...

Ấn phẩm “Cơ chế Giải quyết tranh chấp đầu tư trong bối cảnh cải cách tư pháp và môi trường ở Việt Nam” - Trọng tài viên Châu Huy Quang

28 Tháng 5, 2021

Trong lời tựa, Giáo sư, Tiến sĩ Umut Turksen (Đại học Coventry - Trung tâm Tài chính và Doanh nghiệp Liêm chính - Vương quốc Anh) nhận định rằng cuốn sách “Cơ chế Giải quyết tranh chấp đầu tư trong bối cảnh cải cách tư pháp và môi trường ở Việt Nam” có thể được ví như một ấn phẩm đương đại với nội dung đầy ắp dữ kiện. Hiện nay có rất ít sách hoặc ấn phẩm học thuật khác có kết hợp nghiên cứu pháp lý hiện hữu, có tính so sánh, thực hành pháp luật và đánh giá chính sách liên quan cơ chế giải quyết tranh chấp nhà đầu tư, đặt trong bối cảnh của các nền kinh tế đang chuyển đổi ở Đông Nam Á. Cuốn sách này là một trong số ít đó và vì vậy, đây là tư liệu tốt cho cộng đồng học thuật, tư pháp và hành nghề luật ở Việt Nam. Hơn thế nữa, thông qua phương pháp phân tích, thông tin, ấn phẩm này giúp tiếp cận những vấn đề đặc sắc, chi tiết liên quan đến cơ chế pháp lý, chính trị, chính sách của Việt Nam. 

Đồng thời với sự gia tăng số lượng các hiệp định đầu tư, thương mại song và đa phương mà Việt Nam đã tham gia, khối lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tăng nhanh trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả nguồn tiềm năng này với tư cách là nước chủ nhà tiếp nhận đầu tư, cuốn sách cũng chỉ ra rằng Việt Nam cần thực hiện các bước trọng yếu từ nhận thức cho tới thực thi, cụ thể hóa các cam kết bảo hộ đầu tư từ các hiệp định này. Nói cách khác, những chính sách, quy định pháp luật của quốc gia phải phù hợp với thực tiễn, giúp đa hóa các nhân tố hấp dẫn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cuốn sách sẽ giúp độc giả tóm lược về lịch sử phát triển của cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS) và tập trung vào một số nguyên tắc chính cũng như các vấn đề còn trở ngại trong bối cảnh của hệ sinh thái đầu tư ở Việt Nam. Có một điều cần thừa nhận rằng vì cơ cấu quản trị quốc gia và tư pháp có tính chuyên biệt, cơ chế pháp lý của Việt Nam không phải lúc nào cũng dễ định hướng, ngay cả đối với các luật sư bản địa. Với mục tiêu này, cuốn sách không chỉ giúp giải thích rõ các quy định pháp luật liên quan, các nguyên tắc cơ bản trong việc “nội địa hóa” luật lệ quốc tế thành cơ chế pháp lý của quốc gia, mà còn hướng độc giả thông qua tiếp cận các công cụ pháp lý phức tạp áp dụng trong giải quyết tranh chấp đầu tư phát sinh.

Với nền tảng tiếp cận như trên, tác giả cuốn sách đã cung cấp các thông tin nhận diện về một số thách thức thiết yếu mà nhà đầu tư cũng như Chính phủ Việt Nam phải đối mặt, bao gồm việc công nhận và thực thi phán quyết của trọng tài quốc tế cũng như nhu cầu cải cách thể chế tư pháp của Việt Nam dựa trên chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt nhất. Theo đó, cuốn sách cũng chỉ ra những triển vọng và thách thức chính liên quan đến việc cải cách cơ chế luật pháp cũng như công cuộc cải cách tư pháp của Việt Nam.

Một đóng góp quý giá khác của ấn phẩm này là tác giả có những phân tích so sánh tuyệt vời giữa các cơ chế ISDS trong khu vực ASEAN như ở Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc. Phân tích này xác định các bài học kinh nghiệm cùng với thực tiễn tốt nhất và đề xuất phương án tiềm năng cho các cải cách chính sách, luật pháp đầu tư mà Việt Nam theo đuổi. Thực hiện được mục tiêu này, cuốn sách đã nêu bật một số lĩnh vực mà Việt Nam cần thực hiện trong công cuộc hội nhập, hài hòa hóa khu vực.

Mỗi chương của cuốn sách đều được trình bày mạch lạc, cung cấp tiêu chí và mục tiêu tương ứng rõ ngay từ đầu. Tác giả có những nghiên cứu công phu, phân tích cung cấp nhiều thông tin chuyên sâu, chi tiết, tạo được nền mống phục vụ hoạt động nguyên cứu trong lương lai liên quan các nền tài phán khác nhau. Đây dường như là cuốn sách nên có đối với các học giả, sinh viên luật cũng như các ngành khoa học xã hội khác. Ấn phẩm cũng là một nguồn tư liệu tham khảo tốt cho các chuyên gia pháp lý, nhà bình luận, nhà hoạch định chính sách và ngành tư pháp.

Tác giả của cuốn sách - Tiến sĩ Châu Huy Quang, Luật sư điều hành của Rajah & Tanh LCT Lawyers, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) được cộng đồng pháp luật khu vực công nhận là một trong những luật sư tranh tụng xuất sắc nhất. Ông có hơn 25 năm kinh nghiệm trong hoạt động pháp lý, trong đó có nhiều năm là cố vấn pháp lý cho các tập đoàn quốc tế hàng đầu trên các lĩnh vực bao gồm đầu tư nước ngoài, giao dịch thương mại, việc làm, trọng tài đầu tư, luật hàng hải và xây dựng cho cả công việc giải quyết tranh chấp và giao dịch. Mới đây, ông đã được tổ chức Diễn đàn Pháp Luật Doanh nghiệp Châu Á (ALB) công bố bình chọn là một trong Top “50 siêu luật sư” của mảng giải quyết tranh chấp thương mại ở Châu Á.

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI