Giá trị pháp lý của Thỏa thuận trọng tài

10/30/2019

Thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là nền tảng cho trọng tài quốc tế, nó ghi nhận sự đồng thuận của các bên trong việc đưa vụ tranh chấp ra trọng tài – sự đồng thuận này là không thể thiếu trong bất cứ quá trình giải quyết tranh chấp ngoài tòa án nào. Trong pháp luật quốc tế, để một thỏa thuận trọng tài có hiệu lực pháp lý, cần phải lưu ý tới ba điều kiện sau đây:

Giá trị pháp lý về hình thức - phải bằng văn bản

Tất cả các công ước về trọng tài đã được đề cập đến cũng như Phương án 1 của Luật Mẫu đều yêu cầu rằng một thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cần phải được lập “bằng văn bản” – Lý do cần có yêu cầu này là quá rõ ràng, bởi một thỏa thuận trọng tài hợp lệ sẽ loại trừ thẩm quyền của tòa án quốc gia, hay nói cách khác, mọi tranh chấp giữa các bên sẽ phải giải quyết thông qua một phương thức tài phán tư – trọng tài.

Điều II(2) của Công ước New York định nghĩa yêu cầu phải “bằng văn bản” như sau: “thuật ngữ “thỏa thuận bằng văn bản” bao gồm một điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc một thỏa thuận trọng tài được các bên ký kết hoặc được ghi trong thư tín trao đổi”. Yêu cầu về chữ ký của các bên đã gây ra nhiều vấn đề tại một số quốc gia nhưng quan điểm chung vẫn là không cần đến chữ ký nếu thỏa thuận trọng tài được lập bằng văn bản.  

Hiện nay, quy định về hình thức “bằng văn bản” của thỏa thuận trọng tài đang có xu hướng được hiểu theo nghĩa rất rộng do cuộc cách mạng về phương thức liên lạc thông qua điện tín, email v.v...

Ví dụ Luật Mẫu sửa đổi quy định về hình thức thỏa thuận trọng tài “bằng văn bản” như sau:

Điều 7, Phương án 1:

(3) Một thỏa thuận được coi là bằng văn bản nếu nội dung của nó được ghi chép lại bằng bất cứ hình thức nào, dù thỏa thuận trọng tài hoặc hợp đồng đó được xác lập bằng lời nói, bằng hành động, hoặc bằng bất cứ phương thức nào khác.

(4) Yêu cầu được lập bằng văn bản đối với một thỏa thuận trọng tài được lập bằng phương tiện liên lạc điện tử sẽ được coi là đã được đáp ứng nếu thông tin trong đó có thể truy cập được và sau đó có thể sử dụng để dẫn chiếu; “phương thức liên lạc điện tử” nghĩa là bất cứ phương thức liên lạc nào mà các bên tạo ra bởi các hình thức tin nhắn dữ liệu; “tin nhắn dữ liệu” nghĩa là thông tin được tạo ra, gửi, nhận hoặc dược lưu trữ bởi các phương tiện điện tử, từ tính, quang học hoặc các phương thức khác tương tự, bao gồm nhưng không giới hạn bởi trao đổi dữ liệu điện tử (EDI), thư điện tử, điện tín, telex hoặc fax.

(5) Một thỏa thuận trọng tài cũng được coi là văn bản nếu như thỏa thuận đó có được bao gồm trong việc trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ, mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.

(6) Sự dẫn chiếu đến bất cứ văn bản nào khác bao gồm điều khoản trọng tài trong hợp đồng sẽ tạo nên một thỏa thuận trọng tài bằng văn bản nếu như sự dẫn chiếu đó làm cho điều khoản đó trở thành một phần của hợp đồng.

Phương án 2 tại Điều 7 phản ánh quan điểm mới nhất trong một số hệ thống pháp luật rằng thỏa thuận trọng tài không phải tuân thủ bất cứ yêu cầu nào về hình thức. Phương án này không yêu cầu thỏa thuận trọng tài phải bằng văn bản mà chỉ quy định có thể đưa ra “một thỏa thuận giữa các bên về giải quyết toàn bộ hoặc một số tranh chấp nhất định bằng trọng tài”. Tuy nhiên, vẫn cần phải cẩn trọng bởi lẽ vẫn có những trường hợp Tòa án từ chối cho thi hành thỏa thuận trọng tài không bằng văn bản. Điều này còn phải tùy thuộc vào luật quốc gia nơi thi hành phán quyết trọng tài quy định như thế nào về hình thức thỏa thuận trọng tài.

Luật Trọng tài thương mại 2010 của Việt Nam (Luật TTTM) cũng có quy định hình thức của thỏa thuận trọng tài phải được lập bằng văn bản, có thể ở dạng một điều khoản trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Quy định này đã tiếp thu những cải tiến trong Luật Mẫu so với quy định về hình thức thỏa thuận trọng tài tại Công ước New York 1958, Điều 16 Khoản 2 Luật TTTM 2010 đã liệt kê cụ thể các hình thức thỏa thuận được coi là xác lập bằng văn bản và đây là quy định rất quan trọng và phù hợp với thực tiễn, trong bối cảnh công nghệ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng và hình thức văn bản truyền thống đã trở nên quá xa vời.

Một quan hệ pháp luật xác định

Hầu hết các vụ kiện trọng tài quốc tế đều phát sinh từ quan hệ hợp đồng giữa các bên. Tuy nhiên, theo Công ước New York và Luật Mẫu, chỉ cần có một “quan hệ pháp luật xác định” giữa các bên là đủ, bất kể có là quan hệ hợp đồng hay không.

Trong vụ Kaverit Steel Crane Ltd v. Kone Corporation, Kaverit bắt đầu thủ tục tố tụng tại tòa án, cho rằng Kone đã vi phạm một số thỏa thuận li-xăng và phân phối giữa các bên. Điều khoản trọng tài nêu rằng mọi tranh chấp “phát sinh từ hoặc có liên quan tới hợp đồng này” sẽ được giải quyết bằng trọng tài. Tòa án Albert Queen’s Bench Division đã từ chối đề nghị đình chỉ thụ lý vụ án với lập luận rằng một số yêu cầu khởi kiện của Kaverit có bao foomf những vấn đề vượt ngoài phạm vi vi phạm hợp đồng. Tòa án đã tuyên rằng những yêu cầu này là yêu cầu ngoài hợp đồng và do đó nằm ngoài phạm vi của thỏa thuận trọng tài. Tuy nhiên, Tòa phúc thẩm Alberta lại tuyên rằng từ ngữ của điều khoản trọng tài là đủ rộng để đưa vào phạm vi của mình mọi yêu cầu khởi kiện dựa trên sự tồn tại của mối quan hệ hợp đồng, kể cả khi đó là yêu cầu cho vi phạm ngoài hợp đồng.

Một vấn đề có thể được giải quyết bằng trọng tài (arbitrability)

Có thể nói ngay rằng, về nguyên tắc, bất cứ tranh chấp nào cũng có thể được giải quyết bởi một hội đồng trọng tài hoặc một toàn án của quốc gia. Tuy nhiên, có một số loại tranh chấp thuộc lĩnh vực công “không thể được giải quyết bằng trọng tài” mà chỉ dành riêng cho tòa án quốc gia. Luật của các quốc gia thông thường xác lập những lĩnh vực trọng tài trái ngược với lĩnh vực dành cho tòa án địa phương. Mỗi quốc gia tự quyết định các vấn đề có thể hoặc không thể giải quyết bằng trọng tài tùy theo chính sách chính trị, xã hội và kinh tế của các quốc gia.

Nội dung trên được tổng hợp từ Trọng tài Quốc tế (ấn bản lần thứ 6), đoạn 2.13 –2.30, Nigel Blackaby, Constantine Partasides QC & Alan Redfern, Martin Hunter.

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI