...

Câu chuyện về Luật sư người Việt điều hành hãng luật quốc tế nổi tiếng Baker McKenzie Vietnam

04 Tháng 1, 2023

Trần Mạnh Hùng – Luật sư điều hành đồng thời là Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế BMVN (liên minh với Baker McKenzie), trọng tài viên #VIAC, người trẻ nhất trong lịch sử hãng luật lớn nhất thế giới được đề bạt vào vị trí local partner (tạm dịch “luật sư chủ hợp danh”) năm 30 tuổi. (Xem thêm: https://tuoitre.vn/luat-su-ngoai-le-137671.htm)

Thời khắc lịch sử mùa thu năm 1995, khi LS Trần Mạnh Hùng, K15 HLU, quyết định ở lại Hà Nội thay vì vào công tác tại BIDV Gia Lai tận Tây Nguyên, đó cũng là một công việc tốt thời đó mà không phải ai cũng có cơ hội bước chân vào, nếu không có thể bây giờ chúng ta được thưởng lãm hồi ức của một sếp ngân hàng chứ không phải hồi ức của vị Luật sư điều hành Hãng luật nổi tiếng thế giới Baker McKenzie.

Sinh trưởng trong một gia đình nghèo của miền Trung thời tiết khắc nghiệt, vùng quê địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống hiếu học, Trần Mạnh Hùng luôn ấp ủ giấc mơ cháy bỏng trở thành luật sư, giúp gia đình thoát nghèo. Chàng trai ấy được trúng tuyển vào lớp chuyên văn Trường Phan Bội Châu, không bao lâu sau, chàng cũng trở thành văn nhân nổi tiếng của những người trường Phan!

Có thể nói tình yêu mà Hùng dành cho Trường Phan và Trường Luật là như nhau, nơi nào cũng ghi dấu ấn của anh, nơi nào cũng là đất phát của anh, tạo cho anh những nền tảng vững chắc để anh đi tiếp và nơi nào cũng được anh trân trọng dành cho những tình cảm yêu quý, những dòng hồi ức xúc động. Trong cuốn Phan Nhân 1972, phần Hồi ức của anh là ” Những ô cửa ký túc” viết về những tháng ngày trui rèn ở ngôi trường danh giá nhất xứ Nghệ thế này “Ký túc xá là những ô cửa đầu tiên của tôi. Từ đó, tôi nhìn ra thế giới rộng lớn, thấy mình và những người quanh mình thật là “vi diệu”.

Kỷ niệm các bạn nhớ nhất ở Hùng là suốt ngày thấy anh hầu như ngồi lỳ trên thư viện trường Luật, anh học, anh đọc nhiều thể loại sách, bên cạnh môn học chuyên môn. Tôi thì nhớ là Mr Hùng lúc nào cũng thấy kẹp mấy quyển sách tiếng Anh bên dưới một đống sách khác, đôi mắt sáng, nụ cười dễ mến luôn là điểm nhấn chàng sinh viên xứ Nghệ!

Thật khâm phục ý chí, năng lực nội sinh mạnh mẽ, trí tuệ trác việt trong con người bé nhỏ ấy!

Ở anh luôn là quá trình tự học, tự thân phấn đấu. Đối với người bình thường thì học làm chủ chuyên môn đã là quá vất vả chứ chưa nói gì đến học và làm chủ ngôn ngữ thứ 2, sử dụng thành thạo tiếng Anh thông qua những cách học rất độc đáo! Anh liên tục chính phục hết đỉnh cao này đến đỉnh cao khác, giành được rất nhiều giải thưởng danh giá của quốc tế dành cho Luật sư. Được biết, đã từ lâu mức thù lao trả cho đẳng cấp luật sư như anh được tính bằng giờ! Rât nhiều bài báo trong và ngoài nước viết về anh.

Bắt đầu từ vị trí trợ lý luật sư, Mr Hùng đã trở thành Luật sư điều hành Hãng luật quốc tế nổi tiếng, một trong những hãng luật lớn nhất thế giới Baker McKenzie. Công việc rất bận rộn nhưng anh vẫn không quên HLU, hàng năm anh vẫn dành thời gian về giúp đỡ Trường, giúp đỡ sinh viên, thổi cho các em niềm đam mê, ý chí vươn lên!

Qua hồi ức của anh ta thấy một Trần Mạnh Hùng, thủy chung với mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, bao nhiêu năm qua tình thân của anh với họ không thay đổi!

Anh là một con người đa tài, có thể nói là 3 trong 1: Luật, tiếng Anh, Văn thơ!

Trần Mạnh Hùng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ mẹ, hiện cách anh phụng dưỡng mẹ làm nhiều người ghen tỵ!

---------------------------------

Từ trường Luật đến hãng Luật – Trần Mạnh Hùng
(Luật sư điều hành Công ty Luật quốc tế Baker McKenzie, Cựu sv Kinh Tế K15)

Trưa hôm qua, ngồi bên hiên thư viện của Làng Mít, gió thu lao xao, chị Ngọc Hoa, trong tay cầm cuốn “Bông Hồng Vàng” của Paustovsky (Константин Георгиевич Паустовский), quay sang tôi và nói:

“Chị muốn ai đó viết về thời bao cấp của chúng ta, viết bằng ngôn ngữ có thể chạm đến lũ trẻ con nhà chị bây giờ, không sáo rỗng, và cũng không bị chúng nó thờ ơ phán: Thời đó ai chả thế, nhạt nhẽo!”

Chị Ngọc Hoa và tôi (cùng chị Cúc Hà) là những người bạn rất thân từ thời học chuyên văn Phan Bội Châu (Nghệ An). Chúng tôi có một ngày bên nhau tại Làng Mít, ôn lại những kỷ niệm cũ, và dành rất nhiều thời gian để nói về văn chương thay vì luật pháp, dù cả hai chúng tôi cùng tốt nghiệp luật. Chị Ngọc Hoa học tiến sỹ luật ở Kiev (thủ khoa đầu vào K13, Đại học Luật Hà Nội). Còn tôi, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội (K15), làm cho vài hãng luật quốc tế, rồi qua Nhật Bản lấy bằng thạc sỹ luật thương mại quốc tế.

Đang miên man với cơ man nào là gió, với sóng sánh nắng thu thì nhận được tin nhắn của nhà văn Nguyễn Đình Tú, cậu bạn trong Câu lạc bộ thơ trường Luật năm xưa: “Cậu viết gì đó về những luật sư quốc tế như cậu cho cuốn sách ra mắt vào dịp Hội khóa 40 năm trường mình đi. Nhiều người kể khổ quá rồi. Cậu đừng kể khổ nữa nhé”.

“Khổ”, đúng là món đặc sản của sinh viên thời chúng tôi, nhưng ngoài cái “khổ” về vật chất và thiếu thốn về tinh thần, cái khổ nhất, có lẽ là không dám mơ ước, dấn thân và đeo bám ước mơ của mình.

Tôi để chị Ngọc Hoa và chị Cúc Hà sang một góc thư viện và cầm bút viết những dòng này – những tâm sự của một cựu sinh viên luật, về hành trình nhỏ từ trường Luật đến Hãng luật Quốc tế.

Hà Nội bốn mùa

Năm 1995, sau khi cầm tờ quyết định thử việc từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Gia Lai, tôi bắt xe khách ra Hà Nội cắt giấy tờ.

Và tôi đã quyết định ở lại Hà Nội. Đó là một chiều mùa thu như bây giờ. Sơn, người bạn thân của tôi vừa tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, chở tôi bằng con xe máy sang nhất thời đó (xe Honda 82) đi một vòng Hồ Tây. Bạn bè tôi ra nước ngoài định cư hoặc vào Nam khá nhiều, nhưng Hà Nội với tôi quá da diết: biêng biếc như hoa đào mùa xuân; cắm cảu như thằng bạn ẩm ương của tôi mỗi dịp hè sang; như vệt nắng sóng sánh Hồ Tây vào thu; và như chiếc khăn len ấm áp vào đông…

Tôi quyết định “rải CV” xin việc.

Sau một tuần rải CV thì tôi nhận được “offer” đầu tiên từ Công ty luật Leadco, qua giới thiệu của một anh luật sư mà tôi quen khi về trường Luật trao học bổng thay mặt công ty luật Russin & Vecchi (Hoa Kỳ).

Ngày đầu tiên đi làm, anh phụ trách của Leadco nói với tôi: “ở đây không có lương. Nếu em làm tốt, em sẽ được tham gia vào một số dự án FDI, và các anh sẽ cân nhắc thù lao cho em”.

Sau một tuần đọc tài liệu và làm quen với công việc, tôi vẫn không thấy ai giao việc gì cho mình. Sang tuần thứ hai, tôi có hỏi hai bạn trạc tuổi tôi để xin việc, nhưng các bạn ấy cũng không đủ việc để làm hoặc có thể chưa tin tưởng tôi, nên tôi cũng không nhận được một công việc gì. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ, nếu không được giao việc, nghĩa là sẽ đói, mà tôi thì không có một khoản dành dụm nào để tiếp tục ở lại cho đến khi được giao việc.

Rào cản ngoại ngữ và “Deal” đầu tiên với Malaysia

Trên đường từ Leadco về làng Quan Hoa (Cầu Giấy), tôi vô tình nhìn thấy biển một công ty tư vấn đầu tư ở Láng Hạ. Tôi dựng chiếc xe đạp mini Trung Quốc ở xa cổng ra vào (chiếc xe mà tôi mượn được của một chị bạn), chỉnh đốn lại trang phục, đứng ngoài cổng một lúc cho mồ hôi đỡ ướt át, rồi bước vào sảnh công ty, đĩnh đạc như trong phim.

Tiếp tôi là một anh giám đốc có đôi mắt rất vui. Anh tên là Tuyến, tiến sỹ kinh tế ở Liên Xô cũ về Hà Nội lập nghiệp. Anh đưa cho tôi bài dịch và bảo tôi viết ra giấy. Bài dịch không quá khó vì tôi vẫn mua báo cũ tiếng Anh về đọc, và hồi năm thứ tư trường Luật, tôi vẫn ngồi nghe lỏm chương trình truyền hình tiếng Anh phát từ nhà bác Giáp ở khu Luyện Kim (Cát Linh), nơi tôi trọ học.

Anh Tuyến cầm bản dịch của tôi, khen chữ tôi đẹp và hành văn trôi chảy. Có lẽ do chữ tôi đẹp thật và chất chuyên văn vẫn còn ngấm vào máu, nên tôi được nhận vào làm ngay, chứ thực ra vốn tiếng Anh của tôi vẫn chưa thực sự ổn. Anh Tuyến nói với tôi: “Lương của em là 500 ngàn đồng/tháng và công ty bao ăn cơm trưa”.

Thực sự, lúc nghe anh Tuyến nói đến bữa cơm trưa, tôi đã thấy ấm dạ quá rồi.

Những tháng đầu tiên ở công ty anh Tuyến, tôi được giao rất nhiều việc liên quan đến dịch thuật, đặc biệt là dịch hợp đồng liên doanh và viết luận chứng kinh tế kỹ thuật (những phần liên quan đến pháp lý và tác động của kinh tế xã hội). Anh Tuyến là nhà kinh tế học nên anh ấy và anh Linh (sau này là anh Hòa) phụ trách phần tính toán kinh tế.

Tôi trở thành một thợ dịch và thợ viết luận chứng kinh tế rất nhanh. Anh Tuyến rất thích hành văn của tôi. Cho đến bây giờ, chị Ngọc Hoa và tôi vẫn thường “tự trào” với nhau: học giỏi môn văn thực sự là một lợi thế.

Nhưng có lẽ rào cản lớn nhất của tôi vẫn là nghe nói tiếng Anh (vì tôi chỉ học viết và dịch là chủ yếu).

Cơn ác mộng lớn nhất là khi tôi được giao nhiệm vụ dịch đàm phán cho một khách hàng Malaysia và một đối tác Việt Nam chuyên sản xuất đồ ăn từ bột mì. Hôm đó chị phiên dịch công ty tôi bị ốm đột xuất, và anh Tuyến cử tôi đi dịch thay. Đó là lần đầu tiên tôi làm phiên dịch cho một phiên đàm phán lớn. Tôi đã thức trắng cả một đêm để đọc như thuộc bản Hợp đồng liên doanh bằng tiếng Anh và tra từ điển tất cả những từ nào mà tôi cho là liên quan đến ngành thực phẩm. Cho dù vậy, buổi dịch vẫn diễn ra vô cùng trục trặc vì tôi không hiểu hết ý của đối tác nước ngoài, mà quan trọng nhất vẫn là tâm lý hoang mang của một thanh niên “lần đầu tiên làm chuyện ấy”.

Làm ở công ty anh Tuyến một thời gian, tôi bắt đầu nhớ nghề luật. Tôi bắt đầu tìm hiểu những cơ hội làm việc ở các công ty luật nước ngoài. Gần một năm sau, đó là năm 1996, tôi gần như cạn kiệt với hy vọng làm cho một công ty luật nước ngoài nào đó.

Trong lúc đang loay hoay tìm kiếm cơ hội cho mình thì công ty anh Tuyến đón một Luật sư người Mỹ về làm đối tác. Ông là Greg Buhyoff (sau này tôi gọi vui là “Bùi Đồng Chí”).

Greg đại diện cho Công ty Luật Kojima (Nhật Bản), mượn trụ sở công ty anh Tuyến làm việc và tìm cơ hội hợp tác. Đó thực sự là một cơ hội vô cùng tốt cho tôi để học tiếng Anh và viết “memo” theo kiểu luật sư Mỹ.

Tôi đã dành tất cả mọi cơ hội để được nói chuyện với Greg và tự nguyện làm các nghiên cứu nhỏ về các vấn đề pháp lý của Việt Nam. Nhưng có lẽ điều tôi cay đắng nhất nhận ra khi làm việc với Greg, đó là toàn bộ phần phát âm tiếng Anh của tôi gần như vứt đi. Tiếng Anh của tôi thời đó có lẽ na ná như giọng phát thanh viên của các cô giáo tiếng Nga chuyển sang nói tiếng Anh trên truyền hình quốc gia. Có những lúc tôi nói mà Greg không hiểu gì, hoặc hiểu sang một từ khác, và điều đó làm tôi rất buồn. Tôi nhớ lại năm 1990 khi nhập học trường Luật, khi nhìn thấy hồ sơ của tôi học tiếng Nga ở cấp III, các cô ở giáo vụ đã “auto” cho tôi học thêm 5 năm tiếng Nga ở trường Luật. Trong lúc một số bạn tôi người Hà Nội cố xin sang học lớp tiếng Anh thì tôi lại ung dung học tiếng Nga, vì cho rằng, học tiếng Nga sẽ nhàn hơn để học thêm một ngoại ngữ khác. Nhưng sau này mới biết rằng, việc học hai ngoại ngữ một lúc không dễ dàng đối với một tân sinh viên 16 tuổi từ quê ra tỉnh như tôi.

Quay lại câu chuyện học tiếng Anh.

Sau khi đã khá thân với Greg, tôi mua băng cassete (loại đã thu đi thu lại nhiều lần ở Chợ Trời) về nhờ ông ấy thu tiếng lại cho tôi nói và học theo. Sau gần một năm làm việc ở công ty anh Tuyến thì Greg về nước.

Trước khi đi, Greg tặng tôi cuốn “Black Law Dictionary” với dòng chữ: “Tôi tin là cậu sẽ thành công trong nghề luật”. Tôi đã giữ mãi cuốn từ điển pháp lý này hàng chục năm, kể cả khi sang Nhật du học và khi trở về Việt Nam.

Greg về nước.

Tôi lại tiếp tục tìm cơ hội làm việc cho các công ty luật nước ngoài. Do đó, tôi tự nguyện làm bất kỳ việc gì có liên quan đến người nước ngoài, kể cả việc ra sân bay chờ và đón khách quốc tế cho công ty. Có hôm tôi được giao ra Nội Bài đón khách về công ty làm việc. Trong lúc chờ khách, tôi lân la làm quen với một người nước ngoài đứng cách tôi hai hàng khách đang chờ đợi. Đó là Andrew Messenger (một luật sư người Úc), trưởng đại diện của công ty luật Freehills Holdings tại Hà Nội. Tôi xin danh thiếp của anh ấy và về nhà tiếp tục gửi CV xin việc. May mắn nhất của tôi là được Andrew mời đến trụ sở công ty tại số 15 Chân Cầm (Hà Nội), và ở đó, tôi gặp chị Cẩm Tú (một người chị học trên tôi một khóa ở trường Luật). Tôi không được nhận vào Freehills Holdings, nhưng tôi có thêm một người bạn, một người chị là Cẩm Tú. Và chúng tôi vẫn thân thiết với nhau đến tận bây giờ, kể cả khi chị là khách hàng của hãng luật mà hiện tôi đang làm việc.

Villa Pháp và ô cửa màu xanh

Tôi tiếp tục hành trình tìm việc cho mình.

Một hôm trời rất lạnh, có lẽ đó là khoảng tháng 11 năm 1996, tôi được nghỉ phép một hôm và quyết định cầm CV đi gõ cửa xin việc. Tôi có trong tay địa chỉ một vài công ty luật nước ngoài và bắt đầu nhắm mục tiêu vào một số công ty luật của Pháp và Anh.

Tôi đến đường Trần Hưng Đạo, gõ cửa một biệt thự Pháp màu trắng với những ô cửa màu xanh. Sau một hồi chuông thì có tiếng từ loa an ninh. Tôi nói là mình vào nộp hồ sơ xin việc. Tiếng từ loa an ninh vụt tắt – nhanh như một đốm diêm trước gió. Tôi tiếp tục ấn chuông và thuyết phục người đang nói chuyện cho tôi vào nộp hồ sơ là ra ngay và hứa là mang theo chứng minh nhân dân.

Tôi may mắn được phép bước chân vào căn villa rất đẹp đó. Sau này, khi đã đi hơn 40 nước, ở những villa và khách sạn đẹp nhất, tôi vẫn không quên được mùi thơm tho của căn biệt thự đó, với tấm thảm đỏ, chiếc đèn ánh vàng trên tủ và khung cửa sổ nan màu xanh…

Trong tích tắc, tôi thấy một thanh niên khoảng hơn tôi vài tuổi, đeo kính cận, thắt ca-vát đi xuống cầu thang gỗ cùng một Luật sư người Pháp. Ông nói tiếng Pháp. Tôi đưa ánh mắt cầu cứu sang cậu người Việt. Lúc đó, tôi thấy giận mình quá đỗi vì đã bỏ ngang lớp tiếng Pháp cấp tốc ở Trung tâm Pháp Ngữ Hai Bà Trưng.

Tôi không được nhận vào công ty luật của Pháp. Đó là công ty Siméon & Associés. Nhưng trong lúc sắp rời khỏi căn villa đó, tôi đã kịp nói chuyện với Cường, người giúp tôi dịch trong cuộc phỏng vấn.

Cường hơn tôi một tuổi, rất lịch lãm, học chuyên Pháp ra và là luật sư tập sự duy nhất ở Siméon & Associés tại Hà Nội. Tôi xin được số điện thoại ở nhà của Cường. Thỉnh thoảng tôi vẫn gọi điện từ hàng xóm hỏi thăm Cường xem có cơ hội nào cho tôi không.
Có lẽ Cường cũng cảm thấy bị làm phiền, nhưng lâu lâu thì thành quen.

Gide Loyrrette Nouel

Cho đến đầu tháng Giêng năm 1997, bác Nhị (hàng xóm bên cạnh phòng trọ của tôi ở làng Quan Hoa) gọi tôi sang nhà nghe điện thoại của Cường.

Từ lúc quen Cường, tôi là người gọi cho cậu ấy. Tối hôm đó, tôi líu ríu chạy sang nhà bác Nhị nghe điện thoại của Cường. Bác Nhị mất cách đây vài năm. Tết năm ngoái, tôi cũng mới có dịp quay lại nhà bác, thắp cho bác một nén nhang.

Cường báo với tôi là cậu ấy đã nghỉ việc ở công ty luật cũ và vừa sang làm việc cho một công ty luật khác của Pháp, tên là Gide Loyrrette Nouel (GLN). Tôi lí nhí trong điện thoại: “Chúc mừng Cường nhé!”. Giọng tôi buồn thiu khi nghĩ đến mình. Cường bỗng cười trong điện thoại và bảo: “Bên tôi cần tuyển một cử nhân luật và dịch được tiếng Anh”. Tôi reo lên trong điện thoại: “Cường giới thiệu tôi đi!” Cường bảo tôi cập nhật lại CV xin việc và mang đến văn phòng cậu ấy ở khách sạn Sofitel Metropole (đường Ngô Quyền).

Ngày hôm sau tôi mang theo CV xin việc và lên tìm Cường ở công ty GLN.

Cường bảo tôi chờ một chút, đưa cho tôi cốc nước mát lạnh. Một lúc sau Cường xuất hiện cùng một cô luật sư người Pháp mũi rất cao và mắt cực xanh. Và tôi được phỏng vấn ngay lập tức. Phỏng vấn xong, cô luật sư người Pháp mỉm cười hài lòng và đưa cho tôi một bản dịch, rồi cùng Cường rời khỏi phòng họp.

Tôi cắm cúi làm, đọc đi đọc lại bản dịch tiếng Anh của mình. Và tại thời điểm đó, tôi nghĩ: hoặc là sống hoặc là tiếp tục “chết chìm” với những tháng ngày phía trước.

Tôi chia tay Cường cùng cô Luật sư người Pháp, và ngồi “trực” điện thoại ở nhà bác Nhị trong vòng một tuần. Một tuần sau Cường gọi cho tôi và báo: “Cậu thi trượt rồi!”. Tôi khóc như mưa trong điện thoại. Cường cười phá lên: “Cậu được nhận rồi. Khao đi!”

Tôi lên công ty GLN lấy thư chấp nhận đi làm, gọi là “Offer Letter”, với mức lương là 250 Đô La Mỹ/tháng! Tôi đã ôm cái Offer Letter đó không ngủ hai đêm liền.

Chưa kịp vui vì mức lương từ 500 ngàn/tháng lên 250 Đô La Mỹ/tháng thì chuỗi ngày tiếp theo của tôi là một ác mộng.

Ngoài việc phải dịch rất nhiều các tài liệu tiếng Anh ra, có lẽ điều làm tôi cảm thấy áp lực nhất là cách làm việc với các luật sư Pháp. Họ đưa ra câu hỏi và ngay lập tức xuất hiện ở bàn làm việc của mình để có câu trả lời. Từ một môi trường làm việc rất thoải mái ở công ty anh Tuyến, tôi bước vào một văn phòng luật sang trọng ở khách sạn 5 sao mà không biết ngày hôm đó những gì đang chờ đón mình.

Đã có lúc tôi cảm thấy quá căng thẳng và xin phép đi vệ sinh, nhưng thực ra, tôi đã ngồi đóng kín cửa trong phòng vệ sinh khoảng 15 phút để tĩnh lại. Lúc về đến văn phòng đã thấy cô Luật sư Pháp chờ sẵn với rất nhiều câu hỏi cần trả lời ngay. Tôi còn nhớ, có hôm cô Luật sư Pháp ngồi trong phòng làm việc gọi tên tôi, và tôi đứng phắt dậy như một cái máy. Cái Nguyệt (lúc đó là lễ tân kiêm thư ký của GLN) vẫn nhắc mãi chuyện này và cười sằng sặc khi nhìn thấy khuôn mặt thất thần của tôi lúc đó.

Sau này tôi, Nguyệt và Mai (một bạn thư ký khác của GLN) khá thân nhau, và tôi bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn khi mở lòng với mọi người.

Trước khi rời khỏi GLN, tôi đã kịp tặng mỗi bạn một biệt danh: Nguyệt – “Nữ Hoàng Viva” (vì Nguyệt là người đầu tiên mua được chiếc xe Viva Suzuki) và Mai là “Bà Già Đan Len Bên Cửa Sổ” (vì lúc nào Mai cũng chầm chậm, kể cả khi cô Luật sư Pháp quát tháo ầm ĩ thì Mai vẫn thủng thẳng cãi lại, hoặc rủa thầm mà chỉ bạn ấy và Nguyệt nghe thấy).

Baker McKenzie – Khởi đầu và Hành trình

Áp lực công việc là một phần, nhưng có lẽ tôi cảm thấy mình lạc lõng ở GLN, khi tất cả mọi người đều nói tiếng Pháp. Do đó, tôi lại bắt đầu tìm kiếm công việc mới. Hồi đó, tôi chỉ ước, giá như mỗi ngày đến công ty sẽ chỉ được nghe và nói tiếng Anh. Tôi bắt đầu nộp đơn vào Baker McKenzie (“B&M”). Có lần tôi đang đi bộ gần vỉa hè của Ngân Hàng Nhà Nước thì gặp lại Greg. Tôi nói với Greg là đã nộp đơn vào B&M, và sau đó đưa cho Greg một bản CV xin việc (với thêm mấy tháng kinh nghiệm làm cho GLN).

Khoảng đầu tháng 5 năm 1997 tôi nhận được lời mời đi phỏng vấn ở B&M. Người phỏng vấn tôi là ông Mark Lockwood, với đôi mắt xanh cực kỳ thông minh và tiếng Anh giọng Úc cao veo vút. Mark hỏi rất nhiều về những công việc tôi đang làm và tại sao tôi muốn rời khỏi GLN. Tôi thật thà nói rằng hàng ngày tôi không được tham gia bàn thảo và nói chuyện trực tiếp công việc, vì ở GLN, ngôn ngữ làm việc chính là tiếng Pháp. Mark hẹn tôi sẽ gọi điện lại sau khi phỏng vấn.

Một tuần, rồi một tháng. Sau nhiều lần tôi gọi đến B&M thì vẫn chưa có quyết định gì. Vào tháng 6 năm 1997, tôi được gọi đi phỏng vấn tiếp.

Lần đó, tôi được gặp ông Cole Capner từ Hong Kong qua. Cole là người Mỹ, và là một trong những Luật sư Hợp danh chính của B&M làm việc tại B&M Hong Kong. Cole hỏi tôi rất nhiều về việc học của tôi ở trường Luật. Sau đó, Cole đưa cho tôi một văn bản luật đã được dịch sang tiếng Anh, bảo tôi tóm tắt lại bằng nửa trang giấy.

Một lần nữa tôi thầm cảm ơn các thầy ở trường Phan đã dạy tôi viết lách rất kỹ, từ cách viết dài thành ngắn và từ ngắn thành rất súc tích mà vẫn đủ ý. Và tôi cũng thật sự biết hơn hai năm học Đại học Đại cương ở trường Luật với môn Ngữ văn/ Kỹ thuật Xây dựng Văn bản, là môn nhiều sinh viên “chết” nhất, với những bài thi khó về xây dựng văn bản và các bài tập ngữ pháp nâng cao. Đó cũng là một trong những môn mà tôi được điểm 9 lúc học năm thứ hai trường Luật ở Quán Gánh (Thường Tín cũ). Tôi vẫn nhớ như in đề thi hết học phần môn Ngữ văn/ Kỹ thuật Xây dựng Văn bản, trong đó có mấy bài tập rất khó về dựng lại văn bản và phân tích cấu trúc ngữ pháp của câu.

Sau này, trường Luật chỉ học 4 năm (thay vì 5 năm như thời của chúng tôi, và cũng không còn đại học đại cương trong hai năm đầu). Thời của chúng tôi, dù khác biệt, nhưng thú vị, vì trước khi được chọn vào học chuyên ngành luật, chúng tôi phải học và tốt nghiệp đại học đại cương, với các môn nền móng như ngữ văn, toán cao cấp, kinh tế chính trị, logic học, xác suất thống kê, ngoại ngữ, lý luận chung về nhà nước và pháp luật, triết học… Sau hai năm đại học đại cương, trường luật sẽ xét tuyển một số sinh viên được lên thẳng học luật. Nếu không nằm trong danh sách xét thẳng đó thì sinh viên phải thi vào chuyên ngành luật – một kỳ thi đại học sinh tử thứ hai! Tôi vẫn giữ tấm bằng đại học đại cương đó như một kỷ vật của mình. Có lẽ vì thế mà mọi người vẫn dí dỏm: trước khi học “Luật Harvard” ở Láng Trung thì phải tốt nghiệp đại học đại cương.

Tôi đưa bài tóm tắt của mình cho Cole và cùng ông ấy thảo luận các ý chính trong bản tóm tắt đó. Cole hẹn với tôi sẽ gọi điện trở lại trong thời gian tới.

Đầu tháng 7 năm 1997 thì tôi được gọi lại phỏng vấn thêm một lần nữa. Lần này tôi gặp lại Greg, ông Luật sư Mỹ người quen. Greg nhìn tôi, vừa lạ lẫm, vừa kiêu hãnh, không giống một người quen cũ. Tuy vậy, giọng Mỹ đặc trưng của ông vẫn đầy thiện cảm. Greg cho tôi đọc một điều khoản trong Bộ Luật Dân Sự về Quyền Tác Giả và bảo tôi bình luận về điều khoản này. Tôi thực sự lúng túng vì cách ra đề bài của Greg, nhưng tôi cũng kịp phản ứng rất nhanh khi được hỏi về việc chuyển giao quyền theo Bộ Luật Dân Sự. Một lần nữa, tôi thấy mình may mắn được học rất chắc các luật gốc tại trường Luật, nơi mà các giáo viên được đào tạo rất cơ bản về dân luật.

Kết thúc phỏng vấn, ông Mark cũng xuất hiện. Greg và Mark bắt tay tôi, hẹn ngày trả lời…

Cuối tháng 7 thì tôi nhận được một cuộc gọi từ lễ tân của B&M, nhắn tôi qua B&M gấp có việc. Tôi xin cô Luật sư người Pháp ra ngoài 1 tiếng. Tôi vẫn nhớ cái mũi rất cao của cô Luật sư người Pháp và ánh nhìn hoài nghi của cô ấy. Có lẽ là do tôi quá nhạy cảm…

Tôi bấm chuông ở căn biệt thự 41 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm (Hà Nội). Cánh cửa tự động mở ra. Tôi bước vào khuôn viên căn biệt thự, thấy rất nhiều lá rụng trong vườn, và nắng tháng 7 chao chát. Chị Liên kế toán (giờ vẫn là đồng nghiệp của tôi từ năm 1997) đưa cho tôi một cái phong bì màu trắng, in logo B&M màu đỏ mận. Chị ấy bảo tôi: Ông Mark nhắn cậu đọc xong, ký và đi làm vào ngày 4/8/1997!

Tôi xin phép chị Liên cầm bức thư nhận việc ra ngoài hành lang đọc. Mùi tờ giấy trắng và chữ ký bằng bút bi xanh của ông Mark thơm ngái. Và từ ngày 4/8/1997, tôi đã thực sự bước sang một trang mới, một hành trình đầy thách thức, trải nghiệm, hào hứng và tự hào với B&M, cùng mức lương khởi điểm là 500 Đô La Mỹ/tháng!

Sau hơn 20 làm việc với B&M, khởi đầu là một trợ lý luật sư cho đến vị trí của một Luật Sư Điều Hành tại Việt Nam, tôi vẫn thấy, mỗi ngày là một ngày mới. Và, chưa bao giờ, tôi cảm thấy phí một phút giây nào. Có những lao lực, có thật nhiều hy sinh, đôi khi có cả những mất mát không gọi tên, nhưng sâu thẳm trong lòng mình, tôi luôn tìm thấy năng lượng gốc của mình, như cách mà tôi đang ngồi đây, nhìn mặt hồ lấp lánh nắng, hiu hiu gió chiều, với những người bạn, đồng nghiệp cạnh bên. Hạnh phúc thực sự là một hành trình chiêm nghiệm, mà không phải là đích đến.

Tôi hy vọng sẽ có cơ hội tiếp tục kể câu chuyện thật nhiều xúc cảm trong hơn 20 năm đồng hành cùng B&M trong một cuốn hồi ký sắp tới, có tên là “Từ trường Luật đến hãng Luật”!

Viết tại Tomodachi Retreat – Làng Mít, ngày 30/9/2019
Trần Mạnh Hùng

 

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI