...

VIAC và Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Tọa đàm “Cơ chế hỗ trợ và giám sát của Tòa án với hoạt động giải quyết tranh chấp tại Trọng tài trong bối cảnh mới”

28 Tháng 4, 2025

Chiều ngày 24/4/2025, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (ULAW) triển khai Tọa đàm “Cơ chế hỗ trợ và giám sát của tòa án với hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài trong bối cảnh mới” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Trọng tài viên VIAC và nhiều luật sư, luật gia khác. Đây là hoạt động phối hợp giữa hai đơn vị nhằm tạo không gian trao đổi, thảo luận về cơ chế giám sát và hỗ trợ của Tòa án với Trọng tài cùng những thay đổi đáng chú ý trong bối cảnh Quốc hội sắp thông qua Dự thảo Luật sửa đổi Luật tổ chức Tòa án nhân dân và Dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Việt Nam.

PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa – Thành viên Hội đồng Trung tâm, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART)

Chia sẻ dẫn đề về Trọng tài thương mại trong Chiến lược Cải cách Tư pháp thương mại, phát triển Kinh tế tư nhân, PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa Thành viên Hội đồng Trung tâm VIAC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART) cho biết, trong bối cảnh kinh tế tư nhân cần được thúc đẩy mạnh mẽ, để trọng tài phát huy hiệu quả, cần đặt thiết chế này trong tổng thể hệ thống tư pháp quốc gia. Theo ông, việc cải cách tư pháp thương mại nên được xem là nền tảng quan trọng để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và khách quan trong giải quyết tranh chấp. PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa cũng nhấn mạnh vai trò giám sát và hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động Trọng tài, đồng thời đề xuất tăng cường công tác tập huấn, đào tạo chuyên môn cho đội ngũ trọng tài viên và thư ký trọng tài – tương tự như công tác đào tạo tại Tòa án, lấy Toà án làm lõi để thúc đẩy hỗ trợ thiết chế trọng tài phát triển trong chiến lược cải cách tư pháp. Ngoài ra, việc sắp ban hành các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động trọng tài thương mại, nhất là phân cấp thẩm quyền tòa án theo cấp và các quy định đặc thù của Trung tâm Trọng tài thuộc Trung tâm Tài chính Quốc tế, theo ông cũng cần cân nhắc cơ chế nào là phù hợp và hiệu quả để giải quyết các khiếu nại, tranh chấp phát sinh. Ông chỉ ra rằng đây cũng là cơ hội để thúc đẩy cơ chế trọng tài thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) khác tại Việt Nam.

TS. Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội, Trọng tài viên VIAC

Tiếp nối quan điểm, nhằm đánh giá vai trò của trọng tài thương mại đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam, TS. Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội, Trọng tài viên VIAC nhấn mạnh rằng trọng tài thương mại cần được nhìn nhận như một thiết chế tư pháp độc lập. Về cơ bản, ông không phản đối việc thành lập trung tâm trọng tài chuyên biệt trong khuôn khổ trung tâm tài chính quốc tế. Tuy nhiên, cần chú ý tránh cơ chế tạo lợi thế hoặc độc quyền cho một trung tâm duy nhất, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh và lựa chọn đa dạng cho các bên tranh chấp. Về dự thảo Luật sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, TS. Hiếu cho rằng, việc phân định thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến trọng tài cho Tòa án cấp khu vực cần được cân nhắc lại và giữ nguyên cho Tòa án cấp tỉnh như hiện nay. Bởi lẽ, đặc thù của cơ chế trọng tài là cơ chế xét xử chung thẩm (giải quyết một lần), do đó việc xem xét lại phán quyết trọng tài nên được giao cho Tòa án cấp tỉnh để việc giải quyết được thuyết phục hơn.

GS. TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học VIAC

Ở góc độ học thuật và kinh nghiệm quốc tế, GS. TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học VIAC khẳng định, việc tham khảo mô hình một số nước như Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế trọng tài thương mại theo hướng bảo đảm nguyên tắc tự do định đoạt và hiệu lực chung thẩm trong giải quyết tranh chấp. Ông cho rằng, để hệ thống trọng tài vận hành hiệu quả, nên có cơ chế giám sát từ cấp cao nhất nhằm đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật; đồng thời, cần cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề trao thẩm quyền cho cấp tòa án nào trong việc thực hiện các chức năng hỗ trợ và giám sát thủ tục trọng tài, bởi đây là quy trình đòi hỏi sự am hiểu và trình độ chuyên môn cao. Để phù hợp với thực tiễn và một số quốc gia phát triển trọng tài trên thế giới, GS. TS. Đỗ Văn Đại cũng đề xuất duy trì thẩm quyền liên quan đến trọng tài cho Tòa án cấp tỉnh, đồng thời cân nhắc thành lập các tòa chuyên trách với đội ngũ thẩm phán được đào tạo chuyên sâu về tranh chấp quốc tế, sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ xét xử, nhằm từng bước xây dựng thiết chế trọng tài hiện đại, hội nhập và đáng tin cậy.

Tại phiên thảo luận, các trọng tài viên, chuyên gia khác tiếp tục trao đổi xoay quanh vấn đề cơ chế hỗ trợ và giám sát của Toà đối với hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài, trong đó các ý kiến từ Phó Chánh án TAND TP.HCM – Bà Nguyễn Thị Thùy Dung; Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM – LS. Nguyễn Văn Hậu; Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học VIAC – GS.TS. Đỗ Văn Đại; Trọng tài viên VIAC – LS. Nguyễn Mạnh Dũng và một số chuyên gia khác bàn luận nhiều vấn đề thực tiễn, đóng góp thêm góc nhìn về các điểm còn tồn đọng, từ đó phân tích và đề xuất giải pháp, nhất là trong việc góp ý sửa đổi các dự thảo luật có liên quan sắp được ban hành. Các nội dung bàn luận tại buổi làm việc đã nhận được sự quan tâm từ giới doanh nghiệp, luật sư, các trọng tài viên cũng như nhiều cơ quan truyền thông tham dự.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) sẽ tổng hợp và kiến nghị bằng văn bản gửi tới cơ quan có thẩm quyền, nhằm phục vụ quá trình hoàn thiện Dự thảo luật có liên quan đến hoạt động trọng tài trong thời gian tới. Những đề xuất này không chỉ góp phần hoàn thiện cơ chế pháp lý, mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường giải quyết tranh chấp minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho hoạt động kinh doanh và hội nhập quốc tế.


Xem thêm tin bài về sự kiện:

1. Tọa đàm: Cơ chế hỗ trợ và giám sát của Tòa án với hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài trong bối cảnh mới - Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam

2. Cơ chế giám sát, hỗ trợ của Tòa án với hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài  - Báo điện tử Công lý

3. Có nên giao thẩm quyền xem xét phán quyết trọng tài cho tòa khu vực? - Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh

4. Trọng tài thương mại khi "kinh tế tư nhân là trụ cột" - Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI