Phán quyết trọng tài Việt Nam được quốc tế công nhận

10/30/2019

Ở Việt Nam, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng nâng cao. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2017, nước ta đã thu hút trên 22 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016.

Đối với lĩnh vực trọng tài thương mại (TTTM) các chuyên gia kinh tế, pháp luật đánh giá rằng lĩnh vực này ngày càng được củng cố và phát triển. Các phán quyết của TTTM Việt Nam đã và đang được các nước trong khu vực cũng như trên thế giới công nhận. Minh chứng rõ nhất, cách đây vài tháng một phán quyết của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) được công nhận và cho thi hành tại Thái Lan.

Phán quyết trọng tài Việt Nam được quốc tế công nhận ảnh 1
Phán quyết trọng tài Việt Nam được quốc tế công nhận, mà điển hình là vụ liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu gạo - sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của nước ta. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua nông sản các loại tại một chợ đầu mối ở TPHCM. Ảnh: TRUNG XUÂN

Giải quyết tranh chấp hiệu quả Việt Nam hiện đang là đối tác thương mại của nhiều quốc gia trên thế giới. Các giao dịch thương mại, các hợp đồng mua bán ngoại thương được các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam ký kết hàng ngày. Việc gặp rủi ro kinh doanh với các đối tác quốc tế ngày càng gia tăng buộc doanh nghiệp nước ta cần phải tìm đến một phương thức giải quyết tranh chấp trong nước mà có thể được cưỡng chế thi hành ở nước ngoài để tiết kiệm chi phí pháp lý, chi phí đi lại… Đó chính là phương thức trọng tài thương mại.

Công ước New York năm 1958 của Liên hợp quốc về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài (sau đây gọi tắt là “Công ước”) đã ra đời như là một công cụ quan trọng thúc đẩy giải quyết hiệu quả các tranh chấp thương mại có tính quốc tế. Tính đến tháng 3 năm 2017, Công ước đã có 157 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên, trong đó hầu hết là đối tác thương mại của Việt Nam. Sau khi gia nhập vào ngày 28 tháng 7 năm 1995, Công ước như là bệ đỡ giúp cho Việt Nam phát triển lĩnh vực giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại trong nước phát triển và góp phần rất lớn trong việc nâng cao công cuộc hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp. Theo quy định tại Công ước, một phán quyết trọng tài được ban hành tại một quốc gia thành viên của Công ước sẽ được quốc gia thành viên khác công nhận và cho thi hành khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Công ước này.

Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài, rất nhiều phán quyết trọng tài của VIAC được công nhận và cho thi hành ở nước ngoài. Vào tháng 7 vừa qua, với sự kiện một phán quyết của VIAC được công nhận và cho thi hành tại Thái Lan đã đạt được một cột mốc quan trọng trên chặng đường hơn 20 năm phát triển, góp phần khẳng định tính hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án này. 

Phán quyết được công nhận tại nước ngoài thông qua bản án của tòa 

Ngày 26/7/2017, vận dụng hiệu quả các quy định của Công ước, Tòa án trí tuệ và thương mại quốc tế Trung ương Thái Lan (sau đây gọi tắt là “Tòa án Thái Lan”) đã ra quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài của VIAC bằng một bản án của chính Tòa án Thái Lan, có hiệu lực buộc doanh nghiệp Thái Lan thua kiện tại VIAC phải thi hành phán quyết trọng tài.

Trước đó, Bên bán (một công ty ở Việt Nam) ký kết hợp đồng mua bán gạo với Bên mua (một công ty ở Thái Lan). Theo hợp đồng, Bên bán sẽ bán cho Bên mua 1.000 tấn gạo, chia thành hai đợt giao hàng kèm với các tiêu chuẩn cụ thể. Bên mua đã chấp nhận mẫu hàng do Bên bán gửi. Sau đó, thời điểm Bên bán đã tiến hành giao gạo theo hợp đồng thì Bên mua thông báo từ chối nhận hàng vì chất lượng không phù hợp theo hợp đồng. Sau khi bị Bên mua nhiều lần từ chối nhận hàng và thanh toán tiền, Bên bán đã khởi kiện Bên mua tại VIAC. Cho rằng hàng hóa là phù hợp với mẫu mà Bên mua đã chấp nhận trước đó, Bên bán yêu cầu Bên mua nhận hàng, thanh toán tiền hàng và bồi thường các thiệt hại xảy ra. Yêu cầu của Bên bán đã được Hội đồng Trọng tài của VIAC chấp nhận bởi một phán quyết trọng tài. 

Có được phán quyết trọng tài từ VIAC, Bên bán đã yêu cầu Tòa án Thái Lan công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài này. Khi xét xử, Tòa án Thái Lan đã xem xét công nhận phán quyết của VIAC theo thủ tục Công ước. Cụ thể, Tòa án Thái Lan tập trung vào xem xét VIAC có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hay không và phán quyết có điều gì mâu thuẫn với vấn đề an ninh chính trị, đạo đức của nhân dân Thái Lan hay không. Sau khi đáp ứng các điều kiện, Tòa án Thái Lan đã ra quyết định yêu cầu Bên mua phải chấp hành phán quyết trọng tài.

Theo bà Lê Thị Lệ Duyên, Trưởng phòng nghiệp vụ Cục Thi hành án dân sự TP.HCM thông tin, để các phán quyết trọng tài thương mại trong nước được thực thi, cần lưu ý một số vấn đề. Chẳng hạn như khi giải quyết, trọng tài viên cần giải thích quy định pháp luật và tạo điều kiện để các bên lựa chọn cách thức thỏa thuận, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên; khuyến khích các bên hợp tác tốt và cung cấp đầy đủ thông tin cho trọng tài thương mại và khi tham gia giải quyết căn cứ Điều 48 Luật Trọng tài thương mại có thể yêu cầu trọng tài thương mại áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời (quy định tại Điều 49 Luật Trọng tài thương mại) để đảm bảo quá trình giải quyết và đảm bảo phán quyết trọng tài được tôn trọng và chấp hành triệt để…

Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký VIAC

Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trọng tài thương mại đến 2020 tại Tp Hồ Chí Minh

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI