Trọng tài thương mại

Trọng tài thương mại

#089 | Xác định chất lượng hàng hóa

#089 | Xác định chất lượng hàng hóa

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty Việt Nam (Nguyên đơn - Bên mua) ký hợp đồng mua bán với Công ty Trung Quốc (Bị đơn - Bên bán). Phía Việt Nam đã nhận hàng nhưng cho rằng hàng không đúng hợp đồng. Cuối cùng, Hội đồng Trọng tài đã theo hướng “Bị đơn đã giao cho Nguyên đơn hàng hóa không phù hợp với hợp đồng”. Bài học kinh nghiệm : Việc đánh giá hàng hóa có đúng hợp đồng hay không kéo theo những hệ quả nhất định mà chúng ta sẽ thấy trong các chủ đề sau. Việc đánh giá hàng hóa có đúng hay không đúng hợp đồng có thể dựa vào số lượng và chất lượng. Đối với việc đánh giá số lượng, vấn đề thường không quá phức tạp so với đánh giá chất lượng hàng hóa vì số lượng mang tính định lượng nên dễ xác định bằng các công cụ đo lường [1] . Trong vụ việc trên, Bên mua đã nhận hàng và giao hàng và các Bên không tranh chấp về số lượng nhưng Bên mua cho rằng chất lượng hàng hóa không đúng như hợp đồng. Để biết hàng hóa giao nhận có chất lượng phù hợp với hợp đồng hay không, cần phải làm gì? Theo Hội đồng Trọng tài, “ngay khi làm thủ tục hải quan để nhận hàng, Nguyên đơn đã phát hiện và lập tức, bằng Thư điện tử ngày 22/04/2010, Nguyên đơn đã thông báo cho Bị đơn biết là hàng hóa không phù hợp với hợp đồng. Tại các thư điện tử ngày 25/04 và ngày 28/04/2011 Nguyên đơn đã thông báo cho Bị đơn là mẫu lấy từ lô hàng Bị đơn giao cho Nguyên đơn đã được Nguyên đơn gửi tới Công ty giám định Q để trưng cầu giám định nhưng Bị đơn không có bất kỳ ý kiến nào phản đối. Đến ngày 16/05/2011, Nguyên đơn gửi Thông báo kết quả giám định của Công ty giám định Q cho Bị đơn và Bị đơn cũng không có ý kiến phản đối. Như vậy, Hội đồng Trọng tài cho rằng Công ty giám định Q đã được các Bên lựa chọn và theo Điều 262 Luật Thương mại năm 2005, Chứng thư giám định của Công ty giám định Q có giá trị pháp lý đối với các Bên”. Theo Điều 262 Luật Thương mại năm 2005, “trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc sử dụng chứng thư giám định của một thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cụ thể thì chứng thư giám định đó có giá trị pháp lý đối với tất cả các bên nếu không chứng minh được kết quả giám định không khách quan, không trung thực hoặc sai về kỹ thuật, nghiệp vụ giám định”. Với quy định này, giám định do người thứ ba sẽ ràng buộc các bên nếu có thỏa thuận của các bên. Vậy trong trường hợp này, các Bên có thỏa thuận về việc giám định bởi người thứ ba không? Ở đây, Hội đồng Trọng tài cho rằng Bên mua đã đề xuất hướng giám định và Bên bán không có ý kiến phản đối nên coi như người giám định “đã được các Bên lựa chọn”. Đây là hướng giải quyết khá độc đáo nhưng cần thiết trước sự không hợp tác của Bên bán. Do đó, để không bị ràng buộc bởi giám định của người thứ ba mà một bên đơn phương yêu cầu, các bên nên có thỏa thuận minh thị về việc giám định. Trong trường hợp không có thỏa thuận về chủ đề này thì khi một bên đề xuất hướng giám định, bên còn lại cần cho ý kiến và, nếu không cho ý kiến khác, bên còn lại bị coi là chấp nhận đề xuất của bên kia. Từ đó, kết quả giám định của người thứ ba sẽ ràng buộc các bên như Hội đồng Trọng tài đã làm trong vụ việc trên.     [1] Tuy nhiên, đôi khi vẫn xảy ra tranh chấp và nội dung này sẽ được trình bày ở một chủ đề ở phần sau.

#088 | Thỏa thuận chọn ngôn ngữ giải quyết tranh chấp

#088 | Thỏa thuận chọn ngôn ngữ giải quyết tranh chấp

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty C (Israel - Nguyên đơn) ký hợp đồng công nghệ với Công ty E (Việt Nam - Bị đơn). Trong hợp đồng các bên chọn VIAC khi có tranh chấp và, tại Điều 15 của hợp đồng, các bên chọn ngôn ngữ trọng tài là tiếng Anh. Tuy nhiên, khi giải quyết tranh chấp, Hội đồng Trọng tài xác định “ngôn ngữ trọng tài trong vụ tranh chấp là tiếng Việt”. Bài học kinh nghiệm : Ngôn ngữ được sử dụng trong tố tụng luôn là một vấn đề không thể thiếu cho dù đó là tố tụng dân sự tại Tòa án hay đó là tố tụng tại Trọng tài thương mại. Theo Điều 20 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, “tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng dân sự là tiếng Việt”. Như vậy, “về nguyên tắc, tiếng nói, chữ viết dùng trong tố tụng dân sự là tiếng Việt”. Quy định này ràng buộc cơ quan tố tụng cũng như các đương sự tham gia tố tụng với một số hệ quả quan trọng sau: Thứ nhất , “trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt mà họ sử dụng ngôn ngữ khác trong quá trình tố tụng thì phải có sự tham gia tố tụng của người phiên dịch để dịch ngôn ngữ đó ra tiếng Việt và ngược lại” [1] . Cụ thể, ngay tại phiên hòa giải, cần có “người phiên dịch, nếu đương sự không biết tiếng Việt” (khoản 5 Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004) và đến khi tuyên án thì “trong trường hợp có đương sự không biết tiếng Việt thì sau khi tuyên án, người phiên dịch phải dịch lại cho họ nghe toàn bộ bản án sang ngôn ngữ mà họ biết” (Điều 239 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004). Thứ hai , “đương sự giao nộp cho Toà án chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp” (khoản 3 Điều 84 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004). Với quy định này, “nếu đương sự chưa gửi kèm bản dịch tài liệu, chứng cứ đó sang tiếng Việt hoặc đã dịch sang tiếng Việt nhưng bản dịch chưa được công chứng, chứng thực hợp pháp thì Toà án không nhận tài liệu, chứng cứ đó” [2] và nếu Tòa án chấp nhận những chứng cứ, tài liệu chưa được dịch sang tiếng Việt thì đây là trường hợp vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Khoản 2 Điều 10 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 về ngôn ngữ quy định “đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận”. So với Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã mở rộng trường hợp theo đó các bên được thỏa thuận chọn ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài. Cụ thể, Luật đã bổ sung thêm trường hợp “tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Trong thực tế, không hiếm trường hợp Hội đồng Trọng tài thuộc VIAC chấp nhận ngôn ngữ do các bên thỏa thuận khi tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong vụ việc trên, tranh chấp có yếu tố nước ngoài và các Bên thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại trọng tài nên các bên được thỏa thuận chọn ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài. Thực tế, các bên đã thỏa thuận chọn ngôn ngữ trọng tài bằng tiếng Anh. Theo Hội đồng Trọng tài, “trong những văn thư giao dịch ban đầu, các Bên sử dụng tiếng Anh, Hội đồng Trọng tài cũng gửi các thông báo của mình cho các Bên bằng tiếng Anh”. Nhưng cuối cùng, Hội đồng Trọng tài lại sử dụng ngôn ngữ bằng tiếng Việt và đã ra Phán quyết trọng tài bằng tiếng Việt. Việc làm này có trái với ý chí chung của các bên không, có trái với các quy định trên hay không? Thực ra, trong quá trình tố tụng, “ngày 18/11/2014, Nguyên đơn gửi Bị đơn Văn thư đề nghị sử dụng tiếng Việt làm ngôn ngữ trọng tài. Bị đơn đã chấp nhận và như vậy hai bên thỏa thuận sử dụng tiếng Việt làm ngôn ngữ trọng tài”. Ở đây, ban đầu các bên thỏa thuận chọn tiếng Anh nhưng sau đó đã thỏa thuận lại là sử dụng tiếng Việt và thỏa thuận lại này đã được Hội đồng Trọng tài chấp nhận. Từ vụ việc trên, doanh nghiệp rút ra một số lưu ý sau: thứ nhất , các bên được quyền thỏa thuận chọn ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài (không được thỏa thuận chọn ngôn ngữ nếu tranh chấp được giải quyết tại Tòa án nhân dân); thứ hai , các bên có thể thỏa thuận chọn ngôn ngữ ngay từ đầu (trong hợp đồng có thỏa thuận trọng tài) nhưng cũng có thể thỏa thuận chọn ngôn ngữ trong quá trình giải quyết tranh chấp; thứ ba , nếu các bên đã thỏa thuận chọn ngôn ngữ thì các bên cũng có quyền thay đổi bằng cách thỏa thuận một ngôn ngữ khác. Đây là những điểm khá đặc thù khi giải quyết tranh chấp tại trọng tài mà doanh nghiệp nên biết.   [1] Nguyễn Văn Cường, Trần Anh Tuấn và Đặng Thanh Hoa (chủ biên), Sđd , tr.67. [2] Nguyễn Văn Cường, Trần Anh Tuấn và Đặng Thanh Hoa (chủ biên), Sđd , tr.71.

#087 | Doanh nghiệp tranh chấp hợp đồng với người tiêu dùng

#087 | Doanh nghiệp tranh chấp hợp đồng với người tiêu dùng

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty H (Bị đơn - Bên bán) ký hợp đồng mua bán căn hộ với ông K (Nguyên đơn - Bên mua). Trong hợp đồng, các bên thỏa thuận chọn VIAC. Khi có tranh chấp, Bên mua đã khởi kiện ra VIAC và Hội đồng Trọng tài theo hướng Bên mua “được quyền đơn phương chấm dứt theo Điều 13 hợp đồng” và việc “Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn thanh toán 1.420.000.000 VND tiền ứng trước cho việc bán căn hộ theo hợp đồng” là “có căn cứ”. Tuy nhiên, “Hội đồng Trọng tài bác yêu cầu của Nguyên đơn đòi Bị đơn bồi thường thiệt hại vì không chứng minh được những thiệt hại đó”. Bài học kinh nghiệm : Doanh nghiệp có thể có đối tác là một chủ thể hoạt động trong kinh doanh nhưng đối tác của doanh nghiệp cũng có thể là một người tiêu dùng. Trong trường hợp doanh nghiệp xác lập hợp đồng với người tiêu dùng như trong vụ việc nêu trên, pháp luật có những quy định đặc thù mà doanh nghiệp nên biết. * Được giải quyết tại Trọng tài Theo khoản 1 Điều 3 Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, “ n gười tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”. Với nội dung này, tranh chấp của doanh nghiệp với người tiêu dùng là một dạng “tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại” theo khoản 2 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 nên có thể được giải quyết bằng trọng tài. Thực tế, khả năng giải quyết tranh chấp loại này bằng trọng tài đã được ghi nhận minh thị trong Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010. Cụ thể, theo điểm c khoản 1 Điều 30 đạo luật vừa nêu: “Tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thông qua: Trọng tài”. Trong vụ việc trên, thỏa thuận trọng tài được xác lập giữa một cá nhân và một công ty thương mại về việc mua nhà ở. Do đó, tranh chấp phát sinh từ quan hệ mua bán này về nguyên tắc là tranh chấp với người tiêu dùng và có thể được giải quyết bằng trọng tài theo quy định trên. Thực tế, Trọng tài cũng theo hướng vừa nêu khi xét rằng “Hội đồng Trọng tài được VIAC thành lập hoàn toàn có thẩm quyền giải quyết Vụ tranh chấp”. Như vậy, doanh nghiệp cần biết là tranh chấp giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng hoàn toàn có thể được giải quyết tại trọng tài để từ đó có thể thỏa thuận chọn trọng tài khi có nhu cầu. * Sự lựa chọn của người tiêu dùng Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có một quy định đặc thù tại Điều 16 theo đó “đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận”. Như vậy, trong trường hợp người tiêu dùng khởi kiện ra trọng tài, họ không cần sự chấp thuận từ nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Ở đây, người tiêu dùng được “quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp” (tiêu đề của Điều 17 Luật Trọng tài thương mại năm 2010). Thực ra, Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 cũng có quy định theo hướng trên tại Điều 38 theo đó “trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng là cá nhân có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác”. Trong vụ việc trên, người khởi kiện ra Trọng tài là người tiêu dùng (mua nhà ở) và người bị khởi kiện là một công ty nên Trọng tài thụ lý giải quyết là phù hợp với quy định hiện hành. Trên đây là quy định đặc thù liên quan đến việc khởi kiện mà doanh nghiệp nên biết khi xác lập hợp đồng với người tiêu dùng. * Nghĩa vụ chứng minh của các bên Về cơ bản, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng giống như các tranh chấp khác. Bởi lẽ, Điều 19 Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 quy định “trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại”. Tuy nhiên, về nghĩa vụ chứng minh, pháp luật hiện hành có quy định đặc thù. Cụ thể, theo Điều 40 Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, “nghĩa vụ chứng minh trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài được thực hiện theo quy định tại Điều 42 của Luật này”. Thực tế, Điều 42 có quy định đặc thù về chứng cứ theo hướng “người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”; “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại”. Như vậy, người tiêu dùng không phải chứng minh lỗi của bên chuyên nghiệp và việc chứng minh không có lỗi thuộc bên chuyên nghiệp. Ở đây, chỉ có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên chuyên nghiệp là có sự khác biệt với thủ tục chung và doanh nghiệp nên biết trong trường hợp có tranh chấp với người tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là, đối với việc chứng minh những vấn đề khác yếu tố lỗi như chứng minh thiệt hại thực tế, trách nhiệm vẫn thuộc về người tiêu dùng và Hội đồng Trọng tài đã theo hướng vừa nêu trong vụ việc trên khi theo hướng “bác yêu cầu của Nguyên đơn đòi Bị đơn bồi thường thiệt hại vì không chứng minh được những thiệt hại đó”. Nói tóm lại, thông qua vụ việc nêu trên, doanh nghiệp biết rằng tranh chấp giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng hoàn toàn có thể được giải quyết tại trọng tài. Ở đây, pháp luật có một số quy định đặc thù cho người tiêu dùng. Ngoài những quy định đặc thù này, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng cũng giống trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài giữa doanh nghiệp với đối tác là doanh nghiệp khác.

#086 | Chuyển giao quyền yêu cầu kéo theo chuyển giao thỏa thuận trọng tài

#086 | Chuyển giao quyền yêu cầu kéo theo chuyển giao thỏa thuận trọng tài

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty S (Bên cho mượn) cho Công ty D (Bị đơn – Bên mượn) mượn khuôn và trong văn bản cho mượn, các Bên thỏa thuận chọn trọng tài (VIAC) nếu có tranh chấp. Sau đó do hỏa hoạn khuôn bị hư hỏng, Công ty S và Công ty Bảo hiểm V (Nguyên đơn - thế  quyền) đã thống nhất lập ra Thỏa thuận chuyển giao như sau: Công ty S mong muốn chuyển giao và Công ty Bảo hiểm V mong muốn nhận các quyền của Công ty S để đòi Công ty D phải bồi thường thiệt hại. Hội đồng Trọng tài xác định có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Nguyên đơn và Bị đơn. Bài học kinh nghiệm : Từ hợp đồng cho mượn tài sản nêu trên, chúng ta thấy phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa Bên cho mượn (Công ty S) và Bên mượn (Công ty D). Trong hợp đồng cho mượn, các Bên thỏa thuận chọn VIAC khi có tranh chấp (Điều XII.C của hợp đồng mượn tài sản). Thỏa thuận này có hiệu lực ràng buộc giữa Bên cho mượn và Bên mượn. Do hỏa hoạn nên tài sản cho mượn bị hư hỏng và, theo quy định, Bên mượn phải bồi thường cho Bên cho mượn (nội dung này đã được phân tích trong chủ đề khác). Nếu Bên cho mượn khởi kiện trực tiếp Bên mượn, thỏa thuận trọng tài trên được áp dụng và tranh chấp được giải quyết tại trọng tài. Tuy nhiên, Bên cho mượn và Công ty Bảo hiểm V thỏa thuận chuyển giao quyền yêu cầu bồi thường từ Bên cho mượn sang cho Công ty V và câu hỏi đặt ra là Công ty V có được khởi kiện Bên mượn ra trọng tài để giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản mượn bị hư hỏng không? Chúng ta thấy giữa Công ty V và Bên mượn tài sản không có thỏa thuận trọng tài (hai chủ thể này chưa bao giờ xác lập trực tiếp thỏa thuận trọng tài). Tuy nhiên, giữa Bên cho mượn và Bên mượn có thỏa thuận trọng tài và câu hỏi đặt ra là thỏa thuận trọng tài này có được chuyển sang cho Công ty V hay không? Nếu có việc chuyển giao, tranh chấp được giải quyết tại trọng tài, còn nếu không có việc chuyển giao, tranh chấp không được giải quyết tại trọng tài. Trong vụ việc trên, Hội đồng Trọng tài đã khẳng định có thẩm quyền đối với tranh chấp giữa Công ty V và Bên mượn tài sản (buộc Bên mượn bồi thường cho Công ty V một khoản tiền). Hướng giải quyết về thẩm quyền như trên là phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể: Theo điểm d khoản 2 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, “thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản: Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác”. Với quy định này, nếu Bên mượn và Công ty V dẫn chiếu tới hợp đồng cho mượn (có thỏa thuận trọng tài) thì giữa Bên mượn và Công ty V coi như có thỏa thuận trọng tài bằng văn bản. Tuy nhiên, chưa có thông tin cho thấy các chủ thể này đã viện dẫn tới hợp đồng mượn tài sản vì việc chuyển giao quyền yêu cầu trên (trong đó Bên mượn là người có nghĩa vụ bồi thường) chỉ được Bên cho mượn và Công ty V xác lập mà không có sự tham gia của Bên mượn: Điều 309 Bộ luật dân sự năm 2005 và khoản 2 Điều 365 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 01/2014/HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định “khi có sự chuyển giao quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch, hợp đồng mà trong giao dịch, hợp đồng đó các bên có xác lập thỏa thuận trọng tài hợp pháp thì thỏa thuận trọng tài trong giao dịch, hợp đồng vẫn có hiệu lực đối với bên được chuyển giao và bên nhận chuyển giao, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Với quy định này, nếu có việc chuyển giao quyền yêu cầu thì thỏa thuận trọng tài “vẫn có hiệu lực đối với bên được chuyển giao và bên nhận chuyển giao”, tức vẫn có hiệu lực với Bên mượn (bên được chuyển giao) và Công ty V (bên nhận chuyển giao). Chính vì các lẽ trên mà Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Bên mượn và Công ty V cho dù hai chủ thể này chưa bao giờ xác lập trực tiếp một thỏa thuận trọng tài. Từ đó, doanh nghiệp biết rằng khi có việc chuyển giao quyền yêu cầu phát sinh từ hợp đồng có thỏa thuận trọng tài thì việc chuyển giao quyền yêu cầu kéo theo cả chuyển giao thỏa thuận trọng tài sang quan hệ giữa bên nhận chuyển giao và bên được chuyển giao. Vụ việc trên liên quan đến chuyển giao quyền yêu cầu nhưng nếu có chuyển giao nghĩa vụ thì hướng giải quyết cũng tương tự vì khoản 3 Điều 7 Nghị quyết nêu trên quy định việc chuyển giao không chỉ cho trường hợp chuyển giao quyền yêu cầu mà cho cả trường hợp chuyển giao nghĩa vụ. Đây cũng là nội dung mà doanh nghiệp nên biết trong trường hợp không có chuyển giao quyền yêu cầu như trong vụ việc được phân tích mà có chuyển giao nghĩa vụ.

#085 | Thỏa thuận trọng tài không rõ ràng

#085 | Thỏa thuận trọng tài không rõ ràng

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty Việt Nam và Công ty B có một phụ lục hợp đồng với nội dung: “ arbitrator(s) shall be appointed from the Vietnam Institute of Arbitrators and arbitration shall be held in Vietnam ” (tạm dịch là trọng tài viên sẽ được chỉ định từ Viện trọng tài Việt Nam và trọng tài diễn ra tại Việt Nam) và “ Rules of Arbitration, Place of Arbitration shall be of and in Vietnam ” (tạm dịch là Quy tắc trọng tài, địa điểm trọng tài của Việt Nam và tại Việt Nam). Khi có tranh chấp, một bên đã khởi kiện ra VIAC và VIAC xác định có thẩm quyền. Bài học kinh nghiệm : Thỏa thuận trọng tài rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Ở vụ việc trên, các bên có thỏa thuận chọn trọng tài khi có tranh chấp. Tuy nhiên, các bên lại không rõ về tổ chức trọng tài sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong khi đó ở Việt Nam có nhiều Trung tâm trọng tài (bên cạnh VIAC còn có Trung tâm khác). Các bên phải xử lý như thế nào trong những hoàn cảnh như nêu trên?

#084 | Phân biệt luật điều chỉnh hợp đồng và luật điều chỉnh tố tụng

#084 | Phân biệt luật điều chỉnh hợp đồng và luật điều chỉnh tố tụng

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty Campuchia và Công ty Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, Bị đơn cho rằng “ Luật điều chỉnh hợp đồng 008 phải là luật của Campuchia ” và “ việc áp dụng pháp luật về trọng tài thương mại của Việt Nam để khởi kiện là hoàn toàn không phù hợp ”. Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài cho rằng pháp luật điều chỉnh hợp đồng và pháp luật điều chỉnh tố tụng trọng tài là hai vấn đề khác nhau nên quan điểm nêu trên của Bị đơn là không có cơ sở. Bài học kinh nghiệm : Trong thực tế, chúng ta thường xuyên gặp trường hợp các bên thỏa thuận pháp luật điều chỉnh hợp đồng như pháp luật Việt Nam, pháp luật Trung Quốc, pháp luật Campuchia, pháp luật Singapore điều chỉnh hợp đồng. Việc thỏa thuận pháp luật điều chỉnh hợp đồng có ảnh hưởng tới pháp luật điều chỉnh tố tụng, nhất là pháp luật điều chỉnh tố tụng trọng tài không? Trong vụ việc trên, Bị đơn theo hướng pháp luật điều chỉnh hợp đồng có ảnh hưởng tới pháp luật điều chỉnh tố tụng trọng tài. Ở đây, chúng ta thấy Bị đơn cho rằng “ Luật điều chỉnh hợp đồng 008 phải là luật của Campuchia ” và “ việc áp dụng pháp luật về trọng tài thương mại của Việt Nam để khởi kiện là hoàn toàn không phù hợp ”. Tuy nhiên, theo Hội đồng Trọng tài, “pháp luật điều chỉnh (về nội dung) hợp đồng có tranh chấp và pháp luật điều chỉnh tố tụng trọng tài là hai vấn đề khác nhau. Bị đơn cho rằng Luật điều chỉnh hợp đồng 008 phải là luật pháp của Campuchia, nhưng lại viện dẫn các quy định của Bộ luật dân sự về việc xác định pháp luật áp dụng quan hệ hợp đồng để từ đó khẳng định rằng phải áp dụng Luật Trọng tài thương mại của Campuchia để xác định thẩm quyền của trọng tài là không đúng. Hội đồng Trọng tài thấy rằng, để xác định thẩm quyền của VIAC và thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài, cần phải căn cứ vào luật áp dụng tại nơi tiến hành tố tụng trọng tài”. Vẫn theo Hội đồng Trọng tài, “Trong vụ tranh chấp này, Hội đồng Trọng tài được thành lập theo pháp luật Việt Nam và địa điểm giải quyết tranh chấp tại Việt Nam. Do đó, pháp luật về trọng tài thương mại của Việt Nam là pháp luật điều chỉnh tố tụng trọng tài. Vì vậy, Hội đồng Trọng tài không có cơ sở để chấp nhận ý kiến của Bị đơn cho rằng áp dụng Luật Trọng tài thương mại của Campuchia để xem xét thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài. Từ các phân tích trên đây, Hội đồng Trọng tài xét thấy, để xác định sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài, hiệu lực cũng như tính có thực hiện được của thỏa thuận trọng tài và thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài, thì việc áp dụng các quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 để xem xét là phù hợp”. Từ vụ việc trên, doanh nghiệp cần rút ra bài học là pháp luật điều chỉnh hợp đồng và pháp luật điều chỉnh tố tụng trọng tài giải quyết tranh chấp hợp đồng là hai vấn đề khác nhau. Thực chất, pháp luật điều chỉnh hợp đồng lệ thuộc vào hợp đồng và thỏa thuận của các bên còn pháp luật điều chỉnh tố tụng trọng tài để giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào pháp luật nơi tiến hành trọng tài. Hướng như vậy đã phần nào được ghi nhận tại Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/03/2014 của Tòa án nhân dân tối cao theo đó việc “Xác định thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam” được xử lý như sau “Trọng tài nước ngoài tiến hành việc giải quyết tranh chấp và có yêu cầu Tòa án Việt Nam hỗ trợ hoạt động thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền đối với hoạt động của Trọng tài nước ngoài theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 2 Điều 7 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (điểm a khoản 5): Ở đây, Trọng tài nước ngoài hoạt động tại Việt Nam chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam về các hoạt động nêu tại các điểm của khoản 2 Điều 7 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.”  

#083 | Giá trị ràng buộc của thói quen giữa các bên

#083 | Giá trị ràng buộc của thói quen giữa các bên

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty T (Nguyên đơn) ký với Công ty Đ (Bị đơn) hợp đồng phân phối và bán sản phẩm. Sau đó các Bên có tranh chấp và Hội đồng Trọng tài xác định tồn tại thói quen thương mại giữa các Bên và thói quen này ràng buộc các Bên. Bài học kinh nghiệm : Trong quá trình kinh doanh, giữa các doanh nghiệp đối tác thường tự hình thành những thói quen nhất định và câu hỏi đặt ra là thói quen hình thành giữa các bên có ràng buộc các bên không? Trong vụ việc trên, Nguyên đơn chỉ định Bị đơn là Nhà phân phối cho Nguyên đơn để phân phối và bán sản phẩm. Theo hợp đồng, Nhà phân phối (Bị đơn) đặt hàng bằng fax, thư, email hoặc trực tiếp qua nhân viên của T (Nguyên đơn) … . Nguyên đơn cố gắng giao hàng cho Bị đơn trong thời gian 48 tiếng kể từ khi nhận được ủy nhiệm chi và sau khi Nguyên đơn đã xác nhận Đơn đặt hàng. Thực tế, Đơn đặt hàng ngày 18/06/2012 không có chữ ký và đóng dấu của bên đặt hàng và hai bộ Phiếu xuất kho đều đề ngày 20/06/2012, chỉ có chữ ký mà không có đóng dấu của bên mua hàng. Đơn đặt hàng này có ràng buộc các Bên không? Theo Hội đồng Trọng tài, “tất cả những Đơn đặt hàng, chứng từ giao nhận, hóa đơn đòi tiền được Nguyên đơn xuất trình làm bằng chứng này đều có hình thức hoàn toàn giống như hình thức của Đơn đặt hàng ngày 18/06/2012 (Đơn đặt hàng đang tranh chấp) và đều có chữ ký của cùng một người, là ông A, người đã ký trên các chứng từ giao nhận và hóa đơn đòi tiền của lô hàng đang tranh chấp với tư cách đại diện cho Người nhận hàng, tức là Bị đơn. Như vậy, giữa Nguyên đơn và Bị đơn đã hình thành thói quen trong hoạt động thương mại (cụ thể là thói quen trong việc đặt hàng, lập chứng từ giao nhận và lập hóa đơn đòi tiền) như được giải thích tại khoản 3 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005, từ đó Hội đồng trọng tài xác nhận rằng Đơn đặt hàng ngày 18/06/2012 qua nhân viên bán hàng của Nguyên đơn, các Phiếu xuất kho số BDBH1206-0917, BDBH1206-0920 và các Hóa đơn GTGT số 0025353 và số 0025354 kèm trong hồ sơ vụ tranh chấp là hợp pháp xác nhận rằng Bị đơn đã đặt hàng, Nguyên đơn đã giao và Bị đơn đã nhận hàng. Nhưng đến ngày phiên họp lần thứ 2 để giải quyết vụ tranh chấp được tổ chức - ngày 04/01/2013 - Bị đơn vẫn không thanh toán tiền hàng cho Nguyên đơn. Như vậy, Hội đồng Trọng tài xác định Bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán được quy định tại Điều 5 của hợp đồng”. Trong Phán quyết trọng tài, chúng ta thấy Hội đồng Trọng tài xác định đã tồn tại thói quen thương mại giữa Nguyên đơn và Bị đơn. Việc xác định sự tồn tại này là dựa vào các hoạt động trước đó giữa các bên và các hoạt động này tương tự nhau nên đáp ứng khái niệm thói quen thương mại được quy định tại Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 theo đó “thói quen trong hoạt động thương mại là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng được hình thành và lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài giữa các bên, được các bên mặc nhiên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thương mại” (khoản 3). Về giá trị pháp lý, chúng ta đã thấy Hội đồng Trọng tài đã theo hướng thói quen trên ràng buộc các Bên và việc một Bên không làm theo thói quen này được coi là có vi phạm hợp đồng. Hướng giải quyết này phù hợp với quy định tại Điều 12 Luật Thương mại năm 2005 với nội dung “trừ trường hợp có thoả thuận khác, các bên được coi là mặc nhiên áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại đã được thiết lập giữa các bên đó mà các bên đã biết hoặc phải biết nhưng không được trái với quy định của pháp luật”. Như vậy, doanh nghiệp cần biết rằng giữa doanh nghiệp và đối tác có thể hình thành những thói quen nhất định và, khi đáp ứng một số điều kiện như quy định tại Điều 12 Luật Thương mại năm 2005, thói quen tồn tại giữa các Bên ràng buộc các Bên.

#082 | Áp dụng tập quán quốc tế khi không có quy định

#082 | Áp dụng tập quán quốc tế khi không có quy định

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty Việt Nam (Nguyên đơn - Bên mua) xác lập hợp đồng mua bán với Công ty Singapore (Bị đơn - Bên bán). Các Bên thỏa thuận thanh toán 100% bằng L/C không hủy ngang, 90 ngày kể từ ngày giao hàng lên tàu. Khi giải quyết tranh chấp, Hội đồng Trọng tài đã áp dụng tập quán thương mại quốc tế - UCP 600. Bài học kinh nghiệm : Pháp luật nội dung của Việt Nam được xây dựng chủ yếu là để điều chỉnh các quan hệ không có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, đối với quan hệ có yếu tố nước ngoài, đôi khi pháp luật Việt Nam lại được xác định là pháp luật điều chỉnh. Trong vụ việc nêu trên, Hội đồng Trọng tài xác định “Trong các hợp đồng, hai Bên không chọn luật áp dụng” và Hội đồng Trọng tài quyết định “luật Việt Nam sẽ được áp dụng để giải quyết vụ tranh chấp này”. Tuy nhiên, đối với tín dụng thư quốc tế nêu trên (L/C), pháp luật Việt Nam chưa có đầy đủ các quy định và câu hỏi đặt ra là có được áp dụng Bộ UCP 600 (là tập quán thương mại quốc tế trong lĩnh vực tín dụng thư quốc tế) cho quan hệ giữa các Bên nêu trên hay không? Trong vụ việc trên, Nguyên đơn đã đơn phương sửa một số nội dung trên L/C và Ngân hàng của Nguyên đơn mới từ chối thanh toán. Liên quan đến việc sửa đổi đơn phương trên, sau khi xác định “trong quá trình thực hiện hợp đồng, Nguyên đơn đã đơn phương thay đổi nội dung L/C nhiều lần nhưng không được Bị đơn chấp thuận, nhất là mục 9 và 10 ở trường 46A. Chính vì không chấp nhận 2 mục trên nên trong bộ chứng từ thu tiền mà Bị đơn xuất trình, Bị đơn đã không gửi kèm những chứng từ được Nguyên đơn áp đặt trong mục 9 và 10 trường 46A”, Hội đồng Trọng tài cho rằng “Hội đồng Trọng tài đồng ý với quan điểm rằng: những sửa đổi của Nguyên đơn về điều kiện thanh toán trong L/C đối với tu chỉnh L/C lần 2, 3, 4 và Bị đơn chỉ chấp nhận một phần nội dung các tu chỉnh này đã làm cho L/C không có hiệu lực theo Điều 10 của UCP 600”. Như vậy, Hội đồng Trọng tài đã áp dụng UCP 600 được xác định là các tập quán thương mại quốc tế mà Phòng thương mại và công nghiệp quốc tế tổng hợp lại. Hướng vận dụng tập quán thương mại quốc tế như vừa nêu là phù hợp với các quy định hiện hành của Việt Nam. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 14 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, “trường hợp pháp luật Việt Nam, pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp thì Hội đồng Trọng tài được áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Với quy định trên, Hội đồng Trọng tài được áp dụng tập quán thương mại quốc tế như UCP 600 nêu trên khi: thứ nhất , pháp luật Việt Nam, pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp (điều kiện này đã được thỏa mãn trong vụ tranh chấp); thứ hai , việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam (điều kiện này cũng được thỏa mãn trong vụ việc được phân tích). Từ vụ việc này, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế biết rằng thường pháp luật hiện hành không đầy đủ để giải quyết các vấn đề phát sinh từ hoạt động thương mại. Trong trường hợp xảy ra hoàn cảnh như vừa nêu, doanh nghiệp cũng biết rằng quan hệ của họ có thể được điều chỉnh bởi các tập quán thương mại quốc tế liên quan và, khi có tranh chấp, Hội đồng Trọng tài sẽ áp dụng tập quán này mà không cần sự đồng ý trước đó của các bên như chúng ta đã thấy trong vụ việc nêu trên.      

#081 | Thỏa thuận áp dụng tập quán quốc tế

#081 | Thỏa thuận áp dụng tập quán quốc tế

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty Việt Nam (Nguyên đơn - Bên mua) ký hai hợp đồng mua bán với Công ty Indonesia (Bị đơn - Bên bán). Trong hợp đồng, các Bên đã thỏa thuận áp dụng Incoterms và Hội đồng Trọng tài chấp nhận thỏa thuận này nhưng khẳng định, bên cạnh thỏa thuận áp dụng Incoterms, vẫn cần xác định pháp luật điều chỉnh bổ sung. Bài học kinh nghiệm : Trong hợp đồng thương mại quốc tế, chúng ta thường xuyên gặp trường hợp các bên thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại quốc tế. Việc thỏa thuận này có được chấp nhận không và, bên cạnh thỏa thuận này, có cần bổ sung pháp luật điều chỉnh không? Trong hợp đồng các Bên không có thỏa thuận về việc chọn pháp luật áp dụng mà chỉ nêu áp dụng “Incoterms 2000”. Thực ra, Incoterms là những tập quán thương mại quốc tế được ghi nhận rộng rãi và thường được các bên trong hợp đồng lựa chọn áp dụng như vụ việc đang nghiên cứu. Theo pháp luật Việt Nam, việc thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại quốc tế như vừa nêu được chấp nhận trên cơ sở Điều 5 Luật Thương mại năm 2005 theo đó “các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” (khoản 2). Ở vụ việc này, Hội đồng Trọng tài cũng chấp nhận thỏa thuận của các bên khi lựa chọn Incoterms 2000. Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài khẳng định “nội dung Incoterms 2000 chỉ liên quan đến một số vấn đề pháp lý của hợp đồng, không giải quyết tất cả các vấn đề phát sinh từ hợp đồng nên việc xác định pháp luật điều chỉnh hợp đồng (đối với các vấn đề mà Incoterms không giải quyết) có tranh chấp là cần thiết. Trên thực tế, nội dung tranh chấp không liên quan đến Incoterms 2000, hàng được giao tại cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam), Nguyên đơn đã thanh toán tiền cho Bị đơn thông qua Ngân hàng Việt Nam  và đoạn cuối của hợp đồng thể hiện hợp đồng được ký tại TP. Hồ Chí Minh. Tại Điều 8 của hợp đồng, các bên thống nhất chọn cơ quan giám định Việt Nam. Trong Đơn khởi kiện, Nguyên đơn viện dẫn Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam để giải quyết tranh chấp. Tranh chấp trong trường hợp này là tranh chấp có yếu tố nước ngoài do Bị đơn là pháp nhân nước ngoài căn cứ vào khoản 4 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (dẫn chiếu đến Bộ luật dân sự). Do đó, căn cứ khoản 2 Điều 14 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 theo đó Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài...nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng Trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng Trọng tài cho là phù hợp nhấ t và căn cứ khoản 2 Điều 22 Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC theo đó Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài....trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì Hội đồng Trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng Trọng tài cho là phù hợp nhấ t , Hội đồng Trọng tài quyết định áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp và điều này cũng phù hợp với khoản 1 Điều 769 Bộ luật dân sự năm 2005 của Việt Nam theo đó Quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu không có thoả thuận khác” . Từ những phân tích trên, Hội đồng Trọng tài đã khẳng định “pháp luật điều chỉnh hợp đồng có tranh chấp là pháp luật Việt Nam đối với những vấn đề không được Incoterms 2000 điều chỉnh. Vấn đề hủy bỏ hợp đồng không được Incoterms 2000 điều chỉnh nên cần áp dụng pháp luật Việt Nam. Do đây là hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai công ty nên cần áp dụng Luật Thương mại năm 2005 như Nguyên đơn đã viện dẫn”. Điều này cho thấy việc chọn tập quán thương mại quốc tế thường là không đầy đủ và cần xác định pháp luật điều chỉnh bổ sung cho những vấn đề không được tập quán điều chỉnh. Ở đây, sau khi xác định các bên có thỏa thuận chọn tập quán quốc tế, Hội đồng Trọng tài đã xác định pháp luật bổ sung và khẳng định đó là pháp luật Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp biết rằng việc thỏa thuận chọn áp dụng tập quán quốc tế được chấp nhận ở Việt Nam đối với quan hệ có yêu tố nước ngoài. Tuy nhiên, tập quán thường không đầy đủ cho các vấn đề phát sinh từ hợp đồng. Vì thế, doanh nghiệp cần lưu tâm hơn nữa trong việc lựa chọn pháp luật điều chỉnh quan hệ của họ cho dù đã thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại quốc tế.

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI