...

Triển khai thực hiện Đề tài nghiên cứu cơ bản “Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”

22 Tháng 10, 2020

Đề tài nghiên cứu cơ bản “Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” là đề tài cấp nhà nước và là đề tài NAFOSTED đầu tiên do Trường Đại học Luật TP. HCM là tổ chức chủ trì. Các thành viên trong đề tài là giảng viên đến từ các khoa Luật Dân sự, Luật Thương mại, và Luật Quốc tế của Trường Đại học Luật TP. HCM và giảng viên Trường Đại học Ngoại thương (cả hai cơ sở Hà Nội và TP. HCM) tham gia thực hiện. 

Trong khuôn khổ của Đề tài, vào ngày 16/10/2020 nhóm nghiên cứu đã có buổi làm việc với Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tại Hà Nội với thành phần là Ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Bà Vũ Thị Hằng – Phó trưởng phòng Ban xúc tiến và đào tạo để điều tra và phỏng vấn chuyên sâu.

Nhóm nghiên cứu tặng hoa lưu niệm cho lãnh đạo Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)

Tại buổi làm việc, nhóm nghiên cứu đã được đại diện VIAC  trình bày những chuyển biến trong việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài ở Việt Nam nói chung và tại VIAC nói riêng, những khó khăn và thách thức mà trọng tài đang phải đối diện trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Nhóm nghiên cứu cũng đã đặt ra rất nhiều vấn đề để cùng trao đổi với các chuyên gia từ VIAC xoay quanh mục tiêu thúc đẩy trọng tài thương mại tại Việt Nam phát triển một cách toàn diện, đủ sức cạnh tranh với các nước trên thế giới như sự can thiệp của Tòa án đối với việc giải quyết tranh chấp của trọng tài, ảnh hưởng của các điều khoản trong hợp đồng về thủ tục tiền tố tụng đối với thủ tục tố tụng trọng tài…

Được biết Quỹ NAFOSTED được thành lập theo Nghị định số 122/2003/NĐ-CP ngày 22/10/2003 của Chính phủ với nhiệm vụ chính là thực hiện tài trợ cho các nghiên cứu khoa học trong chương trình nghiên cứu cơ bản lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn.

Mục tiêu của đề tài là xây dựng ra khung lý luận cơ bản cần thiết mà quá trình hội nhập kinh tế quốc tế buộc các quốc gia phải xử lý khi xem xét việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, nhận diện ra những rào cản pháp lý dẫn đến tình trạng doanh nghiệp chưa ưu chuộng sử dụng trọng tài như một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại (ngày càng nhiều với sự hội nhập của Việt Nam) để từ đó đưa ra những xuất hoàn thiện pháp luật trọng tài của Việt Nam trên cơ sở khung lý luận cơ bản đã xây dựng dựa vào kinh nghiệm nước ngoài, quốc tế và Việt Nam.

Các báo cáo nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài và các thành viên nghiên cứu chủ chốt sẽ cho thấy khung lý luận cơ bản mà quá trình hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa buộc các quốc gia phải xử lý khi xem xét việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, những rào cản pháp lý dẫn đến tình trạng doanh nghiệp ít đưa tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài Việt Nam (mặc dù tranh chấp ngày càng tăng với việc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam). Các báo cáo này cũng sẽ cho thấy kinh nghiệm nước ngoài liên quan đến các rào càn pháp lý trên và đưa ra những đề xuất để hoàn thiện pháp luật Việt Nam về trọng tài tại Việt Nam nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đưa tranh chấp ra giải quyết tại Trọng tài tại Việt Nam.

Kết thúc buổi làm việc, nhóm nghiên cứu đã có được những thông tin hết sức hữu ích từ thực tiễn giải quyết tranh chấp tại VIAC để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện Đề tài. VIAC cũng đã có những cam kết trong việc sẽ tiếp tục hỗ trợ nhóm nghiên cứu về số liệu, tài liệu và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình thực hiện Đề tài để đạt được mục tiêu chung là phát triển nền trọng tài thương mại tại Việt Nam.

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI