Bộ Tài chính cho biết đang hoàn thiện các nội dung sửa tại dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế), để kịp trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 10. Tham dự họp báo có Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
Tại họp báo thường kỳ Bộ Tài chính ngày 2/7, ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), cho biết cơ quan này đang phối hợp với các bộ ngành, địa phương lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Theo đó, ông Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đang bám sát tiến độ được Chính phủ giao để kịp trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật tại kỳ họp tháng 10.
Thực tế cho thấy, Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ 2008, đến nay, nhiều quy định được đánh giá là bất cập, cần được điều chỉnh như mức giảm trừ gia cảnh. Hiện mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu, duy trì từ tháng 7/2020. Cùng với đó, biểu thuế lũy tiến từng phần với người làm công ăn lương cũng được cho không còn phù hợp với thực tế.
Theo ông Tuấn, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, dự kiến sửa tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân, ở 6 nội dung. Cụ thể, cơ quan quản lý sẽ hoàn thiện quy định về xác định khoản thu nhập chịu thuế, miễn thuế (như phát triển nhân lực công nghệ cao, thúc đẩy tăng trưởng xanh...) và cách tính để phù hợp với xu thế, bối cảnh.
Cùng với đó, mức giảm trừ gia cảnh dự kiến được nghiên cứu điều chỉnh nhằm phàn ánh kịp thời mức sống của người dân, điều kiện vĩ mô. Các khoản chi phí đặc biệt như giáo dục, y tế có thể được bổ sung vào mức giảm trừ gia cảnh để hỗ trợ người dân. Biểu thuế cũng được nghiên cứu, thiết kế lại theo hướng thu gọn, đơn giản hơn, thay vì 7 bậc như hiện hành.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu điều chỉnh doanh thu chịu thuế của hộ cá nhân doanh phù hợp thực tế. Cơ quan quản lý sẽ báo cáo Quốc hội giao thẩm quyền cho Chính phủ điều chỉnh ngưỡng này, không quy định cứng trong luật để phù hợp với từng giai đoạn.
"Sau khi có phương án thống nhất, Bộ sẽ lấy ý kiến tham vấn của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp", ông Tuấn cho biết.
Thuế thu nhập cá nhân đem lại nguồn thu cao thứ 3 trong hệ thống thuế, sau thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập doanh nghiệp. Năm ngoái, tổng thu ngân sách Nhà nước lần đầu vượt 2 triệu tỷ đồng. Trong đó, thuế thu nhập cá nhân ước đạt 189.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước đó. Tỷ trọng loại thuế này chiếm hơn 9,3% trong tổng thu ngân sách Nhà nước, tăng từ mức 5,3% vào 2011.
Những vấn đề đặt ra với mới mức giảm trừ gia cảnh
Thời gian qua, liên quan đến việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân nhiều chuyên gia cho rằng đây là công tác cần thực hiện sớm nhất có thể để phù hợp với thực tiễn cũng như đảm bảo mức sống của người lao động, nhất là tại các đô thị lớn.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng tại Singapore, người dân thu nhập 40.000 - 60.000 USD/năm, trong khi chỉ cần khoảng 20.000 USD là có thể sống tốt. Còn thu nhập bình quân của Việt Nam đang quá thấp so với nhu cầu, mức sống thực tế. Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế ở mức 11 triệu đồng/tháng, nếu sống ở Hà Nội, TPHCM,... với đủ khoản chi tiêu như thuê nhà, ăn ở, học hành, khám chữa bệnh... rất khó đủ sống.
“Theo tôi, ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, mức giảm trừ nên ở khoảng 16 - 18 triệu đồng/tháng trở lên. Còn với người phụ thuộc, mức 4.4 triệu đồng/người phụ thuộc/tháng cũng không thể đủ được, ít nhất cũng phải để mức từ 5-7 triệu đồng trở lên", ông Thịnh nêu quan điểm.
Dưới góc độ chuyên gia pháp lý, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, với giá cả sinh hoạt hiện nay, nhất là khu vực đô thị, dư luận đa số đều cho rằng các mức ấn định cho việc miễn thu thuế quá thấp, hay nói cách khác đã trở nên lỗi thời về mặt chính sách thuế, xét từ góc độ bảo đảm đời sống của người dân.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nêu ví dụ, tại các đô thị lớn, chi phí cơ bản của một cá nhân sẽ bao gồm ít nhất là 2 triệu đồng thuê nhà, 1 triệu đồng xăng xe và đi lại, 4,5 triệu đồng tiền ăn và 0,5 triệu đồng cho liên lạc và Internet. Vậy chỉ còn lại 3 triệu đồng cho tất cả các nhu cầu còn lại như chăm sóc sức khỏe thăm hỏi, giao tiếp xã hội, học tập, sinh hoạt văn hoá và giải trí.
"Tính toán đơn giản như thế để thấy rằng với mức thu nhập 11 triệu đồng/tháng, chắc chắn sẽ là không đủ, hay chỉ là để tồn tại mà không phải sống theo đúng nghĩa gọi là tử tế. Vậy, với một gia đình tiêu chuẩn gồm 4 người, nếu mỗi bố, mẹ chỉ có thu nhập đủ nuôi mình, cộng khoản có thêm 4,4 triệu đồng cho mỗi trẻ em đi học, trong điều kiện phải trả học phí và tiền học thêm, thì liệu có đủ không?", ông Lập lập luận.
“Tôi cho rằng đã đến lúc và không thể muộn hơn cần rà soát lại quy định về mức miễn thu và giảm trừ gia cảnh của Luật Thuế TNCN, theo hướng nâng cao một cách cơ bản các mức này", ông Lập nói.
Mặt khác, LS. Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng thừa nhận sẽ có người ở nông thôn hay vùng sâu, vùng xa nói rằng "mức thu nhập 11 triệu đồng/tháng là ước mơ của tôi". Điều đó có thể đúng. Do đó, về khách quan, chúng ta cần thiết kế các định mức, tiêu chuẩn khác nhau cho các vùng miền khác nhau để đảm bảo khoa học, hợp lý và công bằng.
Ông Nguyễn Văn Thức, thành viên Hội Tư vấn thuế Việt Nam cũng đồng tình với việc cắt giảm số bậc trong Biểu thuế xuống còn 5 bậc trong giai đoạn này.
“Để đến 7 bậc, cấu trúc tính và cách tính hơi phức tạp, số người biết cách tính thuế rất ít. Chính vì không hiểu cách tính thuế, nhiều người có cảm giác làm bao nhiêu nộp thuế hết, giảm động lực làm kinh tế hoặc tìm cách né thuế. Hệ lụy kéo theo là bộ máy quản lý phải phình to hơn để kiểm soát tốt hơn.
Trên cơ sở đó, vị chuyên gia này đề xuất, các cơ quan quản lý cân nhắc giảm số bậc trong Biểu thuế, cấu trúc các khoản tính thuế đơn giản, rõ ràng hơn, để người dân cảm thấy công bằng, minh bạch, có động lực phấn đấu tăng thu nhập hơn. Khi đó, số tiền thuế thu được sẽ tăng lên.