Một số lưu ý về việc yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài tại Trung Quốc

01/18/2021
 

Luật sư Bùi Văn Thành

Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt trời mới

Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Cùng với tiến trình Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, sự gia tăng lựa chọn của doanh nghiệp Việt Nam đối với phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, các vụ việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại cũng tăng lên.

Theo thống kê của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), trong năm 2019, VIAC đã thụ lý giải quyết tổng số 274 vụ tranh chấp, trong đó tranh chấp với doanh nghiệp Trung Quốc chiếm nhiều nhất với 17 vụ/43 vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, chiếm 39% số vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên đã tham gia Công ước New York 1958. Theo đó, bên được thi hành trong phán quyết trọng tài nước ngoài, cụ thể là phán quyết trọng tại tuyên tại lãnh thổ Việt Nam, sẽ có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền của Trung Quốc công nhận và thi hành theo pháp luật Trung Quốc. Dưới đây là một số ý kiến trao đổi nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam thực thi có hiệu quả hơn nữa yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài Việt Nam tại Trung Quốc:

Quy định pháp luật liên quan của Trung Quốc:

Ngày 02/12/1986 kỳ họp thứ 18 ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc (Ủy ban thường vụ quốc hội Trung Quốc) đã chính thức phê chuẩn Nghị quyết của Quốc vụ viện Trung Quốc về việc gia nhập “Công ước 1958 của Liên hiệp quốc về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài”. Nghị quyết này tuyên bố: 1. Nước CHND Trung Hoa chỉ áp dụng Công ước đối với việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài của nước tham gia Công ước trên cơ sở có đi có lại; 2. Nước CHND Trung Hoa chỉ áp dụng Công ước đối với các tranh chấp kinh doanh thương mại trong và ngoài hợp đồng đã được pháp luật nước CHND Trung Hoa thừa nhận. Công ước chính thức có hiệu lực tại Trung Quốc từ ngày 22/4/1987.

Tòa án tối cao Trung Quốc đã ban hành Nghị quyết số 5/1987 ngày 10/4/1987 về việc thi hành Công ước về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, bao gồm thẩm quyền, thời hạn yêu cầu thi hành, quy định về việc xem xét việc công nhận và thi hành.

Ngày 09/4/1991 Trung Quốc công bố thi hành Luật tố tụng dân sự, chính thức đưa việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài vào hệ thống tố tụng dân sự. Tại điều 269 quy định: “Phán quyết của tổ chức trọng tài nước ngoài phải được Tòa án nhân dân nước CHND Trung Hoa công nhận và thi hành, phải do đương sự trực tiếp yêu cầu thi hành tại Tòa án nhân dân nơi cư trú của người bị thi hành hoặc nơi có tài sản của người bị thi hành, Tòa án nhân dân thực hiện thụ lý theo Công ước quốc tế mà Trung Quốc ký kết hoặc tham gia, hoặc theo nguyên tắc có đi có lại”.

Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đã ban hành Thông tư số 18/1995 ngày 28/8/1995 hướng dẫn về việc xử lý các vụ việc trọng tài có yếu tố nước ngoài và trọng tài nước ngoài. Thông tư quy định, trường hợp đương sự xin Tòa án nhân dân công nhận và thi hành phán quyết của tổ chức trọng tài nước ngoài, nếu Tòa án nhân dân cho rằng phán quyết của tổ chức trọng tài nước ngoài không phù hợp với quy định của công ước quốc tế mà Trung Quốc tham gia hoặc không phù hợp với nguyên tắc có đi có lại, thì trước khi không cho thi hành hoặc từ chối công nhận và thi hành, phải báo cáo xin ý kiến thẩm tra của Tòa án cấp tỉnh thành phố trực thuộc trung ương (tòa án cấp tỉnh), trường hợp Tòa án cấp tỉnh đồng ý không cho thi hành hoặc từ chối công nhận và thi hành, thì phải báo cáo xin ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao. Sau khi có kết quả nghiên cứu và trả lời của Tòa án nhân dân tối cao, thì tòa án thụ lý giải quyết mới được quyết định không cho thi hành hoặc từ chối công nhận và thi hành.

Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đã ban hành Hướng dẫn số 28/1998 ngày 21/10/1998 về lệ phí công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài và thời hạn thẩm tra.

Điều 62 Luật Trọng tài Trung Quốc quy định, các bên phải thực hiện phán quyết trọng tài. Nếu một bên không thực hiện phán quyết thì bên kia có thể căn cứ quy định có liên quan của Luật tố tụng dân sự yêu cầu tòa án nhân dân thi hành. Tòa án nhân dân có thẩm quyền nhận đơn yêu cầu phải thi hành phán quyết.

Về thẩm quyền thụ lý giải quyết: Theo điều 283 Luật tố tụng dân sự Trung Quốc, việc yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết của tổ chức trọng tài nước ngoài phải do đương sự nộp đơn tại Tòa án huyện, thành phố trực thuộc tỉnh nơi người bị thi hành cư trú hoặc nơi có tài sản, tòa án nhân dân phải thực hiện theo điều ước quốc tế mà Trung Quốc ký kết hoặc tham gia hoặc theo nguyên tắc có đi có lại. 

Lưu ý, căn cứ điều 546 hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về việc thi hành Luật tố tụng dân sự nước CHND Trung Hoa, chỉ có phán quyết trọng tài đã được Tòa án Trung Quốc công nhận mới được yêu cầu Tòa án cho thi hành, vì vậy, việc yêu cầu công nhận và yêu cầu thi hành có thể tiến hành đồng thời hoặc tiến hành riêng. Trường hợp, đương sự chỉ yêu cầu công nhận mà không đồng thời yêu cầu thi hành, thì tòa án chỉ xem xét việc có công nhận hay không phán quyết của tổ chức trọng tài nước ngoài.

Về thời hiệu và quyền hạn: Căn cứ điều 5 Nghị quyết của Tòa án nhân dân tối cao về việc thi hành Công ước về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài và điều 239 Luật tố tụng dân sự, thời gian yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài là hai năm tính từ ngày cuối cùng thời gian thực hiện quy định trong phán quyết trọng tài. Trường hợp phán quyết trọng tài phân giai đoạn thực hiện, thì tính từ ngày cuối cùng thời gian thực hiện của mỗi giai đoạn thực hiện. Việc chấm dứt thời hiệu, tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu thi hành áp dụng quy định pháp luật tố tụng dân sự của Trung Quốc về chấm dứt thời hiệu, tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu.

Căn cứ điều 4 Hướng dẫn số 28/1998 ngày 21/10/1998 của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc về lệ phí công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài và thời hạn thẩm tra, Tòa án thụ lý đơn yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, sẽ có quyết định cho thi hành trong vòng 2 tháng kể từ ngày nhận đơn yêu cầu, trừ trường hợp đặc biệt phải thi hành xong trong vòng 6 tháng kể từ ngày có quyết định. Trường hợp, phán quyết không được công nhận và thi hành, thì phải báo cáo xin ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao trong vòng hai tháng kể từ ngày nhận đơn yêu cầu theo quy định có liên quan của Thông tư số 18/1995 ngày 28/8/1995 về việc xử lý các vụ việc trọng tài có yếu tố nước ngoài và trọng tài nước ngoài.

Căn cứ điều 4 Thông tư của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc hướng dẫn về việc Trung Quốc gia nhập “Công ước về việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài”, thì tòa án nhân dân có thẩm quyền sau khi nhận được đơn của một bên đương sự phải tiến hành việc xem xét yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điều 5 của Công ước New York 1958 thì phải có quyết định công nhận hiệu lực của phán quyết đó, và phải thi hành theo trình tự quy định tố tụng dân sự. Nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 5 của Công ước New York thì phải có quyết định bác đơn yêu cầu công nhận và thi hành. Tòa án Trung Quốc không thẩm tra nội dung của phán quyết trọng tài nước ngoài, tuy nhiên doanh nghiệp cần lưu ý, Tòa án Trung Quốc sẽ không công nhận và thi hành phán quyết trọng tài thuộc một trong những trường hợp sau:

Thứ nhất, người bị thi hành chưa nhận được thông báo thích đáng về việc chỉ định trọng tài viên hoặc trình tự thủ tục trọng tài.

Thứ hai, tranh chấp mà phán quyết trọng tài đã xử lý không thuộc yêu cầu khởi kiện hoặc không thuộc quy định của thỏa thuận trọng tài; hoặc phán quyết trọng tài đã phán quyết những việc ngoài phạm vi thỏa thuận trọng tài (nhưng trường hợp quyết định của yêu cầu giải quyết trọng tài không phân định được với quyết định của những việc không yêu cầu giải quyết trọng tài, thì quyết định giải quyết trọng tài được công nhận và thi hành).

Thứ ba, việc thành lập hội đồng trọng tài và trình tự trọng tài không phù hợp với thỏa thuận trọng tài của các bên đương sự; hoặc đương sự chưa có thỏa thuận trọng tài, nhưng việc thành lập hội đồng trọng tài và trình tự trọng tài không phù hợp với pháp luật nước địa điểm giải quyết trọng tài.

Thứ tư, phán quyết trọng tài không buộc đương sự thi hành, hoặc phán quyết trọng tài đã bị cơ quan chủ quản của nước địa điểm trọng tài hoặc nước luật áp dụng quyết định hủy bỏ hoặc đình chỉ thực hiện.

Các công việc và thủ tục của bên được thi hành phải thực hiện:

(1) Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu công nhận và thi hành Phán quyết trọng tài: (2) Nộp hồ sơ yêu cầu tại tòa án nhân dân có thẩm quyền của Trung Quốc, là nơi có trụ sở chính của bên phải thi hành hoặc nơi có tài sản phải thi hành: (3) Nhận thông báo tạm ứng án phí của tòa án nhân dân có thẩm quyền của Trung Quốc: (4) Nộp tạm ứng án phí; (5) Thực hiện các yêu cầu của tòa án trong toàn bộ quá trình tòa án thụ lý giải quyết đơn yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài; (6) Nhận tiền do bên bị thi hành trả trong trường hợp tòa án có thẩm quyền của Trung Quốc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài, thu được tiền phải thi hành của của bên phải thi hành.

Trong quá trình yêu cầu và thi hành phán quyết trọng tài tại Trung Quốc, doanh nghiệp nên tranh thủ ý kiến tham vấn chuyên sâu của luật sư hoặc trọng tài viên, đảm bảo việc yêu cầu và thi hành được hiệu quả tốt nhất../.

Theo Báo Doanh nghiệp và Hội nhập, ngày 09/11/2020

“Bài viết này chỉ thể hiện những ý kiến và quan điểm của chuyên gia độc lập và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của VIAC hay cơ quan, tổ chức nào.”

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI