...

[RECAP VAS 2022] Chủ đề 03: Xung đột vai trò trong trọng tài – Tính hai mặt của vấn đề (Tạm dịch: Double hatting in arbitration: Look at the both sides of the coin)

23 Tháng 3, 2023

Trong các buổi hội thảo trước, vấn đề về Thẩm quyền, nhiệm vụ cũng như vai trò chức năng của Trọng tài viên & Hội đồng trọng tài đã được các diễn giả sôi nổi thảo luận, trong đó chú trọng thảo luận về các tiêu chí chính của Trọng tài viên và Luật sư tư vấn trong lĩnh vực trọng tài. Và để hiểu thêm về tiêu chí đối với Trọng tài viên - nội dung đã được thảo luận tại hội thảo trực tuyến trước, VIAC đã tổ chức buổi hội thảo trực tuyến với chủ đề: Xung đột vai trò trong trọng tài – Tính hai mặt của vấn đ(Double hatting in arbitration: Look at the both sides of the coin). Đây là chủ đề hấp dẫn và cũng là một hiện tượng khá phổ biến ở một khu vực có nền trọng tài tương đối trẻ như Việt Nam.

GS.TS. Joongi Kim, TS. Lê Nết và Ls. Đào Như Ngọc Linh trong buổi thảo luận về “Double Hatting”
 
“Double Hatting” hay “Dual hatting” trong trọng tài là thuật ngữ dùng cho bối cảnh một chủ thể đồng thời hoặc trong một khoảng thời gian ngắn, thực hiện hai vai trò khác nhau trong các vụ kiện trọng tài khác nhau. Thuật ngữ này không chỉ giới hạn trong trường hợp một Trọng tài viên đồng thời là Luật sư trong một vụ kiện khác mà còn bao hàm cả các vai trò khác như người làm chứng, chuyên gia hay Hòa giải viên trong các quy trình giải quyết tranh chấp riêng biệt. Các tình huống trên trong thực tiễn vô hình trung làm dấy lên những băn khoăn, nghi ngại về khả năng hành xử độc lập, vô tư, khách quan của Trọng tài viên cũng như những nguy cơ xung đột vai trò khác trong tố tụng trọng tài khi một chủ thể thực hiện nhiều vai trò khác nhau và đôi khi là chồng chéo lên nhau.
 
Trên thực tế, vấn đề này có thể đặt ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến tính độc lập và vô tư của Trọng tài viên cũng như các xung đột khác khi một người chồng chéo, thực hiện nhiều vai trò cùng lúc. Để làm rõ hơn về chủ đề này, Chủ đề 03 đã thảo luận một cách công bằng về ưu điểm và nhược điểm của Double hatting trên thực tiễn của hoạt động trọng tài. Hội thảo được dẫn đề bởi GS.TS. Joongi Kim - một trong những vị học giả đáng kính tại Hàn Quốc, hiện ông đang là giáo sư luật tại trường ĐH Luật Yonsei (một trong ba trường đại học đào tạo về ngành luật hàng đầu ở Hàn Quốc) cùng với 02 diễn giả là TS. Lê Nết - Cộng sự tại công ty luật LNT & Partners và LS. Đào Như Ngọc Linh – Cộng sự tại Công ty Luật Rajah & Tann LCT. Giáo sư Kim cùng với các chuyên gia khách mời đã chia sẻ các góc nhìn khác nhau về “Double Hatting” cũng như mô tả, đưa ra các lưu ý từ thực tiễn tại Việt Nam và Hàn Quốc.
 
 
TS. Joongi Kim luận bàn về Double Hatting trong trọng tài thương mại
 
Mở đầu buổi trao đổi, để trả lời cho câu hỏi: “What is Double Hatting” GS. Kim đã khẳng định rằng Double Hatting thực chất vốn không có một định nghĩa cố định. Theo đó, GS. Kim nêu ra rằng thuật ngữ này về cơ bản là một người trong một khoảng thời gian vừa đóng vai trò là trọng tài đối với một vụ việc đồng thời giữ một vai trò khác như luật sư hay cố vấn. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn thì thuật ngữ này cũng có thể không chỉ đề cập đến một cá nhân mà có thể liên quan đến các mối quan hệ rộng hơn chính là người trọng tài và một hội đồng trọng tài. Qua hai góc nhìn này, GS. Kim đã phân tích một số trường hợp thực tiễn nhưng chủ yếu xoay quanh định nghĩa hẹp về Double Hatting qua đó đề cập đến tính độc lập, công bằng của Trọng tài viên được các bên lựa chọn thực hiện cũng như nghĩa vụ đảm bảo lợi ích của các bên. Nếu nhìn nhận một cách tích cực đây sẽ cách để tận dụng lợi thế của Trọng tài viên có nền tảng và chuyên môn đa dạng. Tiếp nối buổi thảo luận, GS. Kim đã tiếp tục trao đổi về các vấn đề: Double Hatting trong Trọng tài thương mại, Trọng tài trong lĩnh vực đầu tư và Trọng tài với tư cách là người hòa giải trong hoạt động trọng tài.
 
 
TS. Lê Nết chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm cá nhân về vị sự đa dạng vai trò của một Double Hatting
 
Tiếp lời tại buổi thảo luận, TS. Lê Nết cũng đồng tình với quan điểm của GS. Kim về định nghĩa cũng như sự đa dạng vai trò của một Double Hatting. Ông cũng dựa trên những kinh nghiệm thực tế của mình khi được chỉ định làm trọng tài viên ở Singapore, ông cho rằng với một số tổ chức như IBA họ không quy định cụ thể về vị trí và giới hạn của một Trọng tài viên mà chỉ đưa ra những hướng dẫn chung, khi đó bạn buộc phải đưa ra thông tin để tránh gây ra những xung đột lợi ích với nguyên đơn, bị đơn của mình.
 
Tiếp lời, LS. Linh cũng đã đưa ra quan điểm, nhận định của mình về vai trò của Trọng tài viên tại Việt Nam, Luật trọng tài thương mại năm 2010 là luật chi phối chủ yếu trong tố tụng trọng tài, trong đó chúng ta có Điều 42 quy định Trọng tài viên phải từ chối giải quyết tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu thay đổi Trọng tài viên giải quyết tranh chấp trong các trường hợp đã quy định. Quy định tương tự cũng có thể được tìm thấy tại Điều 16 của Quy tắc trọng tài VIAC 2017 và các nghĩa vụ tương tự cũng được áp dụng đối với tất cả các trọng tài viên tham gia trọng tài do VIAC quản lý trong bộ quy tắc đạo đức áp dụng cho tất cả các trọng tài viên tại VIAC. Bộ quy tắc đạo đức cũng là một phần trong các quy định nội bộ của VIAC nhằm điều chỉnh các vấn đề phân biệt đối xử nói chung và duy trì vô tư và độc lập trong phán quyết của mình nói riêng.
 
Thông qua phần trao đổi với TS. Lê Nết và LS. Linh, buổi hội thảo cũng có một số các trường hợp, số liệu thực tế có liên quan đến Double Hatting. Qua đó, các diễn giả cũng đề xuất ngoài hoạt động giáo dục và đào tạo, tổ chức trọng tài cũng cần ban hành các quy định riêng đối với Trọng tài viên, ngoài ra cũng nên ứng dụng một công cụ mạnh mẽ để kiểm soát quá trình tố tụng là tuyên bố trọng tài - tuyên bố trọng tài có thể liệt kê ra các trường hợp mà các trọng tài viên sẽ từ chối tham gia trong một trường hợp có thể xảy ra hoặc sẽ chấp nhận tham gia nhưng với một vai trò thích hợp để đảm bảo tính tính độc lập và vô tư trong phán quyết của họ.
 
>>> Vui lòng xem:
Recap Chủ đề 01: Các tiêu chuẩn của Trọng tài viên quốc tế & Luật sư tranh tụng trọng tài quốc tế tại: RECAP VAS #1
Recap Chủ đề 02: Luận bàn về thẩm quyền & nhiệm vụ của Trọng tài viên & Hội đồng trọng tài trong trọng tài thương mại quốc tế tạiRECAP VAS #2
 

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI