...

Vận đơn ký phát theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến và thẩm quyền xét xử

29 Tháng 10, 2019

Thẩm quyền xét xử về bồi thường tổn thất hàng hóa vận chuyển bằng đường biển liên quan đến vận đơn được ký phát (cấp, phát hành) theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến (charter-party bill of lading) được một số bạn đọc quan tâm, đề nghị cho ý kiến tư vấn. Qua thực tế giải quyết tranh chấp tại trọng tài và tranh tụng tại tòa án liên quan đến loại vận đơn này, người viết xin chia sẻ cùng bạn đọc một trong những vụ việc (được nêu dưới đây) để tham khảo.    

Tóm tắt sự việc

Một công ty bảo hiểm (“BH”) khiếu nại một công ty vận tải biển Việt Nam (“VTB”) để đòi bồi thường các tổn thất hàng hóa vận chuyển từ Phi-líp-pin về Việt Nam trên tàu "VF02" cùng lãi phát sinh do chậm thanh toán. Văn bản của BH, ngoài những nội dung khác, nêu: "BH đã bồi thường tổn thất cho 02 (hai) lô hàng trên cho Công ty VHN số tiền là 162.612.037 đồng (đối với vận đơn số ISA-140-128 ngày 27/9/2011) và 229.993.109 đồng (đối với vận đơn số ISA-141-129 ngày 27/9/2011) đồng thời đã nhận thế quyền của chủ hàng (“VHN”) để  truy đòi bồi thường từ chủ tàu "VF02".

Căn cứ khiếu nại, ngoài các căn cứ khác (vận đơn, chứng thư giám định...) là "Giấy biên nhận và thế quyền ngày 22/12/2011của VHN và Giấy biên nhận và thế quyền ngày 05/01/2012 của VHN"

Các vận đơn nêu trên đều là loại vận đơn ký phát theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến (Bill of Lading to be used with Charter-Parties) theo mẫu “CONGENBILL” EDITION 1994”, tương tự về bản chất với loại được nêu tại Điều 100 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2005 (“Bộ luật”) và Điểu 177 Bộ luật hàng hải Việt Năm năm 2015: “Trường hợp vận đơn được ký phát theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến và người giữ vận đơn không phải là người thuê vận chuyển thì các quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển và người giữ vận đơn sẽ được điều chỉnh bằng các điều khoản của vận đơn; nếu các điều khoản của hợp đồng vận chuyển theo chuyến đã được đưa vào vận đơn thì các điều khoản này được áp dụng”, và đều được dịch sang tiếng Việt, chứng thực bởi phòng tư pháp, có đoạn: “tất cả các điều khoản, điều kiện, đặc quyền và điều khoản ngoại trừ quy định tại hợp đồng vận chuyển  theo chuyến, đề ngày tháng được nêu tại trang sau, bao gồm điều khoản Luật và điều khoản Trọng tài sẽ là một phần của Vận đơn này”.

Quan điểm của công ty bảo hiểm 

(1) Tòa án tại nơi VTB có trụ sở có thẩm quyền xét xử  vì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt theo quy định tại điểm b) khoản 1) Điều 411 Bộ luật Tố tụng dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2011: “ 1. Những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Toà án Việt Nam: b) Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển mà người vận chuyển có trụ sở chính hoặc chi nhánh tại Việt Nam”. VTB có trụ sở tại Việt Nam nên Tòa án quận nơi VTB có trụ sở có thẩm quyền xét xử; (2) Vận đơn là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển, tàu giao không đúng, đủ hàng hóa so với vận đơn nên VTB phải bồi thường kể cả tiền lãi phát sinh; (3) có xung đột pháp luật theo khoản 4 Điều 3 của Bộ luật nên luật Việt Nam được áp dụng: “Trong trường hợp quan hệ pháp luật liên quan đến hợp đồng vận chuyển hàng hóa thì áp dụng pháp luật của quốc gia nơi hàng hóa được trả theo hợp đồng”; và (4) thời hiệu là 02 năm theo Bộ luật.    

Bình luận

(1) về thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam: Hợp đồng vận chuyển được ký giữa VTB và công ty Singapore, VTB không ký bất kỳ hợp đồng nào với công ty Việt Nam. Vì vậy, "tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển" nêu tại điểm b) khoản 1 Điều 411 Bộ luật Tố tụng Dân sự nêu trên là tranh chấp với công ty Singapore, (nếu có). Do đó, thẩm quyền xét xử không thuộc tòa án Việt Nam mà thuộc Trọng tài Singapore như thỏa thuận trong hợp đồng vận chuyển giữa VTB và Công ty Singapore;

(2) về yêu cầu bồi thường thiệt hại theo vận đơn: Vì không thương lượng được với VTB nên BH muốn khởi kiện theo vận đơn - loại vận đơn ký phát  theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến. Theo trình bày ở trên về loại vận đơn này thì VHN không phải là người thuê vận chuyển (Công ty Singapore mới là người thuê vận chuyển) thì các quyền và nghĩa vụ của VTB và người giữ vận đơn (người nhận hàng, chủ hàng) được điều chỉnh bằng các điều khoản của vận đơn. Nếu các điều khoản của hợp đồng vận chuyển theo chuyến đã được đưa vào vận đơn thì các điều khoản này được áp dụng. Vận đơn có đoạn: “tất cả các điều khoản, điều kiện, đặc quyền và điều khoản ngoại trừ quy định tại hợp đồng vận chuyên theo chuyến ghi  ngày tháng được nêu tại trang sau, bao gồm điều khoản Luật và điều khoản Trọng tài sẽ là một phần của Vận đơn này”. Do đó, các điều khoản, điều kiện, đặc quyền và điều khoản ngoại trừ được áp dụng. Hợp đồng quy định giải quyết tranh chấp tại trọng tài Singapore. Như vậy, Tòa án Việt Nam không có thẩm quyền xét xử khiếu nai của BH;

(3) về xung đột pháp luật: Không có xung đột pháp luật vì hai hệ thống pháp Việt Nam, và Singapore - luật điều chỉnh hợp đồng vận chuyển ký giữa VTB công ty Singapore - không cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh quan hệ hợp đồng thể hiện ở chỗ BH đã xác nhận không có quan hệ hợp đồng giữa VHN với công ty Singapore. Vì vậy, không có xung đột pháp luật nên luật Việt Nam không được áp dụng. Hơn nữa, các căn cứ 1 và 2 nêu trên đã cho thấy không có cơ sở để áp dụng luật Việt Nam; và

(4) về thời hiệu: Theo Hợp đồng giữa VTB và Công ty Singapore thì luật Anh được áp dụng để giải quyết khiếu nại về tổn thất hàng hóa với thời hiệu là 01 năm kể từ ngày trả hàng hoặc lẽ ra phải trả hàng nên thời hiệu đã hết. Do đó, BH mất quyền khởi kiện./.  

Theo Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên VIAC. 

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI