...

Đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

04 Tháng 1, 2023

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA),Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - cho rằng, năm 2022, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp toàn diện nhất, sâu rộng nhất, nhiều sắc thuế được hỗ trợ nhất để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Trong đó, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đã góp phần kích thích tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Do đó, Chủ tịch VTCA kiến nghị Chính phủ nên tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế VAT trong năm 2023 để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển.

Mới đây, Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) cũng có Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc gia hạn chính sách thuế VAT 2% đến năm 2023.

FFA cho rằng, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong năm 2022, các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm tại TP. Hồ Chí Minh vẫn duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống cho người lao động, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Kết quả này có được là nhờ chính sách hỗ trợ kịp thời, đặc biệt chính sách giảm thuế VAT 2% áp dụng từ ngày 01/01/2022 đến 31/12/2022 đã phát huy hiệu quả, tác động nhanh và trực tiếp tới DN và người tiêu dùng.

Tuy vậy, FFA nhận thấy các DN vẫn rất căng kéo, rất dễ bị tổn thương và chưa thực sự ổn định.

Để hỗ trợ DN tiếp tục phục hồi, FFA kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% đến ngày 31/12/2023.

Lý do FFA đưa ra là năm 2023, khó khăn, thách thức nhiều hơn.… Đặc biệt, những tháng cuối năm 2022 xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi khi lãi suất tăng nhanh, thanh khoản hệ thống ngân hàng căng thẳng.

Các thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản bộc lộ nhiều rủi ro; giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao; nhiều DN bị cắt giảm đơn hàng… DN sẽ không thể tiếp tục đà phục hồi nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh sau nhiều tháng triển khai chỉ mới hỗ trợ được số tiền rất nhỏ. Việc giải ngân gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội cũng không được như kỳ vọng.

Như vậy, có thể thấy, chính sách hỗ trợ lãi suất cũng như các chính sách khác phát huy hiệu quả không nhanh, không trực tiếp đối với DN và người dân - Công văn FFA cho hay.

Cũng theo FFA, ngành lương thực, thực phẩm có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các hàng hoá thiết yếu, phục vụ người dân trong nước và xuất khẩu. Việc đảm bảo đủ nguồn cung, giá cả bình ổn… trong bối cảnh chi phí đầu vào biến động khó lường và ngày càng gia tăng là bài toán rất khó đối với các DN trong ngành.

Vì vậy, FFA khẳng định việc gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% sẽ tiếp thêm động lực giúp DN lương thực, thực phẩm giải bài toán khó hiện nay một cách thiết thực nhất.

Tương tự, trong Công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng đề xuất tiếp tục gia hạn chính sách giảm VAT 2% tới năm 2023.

VBA nhận định, chính sách giảm thuế VAT được coi là một biện pháp trợ lực tài chính mạnh mẽ của Chính phủ đối với nền kinh tế và có thể tạo động lực tốt cho sự phục hồi của DN, khuyến khích tiêu dùng.

Do đó, VBA đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài thời gian triển khai chính sách giảm 2% thuế VAT đến hết ngày 31/12/2023 và có thể xem xét áp dụng đối với tất cả các DN.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI