...

Hội thảo Thương mại Quốc tế theo Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam trong đại dịch COVID-19: Tìm cơ hội trong nghịch cảnh

26 Tháng 6, 2020

Chiều ngày 17 tháng 06 năm 2020, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo Thương mại Quốc tế theo Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam trong đại dịch COVID-19: Tìm cơ hội trong nghịch cảnh tại trụ sở VCCI tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo

Gần 150 đại biểu tham dự Hội thảo là các đại diện đến từ khối doanh nghiệp thuộc các ngành hàng nông sản, chế biến thực phẩm, sản xuất giấy, thực phẩm chức năng, ngành dịch vụ logistics ngoại thương, ngân hàng v.v. và các công ty luật hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong thương mại quốc tế cũng như các cơ quan truyền thông.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
phát biểu khai mạc tại chương trình

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phát biểu khai mạc buổi lễ, nhấn mạnh nỗ lực của VCCI, với tư cách là tổ chức luôn đóng vai trò rất chủ động không chỉ trong giai đoạn vận động và nghiên cứu thúc đẩy hội nhập của Việt Nam mà còn thực hiện tuyên truyền và phổ biến kiến thức, thông tin về các Hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia cho doanh nghiệp hiểu được và tận dụng các ưu thế từ các hiệp định đó, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Hiệp định Thương mại tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam (EVFTA) sắp tới có hiệu lực từ 01/08/2020 sẽ là một hướng đi sáng cho các doanh nghiệp trong nỗ lực chuyển đổi của mình để có thể thâm nhập vào thị trường “rất khó tính” nhưng đầy tiềm năng này.

Ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu chào mừng

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cũng đã có bài phát biểu chào mừng các đại biểu tới tham dự hội thảo. Ông Dương khẳng định khi doanh nghiệp Việt Nam tiến vào các thị trường mới mà chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, việc tìm hiểu về các thông lệ của thị trường là vấn đề rất quan trọng; bởi “nhập gia tùy tục”, doanh nghiệp cần hiểu biết để phòng ngừa được các rủi ro pháp lý trong hoạt động thương mại quốc tế.

Hội thảo bao gồm hai phiên: Phiên 1: Đại dịch COVID-19 và thương mại quốc tế của Việt Nam: Nghịch cảnh bất ngờ hay cú hích cho những thay đổi lớn và Phiên 2: Làm ăn với đối tác Châu Âu: Doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị hiểu biết về trọng tài thương mại và hòa giải thương mại

  
 
 

Các diễn giả tham gia trình bày tại Phiên 1

Phiên 1 được điều phối bởi ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Phòng ADRs Việt Nam, Trọng tài viên VIAC, được bắt đầu bằng bài trình bày đến từ ông Võ Trí Thành – Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh. Ông Thành đã trình bày tổng hợp về một số điểm chính về các chính sách của Chính phủ trong việc khuyến khích phục hồi nền kinh tế sau “cơn bão” COVID-19; những thông tin về các chuyển biến ở khu vực doanh nghiệp cũng như chuyển biến từ các nhà làm chính sách trong nỗ lực chuyển đổi của nền kinh tế, tận dụng được những lợi ích từ Hiệp định thương mại tư do Liên Minh Châu Âu – Việt Nam vừa được Quốc hội phê chuẩn ngày 08/06/2020 vừa qua. Sau phần giới thiệu chung về các chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đưa ra những lưu ý cụ thể cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể tận dụng được lợi thế từ EVFTA tiến vào thị trường Châu Âu – Một thị trường “khó tính”, nhưng đầy tiềm năng và sẽ-thay-đổi do ảnh hưởng từ COVID-19. Tiếp nối, đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM), ông Jean-Jacques Bouflet – Phó Chủ tịch và ông Antoine Logeay – Chủ tịch Ủy ban Pháp lý, đã trình bày những thông tin cập nhật về tình hình kiểm soát dịch COVID-19 tại các quốc gia EU; những chính sách của các quốc gia EU để kích thích, hỗ trợ thương mại quốc tế, khi mà dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phực tạp ở nhiều khu vực trên thế giới trong đó có Châu Âu, đặc biệt trong việc thiết lập các chuỗi cung ứng và tiêu thụ mới.

Các diễn giả tham gia trình bày tại Phiên 2

Ông Nguyễn Trung Nam – Luật sư sáng lập EP Legal, Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) tiếp tục điều phối Phiên 2: Làm ăn với đối tác Châu Âu: Doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị hiểu biết về trọng tài thương mại và hòa giải thương mại. Phiên 2 bắt đầu bằng chia sẻ đến từ ông Đặng Việt Anh – Luât sư sáng lập Công ty Luật Tư vấn Độc lập đã chỉ ra một số lưu ý cho doanh nghiệp để phòng ngừa rủi ro pháp lý trong thương mại quốc tế vào thị trường Châu Âu. Tiếp sau đó, ông Phan Trọng Đạt, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có bài phân tích nối tiếp; chỉ ra thói quen sử dụng ADRs (trọng tài thương mại và hòa giải thương mại) tại các nước Châu Âu – nơi có những tổ chức ADRs lâu đời nhất và nổi tiếng nhất trên thế giới. Ông Đạt đã nhấn mạnh những thông tin cơ bản mà doanh nghiệp Việt Nam cần nắm được để hiểu và biết cách sử dụng hiệu quả trọng tài thương mại, hòa giải thương mại; để tránh rủi ro tốn kém chi phí và tiền bạc khi phát sinh tranh chấp trong thương mại quốc tế.

---

Tài liệu hội thảo (Tải về tại đây
Một số hình ảnh về hội thảo (Xem tại đây)
Play icon isolated on white background play icon Vector ImageNội dung ghi hình trực tuyến (Xem tại đây)

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI