Trọng tài thương mại
#107 | Xử lý tài sản bảo đảm là cổ phần, phần góp vốn trong công ty
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Một cá nhân (Nguyên đơn - ông B) cho một Công ty trách nhiệm hữu hạn (Bị đơn - Công ty HP) vay một khoản tiền. Việc vay này có bảo lãnh của hai thành viên Công ty (ông T và bà H) và hai thành viên công ty này mang phần góp vốn của mình để bảo lãnh việc vay tiền nêu trên. Hội đồng Trọng tài đã đưa ra hướng xử lý đối với tài sản bảo đảm nêu trên. Bài học kinh nghiệm : Việc các chủ thể sử dụng quyền trong doanh nghiệp (cổ phần trong công ty cổ phần hay phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ rất phổ biến trong hoạt động kinh doanh. Vụ việc nêu trên là một trong nhiều trường hợp thực tiễn đã gặp phải. Ở đây, vấn đề xử lý tài sản bảo đảm trên được tiến hành như thế nào khi nghĩa vụ được bảo đảm không được thực hiện đầy đủ? Trong vụ việc trên, ngoài cam kết bảo lãnh của các thành viên công ty, Điều 7 hợp đồng còn quy định “trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho Bên B, mà Bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì Bên bảo lãnh phải tự nguyện đưa tài sản thuộc sở hữu của mình là phần vốn góp trong Công ty HP để thanh toán cho Bên A vào bất cứ lúc nào theo yêu cầu của Bên A chiếu theo điều 6.4 ở trên”. Về nội dung này, Hội đồng Trọng tài xác định “đây thực chất là cam kết giữa người bảo lãnh với người có quyền về thế chấp tài sản của người bảo lãnh để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và cam kết này phù hợp với” quy định về biện pháp bảo đảm, quy định trong pháp luật doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Điều 7 hợp đồng còn quy định “các Bên thỏa thuận việc xử lý tài sản của Bên bảo lãnh để thanh toán cho khoản vay theo tỷ lệ như sau : Cứ 1.000.000.000 (một tỷ) VND của khoản vay này sẽ được quy đổi tương đương với 1,5 phần góp vốn điều lệ của Công ty HP, bắt đầu bằng phần vốn góp của ông T và sau đó sẽ đến phần vốn góp của bà H, hai bên bảo lãnh đồng ý để việc này được thực hiện mà không bảo lưu quyền ưu tiên của thành viên góp vốn. Trong trường hợp này, Bên bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện tất cả các thủ tục pháp lý cần thiết để Bên A trở thành thành viên công ty thông qua phần góp vốn được quy đổi từ khoản vay theo quy định của hợp đồng này”. Hội đồng Trọng tài cũng xác định “đây là thỏa thuận về xử lý tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và thỏa thuận này phù hợp” với quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Vẫn theo Hội đồng Trọng tài, “tài sản bảo đảm ở đây là phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn và các bên thỏa thuận Bên bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện tất cả các thủ tục pháp lý cần thiết để Bên A trở thành thành viên công ty thông qua phần góp vốn được quy đổi từ khoản vay . Nội dung này cho thấy các bên chưa ghi nhận có việc chuyển quyền sở hữu phần góp vốn từ người bảo lãnh sang người có quyền (người nhận bảo lãnh) mà chỉ thỏa thuận về cách thức chuyển quyền sở hữu phần vốn góp từ người bảo lãnh sang người nhận bảo lãnh. Tuy nhiên, việc chuyển phần vốn góp này có quy định đặc thù trong Luật Doanh nghiệp nên cần phải tuân thủ thêm các quy định của Luật Doanh nghiệp sẽ được phân tích ở phần sau”. Cụ thể về hướng xử lý tài sản bảo đảm, Hội đồng Trọng tài cho rằng “tài sản bảo đảm nêu trên là phần vốn góp trong Công ty HP trong khi đó khoản 6 Điều 45 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định trường hợp thành viên sử dụng phần vốn góp để trả nợ thì người nhận thanh toán có quyền sử dụng phần vốn góp đó theo một trong hai cách sau đây: a) Trở thành thành viên của công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận; b) Chào bán và chuyển nhượng phần vốn góp đó theo quy định tại Điều 44 của Luật này (nay là khoản 6 Điều 55 Luật Doanh nghiệp năm 2014). Vì vậy, cần buộc ông T và bà H có nghĩa vụ thực hiện tất cả các thủ tục pháp lý để chuyển nhượng 39,203% phần góp vốn cho Nguyên đơn để cấn trừ nghĩa vụ bảo lãnh trên cơ sở tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp về sử dụng phần góp vốn để trả nợ”. Nội dung trên cho thấy việc sử dụng quyền trong doanh nghiệp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là rất phổ biến và là phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với trường hợp này, việc xử lý tài sản phải tuân thủ các quy định trong pháp luật dân sự và quy định trong pháp luật doanh nghiệp có liên quan. Ở đây, vụ việc liên quan đến tài sản bảo đảm là phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn nhưng hướng tư duy tương tự cũng cần được vận dụng nếu tài sản bảo đảm là cổ phần trong các công ty cổ phần. Đó là những điểm mà doanh nghiệp cũng như thành viên của doanh nghiệp cũng như đối tác của doanh nghiệp cần biết đến.
#106 | Bảo lãnh của thành viên công ty đối với khoản vay của công ty
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Một cá nhân (Nguyên đơn - ông B) cho một Công ty (Bị đơn - Công ty HP) vay tiền. Việc vay này có bảo lãnh của hai thành viên Công ty, cả hai là thành viên góp vốn (ông T và bà H) và một người kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty (bà H). Hội đồng Trọng tài xác định việc bảo lãnh này không vi phạm các quy định về xung đột lợi ích liên quan đến công ty. Bài học kinh nghiệm : Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó , trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” và nay là khoản 3 Điều 141 Bộ luật dân sự năm 2015 theo đó “Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 59 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định “Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được Hội đồng thành viên chấp thuận: a) Thành viên, người đại diện theo uỷ quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty; b) Người có liên quan của những người quy định tại điểm a khoản này; c) Người quản lý công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ; d) Người có liên quan của người quy định tại điểm c khoản này” và nay là khoản 1 Điều 67 Luật Doanh nghiệp năm 2014 theo đó “Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được Hội đồng thành viên chấp thuận: a) Thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty; b) Người có liên quan của những người quy định tại điểm a khoản này; c) Người quản lý công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ; d) Người có liên quan của người quy định tại điểm c khoản này”. Sau khi viện dẫn quy định trên, Hội đồng Trọng tài xét rằng “Các quy định trên được ban hành nhằm hạn chế, giải quyết vấn đề xung đột lợi ích có thể xảy ra trong quan hệ đại diện và trong quan hệ giữa công ty và thành viên công ty hay người có liên quan (ở đây là Công ty trách nhiệm hữu hạn). Trong vụ việc này, tranh chấp phát sinh giữa cá nhân ông B với từng Bị đơn : Bị đơn thứ nhất là Công ty HP với vai trò người đi vay, Bị đơn thứ hai là bà H với vai trò người bảo lãnh và Bị đơn thứ ba là ông T với vai trò người bảo lãnh (Hội đồng Trọng tài không giải quyết quan hệ giữa các Bị đơn với nhau vì hiện nay không có tranh chấp giữa các Bị đơn với nhau). Trong toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp, không có bất kỳ Bên nào cho rằng quan hệ có tranh chấp giữa Nguyên đơn và các Bị đơn vi phạm các quy định trên. Mặc dù vấn đề xung đột lợi ích không được Bên nào trong tranh chấp nghi ngờ trong vụ tranh chấp này nhưng, để giải quyết các yêu cầu của Nguyên đơn theo hướng buộc thực hiện hoàn trả tiền vay và tiền lãi từ hợp đồng vay và thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, cần đảm bảo tính hợp pháp của các giao dịch mà Nguyên đơn đã xác lập với các Bị đơn (nếu các giao dịch giữa Nguyên đơn và các Bị đơn không hợp pháp thì không có cơ sở để yêu cầu thực hiện). Do đó, Hội đồng Trọng tài xét thấy cần làm sáng tỏ quan hệ giữa Nguyên đơn và các Bị đơn có vi phạm hai điều luật nêu trên hay không”. Liên quan đến bảo lãnh của bà H, theo Hội đồng Trọng tài, “trong hợp đồng vay, bà H là người đại diện của Công ty HP, đồng thời cũng là người bảo lãnh việc Công ty TNHH HP vay tiền ông B. Theo Điều 361 Bộ luật dân sự năm 2005 (nay là Điều 335 Bộ luật dân sự năm 2015) theo đó bảo lãnh là việc người thứ ba (say đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ . Trên cơ sở quy định này, chỉ cần có cam kết của người thứ ba “với bên có quyền” là bảo lãnh hợp lệ trong khi đó người cam kết bảo lãnh là bà H (người thứ ba so với quan hệ vay tiền - bà H không là người vay tiền như đã nêu ở trên) còn người có quyền không là Công ty HP mà là ông B. Ở đây, bà H và ông B không có quan hệ đại diện nên không xâm phạm các quy định của Bộ luật dân sự nêu trên. Quan hệ bảo lãnh giữa bà H và ông B cũng không chịu sự điều chỉnh của điều luật nêu trên của Luật Doanh nghiệp vì điều luật này áp dụng cho h ợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng được liệt kê trong khi đó ông B không thuộc diện được liệt kê tại điều luật này và cũng không phải là giao dịch giữa công ty và ông B hay với bà H mà là giao dịch - cam kết giữa bà H và ông B nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của điều luật đó. Do vậy, quan hệ bảo lãnh giữa ông B (Nguyên đơn) và bà H (một bị Bị đơn khác) không vi phạm các quy định trên”. Đối với việc bảo lãnh của ông T, vẫn theo Hội đồng Trọng tài, “trong hợp đồng có tranh chấp, ông T là thành viên có vốn góp trong Công ty HP và là người bảo lãnh việc Công ty HP vay tiền ông B. Như đã nêu ở trên, chỉ cần có cam kết của người thứ ba với bên có quyền là bảo lãnh hợp lệ trong khi đó người cam kết bảo lãnh là ông T (người thứ ba so với quan hệ vay tiền - ông T không là người vay tiền như đã nêu ở trên) còn người có quyền không là Công ty HP mà là ông B. Ở đây, ông T và ông B không có quan hệ đại diện nên không xâm phạm các quy định của Bộ luật dân sự nêu trên. Quan hệ bảo lãnh giữa ông T và ông B cũng không chịu sự điều chỉnh của điều luật nêu trên của Luật Doanh nghiệp vì điều luật này áp dụng cho h ợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng được liệt kê trong khi đó ông B không thuộc diện được liệt kê tại điều luật này và đây cũng không phải là giao dịch giữa công ty và ông B mà là giao dịch - cam kết giữa ông B và ông T nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của điều luật đó. Do vậy, quan hệ bảo lãnh có tranh chấp giữa ông B (Nguyên đơn) và ông T (một bị Bị đơn khác) không vi phạm các quy định trên”. Kinh nghiệm cho thấy thường xuyên Công ty đi vay hay người bảo lãnh việc Công ty đi vay viện dẫn các quy định về xung đột lợi ích trong Bộ luật dân sự hay trong Luật Doanh nghiệp nhằm vô hiệu hóa cam kết đã đưa ra trước đây. Vụ việc trên cho thấy loại bảo lãnh như trên là rất phổ biến và cam kết bảo lãnh như vậy không vi phạm các quy định về xung đột lợi ích nên cần phải tôn trọng, tức người bảo lãnh là thành viên công ty phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi Công ty không thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng vay. Đây là điểm doanh nghiệp đi vay, thành viên công ty cũng như người cho vay cần biết để không làm ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của các chủ thể liên quan. Vụ việc trên liên quan đến Công ty trách nhiệm hữu hạn nhưng tư duy tương tự cũng cần được vận dụng khi Công ty đi vay là công ty cổ phần.
#105 | Bồi thường thiệt hại do tài sản cho mượn bị hư hỏng
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty S (Bên cho mượn) cho Công ty D (Bị đơn - Bên mượn) mượn khuôn nhưng do hỏa hoạn khuôn cho mượn bị hư hỏng. Sau đó, Công ty S đã chuyển quyền của mình cho Công ty bảo hiểm V (Nguyên đơn - trở thành Bên cho mượn). Trên cơ sở yêu cầu của Nguyên đơn, Hội đồng Trọng tài đã buộc Bị đơn bồi thường. Bài học kinh nghiệm : Trong hoạt động kinh doanh, hợp đồng mượn tài sản thường xuyên tồn tại. Đó là “sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được” (Điều 512 Bộ luật dân sự năm 2005, Điều 494 Bộ luật dân sự năm 2015). Hợp đồng nêu trên là hợp đồng mượn tài sản. Theo khoản 4 Điều 514 Bộ luật dân sự năm 2005 và khoản 4 Điều 496 Bộ luật dân sự năm 2015, bên mượn tài sản có nghĩa vụ “Bồi thường thiệt hại, nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản mượn”. Tương ứng với nghĩa vụ của bên mượn, khoản 3 Điều 517 Bộ luật dân sự năm 2005 và khoản 3 Điều 499 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định bên cho mượn tài sản các quyền “Yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do người mượn gây ra”. Trong vụ việc trên, tài sản cho mượn đã bị hư hỏng và câu hỏi đặt ra là bên mượn có nghĩa vụ bồi cho bên cho mượn không? Bị đơn cho rằng nguyên nhân của vụ hỏa hoạn không phải do lỗi bất cẩn hay lỗi của con người. Đây là hỏa hoạn, bất khả kháng nên miễn trừ trách nhiệm cho các bên. Nếu việc khuôn bị hư hỏng do bất khả kháng thì bên mượn được miễn trách nhiệm bồi thường trên cơ sở khoản 2 Điều 302 Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 2 Điều 351 Bộ luật dân sự năm 2015 theo đó “trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ (dân sự) do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự” và khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 theo đó “bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây: Xảy ra sự kiện bất khả kháng” (điểm b). Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài vẫn buộc Bên mượn phải bồi thường thiệt hại cho Bên cho mượn và, để đạt được điều này, Hội đồng Trọng tài đã lập luận như sau: Đầu tiên , như các phân tích ở trên, Bị đơn đã mượn 117 khuôn với số Code như được liệt kê tại Danh sách các khuôn đính kèm Thỏa thuận mượn khuôn. Căn cứ điều VII.B và Điều IV.6 của Thỏa thuận mượn khuôn, Bị đơn, với tư cách bên mượn, sẽ phải chịu mọi rủi ro và phải bồi thường cho Bên cho mượn, với tư cách bên cho mượn, về bất cứ tổn thất, thiệt hại, hư hỏng xảy ra với các khuôn trong suốt thời gian mượn và/hoặc bất cứ thời điểm nào mà những khuôn này nằm dưới sự chiếm hữu của Bị đơn. Thứ hai , vụ hỏa hoạn gây hư hỏng 117 khuôn có nguyên nhân trực tiếp là do hiện tượng chập mạch hệ thống điện chiếu sáng của Bị đơn (theo như khẳng định của Viện Khoa học hình sự), việc này không được coi là sự kiện bất khả kháng. Bị đơn cũng không chứng minh được rằng Bị đơn không có lỗi trong việc khiến 117 Khuôn bị thiệt hại. Thứ ba , theo Điều IV.2 của Thỏa thuận mượn khuôn, các bên đã đồng ý rằng Bị đơn phải đảm bảo các khuôn được bảo quản ở tình trạng tốt nhất. Hội đồng Trọng tài nhận định rằng Thỏa thuận mượn khuôn là một dạng hợp đồng mượn tài sản, vì vậy, bị điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự. Điều 514 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 496 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Bên mượn tài sản có các nghĩa vụ giữ gìn, bảo quản tài sản mượn như tài sản của chính mình” và “Bồi thường thiệt hại, nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản mượn”. Vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu vực nhà kho và nhà máy của Bị đơn gây thiệt hại cho 117 khuôn và không được coi là sự kiện bất khả kháng. Vì thế, Hội đồng Trọng tài quan điểm rằng Bị đơn đã vi phạm Thỏa thuận mượn khuôn khi đã không thực hiện nghĩa vụ giữ gìn và bảo quản các khuôn như tài sản của chính mình. Với hành vi vi phạm này, Nguyên đơn có quyền yêu cầu Bị đơn bồi thường cho các khuôn mà Bị đơn mượn. Từ vụ việc trên, doanh nghiệp biết rằng bên mượn tài sản phải bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng tài sản cho mượn nếu việc hư hỏng này không do sự kiện bất khả kháng gây ra. Việc bồi thường này đã được quy định tương đối rõ trong Bộ luật dân sự.
#104 | Xác định thời điểm hoàn trả tài sản thuê
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty T (Nguyên đơn - Bên cho thuê) ký một hợp đồng với Công ty S (Bị đơn - Bên thuê). Nguyên đơn chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và Hội đồng Trọng tài ra Phán quyết trọng tài xác định Bên thuê “có thời hạn 18 tháng tính từ ngày công bố Phán quyết trọng tài này để chuẩn bị cho việc tìm địa điểm mới và di dời cơ sở kinh doanh ra khỏi địa điểm”. Bài học kinh nghiệm : Hợp đồng thuê tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, còn bên thuê phải trả tiền thuê (Điều 480 Bộ luật dân sự năm 2005, Điều 472 Bộ luật dân sự năm 2015). Ở đây, hợp đồng thuê chỉ tồn tại một thời hạn và, khi kết thúc hợp đồng thuê, bên thuê phải hoàn trả tài sản thuê. Vấn đề đặt ra là bên thuê phải trả tài sản thuê ở thời điểm nào khi hợp đồng thuê chấm dứt (khi hết thời hạn cũng như khi kết thúc trước thời hạn)? Đây luôn là vấn đề khó cho cơ quan tài phán khi giải quyết hệ quả của hợp đồng thuê chấm dứt, nhất là khi đối tượng thuê tài sản là nhà. Trong vụ việc trên, Hội đồng Trọng tài “chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn về việc đơn phương chấm dứt trước thời hạn hợp đồng”. Liên quan đến thời điểm hoàn trả tài sản thuê, Hội đồng Trọng tài xét rằng “nên tạo cho Bị đơn một thời hạn cần thiết để tìm địa điểm mới tiếp tục kinh doanh và bảo đảm quyền lợi của 1.300 học viên đang theo học các lớp nhạc dài hạn do Bị đơn tổ chức. Hội đồng Trọng tài nhận thấy cần có một thời gian đủ dài để các lớp học của Bị đơn không bị gián đoạn đột ngột, tránh những ảnh hưởng không tích cực do sự gián đoạn này có thể mang lại cho các bên thứ ba liên quan. Tính từ thời điểm công bố Phán quyết trọng tài này đến hết thời hạn hợp đồng số 02, thời gian còn lại là 38 tháng. Thời gian để cho Nguyên đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn được Hội đồng Trọng tài, theo ý kiến đa số, tính tròn 20 tháng, áp dụng từ ngày 31/03/2014 đến ngày 30/11/2015”. Từ đó, Hội đồng Trọng tài quyết định “Bị đơn, có thời hạn 18 tháng tính từ ngày công bố Phán quyết trọng tài này để chuẩn bị cho việc tìm địa điểm mới và di dời cơ sở kinh doanh ra khỏi địa điểm. Bị đơn phải bàn giao lại toàn bộ địa điểm trên cho Nguyên đơn chậm nhất vào ngày 31/03/2014”. Việc cho bên thuê một khoảng thời gian nhất định là cần thiết để tìm tài sản thuê thay thế. Do đó, việc tính toán thời gian hoàn trả tài sản thuê cần xem xét đến cả khả năng tìm tài sản thay thế của bên thuê. Việc xác định thời gian hoàn trả cũng cần phải tính toán đến nhu cầu về tài sản của bên cho thuê. Nói cách khác, phải dung hòa lợi ích của hai bên để tìm ra một khoảng thời gian hợp lý và việc làm này cần được tiến hành trên cơ sở Điều 8 Bộ luật dân sự năm 2005 theo đó “việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết, tương thân, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam” (được kế thừa lại tại Điều 7 Bộ luật dân sự năm 2015). Lưu ý thêm là trong giai đoạn tài sản thuê vẫn chưa được hoàn trả, bên cho thuê vẫn phải được đảm bảo quyền lợi như vẫn được nhận tiền thuê tài sản do bên thuê vẫn tiếp tục sử dụng tài sản của bên cho thuê.
#103 | Trách nhiệm trả tiền thuê của bên thuê tài sản
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty T (Nguyên đơn - Bên cho thuê) ký hợp đồng thuê tài sản với Công ty X (Bị đơn - Bên thuê). Bên thuê đã sử dụng tài sản nhưng không thanh toán tiền thuê và Hội đồng Trọng tài ra Phán quyết trọng tài buộc Bên thuê phải thanh toán tiền thuê cho Bên cho thuê. Bài học kinh nghiệm : Quan hệ giữa các Bên là quan hệ thuê tài sản được hình thành từ hợp đồng xác lập năm 2003. Nguyên đơn cho Bị đơn thuê nhà xưởng và các công trình công nghiệp (hệ thống điện, nước, đường nội bộ, tường bao, hệ thống phòng cháy chữa cháy, nhà để xe...) với thời hạn thuê 10 năm tính từ ngày bàn giao với giá thuê là 70.000 USD/1 năm và được thanh toán bằng VNĐ. Trong hợp đồng, các Bên thỏa thuận “Th ời hạn thuê là 10 năm tính từ ngày đối tượng thuê được Bên B bàn giao cho Bên A sử dụng, ch ia thành 02 giai đoạn, mỗi giai đoạn 0 5 năm, ký hợp đồng thuê theo từng giai đoạn” . Thực tế, Bị đơn vẫn sử dụng nhà xưởng và công trình công nghiệp thuê của Nguyên đơn một cách ổn định từ khi nhận tài sản đến khi có tranh chấp. Do một số mâu thuẫn trong nội bộ giữa các thành viên góp vốn trong công ty của Nguyên đơn cho nên đến đầu năm 2012 Nguyên đơn chưa yêu cầu Bị đơn thanh toán tiền thuê nhà xưởng từ năm 2007 đến năm 2012. Trong năm 2012, Nguyên đơn đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu Bị đơn thanh toán tiền thuê nhà xưởng từ năm 2007 đến năm 2012. Câu hỏi đặt ra là Bên thuê có trách nhiệm trả tiền thuê tài sản đối với thời gian đã sử dụng tài sản thuê không? Hội đồng Trọng tài đã theo hướng Bên thuê phải trả tiền thuê cho cả hai giai đoạn nêu trong hợp đồng. Đối với giai đoạn 01 của hợp đồng, theo Hội đồng Trọng tài, “cho dù Bị đơn trình bày rằng việc Bị đơn chưa trả tiền thuê là do lỗi của Nguyên đơn, nhưng một khi Bị đơn đã khẳng định Bị đơn không có ý kiến về tiền thuê trong giai đoạn 01 thì việc Bị đơn chưa trả tiền thuê trong 17 tháng ở giai đoạn nêu trên đã có đủ cơ sở để khẳng định Bị đơn vi phạm hợp đồng và do đó, Bị đơn phải thanh toán cho Nguyên đơn số tiền thuê trong 17 tháng”. Về giai đoạn 02 của hợp đồng, Bị đơn cho rằng Nguyên đơn phải ký hợp đồng cho giai đoạn 02 rồi mới xem xét vấn đề thanh toán tiền thuê của giai đoạn 02 nhưng Hội đồng Trọng tài cho rằng “nếu Bị đơn chỉ muốn ký hợp đồng cho giai đoạn một thì ngay trước khi kết thúc thời hạn hợp đồng của giai đoạn 01 vào tháng 02/2009, Bị đơn cần phải thông báo và thỏa thuận lại với Nguyên đơn về việc ký hợp đồng giai đoạn 02 nhưng Bị đơn, tuy đã cố gắng tìm cách liên lạc, song đã không nỗ lực hết sức để đạt kết quả đó. Trong khi đó trên thực tế, Bị đơn vẫn sử dụng công trình thuê từ ngày được bàn giao cho đến hiện nay. Điều này có thể hiểu rằng Bị đơn vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng”. Vẫn theo Hội đồng Trọng tài, “căn cứ vào các hồ sơ, tài liệu và chứng cứ liên quan tới vụ việc được Nguyên đơn và Bị đơn cung cấp và qua trình bày, tranh luận của các Bên tại phiên họp giải quyết vụ tranh chấp, Hội đồng Trọng tài không thấy có bất cứ chứng cứ nào quy định rằng Nguyên đơn sẽ không được Bị đơn trả tiền thuê nếu hợp đồng cho giai đoạn 02 chưa được ký kết. Ngoài ra, trong Công văn số 03/XT-TTTTVN của Bị đơn đề ngày 04/10/2013 gửi VIAC, Bị đơn đã giải thích rằng mục đích của việc đề xuất 05 năm ký hợp đồng một lần là để có quá trình tìm hiểu thị trường Việt Nam, tìm hiểu tình hình sản xuất kinh doanh xem có thể ký tiếp hợp đồng cho 05 năm tiếp theo không và kiểm soát việc điều chỉnh tăng giá cho thuê. Trong thực tế giá thuê không tăng cho đến tận bây giờ. Do đó, Hội đồng Trọng tài cho rằng chưa có đủ cơ sở để cho rằng Nguyên đơn không có quyền đòi tiền thuê của giai đoạn 02 cũng như chưa có đủ cơ sở để Bị đơn được miễn nghĩa vụ thanh toán tiền thuê trong giai đoạn 02”. Như vậy, Bên thuê tài sản phải trả tiền thuê một khi đã sử dụng tài sản thuê cho dù các Bên chưa ký lại hợp đồng cho giai đoạn 02. Hướng giải quyết của Hội đồng Trọng tài là thuyết phục. Đối với giai đoạn 01, hướng giải quyết này không có khó khăn gì vì, theo Bộ luật dân sự, “bên thuê phải trả tiền thuê” (Điều 480 Bộ luật dân sự năm 2005, Điều 472 Bộ luật dân sự năm 2015). Đối với giai đoạn 02, khó khăn phát sinh từ việc các Bên thỏa thuận “ ký hợp đồng thuê theo từng giai đoạn ” nhưng các Bên chưa ký hợp đồng cho giai đoạn 02 và Bên thuê vẫn tiếp tục sử dụng ổn định tài sản thuê. Trong trường hợp này, chúng ta có thể hiểu các Bên vẫn tiếp tục duy trì quan hệ thuê tài sản. Do đó, theo quy định trên, bên thuê phải trả tiền thuê như Hội đồng Trọng tài đã phán xét.
#102 | Xử lý đặt cọc theo ý chí của bên mua khi bên bán không giao hàng
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty Séc (Nguyên đơn - Bên mua) ký hợp đồng mua bán với Công ty Việt Nam (Bị đơn - Bên bán). Trong hợp đồng có thỏa thuận đặt cọc và Bên bán không giao hàng nên Hội đồng Trọng tài đã buộc Bên bán hoàn trả tiền cọc cho Bên mua. Bài học kinh nghiệm : Trong hợp đồng mua bán hàng hóa, chúng ta thường xuyên gặp trường hợp Bên mua thỏa thuận giao cho Bên bán một khoản tiền và khẳng định là tiền đặt cọc. Trong trường hợp Bên bán không giao hàng thì có phải chịu phạt cọc không? Ở vụ việc trên, các Bên thỏa thuận thanh toán 100% bằng TTR, trong đó 20% trị giá hợp đồng (tương đương 10.000 USD) được Bên mua (Nguyên đơn) đặt cọc vào tài khoản của Bên bán (Bị đơn) khi ký hợp đồng và 80% trị giá hợp đồng (tương đương 37.000 USD) sẽ được thanh toán ngay khi nhận được bộ chứng từ gốc qua scan chậm nhất 10 ngày sau ngày của B/L. Thực tế, Bên mua đã chuyển vào tài khoản của Bên bán khoản tiền đặt cọc trên nhưng Bên bán không giao hàng cho dù Bên mua thúc giục nhiều lần. Trên cơ sở yêu cầu của Bên mua buộc Bên bán hoàn trả tiền cọc, Hội đồng Trọng tài đã xét rằng “thực tế Bị đơn đã không thực hiện nghĩa vụ giao hàng theo hợp đồng và Nguyên đơn đã nhiều lần yêu cầu Bị đơn hoàn trả số tiền Nguyên đơn đã đặt cọc nhưng Bị đơn không trả; căn cứ khoản 2 Điều 358 Bộ luật dân sự năm 2005, Hội đồng Trọng tài thấy rằng yêu cầu này của Nguyên đơn là có căn cứ pháp luật”. Từ đó, Hội đồng Trọng tài quyết định “Buộc Bị đơn hoàn trả cho Nguyên đơn 10.000 USD (bằng chữ: mười ngàn đô la Mỹ) mà Nguyên đơn đã đặt cọc cho Bị đơn”. Theo Điều 358 Bộ luật dân sự năm 2005, Điều 328 Bộ luật dân sự năm 2015, “nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Trong vụ việc trên, Bên mua đã nhận cọc nhưng từ chối thực hiện hợp đồng nên phải xử lý đặt cọc. Về cách thức xử lý đặt cọc, Bộ luật dân sự đưa ra hai hướng giải quyết: thứ nhất , xử lý theo thỏa thuận của các bên; thứ hai , nếu không có thỏa thuận, bên từ chối thực hiện hợp đồng “phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc”. Ở đây, các Bên chỉ thỏa thuận “trong trường hợp Bên mua không muốn mua sản phẩm với bất kỳ lý do gì, tiền đặt cọc sẽ không được trả lại” mà không đề cập đến trường hợp Bên bán không giao hàng. Vì vậy, theo Bộ luật dân sự, Bên mua được nhận lại tiền cọc và buộc Bên bán phải trả một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc. Thực tế, Bên mua chỉ yêu cầu hoàn trả tiền cọc mà không yêu cầu Bên bán phải trả một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc. Yêu cầu này có lợi cho Bên bán và đã được Hội đồng Trọng tài chấp nhận. Ở đây, Bên mua đã tự định đoạt về quyền lợi của mình và việc định đoạt này có lợi cho Bên bán nên được chấp nhận. Qua đây, doanh nghiệp tham gia đặt cọc cho việc mua bán hàng hóa cần lưu ý rằng họ không chỉ được yêu cầu bên bán trả cho bên mua tài sản đặt cọc mà còn được yêu cầu bên bán thanh toán một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc. Tuy nhiên, nếu bên mua chỉ yêu cầu hoàn trả tài sản đặt cọc thì cũng được chấp nhận vì đây là sự định đoạt của bên mua có lợi cho bên bán như chúng ta đã thấy trong vụ việc trên.
#101 | Xử lý đặt cọc theo pháp luật khi bên bán không giao hàng
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty Thái Lan (Nguyên đơn - Bên mua) ký hợp đồng mua bán với Công ty Việt Nam (Bị đơn - Bên bán). Bên mua đã đặt cọc nhưng Bên bán không giao hàng và hoàn trả một phần tiền cọc. Theo yêu cầu của Bên mua, Hội đồng Trọng tài xác định Bên bán hoàn trả tiền đặt cọc còn thiếu và chịu phạt một khoản tiền tương đương với tiền đặt cọc. Bài học kinh nghiệm : Trong hợp đồng mua bán hàng hóa, chúng ta thường xuyên gặp trường hợp Bên mua thỏa thuận giao cho Bên bán một khoản tiền và khẳng định là tiền đặt cọc. Đây là đặt cọc để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa. Trong trường hợp Bên bán không giao hàng thì phải xử lý vấn đề đặt cọc như thế nào theo quy định của pháp luật? Ở vụ việc trên, Bị đơn đã vi phạm hợp đồng bằng việc không thực hiện nghĩa vụ giao hàng. Do Bị đơn đã không giao hàng theo đúng thời gian đã quy định trong hợp đồng nên Nguyên đơn và Bị đơn đã ký Phụ lục hợp đồng, theo đó các Bên thỏa thuận rằng Bị đơn sẽ giao hàng hóa cho Nguyên đơn vào ngày 20/04/2012, nếu vi phạm sẽ phải hoàn trả đầy đủ tiền đặt cọc và bồi thường số tiền bằng 10% tiền đặt cọc. Khi giải quyết tranh chấp, Hội đồng Trọng tài xác định “căn cứ vào giấy Bị đơn chuyển tiền cho Nguyên đơn vào ngày 13/06/2012 và Biên nhận đề ngày 11/04/2013 cho thấy, có đủ cơ sở xác định Bị đơn đã nhận đầy đủ 77.739 USD (do 36 USD đã bị khấu trừ cho dịch vụ ngân hàng) từ Nguyên đơn. Vì đã nhận tiền đặt cọc nhưng không giao hàng nên Bị đơn mới hoàn trả lại một phần tiền đặt cọc vào các ngày nêu trên. Ngoài ra, tại Biên nhận đề ngày 11/04/2013, Bị đơn còn nêu rõ số tiền 2.000 USD mà Bị đơn đưa cho Nguyên đơn là để thanh toán một phần khoản tiền đặt cọc 57.739 USD mà Công ty TNHH Thương mại Đ còn nợ theo hợp đồng mua bán hàng hóa số 01CF-DH/2012 ”. Sau khi viện dẫn Khoản 2 Điều 358 Bộ luật dân sự năm 2005 có nội dung nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác , Hội đồng Trọng tài xét rằng “dù hai Bên thỏa thuận 10% tính trên Tiền đặt cọc là khoản bồi thường dịch theo nghĩa của từ “compensated” nhưng Hội đồng Trọng tài cho rằng đây được xem là một khoản tiền phạt cọc mà Bị đơn phải thanh toán cho Nguyên đơn do đã không thực hiện hợp đồng như quy định tại Khoản 2 Điều 358 của Bộ luật dân sự năm 2005. Do đó, Hội đồng Trọng tài cho rằng Bị đơn ngoài việc phải hoàn trả khoản tiền đặt cọc còn thiếu là 55.774 USD còn phải thanh toán khoản tiền 7.774 USD cho Nguyên đơn như thỏa thuận tại Phụ lục hợp đồng”. Ở đây, Hội đồng Trọng tài đã theo hướng các Bên có thỏa thuận đặt cọc và buộc Bên bán (Bị đơn) hoàn trả tiền cọc (đã trả một phần nên phải trả tiếp phần còn thiếu) đồng thời phải thanh toán một khoản tương đương với khoản tiền cọc đã giao nhận. Trong vụ việc này, có sự đan xen giữa thỏa thuận của các Bên và quy định của pháp luật về phạt cọc đối với bên nhận đặt cọc. Thực ra, thỏa thuận của các Bên không khác nội dung quy định của pháp luật (theo đó “nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc”) nên không có nhiều ý nghĩa. Quy định vừa nêu đưa ra hướng giải quyết và Bộ luật dân sự cho các Bên thỏa thuận khác nên nếu các Bên thỏa thuận giống như quy định của pháp luật thì đây không thực sự là thỏa thuận khác mà chỉ là áp dụng thuần túy quy định của pháp luật. *Tuyên bố bảo lưu: Bài viết được đăng tải với mục tiêu cung cấp thông tin có giá trị tham khảo đối với các Trọng tài viên, các bên tranh chấp, những người tham gia tố tụng trọng tài cũng như những người đang nghiên cứu và tìm hiểu về phương thức trọng tài thương mại và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến một phần hoặc toàn bộ nội dung tại bài viết này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận.
#100 | Tiền giao nhận là tiền trả trước nên không áp dụng đặt cọc
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty S (Nguyên đơn) ký hợp đồng dịch vụ với Công ty N (Bị đơn). Thực tế, Nguyên đơn đã chuyển cho Bị đơn một khoản tiền (bằng 50% giá trị hợp đồng dịch vụ). Sau đó các Bên có tranh chấp và bất đồng với nhau về bản chất của khoản tiền này. Về phía mình, Hội đồng Trọng tài xác định khoản tiền giao nhận “được coi là tiền trả trước và không phải là tiền cọc”. Bài học kinh nghiệm : Trong hoạt động thương mại, chúng ta thường xuyên gặp trường hợp, ngay sau khi giao kết hợp đồng, một bên giao cho bên kia một khoản tiền. Sau đó các bên có bất đồng quan điểm về bản chất của quan hệ giao tiền. Thường thì bên giao tiền coi đây là đặt cọc (như trong vụ việc trên Nguyên đơn coi là tiền cọc) và bên nhận tiền không coi đây là đặt cọc mà chỉ coi là tiền trả trước (như trong vụ việc trên, Bị đơn cho rằng giữa các bên “không có bất kỳ khoản tiền nào được gọi là tiền cọc”). Việc xác định bản chất quan hệ nêu trên kéo theo hệ quả pháp lý khác nhau. Chẳng hạn, nếu bên nhận tiền không thực hiện đúng hợp đồng và đây chỉ là tiền trả trước thì bên nhận tiền phải hoàn trả tiền đã nhận (và không chịu phạt cọc từ việc nhận khoản tiền này). Ngược lại, trong trường hợp đây là tiền đặt cọc, Điều 358 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 328 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Về tiêu chí xác định khoản tiền giao nhận là “tiền cọc” hay “tiền trả trước”, Bộ luật dân sự năm 2005 không rõ ràng nhưng Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 quy định tại Điều 29 rằng “trường hợp một bên trong hợp đồng giao cho bên kia một khoản tiền mà các bên không xác định rõ là tiền đặt cọc hoặc tiền trả trước thì số tiền này được coi là tiền trả trước”. Ở đây, nếu các bên “không xác định rõ là tiền đặt cọc” thì đây được coi là tiền trả trước nhưng khái niệm “không xác định rõ là tiền đặt cọc” lại không rõ vì một thứ có thể “rõ” với người này nhưng lại “không rõ” với người khác. Trong vụ việc trên, hợp đồng có đoạn “Trường hợp dự án không thể thực hiện đúng vào ngày 31/12/2014 (…), bên A sẽ không thanh toán bất kỳ chi phí dịch vụ nào trong điều khoản thanh toán cho bên B và bên B phải hoàn trả lại 50% giá trị hợp đồng tiền đặt cọc mà bên A đã thanh toán cho bên B sau khi ký hợp đồng”. Ở đoạn này, chúng ta thấy các bên dùng từ “tiền đặt cọc” và Nguyên đơn theo hướng đây là đặt cọc còn Bị đơn theo hướng đây không là đặt cọc. Về phía mình, Hội đồng Trọng tài xác định “về bản chất, việc Nguyên đơn chuyển cho Bị đơn tiền không phải là nhằm bảo đảm giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự” và “các Bên không đặt ra cơ chế xử lý tiền cọc, bồi hoàn gấp đôi tiền cọc theo khoản 2 Điều 358 của Bộ luật dân sự năm 2005, mà chỉ đề ra thu hồi lại số tiền thanh toán trước do Bị đơn chưa thực hiện đúng nội dung hợp đồng”. Từ đó, Hội đồng Trọng tài xác định số tiền trên “được coi là tiền trả trước mà không phải là tiền cọc”. Đặt cọc được xác lập sau khi hợp đồng được giao kết thì chỉ “để bảo đảm thực hiện hợp đồng”. Để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng thì việc đặt cọc này phải có nội hàm hướng bên nhận tài sản tới việc thực hiện hợp đồng, tức phải có nội dung “răn đe” để bên nhận thực hiện hợp đồng. Sự răn đe này có thể được nêu trong thỏa thuận và trong trường hợp không có thỏa thuận thì pháp luật đã có quy định như khoản 2 Điều 358 Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 2 Điều 328 Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định “nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Do đó, đôi khi các bên chỉ xác định là “tiền đặt cọc” và không nói về sự răn đe thì Tòa án vẫn coi là đặt cọc (vì sự răn đe đã được luật hóa nếu không có thỏa thuận khác) [1] . Trong vụ việc trên, các bên đã nêu là “tiền đặt cọc” nhưng tại sao Hội đồng Trọng tài lại không coi là đặt cọc? Thực ra, ngoài việc nêu “tiền đặt cọc”, các bên còn thể hiện tại đoạn trên của hợp đồng rằng khi bên B (Bị đơn) không thực hiện đúng hợp đồng thì “bên B phải hoàn trả lại 50% giá trị hợp đồng tiền đặt cọc”. Cơ chế xử lý theo ý chí của các bên như vừa nêu không thể hiện tính “răn đe” đối với B vì, khi không thực hiện đúng hợp đồng, bên nhận tiền chỉ phải hoàn trả lại 50% giá trị hợp đồng tiền đặt cọc. Chính yếu tố vừa nêu đã loại trừ bản chất “đặt cọc” của khoản tiền giao nhận cho dù trong hợp đồng có từ “đặt cọc” (đối với Bên B). Ở đây, nếu các bên chỉ nêu “đặt cọc” và không có đoạn bổ sung nêu trên, chúng ta coi là đặt cọc (và áp dụng quy định mang tính răn đe theo Bộ luật dân sự như đã trình bày ở trên). Tuy nhiên, do các bên thỏa thuận thêm theo hướng khác làm triệt tiêu sự răn đe nên khoản tiền này không được coi là đặt cọc. Do đó, để không phiền phức về khoản tiền mà các doanh nghiệp đã giao nhận, nếu các bên coi đây là đặt cọc thì nên nói rõ là đặt cọc và không có nội dung loại trừ tính chất răn đe của việc giao nhận tiền. Ngược lại, nếu các bên không coi đây là tiền đặt cọc thì không nên sử dụng từ “đặt cọc” và nêu rõ là tiền trả trước để không gây khó khăn trong quá trình thực hiện hợp đồng như vụ việc nêu trên đã thể hiện. [1] Về chủ đề này tại Tòa án, xem Đỗ Văn Đại, Luật nghĩa vụ và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ - Bản án và bình luận bản án , Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam 2017 (tái bản lần thứ ba), Bản án số 186 - 189.
#099 | Tiền giao nhận là tiền đặt cọc nên áp dụng quy định về đặt cọc
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty N (Nguyên đơn - Bên cho thuê) và Công ty Y (Bị đơn - Bên thuê) ký hợp đồng thuê lại đất dài hạn. Sau khi ký hợp đồng, Bên thuê đã chuyển cho Bên cho thuê 2.283.090.459 VND. Do một số lý do, Bên cho thuê chấm dứt hợp đồng thuê và các bên tranh chấp với nhau về khoản tiền đã giao nhận. Cuối cùng, Hội đồng Trọng tài xác định trong số tiền nêu trên có tiền đặt cọc nên đã áp dụng quy định tương ứng của đặt cọc. Bài học kinh nghiệm : Trong vụ việc trên, Bên cho thuê (Nguyên đơn) cho rằng toàn bộ số tiền trên là tiền thanh toán hợp đồng còn Bên thuê (Bị đơn) cho rằng trong số tiền trên có 1.476.051.915 VND (tương đương với 93.795 USD) là tiền đặt cọc nên khi Bên cho thuê chấm dứt hợp đồng thì phải áp dụng các quy định của đặt cọc. Việc xác định khoản tiền trên là tiền đặt cọc hay không có hệ quả pháp lý rất quan trọng. Nếu là tiền đặt cọc thì khi bên nhận cọc (Bên cho thuê) không tiếp tục thực hiện hợp đồng, bên nhận cọc phải hoàn trả số tiền này đồng thời phải chịu phạt một khoản tiền tương đương trên cơ sở khoản 2 Điều 358 Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 2 Điều 328 Bộ luật dân sự năm 2015 theo đó “nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Còn nếu không là tiền cọc mà chỉ là tiền thanh toán bình thường của hợp đồng, Bên cho thuê chỉ phải hoàn trả khoản tiền trên (có thể cấn trừ với các nghĩa vụ cùng loại khác) và không phải chịu phạt một khoản tiền tương đương khi Bên cho thuê từ chối tiếp tục thực hiện hợp đồng. Về phía mình, Hội đồng Trọng tài xác định “khoản tiền 1.476.051.915 VND tương đương 93.795 USD là khoản tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện hợp đồng”. Từ đó, Hội đồng Trọng tài theo hướng “do giữa các Bên không có thỏa thuận nào khác liên quan tới việc trả lại tiền cọc, Hội đồng Trọng tài nhận thấy Nguyên đơn cần phải trả lại khoản đặt cọc và trả thêm một khoản tiền tương đương với khoản tiền đặt cọc nữa cho Bị đơn”. Như vậy, Hội đồng Trọng tài xác định trong khoản tiền trên có tiền 1.476.051.915 VND tương đương 93.795 USD là khoản tiền đặt cọc nên kéo theo hệ quả của việc đặt cọc. Để đạt được kết quả trên, Hội đồng Trọng tài dựa vào các yếu tố sau: thứ nhất , đã có việc chuyển khoản tiền trên từ Bên thuê sang Bên cho thuê sau khi hợp đồng được ký kết; thứ hai , trong hợp đồng, các Bên đã thỏa thuận “Để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng thuê lại đất này, Bên B đã đặt cọc 15% tổng số tiền thuê lại diện tích đất 37.000 m 2 cho Bên A, cụ thể là 93.795 USD. Số tiền đặt cọc này sẽ được khấu trừ vào tiền thuê lại đất”. Trong hoạt động thương mại, chúng ta thường xuyên gặp trường hợp như trên (ngay sau khi giao kết hợp đồng, một bên giao cho bên kia một khoản tiền). Sau đó các bên có bất đồng quan điểm về bản chất của quan hệ giao tiền. Thường thì bên giao tiền coi đây là đặt cọc (như trong vụ việc trên, Bị đơn coi là tiền cọc) và bên nhận tiền không coi đây là đặt cọc mà chỉ coi là tiền thanh toán hợp đồng (như trong vụ việc trên, Nguyên đơn cho rằng chỉ là khoản tiền thanh toán). Theo khoản 1 Điều 358 Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 1 Điều 328 Bộ luật dân sự năm 2015, “đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự”. Để có đặt cọc, chúng ta phải có việc giao tài sản giữa các bên (giao thực tế như chuyển tiền từ bên này sang bên kia hoặc giao pháp lý như A nợ B một khoản tiền từ quan hệ trước và sau đó B và A thỏa thuận khoản tiền này là tiền đặt cọc cho quan hệ hợp đồng khác) và việc giao tài sản này là để bảo đảm việc giao kết hay thực hiện hợp đồng. Ở đây, đã có việc giao tài sản nên đã đáp ứng được điều kiện thứ nhất. Còn về mục đích của việc giao tài sản, hợp đồng đã thể hiện rất rõ là “để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng”. Do đó, việc Hội đồng Trọng tài xác định có quan hệ đặt cọc là phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2005. Thực tế, loại tranh chấp như trong vụ việc trên rất phổ biến và đôi khi cơ quan tài phán xác định có quan hệ đặt cọc nhưng đôi khi lại xác định không có quan hệ đặt cọc. Về chủ đề này, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 quy định tại Điều 29 rằng “trường hợp một bên trong hợp đồng giao cho bên kia một khoản tiền mà các bên không xác định rõ là tiền đặt cọc hoặc tiền trả trước thì số tiền này được coi là tiền trả trước”. Điều đó có nghĩa là nguy cơ coi khoản tiền giao nhận không là đặt cọc khá cao nếu các bên không rõ về mục đích của việc giao nhận tiền. Do đó, rút kinh nghiệm từ vụ việc trên, doanh nghiệp nên thận trọng về khoản tiền giao nhận: Nếu xác định đây là tiền đặt cọc thì cần nêu rõ mục đích của việc giao nhận là để đảm bảo việc giao kết/thực hiện hợp đồng như các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng trong vụ việc được phân tích.