Trọng tài thương mại

Trọng tài thương mại

Bên thứ ba trong thủ tục trọng tài: Một góc nhìn từ thực tiễn thực thi pháp luật

Bên thứ ba trong thủ tục trọng tài: Một góc nhìn từ thực tiễn thực thi pháp luật

10/29/2024

Theo Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, vào thời điểm hiện nay nước ta đã có 48 tổ chức trọng tài được thành lập, với hơn 600 trọng tài viên, mỗi năm tham gia giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp thương mại. Một dịch vụ trọng tài đã hình thành. Càng phát triển, những đặc thù của dịch vụ này càng bộc lộ rõ hơn, trong đó có việc xử lý lợi ích của bên thứ ba. Rất khác với tố tụng tòa án, về nguyên tắc, trọng tài là thủ tục không công khai, sự tham gia của bên thứ ba là ngoại lệ. Bài viết dưới đây thảo luận về việc xem xét và đảm bảo lợi ích của Bên thứ ba trong Thủ tục trọng tài. Sau khi minh họa một số tình huống trong đó các bên tranh chấp hoặc Hội đồng trọng tài có thể cần lưu ý tới lợi ích của Bên thứ ba. Mục tiêu của Tố tụng trọng tài là góp phần giải quyết các tranh chấp một cách công bằng, thúc đẩy các bên tự thực thi nghĩa vụ, tránh làm lan rộng thêm kiện tụng. Từ những cân nhắc đó, bài viết gợi ý một vài lựa chọn chính sách liên quan đến Bên thứ ba có thể nên được tham khảo trong quá trình sửa đổi Luật Trọng tài sắp tới.

Thực tiễn quy trình hoà giải trong phiên họp giải quyết tranh chấp: Những xung đột có thể xảy ra và khuyến nghị phạm vi chỉ thị của hội đồng trọng tài

Thực tiễn quy trình hoà giải trong phiên họp giải quyết tranh chấp: Những xung đột có thể xảy ra và khuyến nghị phạm vi chỉ thị của hội đồng trọng tài

10/29/2024

Khi thực hiện tố tụng trọng tài , quá trình hòa giải có thể gây ra một số xung đột khiến Hội đồng Trọng tài (“ HĐTT ”) phải cân nhắc xử lý . Việc giải quyết hiệu quả các xung đột này dựa trên các nguyên tắc cơ bản của pháp luật và kỹ năng xử lý của TTV sẽ giúp quyền và lợi ích của các bên tranh chấp và bên thứ ba được đảm bảo . Bài tham luận này tập trung phân tích các xung đột tiềm tàng và đưa ra các khuyến nghị để tối đa hiệu quả quy trình hòa giải và hạn chế xung đột diễn ra.

Góc độ kinh nghiệm quốc tế: Vấn đề áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có liên quan đến bên thứ ba và xu hướng tiếp cận của trọng tài quốc tế

Góc độ kinh nghiệm quốc tế: Vấn đề áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có liên quan đến bên thứ ba và xu hướng tiếp cận của trọng tài quốc tế

10/29/2024

Theo Luật Trọng tài Thương mại năm 2010, các biện pháp khẩn cấp tạm thời do hội đồng trọng tài (“ HĐTT ”) ban hành cũng có thể thi hành tương tự như các biện pháp khẩn cấp tạm thời do Tòa án ban hành. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế khi HĐTT ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời có liên quan đến bên thứ ba (bên không ký kết và tham gia thỏa thuận trọng tài), do giới hạn thẩm quyền của HĐTT.

Hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tranh chấp phát sinh trong hợp đồng điện tử

Hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tranh chấp phát sinh trong hợp đồng điện tử

09/19/2024

Trong bối cảnh kinh tế số đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam, hợp đồng điện tử (HĐĐT) trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Với mục tiêu đến năm 2025, trên 80% doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ sử dụng HĐĐT theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (tại Quyết định 411/QĐ-TTg), việc xây dựng các cơ chế bảo vệ và giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng điện tử là vô cùng quan trọng để đảm bảo an toàn trong môi trường số.

#116 | Thế quyền sau khi thanh toán tiền bảo hiểm

#116 | Thế quyền sau khi thanh toán tiền bảo hiểm

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Giữa S (Bên mua bảo hiểm) và Công ty A (Bên bảo hiểm) có hợp đồng bảo hiểm cho thiết bị bếp của một dự án theo hợp đồng ủy thác mua hàng hóa giữa S và BT (đối tác của Bên mua bảo hiểm). Thực tế, hàng hóa được bảo hiểm bị thiệt hại và Bên bảo hiểm đã thanh toán cho Bên mua bảo hiểm. Sau khi thanh toán tiền bảo hiểm, Bên bảo hiểm quay sang yêu cầu đối tác của bên mua bảo hiểm (là BT) bồi thường. Hội đồng Trọng tài xác định Bên bảo hiểm được thế quyền của Bên mua bảo hiểm. Bài học kinh nghiệm : Trong thực tế, thường xuyên gặp trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, sau khi thanh toán tiền bảo hiểm (do sự kiện bảo hiểm đã xảy ra), thực hiện các quyền của bên mua bảo hiểm để yêu cầu bồi thường đối với người được cho rằng gây ra tổn thất. Ở đây, bên bảo hiểm thực hiện quyền yêu cầu của bên được bảo hiểm sau khi thực hiện trách nhiệm bảo hiểm và vụ việc trên thuộc trường hợp vừa nêu. Bởi lẽ, sau khi trả tiền bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm xuất phát từ việc hàng hóa bảo hiểm bị hư hỏng, bên bảo hiểm quay sang yêu cầu bên chịu trách nhiệm về hàng hóa bồi thường thiệt hại. Đây thực chất là việc thế quyền (chuyển quyền từ bên mua bảo hiểm sang bên bảo hiểm sau khi thực hiện trách nhiệm bảo hiểm) và được pháp luật công nhận. Trong vụ việc trên, Hội đồng Trọng tài đã chấp nhận cho bên bảo hiểm thế vào quyền của Bên mua bảo hiểm. Cụ thể, “ Căn cứ Điều 577 Bộ luật dân sự năm 2005 ” theo đó “Trong trường hợp người thứ ba có lỗi mà gây thiệt hại cho bên được bảo hiểm và bên bảo hiểm đã trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm thì bên bảo hiểm có quyền yêu cầu người thứ ba hoàn trả khoản tiền mà mình đã trả” , Hội đồng Trọng tài đã xét rằng “ Nguyên đơn là bên bảo hiểm cho S theo hợp đồng bảo hiểm. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, Nguyên đơn đã thanh toán số tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm là S. Do đó, Nguyên đơn có quyền yêu cầu Bị đơn hoàn trả số tiền mà Nguyên đơn đã trả cho S (với điều kiện Nguyên đơn phải chứng minh BT có lỗi, gây thiệt hại cho S). Như vậy, căn cứ Điều 577 Bộ luật dân sự năm 2005, Nguyên đơn đã được S chuyển giao quyền yêu cầu Bị đơn thực hiện nghĩa vụ hoàn trả số tiền bảo hiểm mà Nguyên đơn đã trả cho S ”. Từ đó, Hội đồng Trọng tài khẳng định “ Nguyên đơn đã được S chuyển giao quyền yêu cầu hoàn trả khoản tiền mà Nguyên đơn đã thanh toán cho S ”. Với nội dung trên, Hội đồng Trọng tài đã theo hướng Bên bảo hiểm đương nhiên được thế quyền của Bên mua bảo hiểm và việc thế quyền này là trên cơ sở Điều 577 Bộ luật dân sự năm 2005. Nói cách khác, Hội đồng Trọng tài theo hướng đây là thế quyền tự động theo luật định và như vậy là phù hợp với Điều 577 Bộ luật dân sự năm 2005 nêu trên. Đối với các hoàn cảnh tương tự như trên, hiện nay các bên có thể vận dụng cơ chế thế quyền theo thỏa thuận được quy định tại khoản 1 Điều 365 Bộ luật dân sự năm 2015 theo đó “ Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận " hoặc khoản 1 Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm: " 1. Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm ". Do đó, các doanh nghiệp có hoàn cảnh như tình tiết nêu trên nên tận dụng cơ chế thế quyền theo thỏa thuận này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Khi tiến hành chuyển giao quyền yêu cầu theo thỏa thuận, các bên phải lưu ý thêm nghĩa vụ cung cấp thông tin vì Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo về việc chuyển giao quyền mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thanh toán chi phí này” (Điều 365) và “1. Trường hợp bên có nghĩa vụ không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu và người thế quyền không chứng minh về tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền. 2. Trường hợp bên có nghĩa vụ do không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu mà đã thực hiện nghĩa vụ đối với người chuyển giao quyền yêu cầu thì người thế quyền không được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình” (Điều 369).      

#115 | Nghĩa vụ phòng ngừa, hạn chế tổn thất của bên mua bảo hiểm

#115 | Nghĩa vụ phòng ngừa, hạn chế tổn thất của bên mua bảo hiểm

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty T (Nguyên đơn - Bên mua bảo hiểm) ký hợp đồng bảo hiểm với Công ty B (Bị đơn - Bên bảo hiểm). Sự kiện bảo hiểm đã xảy ra và Bên bảo hiểm cho rằng Bên mua bảo hiểm đã vi phạm nghĩa vụ phòng ngừa, hạn chế tổn thất. Hội đồng Trọng tài không phủ nhận nghĩa vụ của Bên mua bảo hiểm nhưng cho rằng Bên này không vi phạm nghĩa vụ phòng ngừa, hạn chế tổn thất. Bài học kinh nghiệm : Khi có người chịu trách nhiệm đối với thiệt hại mà mình gánh chịu, bên mua bảo hiểm có thể có tâm lý là sẽ không phòng ngừa, không hạn chế tổn thất (vì cho rằng đã có người gánh chịu). Tâm lý như vậy là không tốt cho người chịu trách nhiệm cũng như xã hội vì gây lãng phí. Vì vậy, điểm đ khoản 2 Điều 18 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định “Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Về nghĩa vụ phòng ngừa tổn thất, sau khi khẳng định “bên được bảo hiểm có nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện ghi trong hợp đồng, các quy định của pháp luật có liên quan và thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiệt hại”, Điều 574 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “trong trường hợp bên được bảo hiểm có lỗi không thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiệt hại đã ghi trong hợp đồng thì bên bảo hiểm có quyền ấn định một thời hạn để bên được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đó; nếu hết thời hạn mà các biện pháp phòng ngừa vẫn không được thực hiện thì bên bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng hoặc không trả tiền bảo hiểm khi thiệt hại xảy ra do các biện pháp phòng ngừa đã không được thực hiện”. Điều đó có nghĩa là chế tài cho vi phạm nghĩa vụ phòng ngừa thiệt hại là “bên bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng hoặc không trả tiền bảo hiểm khi thiệt hại xảy ra do các biện pháp phòng ngừa đã không được thực hiện”. Về việc không thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất, Luật kinh doanh bảo hiểm không cho biết chế tài cho việc vi phạm. Chúng ta đã thấy Bộ luật dân sự năm 2005 có đưa ra chế tài là chấm dứt hợp đồng bảo hiểm hay không bồi thường thiệt hại do người mua bảo hiểm không thực hiện biện pháp phòng ngừa. Quy định này có thể áp dụng cho việc vi phạm nghĩa vụ hạn chế tổn thất thông qua cơ chế áp dụng tương tự quy định của pháp luật được quy định tại Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2005 [1] : Áp dụng chế tài vi phạm nghĩa vụ phòng ngừa cho vi phạm nghĩa vụ hạn chế tổn thất. Ngày nay, Bộ luật dân sự năm 2015 đã có quy định khái quát áp dụng cho tất cả quan hệ nghĩa vụ nên cũng áp dụng cho quan hệ bảo hiểm vì Điều 362 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “Bên có quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình”. Trong vụ việc nêu trên, Bên bảo hiểm cũng theo hướng này vì, sau khi cho rằng Bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ hạn chế tổn thất, Bên bảo hiểm xác định “bên bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc không trả tiền bảo hiểm khi thiệt hại xảy ra do các biện pháp phòng ngừa đã không được thực hiện”. Vấn đề còn lại là phải xác định Bên mua bảo hiểm có vi phạm nghĩa vụ phòng ngừa thiệt hại, hạn chế tổn thất hay không? Bên bảo hiểm cho rằng Bên mua bảo hiểm “hoàn thoàn không thực hiện một biện pháp nào để đề phòng, hạn chế tổn thất”, “đã vi phạm điểm đ khoản 2 Điều 18 Luật kinh doanh bảo hiểm”. Tuy nhiên, theo Hội đồng Trọng tài, “Nguyên đơn đã có thực hiện những biện pháp nhất định trong việc đề phòng và hạn chế tổn thất đối với hàng hóa và việc này được Nhà giám định R xác nhận”. Từ đó, Hội đồng Trọng tài đi đến kết luận “việc Bị đơn cho rằng Nguyên đơn đã vi phạm điểm đ khoản 2 Điều 18 Luật kinh doanh bảo hiểm và coi đó là một cơ sở để từ chối bảo hiểm cho Nguyên đơn theo Khoản 2 Điều 574 Bộ luật dân sự năm 2005 là không hợp lý. Vì vậy, Hội đồng Trọng tài cho rằng tổn thất của Nguyên đơn ngày đêm 29 rạng sáng ngày 30/05/2013 thuộc phạm vi bảo hiểm và Bị đơn – Nhà bảo hiểm phải bồi thường tổn thất này cho Nguyên đơn theo đúng hợp đồng bảo hiểm mà các Bên đã giao kết”. Như vậy, không có việc vi phạm nghĩa vụ phòng ngừa thiệt hại, nghĩa vụ hạn chế tổn thất từ phía người bị thiệt hại nên người bị thiệt hại được bồi thường tổn thất mà người bị thiệt hại đã gánh chịu. Từ vụ việc này, doanh nghiệp mua bảo hiểm biết rằng họ có nghĩa vụ phòng ngừa thiệt hại, có nghĩa vụ hạn chế tổn thất và khi họ đã có những biện pháp thích ứng nhưng thiệt hại vẫn diễn ra thì thiệt hại vẫn được bồi thường. Vụ việc cũng cho thấy nếu doanh nghiệp bị thiệt hại không có biện pháp phòng ngừa thiệt hại, hạn chế tổn thất thì thiệt hại đáng ra phòng ngừa được, đáng ra hạn chế được có nguy cơ sẽ không được bồi thường.    

#114 | Hợp đồng bảo hiểm không chấm dứt khi chậm thanh toán phí

#114 | Hợp đồng bảo hiểm không chấm dứt khi chậm thanh toán phí

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Theo hợp đồng, phí bảo hiểm được thanh toán thành ba kỳ và trong cả ba kỳ, người mua bảo hiểm đều chậm thanh toán. Khi có tranh chấp, doanh nghiệp bảo hiểm (Bị đơn) cho rằng hợp đồng bảo hiểm đã chấm dứt trước ngày xảy ra sự cố được bảo hiểm xuất phát từ việc chậm thanh toán tiền bảo hiểm nên không thanh toán tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài theo hướng ngược lại. Bài học kinh nghiệm : Thông thường, hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt và trách nhiệm bảo hiểm không phát sinh khi phí bảo hiểm không được đóng đúng hạn, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc bên mua được nợ phí bảo hiểm. Theo Khoản 1 Điều 15 về Thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của Luật Kinh doanh bảo hiểm, trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi “Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm ”. Bên cạnh đó, Thông tư 194/2014/TT-BTC ngày 17/12/2014, cụ thể Điều 2 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 125/2012/TT-BTC quy định : "Trường hợp bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thanh toán phí bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm sẽ tự chấm dứt hiệu lực khi hết thời hạn thanh toán phí bảo hiểm”. Trên cơ sở quy định nêu trên, hợp đồng bảo hiểm chấm dứt ở thời điểm không thanh toán phí bảo hiểm đến hạn và, trong vụ việc nêu trên, thực tế Bị đơn đã theo hướng đó để từ chối thanh toán tiền bảo hiểm sau khi sự cố được bảo hiểm đã xảy ra. Tuy nhiên, pháp luật về bảo hiểm còn có quy định cho phép giữ hợp đồng bảo hiểm mặc dù có việc chậm thanh toán phí bảo hiểm. Cụ thể, khoản 2 Điều 15 của Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định trách nhiệm bảo hiểm phát sinh trong trường hợp “Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết, trong đó có thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm”. Khả năng phát sinh trách nhiệm bảo hiểm (tức hợp đồng bảo hiểm không chấm dứt) đã được ghi nhận tại khoản 2 Điều 32 Luật kinh doanh bảo hiểm theo đó “ hợp đồng bảo hiểm còn chấm dứt trong các trường hợp sau đây: Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm, hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác ”. Như vậy, nếu có thỏa thuận về nợ phí bảo hiểm thì trách nhiệm bảo hiểm vẫn phát sinh trong trường hợp bên mua bảo hiểm chưa đóng đủ phí bảo hiểm và thực tế, trong vụ việc này, các bên đã có thỏa thuận về nợ phí bảo hiểm như Hội đồng Trọng tài đã khẳng định “ trong vụ tranh chấp này, các Bên có thỏa thuận về việc nợ phí tại Mục 32 của Nội dung các Điều khoản bổ sung kèm theo hợp đồng ”. Cụ thể, các bên thỏa thuận đóng phí bảo hiểm thành nhiều kỳ, theo đó số phí bảo hiểm kỳ 3 (20% tổng số phí bảo hiểm) sẽ được thanh toán trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký kết hợp đồng (là ngày 01/03/2014). Từ đó, Hội đồng Trọng tài “ xác định thời hạn thanh toán phí bảo hiểm kỳ 3 là ngày 01/03/2015 ”. Thực tế, Mục 3 Điều 32 Nội dung các Điều khoản bổ sung trong quan hệ bảo hiểm quy định: “ Thời hạn nợ phí quá hạn tối đa là ba tháng kể từ ngày phát sinh nợ phí quá hạn” và Mục 3 Điều 32 quy định tiếp: “ Nếu quá thời hạn này hoặc nếu quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn thanh toán phí bảo hiểm mà người được bảo hiểm vẫn không cấp được bảng Xác nhận công nợ, Bảo hiểm X có quyền đơn phương hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm”. Trên cơ sở Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm theo đó “ Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng, thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm”, Hội đồng Trọng tài đã “ xác định thời điểm phía nhà bảo hiểm có quyền đơn phương hủy hợp đồng là vào ngày tiếp theo ngày 30/06/2015 (tức ngày 01/07/2015) chứ không phải ngày 10/04/2015 ” trong khi đó sự cố bảo hiểm xảy ra trước thời điểm này (tháng 04/2015). Bên cạnh đó, Hội đồng Trọng tài đã khẳng định phía bảo hiểm “ chưa từng có bất kỳ thông báo, động thái nào liên quan tới việc đơn phương hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm đã ký ”. Từ đó, Hội đồng Trọng tài đã xét rằng “ Như vậy, tại thời điểm xảy ra sự cố ngày 18/04/2015, Hội đồng Trọng tài thấy có cơ sở để xác định ý chí của các Bị đơn vẫn coi hợp đồng bảo hiểm đã ký còn hiệu lực, cần được tiếp tục thực hiện qua việc thanh toán phí bảo hiểm kỳ 3 ”. Từ đó, “ Hội đồng Trọng tài chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn buộc các nhà đồng bảo hiểm phải có trách nhiệm bồi thường ”. Từ vụ việc trên, các doanh nghiệp có thể rút ra hai bài học đáng lưu ý sau đây: Thứ nhất , các bên được quyền thỏa thuận về nợ phí bảo hiểm (thông thường có lãi chậm trả) và việc thỏa thuận nợ phí bảo hiểm này sẽ cho phép hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực mặc dù phí bảo hiểm chưa thanh toán so với thời hạn đã thỏa thuận. Thứ hai , khi thỏa thuận về nợ phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm cần quan tâm tới ngôn từ sử dụng trong thỏa thuận sao cho đủ rõ ràng để tránh trường hợp hợp đồng cần được giải thích và lúc đó được giải thích bất lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm như chúng ta đã thấy trong vụ việc nêu trên.  

#113 | Trường hợp chậm thanh toán phí bảo hiểm

#113 | Trường hợp chậm thanh toán phí bảo hiểm

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty C (Nguyên đơn - Bên mua bảo hiểm) ký hợp đồng bảo hiểm với Công ty P (Bị đơn - Bên bảo hiểm). Sau khi tàu của mình có sự cố, Bên mua bảo hiểm yêu cầu bồi thường nhưng Bên bảo hiểm từ chối với lý do rủi ro được bảo hiểm đã xảy ra vào thời điểm chưa thanh toán phí bảo hiểm. Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài vẫn chấp nhận yêu cầu của Bên mua bảo hiểm, buộc Bên bảo hiểm bồi thường. Bài học kinh nghiệm : Trong quan hệ bảo hiểm, việc thanh toán phí bảo hiểm thường được triển khai theo kỳ (trong thời hạn bảo hiểm). Tuy nhiên, không hiếm trường hợp bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm chậm so với thời hạn quy định trong hợp đồng và câu hỏi đặt ra là việc chậm thanh toán phí bảo hiểm này tác động tới quyền lợi của các bên như thế nào? Trong vụ việc trên, các Bên ký hợp đồng bảo hiểm với 4 kỳ hạn thanh toán và, đối với kỳ hạn thứ tư, các Bên thống nhất thời điểm đến hạn thanh toán phí bảo hiểm của kỳ thanh toán thứ 4/4 là ngày 25/11/2012 (chủ nhật). Tại kỳ thanh toán này Bên bảo hiểm xuất hóa đơn VAT phí bảo hiểm vào ngày 23/11/2012, và gửi hóa đơn cho Bên mua bảo hiểm vào ngày 25/11/2012 (thứ sáu). Ngày 03/12/2012, Bên mua bảo hiểm nộp tiền phí bảo hiểm vào tài khoản của Bên bảo hiểm. Tuy nhiên, ngày 02/12/2012, tàu của Bên mua bảo hiểm bị sự cố trong hành trình từ Vũng Tàu đi Philippines. Bên bảo hiểm đã từ chối bồi thường bảo hiểm vì cho rằng rủi ro được bảo hiểm (tàu mắc cạn) đã xảy ra vào thời điểm Bên mua bảo hiểm chưa thanh toán phí bảo hiểm kỳ 4/4. Theo Hội đồng Trọng tài, “Bị đơn có căn cứ để từ chối bồi thường bảo hiểm, nếu chỉ viện dẫn các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm số C08/BHTB/04/03/10, như sau “ ...hiệu lực của bảo hiểm cũng tự động chấm dứt vào thời điểm xảy ra một trong những sự kiện như sau: ....NĐBH không thanh toán phí bảo hiểm đầy đủ, đúng hạn theo quy định tại khoản 4.4 dưới đây của hợp đồng bảo hiểm... ” (Điều 3.3 hợp đồng BHTT); “ Trường hợp NĐBH không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt hiệu lực bảo hiểm vào ngày kế tiếp ngày NĐBH phải đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận của hợp đồng bảo hiểm. Đồng thời, người bảo hiểm sẽ không chịu trách nhiệm cho những tổn thất phát sinh trong khoảng thời gian mà NBH chưa thanh toán đầy đủ phí bảo hiểm cho NBH ” (Điều 4.4.7 hợp đồng BHTT)”. Ngoài ra, Hội đồng Trọng tài còn cho rằng “Bị đơn cũng có thể từ chối bồi thường bảo hiểm căn cứ vào Điều 4.4.6 của hợp đồng BHTT quy định rằng “ Phí bảo hiểm được coi là thanh toán đầy đủ và đúng hạn khi tiền đã vào tài khoản của NBH , hoặc có xác nhận của Ngân hàng về việc chuyển trả phí bảo hiểm của NĐBH theo đúng thời hạn và số tiền ghi trên Thông báo thu phí và Giấy sửa đổi bổ sung nếu có ”. Trong trường hợp này, thực tế là tiền phí bảo hiểm do Nguyên đơn thanh toán vào tới tài khoản Ngân hàng của Bị đơn là ngày 03/12/2012, tức là sau ngày 02/12/2012 là ngày xảy ra sự cố mắc cạn của tàu”. Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tại lại kết luận “Nguyên đơn được hưởng quyền bồi thường bảo hiểm thiệt hại xảy ra do rủi ro mắc cạn của tàu. Bị đơn có nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm cho Nguyên đơn đối với các tổn thất phát sinh từ sự cố mắc cạn của tàu”. Từ đó, Hội đồng Trọng tài quyết định “chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường bảo hiểm của Nguyên đơn đối với Bị đơn, buộc Bị đơn phải bồi thường cho Nguyên đơn”. Để đạt được kết quả trên, Hội đồng Trọng tài đã dựa vào các yếu tố chính sau: Thứ nhất , “Bị đơn đã gửi thông báo hóa đơn phí bảo hiểm kỳ 4 chỉ 2 ngày, tức là vào ngày 23/12/2012, trước thời hạn phải thanh toán, là ngày 25/11/2012. Việc gửi thông báo hóa đơn phí bảo hiểm chậm như vậy - là một sự chậm trễ khác thường so với các kỳ thanh toán 1, 2 và 3 trước đây. Tại phiên họp giải quyết vụ tranh chấp, hai Bên đều xác nhận rằng đối với các kỳ thanh toán trước đây của đơn bảo hiểm này, Bị đơn thường gửi hóa đơn phí bảo hiểm cho Nguyên đơn trong khoảng từ 1 tuần đến 10 ngày trước ngày đến hạn thanh toán”; Thứ hai , “việc Nguyên đơn chậm thanh toán phí bảo hiểm không nhằm mục trốn tránh nghĩa vụ thanh toán phí bảo hiểm theo quy định của hợp đồng BHTT. Nguyên đơn trình bày rằng đã tiến hành thủ tục nội bộ cho việc thanh toán phí bảo hiểm kỳ 4/4 ngay vào ngày thứ Hai, 26/11/2012, tức là trước ngày 02/12/2012 - là ngày xảy ra sự kiện mắc cạn của tàu. Chứng cứ xác nhận điều này là: ngày 28/11/2012, Tổng Giám đốc (Nguyên đơn) đã ký phê duyệt đề nghị thanh toán phí bảo hiểm kỳ 4/4 cho đơn bảo hiểm thân tàu với giá trị là 123.453.000 VND, do Phòng dịch vụ và vận tải biển đề xuất. Hội đồng Trọng tài thấy rằng văn bản nội bộ này của Nguyên đơn thể hiện ý định thực hiện nghĩa vụ thanh toán phí bảo hiểm cho tàu ngay vào thời điểm khi chưa xảy ra sự kiện rủi ro tàu mắc cạn. Điều này cho thấy Nguyên đơn không có ý định trốn tránh nghĩa vụ thanh toán phí bảo hiểm theo quy định của hợp đồng BHTT”; Thứ ba , “khoản tiền phí bảo hiểm kỳ 4/4 của đơn bảo hiểm tàu mà Nguyên đơn đã nộp vào tài khoản của Bị đơn ngày 03/12/2012 - đã được Bị đơn chấp nhận. Hồ sơ của vụ việc này, cũng như qua trình bày của các Bên tại phiên họp giải quyết vụ tranh chấp không thể hiện bất kỳ một thông tin, chứng cứ nào về việc Bị đơn không chấp nhận khoản tiền phí bảo hiểm kỳ 4/4 của đơn bảo hiểm cho tàu mà Nguyên đơn đã nộp vào ngày 03/12/2012. Hơn nữa, khoản tiền phí bảo hiểm kỳ 4/4 của đơn bảo hiểm tàu đã được Bị đơn đưa vào Bảng kê hóa đơn, Chứng từ hàng hóa dịch vụ bán ra kèm theo tờ khai thuế ngày 04/12/2012, áp dụng cho kỳ tính thuế là tháng 11/2012 . Điều này thể hiện rõ rằng phí bảo hiểm kỳ 4/4 của đơn bảo hiểm tàu đã được Bị đơn hạch toán vào doanh số bán hàng kỳ tháng 11/2012 , phù hợp với thời hạn thu phí bảo hiểm theo hợp đồng BHTT là ngày 25/11/2012. Như vậy, Bị đơn đã chấp nhận nghĩa vụ thanh toán phí bảo hiểm kỳ 4/4 cho đơn bảo hiểm đối với tàu do Nguyên đơn thực hiện. Điều này, theo quy định của Điều 418 Bộ luật dân sự năm 2005, đồng thời có nghĩa là Nguyên đơn phải được hưởng quyền được bồi thường bảo hiểm do đã thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán phí bảo hiểm theo hợp đồng BHTT với Bị đơn”. Hướng giải quyết của Hội đồng Trọng tài như trên là thuyết phục, phù hợp với lẽ công bằng. Bởi lẽ, việc chậm thanh toán phí bảo hiểm trong tình huống như nêu trên chỉ mang tính kỹ thuật, ý chí của Bên mua bảo hiểm vẫn là thanh toán và ý chí của Bên bảo hiểm vẫn là chấp nhận việc thanh toán phí bảo hiểm. Đây là những điểm mà doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp mua bảo hiểm cần biết khi tham gia vào hoạt động bảo hiểm. Tuy nhiên, để tránh những tranh chấp không cần thiết, việc đóng phí bảo hiểm nên được tiến hành đúng tiến độ như đã quy định trong hợp đồng.  

#112 | Giá trị pháp lý của giám định tổn thất được bảo hiểm

#112 | Giá trị pháp lý của giám định tổn thất được bảo hiểm

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty Q (Nguyên đơn - Bên mua bảo hiểm) và Công ty B (Bị đơn - Bên bảo hiểm) ký hợp đồng bảo hiểm. Sự kiện bảo hiểm đã xảy ra nhưng các Bên không thống nhất về giá trị tổn thất nên đã phải tiến hành giám định. Giám định đơn phương của Bên bảo hiểm không được chấp nhận và giám định độc lập chỉ được chấp nhận một phần. Bài học kinh nghiệm : Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm khá phổ biến tại trọng tài. Trong thực tế, không hiếm trường hợp các bên tranh chấp với nhau về tổn thất được bảo hiểm và cần giám định. Câu hỏi đặt ra là kết quả giám định có giá trị ràng buộc không? Trong vụ việc trên, các Bên xác lập hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới theo đó Nguyên đơn mua bảo hiểm xe cơ giới với giá trị tham gia bảo hiểm là 1.245.000.000 VND, thời hạn bảo hiểm từ ngày 02/05/2012 đến ngày 01/05/2013. Ngày 18/07/2012, xe tải được bảo hiểm gặp tai nạn và tai nạn làm xe và toàn bộ hàng hóa bị thiệt hại. Ngày 10/08/2012, Bên bảo hiểm tiến hành lập Biên bản giám định thiệt hại xe cơ giới có sự chứng kiến của đại diện chủ xe. Về phía mình, Bên mua bảo hiểm yêu cầu Công ty HA để kiểm tra tình trạng xe. Sau đó hai Bên thống nhất cơ quan giám định độc lập thứ 3 là Trung tâm đăng kiểm H và cơ quan này kết luận: phần máy không phát hiện hư hỏng và các hệ thống tổng thành khác căn cứ theo giám định thiệt hại của Bên bảo hiểm. Khi giải quyết tranh chấp, Hội đồng Trọng tài xác định “có căn cứ xác định hai Bên tranh chấp đã đồng ý chọn Đăng kiểm H làm giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với hai Bên. Việc giám định được tiến hành 02 lần đều có sự chứng kiến của Nguyên đơn”. Về kết luận, “Tại thời điểm kiểm tra không phát hiện hư hỏng”, Hội đồng Trọng tài “công nhận kết quả giám định phần máy của cơ quan này”. Tuy nhiên, đối với các phần còn lại, theo Hội đồng Trọng tài, “Đăng Kiểm H lại công nhận kết quả giám định của Bị đơn là không khách quan và không phù hợp với thỏa thuận của Nguyên đơn và Bị đơn, trong khi lẽ ra Đăng Kiểm H phải giám định lại như các Bên đã thống nhất. Do đó, Hội đồng Trọng tài không công nhận kết luận này”. Phần trên cho thấy Hội đồng Trọng tài không chấp nhận kết quả giám định do một bên tiến hành khi các Bên có tranh chấp về tổn thất bảo hiểm. Hướng giải quyết như vậy là thuyết phục và doanh nghiệp nên biết việc này. Bởi lẽ, giám định do một bên tiến hành khó có thể đảm bảo tính khách quan. Còn đối với giám định độc lập do các Bên thỏa thuận, Hội đồng Trọng tài đã chấp nhận kết quả giám định khi giám định độc lập tiến hành giám định như các Bên thỏa thuận. Ở đây, phần giám định này “ràng buộc các bên”. Tuy nhiên, có phần kết quả giám định không được chấp nhận do lấy lại kết quả của giám định của một bên trước đây là không tiến hành giám định như yêu cầu của các Bên. Hướng giải quyết này cũng thuyết phục vì để giám định có giá trị pháp lý thì tổ chức giám định phải tiến hành giám định một cách độc lập và khách quan. Từ vụ việc trên, doanh nghiệp bảo hiểm cũng như doanh nghiệp mua bảo hiểm cần lưu ý là giám định mang tính đơn phương (tiến hành từ một phía) không có giá trị pháp lý nếu có tranh chấp và cần có giám định độc lập. Về phía giám định độc lập, việc giám định cũng cần được tiến hành một cách độc lập, khách quan nếu không làm như vậy thì kết luận giám định cũng không có giá trị ràng buộc như chúng ta đã thấy trong vụ việc nêu trên.

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI