Kinh tế phục hồi ấn tượng, các cân đối lớn được bảo đảm
Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo. Đồng thời khẳng định, đây là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự đồng hành chủ động, linh hoạt và giám sát chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, địa phương và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp…
Nhiều điểm sáng được các ĐBQH chỉ ra, như: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt khoảng 11%, tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%...
Nguồn: Báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội. Đồ họa: Thế Dương |
Các ĐBQH cũng nhất trí với đánh giá trong báo cáo của Chính phủ. Trong bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh chóng và phức tạp, gây ra khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo, nhưng chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Theo ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk), Chính phủ đã điều hành tích cực, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, triển khai có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
“Tôi thấy mừng vì những kết quả đạt được trong 9 tháng, kinh tế sau 2 năm suy giảm bởi đại dịch đã tăng trưởng ở mức cao và vượt kế hoạch năm. Sau rất nhiều năm, kinh tế tăng trưởng vượt so với kế hoạch đề ra, kinh tế vĩ mô ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều địa phương khởi sắc. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và các cấp được củng cố” - ĐB Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bình Định, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh trải lòng.
Không để xăng dầu khan hiếm
Thảo luận tại tổ, nhiều ĐBQH bày tỏ lo lắng về những tác động của lạm phát tới đời sống người dân. Theo các ĐB, hiện nay có tình trạng giá cả vật liệu đầu vào tăng, một số hàng thiết yếu giá không ổn định, giá xăng dầu tăng cao, khan hiếm, gây ảnh hưởng tới sản xuất và an ninh trật tự.
ĐB Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) cho biết, vẫn còn một số vấn đề bà còn trăn trở. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phục hồi, tổng cầu tăng nhanh, nhưng xung đột Nga - Ukrainer đang làm nhiều nguyên nhiên vật liệu tăng mạnh, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh. Nữ ĐB đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần theo dõi chặt diễn biến giá cả, đặc biệt là tình hình lạm phát trên thế giới ảnh hưởng tới nước ta. Nghe điều chỉnh tăng lương, giá cả đã rục rịch tăng, do đó cần linh hoạt trong bình ổn giá, nhất là giá xăng dầu, điện và những mặt hàng thiết yếu.
Theo ĐB Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang), cử tri các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long băn khoăn, lo lắng về tình trạng nông sản sản xuất ra không tiêu thụ được, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, tình trạng khan hiếm xăng dầu, giá cả xăng dầu tăng cao… làm ảnh hưởng lớn tới đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. ĐB đề nghị, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đối với các tỉnh nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ nông nghiệp như hỗ trợ cây giống, vật tư nông nghiệp, phân bón; chỉ đạo các cơ quan quản lý chuyên ngành quan tâm kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng là mối quan tâm của nhiều ĐBQH. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ các giải pháp để xử lý được những hạn chế, tồn tại nhiều năm, nhất là trong giải ngân vốn đầu tư công một số chương trình mục tiêu quốc gia.
Thu ngân sách đạt kết quả tích cực Đại biểu Nguyễn Thành Chung (Yên Bái) nhận định, tình hình thực hiện thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 đạt được nhiều kết quả tích cực, đảm bảo nhiệm vụ chi, mặc dù trong năm 2022 thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế… Đại biểu cho rằng, từ nay đến cuối năm nhiều khoản thu vẫn còn dư địa tăng thêm như: các khoản thu NSNN được gia hạn sẽ thu về ngân sách theo các nghị quyết của Chính phủ. Do đó, đại biểu đề nghị, Chính phủ rà soát kỹ lưỡng tất cả nguồn thu để đánh giá chính xác, đúng với tình hình thực hiện để đảm bảo sát nhất khi xây dựng dự toán NSNN năm 2023. |
Ngoài ra, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công ở nhiều địa phương, làm ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng là vấn đề được nhiều ĐB nêu, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Các ĐB đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc này trong thời gian sớm. Các ĐB cũng đề nghị, Chính phủ cần đề xuất sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, tăng lương cơ sở, nhằm kịp thời hỗ trợ giảm khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bối cảnh giá cả các mặt hàng tăng.
ĐB Lê Kim Toàn (Bình Định) đề nghị, Chính phủ cần đẩy mạnh các giải pháp giữ ổn định tài chính tiền tệ, tránh gây bất ổn, gây đổ vỡ nền kinh tế và trật tự xã hội; có chính sách thuế, vốn, hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, tạo ra sản phẩm cho xã hội; có chính sách bình ổn giá thị trường, đảm bảo cung cầu, nhất là các hàng hóa dịch vụ thiết yếu, không để khan hiếm như tình trạng vừa mới xảy ra. Ngoài ra, cần khắc phục các bất cập về giải ngân vốn đầu tư công; đảm bảo an toàn trật tự xã hội; kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính, đảm bảo hoạt động hiệu lực hiệu quả, nghiên cứu xây dựng khung biên chế cho các địa phương...
* Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà:
Tăng lương góp phần giảm tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc
Nghị quyết 27/NQ-TW của Trung ương từ năm 2021 đã nêu rõ tinh thần thực hiện cải cách chính sách tiền lương, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét rất kỹ lưỡng, thận trọng và quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương trong thời hạn nhất định. Mức tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng Chính phủ đề xuất là rất hợp lý, góp phần làm giảm tình trạng công chức, viên chức xin thôi việc.
Về tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, tính từ thời điểm 1/1/2020 đến 30/6/2022, theo thống kê của 63 tỉnh, thành, các bộ, ngành cho thấy số công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm tỷ lệ 1,94%. Trong đó chủ yếu là viên chức chiếm tỷ lệ đa số (hơn 35.000 người), còn lại số công chức khoảng hơn 4.000 người.
Giải pháp để ngăn tình trạng này đó là cần tập trung nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, trong đó điều chỉnh tăng lương cơ sở chính là một cách để giảm bớt khó khăn cho người lao động. Đồng thời, về lâu dài phải xem xét lại tổng thể, công tâm, khách quan công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức. Từ đó thay đổi toàn diện việc quản lý, sử dụng, đặc biệt là tuyển dụng công chức, viên chức, nhất là đội ngũ đang thực hiện nhiệm vụ công ích trong bối cảnh cơ chế thị trường. Thêm vào đó, cần xây dựng môi trường làm việc văn hóa, thân thiện để người lao động yên tâm làm việc…
* Đại biểu, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh):
Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức vẫn ở mức thấp
Nguyên nhân cơ bản, sâu xa của tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc là do thu nhập và chính sách về bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức hiện nay chưa tương xứng. Mặc dù Nhà nước đã có những nỗ lực tìm thêm giải pháp để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức song thu nhập của họ vẫn ở mức thấp. Vì vậy, tình trạng chuyển từ công sang tư là khó tránh khỏi.
Mặc dù trong nhiều triệu cán bộ, công chức có thể có một bộ phận nào đó đối với họ, tiền lương không có ý nghĩa nhưng tuyệt đại đa số cán bộ, công chức vẫn đang sống nhờ vào thu nhập chính thức của mình và họ cũng có nguyện vọng chi trả được cho cuộc sống từ thu nhập chính thức của mình.
Thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã và đang tăng cường chống tham nhũng, chống tiêu cực. Nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý do mắc phải sai phạm, sai sót trong quá trình công tác... Có thể thấy, họ đang chịu trách nhiệm rất lớn nhưng mức thù lao được nhận lại chưa phù hợp với trách nhiệm đó. Vì vậy, nhiều người đã lựa chọn biện pháp là xin nghỉ việc.
Về ý nghĩa của việc điều chỉnh tiền lương cơ sở từ năm 2023, tăng lương là giải pháp quan trọng, cần làm ngay để cải thiện đời sống cán bộ, công chức, viên chức. Để giải quyết bài toán này, cả hệ thống chính trị, Quốc hội và Chính phủ cần phải tính toán thêm, tìm kiếm các giải pháp để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Nếu để tình trạng cán bộ, công chức, viên chức không thể sống đủ bằng thu nhập, tiền lương chính thức của mình kéo dài, sẽ có nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả công việc. Đây cũng là một nguyên nhân phát sinh ra tiêu cực, thậm chí tham nhũng.