Tài trợ của bên thứ ba trong tố tụng trọng tài và tố tụng tòa án trong tranh chấp thương mại (Phần II)

07/28/2022

LS. Châu Huy Quang

Luật sư điều hành Rajah & Tann LCT

Thành viên Tòa Trọng tài ICC tại Việt Nam

Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Quy tắc ICC (2021) của Tòa án Trọng tài quốc tế (ICC)

Quy tắc Tố tụng bổ sung, sửa đổi các ICC (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) bổ sung các quy định mới với nỗ lực duy trì cơ chế trọng tài minh bạch thông qua việc bảo đảm sự độc lập và công bằng của Hội đồng trọng tài. Điển hình như quy định về tiết lộ những thỏa thuận TPF cho Tổng thư ký của ICC, Hội đồng trọng tài và các bên liên quan khác. Điều 11.7 của Quy tắc ICC 2021 quy định:

“Nhằm hỗ trợ các trọng tài viên (sẽ được chỉ định hoặc đã được chỉ định) trong việc tuân thủ nhiệm vụ của trọng tài việc đó tại Điều 11.2 và Điều 11.3, mỗi bên phải nhanh chóng thông báo Ban thư ký, Hội đồng trọng tài và các bên còn lại, sự tồn tại và danh tính của bất kỳ bên không liên quan nào đã xác lập một thỏa thuận về việc hỗ trợ tài chính cho các yêu cầu khởi kiện hoặc các yêu cầu tự bảo vệ và theo thỏa thuận đó, bên không liên quan đó có lợi ích kinh tế liên quan đến kết quả của tố tụng trọng tài”.

Việc thông báo về TPF chỉ giới hạn ở “có hay không có sự tồn tại của TPF” và danh tính của nhà tài trợ TPF. Như vậy, các nội dung về tài chính, quyền và nghĩa vụ của các bên tại thỏa thuận TPF là các nội dung không buộc phải thông báo đến Hội đồng trọng tài và Ban thư ký của ICC. Quy định này bảo đảm tính cân bằng giữa việc tôn trọng sự tồn tại của TPF và sự ảnh hưởng của TPF tới tố tụng trọng tài, cũng như bảo đảm tính bảo mật đối với các vấn đề thương mại giữa các bên trong TPF.

Tiếp cận của Việt Nam đối với mô hình TPF

Tại Việt Nam, cơ chế TPF chưa được ghi nhận tại bất kỳ văn bản pháp luật nào. Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (Bộ luật TTDS), đương sự trong vụ án dân sự bao gồm nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự được hiểu là người không tham gia với tư cách nguyên hay bị đơn trong vụ kiện, những việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Những người liên quan có thể được tham gia tố tụng với tư cách là một bên đương sự, có quyền và nghĩa vụ tố tụng, có thể có yêu cầu độc lập đối với yêu cầu của nguyên đơn hoặc bị đơn trong vụ việc.

Xét về bản chất của cơ chế TPF (đơn thuần như tài trợ cho việc tố tụng kèm theo thỏa thuận về khoản lợi nhuận phân chia theo kết quả phân xử vụ kiện), có thể nhận thấy nhà tài trợ không phải người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng như đối tượng điều chỉnh của Bộ luật TTDS. Pháp luật tố tụng dân sự ghi nhận quyền tự do quyết định và tự định đoạt của đương sự về việc khởi kiện. Việc nguyên đơn nhận tài trợ từ một bên thứ ba để có được hậu thuẫn về tài chính, có điều kiện thuận lợi hơn để theo đuổi vụ kiện nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình có thể được xem là thỏa thuận dân sự giữa nhà tài trợ và bên nhận tài trợ. Thỏa thuận này nằm trong khuôn khổ quyền tự do định đoạt, quyết định việc khởi kiện của bên nhận tài trợ.

Mặc dù pháp luật không có quy định cụ thể nhằm hạn chế một số hiện tượng có thể nhằm hạn chế một số hiện tượng có thể bị xem là hành vi tiêu cực gây ảnh hưởng hoạt động tư pháp, xét xử như “xui nguyên giục bị” phát sinh kiện tụng, khiếu nại kéo dài… Tuy nhiên, Bộ quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam (ban hành ngày 13/12/2019) yêu cầu luật sư có nghĩa vụ khuyến nghị khách hàng tránh việc khiếu nại, tố cáo trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội. Như vậy, nghĩ vụ khuyến nghị nói trên áp dụng cho đối tượng cụ thể là luật sư, áp dụng trong trường hợp luật sư nhận thấy việc khiếu nại tố cáo là trái pháp luật. Do đó, có thể hiểu rằng nghĩa vụ này không ảnh hưởng đến quyền định đoạt tuyệt đối của đương sự, không ngăn cản hay hạn chế việc một bên thứ ba tài cấp tài chính cho đương sự.

Bối cảnh thực thi cam kết quốc tế

Trong bối cảnh hệ thống pháp luật nội địa của Việt Nam chưa có cơ chế pháp lý cho mô hình TPF, tại một số hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên có ghi nhận một số nội dung liên quan đến TPF. Điển hình là Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – châu Âu (EVIPA) – hiệp định thương mại đầu tư đa phương được ký kết nhằm bảo vệ các nhà đầu tư của các nước thuộc Liên minh châu Âu và các khoản đầu tư của họ trên lãnh thổ Việt Nam và ngược lại. Ngoài cam kết về các nguyên tắc cơ bản như nhà đầu tư và các khoản đầu tư phải được đối xử công bằng và bình đẳng, EVIPA cũng quy định các thủ tục giải quyết tranh chấp và giới thiệu về mô hình TPF:

Điều 3.37 – Tài trợ từ bên thứ ba

  1. Đối với tài trợ từ bên thứ ba, bên tranh chấp nhận tài trợ phải thông báo đến bên tranh chấp còn lại và hội đồng cấp sơ thẩm hoặc chủ tịch cấp sơ thẩm, nếu hội đồng cấp sơ thẩm không được thành lập, về sự hiện hữu và bản chất của thỏa thuận tài trợ, tên và địa chỉ của bên thứ ba tài trợ.

  2. Thông báo này phải được gửi cùng lúc với việc nộp đơn khiếu kiện, hoặc khi thỏa thuận tài trợ được ký kết hoặc sự kêu gọi quyên góp hoặc viện trợ không hoàn lại được thực hiện nếu thỏa thuận được ký kết hoặc quyên góp, viện trợ đó được thực hiện sau khi đệ trình khiếu kiện

  3. Khi áp dụng Điều 3.48 (Biện pháp bảo đảm chi phí), cấp sơ thẩm phải xem xét xem có tài trợ từ bên thứ ba không. Khi quyết định chi phí tố tụng căn cứ khoản 4 Điều 3.53 (Phán quyết sơ bộ), cấp sơ thẩm phải xem xét xem các yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có được đáp ứng không.

Tuy nhiên, EVIPA chỉ đưa ra các điều khoản quy định:

  • Nghĩa vụ tiết lộ: về sự tồn tại của TPF trong một vụ việc bất kỳ. Cụ thể, bên nhận tài trợ sẽ có nghĩa vụ gửi thông báo cho chánh án hoặc hội đồng xét xử kèm theo các thông tin xác nhận sự tồn tại của thỏa thuận tài trợ (Chương 3, mục B, tiểu mục 3, Điều 3.37.1, EVIPA).

  • Nội dung cần tiết lộ: (i) xác nhận sự tồn tại và bản chất của thỏa thuận tài trợ; và (ii) tên và địa chỉ của nhà tài trợ.

  • Thời điểm gửi thông báo: thông báo phải được gửi kèm yêu cầu khởi kiện (nếu yêu cầu khởi kiện chưa được gửi đi tại thời điểm ký kết thỏa thuận tài trợ), hoặc gửi ngay sau khi thỏa thuận được ký kết (nếu yêu cầu khởi kiện đã được gửi đi trước đó).

  • Đối với CPTPP, mặc dù không được quy định rõ ràng, tuy nhiên Hiệp định này cho phép các bên thỏa thuận về quy tắc và trung tâm trọng tài nên quy định về TPF có thể sẽ được điều chỉnh căn cứ vào thỏa thuận của các bên.

Ưu điểm: Nhìn chung, việc áp dụng mô hình TPF theo EVIPA có thể đáp ứng được một số nhu cầu thực tế của các bên liên quan như:

  • Cung cấp hỗ trợ về chi phí pháp lý, nhất là trong trường hợp thủ tục tố tụng kéo dài. Nếu bên khởi kiện không có đủ nguồn lực tài chính để theo đuổi vụ kiện đến khi đạt được kết quả chung thẩm, việc nhận các khoản tài trợ TPF có thể là lựa chọn duy nhất mà họ có.

  • Đánh giá đối với khả năng của bên nhận tài trợ; vì các nhà tài trợ quan tâm đến mối tương quan giữa khoản tiền ứng trước cho các chi phí tố tụng, chi phí pháp lý so với khoản tiền có thể được hưởng theo phán quyết, cho nên thông thường các nhà tài trợ sẽ tiến hành đánh giá khả năng thắng kiện của các bên. Quá trình phân tích này thường mất nhiều thời gian vì các nhà tài trợ sẽ tự mình phân tích hoặc thuê các hãng luật tiến hành phân tích vụ việc, phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tài trợ của họ. Trong một số trường hợp, những phân tích và đánh giá này sẽ được nhà tài trợ chủ động tiết lộ cho bên nhận tài trợ như một thành ý trong việc tài trợ. Bên nhận tài trợ có thể sẽ không cần trả phí nhưng vẫn nhận được những thông tin quan trọng, có giá trị và đáng tin cậy này.

Hạn chế: Các quy định điều chỉnh vấn đề liên quan đến TPF ở Việt Nam chưa được xây dựng đầy đủ và vẫn còn những hạn chế nhất định như:

  • Việc thiếu các điều khoản cụ thể quy định và điều chỉnh các vấn đề xoay quanh TPF khiến các bên – bên đối lập của họ trong quá trình tố tụng phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp và tốn kém thời gian để xác nhận thỏa thuận.

  • Do chưa có quy định cụ thể, bên cần nhận tài trợ có thể sẽ phải tự thực hiện thẩm định đối với nhà tài trợ của mình (chẳng hạn đánh giá việc liệu nhà tài trợ có đủ năng lực tài chính để cấp tài chính cho việc theo đuổi vụ kiện) và thương lượng thỏa thuận tài trợ với sự cẩn trọng (vì thỏa thuận tài trợ có thể là cơ sở pháp lý duy nhất điều chỉnh mối quan hệ trong mô hình TPF).

  • Các bên có thể vừa tham gia vào quá trình xử lý tranh chấp, vừa tốn thêm các gánh nặng phát sinh từ nhu cầu tìm kiếm tài trợ, thẩm định năng lực nhà tài trợ, thương thảo với các bên liên quan cũng như các chi phí phát sinh trong quá trình chuẩn bị, thực hiện thỏa thuận tài trợ.

Mô hình TPF ở Việt Nam

Chi phí pháp lý cho các vụ kiện, tranh tụng kéo dài gây trở ngại cho doanh nghiệp trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp pháp lý hữu hiệu khi phát sinh tranh chấp. Việc thiếu các quy định cụ thể về cơ chế TPF sẽ gây trở ngại lớn trong việc áp dụng mô hình này vào thực tế, tăng gánh nặng tài chính cho các đương sự. Để bắt kịp xu hướng quốc tế cũng như đáp ứng nhu cầu của các bên tham gia tranh chấp, việc xây dựng hoàn thiện các quy định liên quan đến TPF trong khoảng thời gian sắp tới là điều rất cần thiết. Việt Nam cần nghiên cứu hoàn thiện quy định để triển khai mô hình TPF tại Việt Nam theo các cách tiếp cận như:

Thứ nhất, cần bổ sung các quy định về nghĩa vụ cụ thể của luật sư (chẳng hạn, luật sư có được kết nối nhà tài trợ cho thân chủ của mình hoặc luật sư có được tiết lộ thông tin của nhà tài trợ hay không) vì luật sư có mối liên hệ chặt chẽ với khách hàng và bên nhận tài trợ.

Thứ hai, quy định về điều kiện đối với nhà tài trợ và bên nhận tài trợ. Mô hình TPF tại Hiệp định EVIPA chỉ quy định nghĩa vụ của các bên khi tồn tại việc nhận tài trợ của bên thứ ba nhưng lại chưa đặt ra các tiêu chuẩn đối với các bên để thực hiện việc tài trợ hoặc nhận tài trợ (ví dụ, luật Singapore quy định các tiêu chí để một bên trở thành nhà tài trợ trong đó điều kiện về mức vốn pháp định), các tiêu chuẩn này cần được cụ thể hóa tương tự các tiêu chuẩn để thành lập công ty (gồn các điều kiện cụ thể, ngành nghề kinh doanh, vốn điều lệ…).

Việc đưa ra các tiêu chuẩn này có thể giúp các bên tránh khỏi một số rủi ro, đặc biệt là giúp bên nhận tài trợ an tâm hơn về khả năng hỗ trợ của nhà tài trợ này cũng như tránh được rủi ro ký kết thỏa thuận với nhà tài trợ không có năng lực thực hiện TPF.

Thứ ba, quy định về cơ quan giám sát TPF: đề xuất này xuất phát từ thực tế là mô hình TPF tại nhiều quốc gia chưa có quy định về cơ quan giám sát. Việc quy định một cơ quan hay phòng ban có chức năng giám sát chuyên biệt có thể giúp Nhà nước quản lý mô hình TPF tốt hơn, đồng thời cơ quan này cũng có cung cấp thông tin hỗ trợ hoặc kết nối các bên có nhu cầu cung cấp và nhận tài trợ.

Thứ tư, cần thiết nội luật hóa một số cam kết quốc tế của Việt Nam theo các hiệp định bảo hộ đầu tư liên quan cơ chế TPF, mà cụ thể là bổ sung, sửa đổi một số đạo luật như Luật Luật sư, Bộ luật TTDS, Luật Trọng tài thương mại và quy tắc tố tụng của các trung tâm trọng tài thương mại như VIAC (chẳng hạn theo hướng tiếp cận của Quy tắc ICC 2021, Điều 11.7). Theo đó, cần bổ sung quy định yêu cầu các bên có nghĩa vụ công bố sự tồn tại của thỏa thuận TPF, đồng thời tiết lộ danh tính của các bên tham gia thỏa thuận TPF, nâng cao tính minh bạch của thỏa thuận này. Luật cũng cần mở rộng thẩm quyền của hội đồng trọng tài, theo đó các biện pháp ngăn chặn xung đột lợi ích có thể phát sinh từ việc một bên thứ ba tham gia của bên tài trợ thông qua việc cấp chi phí tố tụng.

Tuyên bố bảo lưu: Bài viết được đăng tải với mục tiêu cung cấp thông tin có giá trị tham khảo đối với các Trọng tài viên, các bên tranh chấp, những người tham gia tố tụng trọng tài cũng như những người đang nghiên cứu và tìm hiểu về phương thức trọng tài thương mại và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến một phần hoặc toàn bộ nội dung tại bài viết này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận.

Xem thêm: Tài trợ của bên thứ ba trong tố tụng trọng tài và tố tụng tòa án trong tranh chấp thương mại (Phần I)

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI