...

Sự kiện bất khả kháng - Những điểm còn "bỏ ngỏ" và góc tiếp cận mới

03 Tháng 4, 2020

Covid-19 hiện nay đang là tâm điểm của toàn cầu. Với việc nhận định Covid-19 là một loại sự kiện bất khả kháng, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã viện dẫn yếu tố này để được miễn trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc miễn trách này lại “có lợi cho mình, nhưng bất lợi cho người”.

 

Theo ông, chúng ta cần hiểu đúng về yếu tố miễn trách khi phát sinh sự kiện bất khả kháng như thế nào?

Bắt đầu dịch bệnh, chúng ta đã thấy hiện tượng đóng biên, không giao được hàng. Dịch bệnh càng nguy hiểm, các biện pháp phòng ngừa càng được thắt chặt như cấm xuất khẩu một số mặt hàng, không mở cửa hàng kinh doanh trừ các dịch vụ thiết yếu.

Vì ảnh hưởng trên mà “sự kiện bất khả kháng” bỗng trở nên “đắt hàng”. Doanh nghiệp, người dân vốn không phải chuyên môn luật hiểu đơn giản rằng mình bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên nghĩa vụ của mình với đối tác phải được giải trừ. Làm sao mà tôi có thể sản xuất và giao hàng nếu bên kia cấm biên, không xuất khẩu nguyên liệu? Công ty không trả tôi tiền lương, đây là bất khả kháng, sao tôi có thể trả tiền nợ cho ngân hàng, trả tiền thuê nhà cho anh?!

Trong những tình huống trên, có nhiều tình huống có thể thỏa mãn các điều kiện để được coi là bất khả kháng và như vậy bên bị ảnh hưởng được giải trừ nghĩa vụ của mình. Về mặt pháp luật, để được coi là sự kiện bất khả kháng thì phải thỏa mãn 3 điều kiện theo Khoản 1 Điều 156 BLDS năm 2015 của Việt Nam, tức là:

- Thứ nhất, đó có phải là sự kiện khách quan và anh không thể lường trước được hay không?

- Thứ hai, sự kiện này có thể khắc phục được hay không?

Lưu ý: Đúng là DN không thể sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ được nhưng DN cần lý giải sao không thể khắc phục được tình hình bằng cách khác, ví dụ như thuê bên thứ ba thực hiện để bảo đảm thực hiện đúng nghĩa vụ của DN theo hợp đồng?

- Thứ ba, cũng liên quan đến điều kiện hai, bên bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép hay chưa?  

Lưu ý: Đúng là bên đối tác bị cấm xuất khẩu nguyên liệu nhưng vì sao DN không tìm nguồn nguyên liệu thay thế trong nước hoặc từ nước khác?

Nếu một bên bị ảnh hưởng bởi bất khả kháng nhưng đã phải bỏ chi phí như thuê nhân công, mua nguyên vật liệu, vậy có được yêu cầu bên kia thanh toán? Câu trả lời là hậu quả của sự kiện bất khả kháng là giải trừ nghĩa vụ của cả hai bên. Vì vậy, nguyên tắc cơ bản là mỗi bên tự chịu cho phần thiệt hại của mình. Ở một số hệ thống tiên tiến, người ta có thể áp dụng học thuyết về thiện chí ngay tình (good faith and fair dealing) hay hưởng lợi không có căn cứ chính đáng (unjust enrichment) để giúp khôi phục một phần chi phí. Tuy nhiên, tiếc là hệ thống pháp luật của ta chưa ở mức tinh vi đến vậy.

 

Nhiều trường hợp các bên đi vay tiền hoặc phải thanh toán tiền hàng đã “lấy cớ” bất khả kháng để từ chối hoặc trì hoãn việc thanh toán. Ông nhận định thế nào về tình trạng này. Và chúng ta có cách khắc phục nào hay không?

BLDS Việt Nam tại Khoản 2 Điều Điều 351 quy định rằng: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

Ở đây có hai vế, thứ nhất là khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì bên bị ảnh hưởng được miễn trách nhiệm với bên kia, nói đúng hơn phải là được giải trừ nghĩa vụ thực hiện hợp đồng vì trách nhiệm có nhiều loại. Thứ hai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Liên quan đến nghĩa vụ thanh toán trong các hợp đồng điển hình là hợp đồng mua bán và hợp đồng vay, BLDS quy định rằng: “Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng” (Khoản 1 Điều 440 BLDS - Nghĩa vụ trả tiền); “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn” (Khoản 1 Điều 466 BLDS - Nghĩa vụ trả nợ của bên vay). Tương tự như vậy là nghĩa vụ trả tiền thuê tại mục Hợp đồng thuê hay nghĩa vụ thanh toán tiền lương, tiền công cho người lao động tại BLLĐ.

Dù pháp luật Việt Nam và sách giáo khoa luật không nêu rõ nhưng tại các hệ thống tiên tiến, nghĩa vụ thanh toán là nghĩa vụ “tuyệt đối” vì:

- Thứ nhất, sự kiện này có thể khắc phục được (đi vay bên thứ ba,...);

- Thứ hai, người ta sẽ rất khó khăn để chứng minh được rằng một người mất tiền họ đã “áp dụng mọi biện pháp cần thiết” để “không bị mất tiền”;

- Thứ ba, tuyệt đại đa số các giao dịch trong xã hội đều liên quan đến nghĩa vụ thanh toán tiền. Nếu áp dụng ngoại lệ bất khả kháng, vô hình chung mọi giao dịch/hợp đồng, cái vốn xây dựng nên của cải và niềm tin xã hội, đều có thể bị sụp đổ. Một người sẽ dễ dàng nại ra rằng mình không nhận được tiền, không đủ tiền, bị mất tiền để từ chối nghĩa vụ mà họ đã cam kết, gây ảnh hưởng cho bên kia.

Tuy nhiên, phải lưu ý rằng có những ngoại lệ mà nghĩa vụ thanh toán có lẽ cũng sẽ được áp dụng sự kiện bất khả kháng. Ví dụ vì lý do kiểm soát ngoại hối trong mùa dịch bệnh, một nước có thể áp đặt quy định rằng chỉ được thanh toán bằng ngoại tệ ra nước ngoài sau khi được chính phủ cho phép. Nếu bên có nghĩa vụ trả nợ không được chính phủ cho phép thanh toán, trong trường hợp này có lẽ sự kiện bất khả kháng sẽ được áp dụng.

Về cách khắc phục, lần đầu tiên tại BLDS 2015, Việt Nam đã du nhập khái niệm “thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản” tại Điều 420. Khái niệm này rất giống với bất khả kháng khi nó cùng yêu cầu phải là sự kiện khách quan, bên bị ảnh hưởng phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết v.v. Tuy nhiên, nó có một điểm khác biệt. Đó là nếu tại sự kiện bất khả kháng, bên bị ảnh hưởng phải chứng minh rằng mình “không thể khắc phục” được. Còn đối với khái niệm “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” thì bên bị ảnh hưởng vẫn có thể khắc phục được, tức là vẫn có thể thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện hợp đồng sẽ gây bất lợi (về mặt kinh tế) đáng kể cho bên có nghĩa vụ. Ví dụ như nguyên vật liệu vẫn có bán để sản xuất nhưng giá đã lên gấp 10 lần kể từ thời điểm ký hợp đồng, việc thực hiện hợp đồng sẽ làm bên có nghía vụ lỗ nặng. Trong trường hợp này, BLDS cho phép bên bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng hoặc nếu bên kia không đồng ý thì yêu cầu tòa án tuyên chấm dứt hợp đồng hoặc sửa đổi các điều khoản của hợp đồng để cân bằng lợi ích các bên. Đây là điều khoản mới của BLDS, các bên cần cân nhắc.

 

 

Xin ông làm rõ thêm, có phải khi phát sinh sự kiện bất khả kháng thì một bên hoặc các bên có quyền chấm dứt, hủy bỏ hơn đồng không?

Câu trả lời đầu tiên là các bên phải xem lại hợp đồng của mình quy định gì về hậu quả khi xảy ra sự kiện bất khả kháng? Bên bị ảnh hưởng có nghĩa vụ thông báo cho bên kia không? Sau đó các bên có quyền được gia hạn hợp đồng cho một khoảng thời gian quy định tại hợp đồng? Hết thời hạn này mà sự kiện bất khả kháng vẫn tồn tại thì một hoặc các bên có quyền chấm dứt hợp đồng hay không?

Giả sử tại hợp đồng các bên quên không quy định về sự kiện bất khả kháng thì nếu hợp đồng các bên thuộc sự điều chỉnh của Luật Thương mại thì các bên có thể tham khảo Điều 296 về việc gia hạn thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.

Trong trường hợp hợp đồng các bên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại hoặc Điều 296 luật này thì các bên cần tham chiếu đến Khoản 2 Điều 351 BLDS hoặc Khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại. Tại đây pháp luật quy định rằng: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự.” Tôi hiểu ý của nhà làm luật là muốn giải trừ mọi trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên khi xảy ra sự kiện bất khả kháng. Nói cách khác khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, nếu không thỏa thuận được thời hạn gia hạn, hợp đồng sẽ được mặc nhiên chấm dứt. Tuy nhiên, như nói trên, việc sử dụng khái niệm “không phải chịu trách nhiệm” là không chính xác vì có nhiều loại trách nhiệm dân sự (trách nhiệm giao vật, bồi thường, thanh toán tiền lãi...).

Ở các hệ thống tiên tiến, người ta sử dụng thuật ngữ chính xác hơn là “giải trừ nghĩa vụ”. Nghĩa vụ một bên được giải trừ thì bởi vì hợp đồng là song vụ (tức là hai bên có nghĩa vụ tương ứng với nhau) thì nghĩa vụ bên kia cũng được giải trừ. Hợp đồng đương nhiên chấm dứt.

 

Với cương vị là một Luật sư, ông có lời khuyên nào cho doanh nghiệp để giúp họ gánh chịu ít thiệt hại nhất có thể khi phát sinh sự kiện bất khả kháng?

Thứ nhất, trước khi giao kết hợp đồng luôn cần suy nghĩ xem rằng các điều khoản về bất khả kháng có phù hợp với hợp đồng của mình. Không phải mọi hợp đồng mà điều khoản bất khả kháng đều được áp dụng (Ví dụ như hợp đồng tặng cho, hợp đồng vay). Tuy nhiên, rất nhiều các hợp đồng sẽ cần có điều khoản về bất khả kháng (Hợp đồng mua bán, xây dựng, cung cấp dịch vụ).

Nếu hợp đồng của mình cần có điều khoản bất khả kháng thì phải xem xét xem điều khoản bất khả kháng được soạn thảo như thế nào? Lưu ý rằng danh mục các sự kiện bất khả kháng được liệt kê tại hợp đồng cũng rất quan trọng, nó có thể bao gồm cả những trường hợp bất lợi cho mình. Ví dụ bạn có chấp nhận “triều cường” cũng là lý do bất khả kháng? Tại các điều khoản về bất khả kháng đã có quy định về nghĩa vụ thông báo, thời hạn gia hạn hợp đồng, hậu quả của bất khả kháng hay chưa?

Thứ hai, khi hợp đồng đã được giao kết và trường hợp của khách hàng thỏa mãn các điều kiện luật định về bất khả kháng, khách hàng cần hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Ví dụ nghĩa vụ phải thông báo, gia hạn hợp đồng v.v. Có cơ hội nào để hợp đồng tiếp tục được thực hiện (bằng việc gia hạn hợp đồng hay nhờ bên thứ ba)?

Thứ ba, nếu trường hợp của khách hàng không thỏa mãn điều kiện bất khả kháng, cần cân nhắc xem mình có đủ điều kiện áp dụng Điều 420 BLDS để yêu cầu đàm phán lại hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng.

Theo Đài truyền hình tp. Hồ Chí Minh HTV9

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI