớn đã được triển khai nâng tổng giá trị các giao dịch M&A quý I/2022 cao hơn cả tổng giá trị từng năm 2019 – 2021. Thực tế cho thấy, M&A đã và đang trở thành một lựa chọn được ưa chuộng đối với các tập đoàn trong nước vì chiến lược, hình thức này giúp họ nhanh chóng tiếp cận được với các lĩnh vực kinh doanh mới, nhanh chóng mở rộng thị phần cũng như dễ dàng bổ sung được nguồn tài nguyên về nhân lực, kỹ thuật sau khi các giao dịch diễn ra thành công. So với nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài có cách tiếp cận thận trọng hơn, tuy nhiên, thận trọng không đồng nghĩa với việc thị trường Việt Nam là một thị trường kém hấp dẫn. Với một môi trường kinh doanh thuận lợi, Việt Nam luôn được các nhà đầu tư xem xét là một điểm đầu tư nhiều triển vọng. Bằng chứng là trong thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc… đang ngày càng chú trọng và tập trung nguồn vốn nhiều hơn vào dự án tại Việt Nam.Tuy nhiên, song song với những kỳ vọng đó, các chuyên gia cũng đánh giá, các nhà đầu tư vẫn nhận thấy nhiều rào cản khi đầu tư theo hình thức M&A. Các rào cản này không chỉ đến từ việc đàm phán để tìm được tiếng nói chung của các bên mà còn đến từ hành lang pháp lý còn nhiều điểm chưa thống nhất, chồng chéo. Để thu hút đa dạng hơn các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, các chuyên gia nhận định, việc cải thiện môi trường kinh doanh, thay đổi tích cực hơn khung pháp lý là điều cần thiết và nên được ưu tiên trong giai đoạn này.

Bên cạnh 4 hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp vào buổi sáng, vào buổi tối cùng ngày, các buổi nói chuyện online sẽ được triển khai nhằm bàn luận sâu hơn về một số nội dung nhất định.

Chủ đềVideo trực tiếp
Điểm mới trong quy định pháp luật và những điều chỉnh trong lĩnh vực bất động sảnhttps://fb.watch/fz_RDJn563/
Những bất cập và giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển khu công nghiệphttps://fb.watch/fz_VKX6pR3/
Luật Đầu tư theo phương thức đối tac công – tư (PPP) và một số bất cậphttps://fb.watch/fz_Uo56zez/
Hành lang pháp lý trong giao dịch mua bán và sáp nhập

 https://fb.watch/fz_TaeW83m/

 Khép lại chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư năm 2022, ngày 15 tháng 9 năm 2022 vừa qua, Diễn đàn hỗ trợ đầu tư “Nhà đầu tư tìm kiếm gì từ thị trường
Thành phố
Hồ Chí Minh” đã diễn ra với sự quan tâm tham dự của hơn 230 đại biểu,  là đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, luật sư, cơ quan ban ngành và các cơ quan thông tấn báo chí. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức mới lạ, xây dựng theo mô hình các phiên thảo luận về từng vấn đề nổi bật. Tại Diễn đàn, những chia sẻ thẳng thắn, tích cực từ các nhà đầu tư và các chuyên gia đã được đưa ra. Theo đó, từ góc độ là những nhà đầu tư đã và đang triển khai các dự án tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao về sự cải thiện cũng như những điểm sáng trong môi trường đầu tư của TP. Hồ Chí Minh. Có thể nói, các cơ quan ban ngành đã có những chính sách khá kịp thời giúp các nhà đầu tư có thể tự tin, thuận lợi tiến hành hoạt động đầu tư. Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận rằng, qua quá trình thực hiện, nhiều khó khăn, vướng mắc đã bộc lộ. Các vướng mắc này không chỉ nằm ở điều kiện đầu tư mà còn nằm ở khung pháp lý, quy định và thủ tục, điều này khiến nhiều nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư mới cảm thấy băn khoăn khi quyết định chọn TP. Hồ Chí Minh làm điểm đến đầu tư. Chia sẻ với những trở ngại này, các chuyên gia kinh tế và đại diện các cơ quan có liên quan đã có nhiều trao đổi và cung cấp các thông tin hữu ích cho nhà đầu tư. Theo đó, các chuyên gia khẳng định, TP. Hồ Chí Minh đã và sẽ vẫn là địa điểm đầu tư đáng tin cậy cho các nhà đầu tư, môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, khung pháp lý hiện đang được cải tiến qua mỗi năm. Qua số liệu thống kê, có thể thấy, tỷ lệ đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh có dấu hiệu tăng, đây là tín hiệu tốt và cũng là động lực thúc đẩy sự hoàn thiện hơn nữa điều kiện đầu tư, kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

 

>>> Thông tin tiết tiết Diễn đàn: Xem TẠI ĐÂY 

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI